TÌM HIỂU HIỆU QUẢ DO NHÂN (EX OPERE OPERATO) VÀ DO SỰ (EX OPERE OPERATIS)
Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, các Bí tích chiếm một vai trò hết sức quan trọng. Có thể khẳng định rằng, các Bí tích là những máng thông chuyển ân sủng của Thiên Chúa đến cho con người, là mối giây liên kết giữa Thiên Chúa và con người, nhằm để thánh hóa và làm cho con người ngày càng trở nên giống Chúa Kitô hơn. Vì thế, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định rằng: “Các Bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô, và sau cùng là thờ phương Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những dấu chỉ, các Bí tích còn giữ vai trò giáo huấn nữa. Không những các Bí tích giả thiết phải có đức tin, mà còn dùng lời nói và sự vật để nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin đó. Do đó, được gọi là các Bí tích Ðức Tin. Thực ra các Bí tích ban ân sủng, nhưng việc cử hành các Bí tích còn là việc chuẩn bị các tín hữu đón nhận ân sủng đó một cách hữu hiệu để thờ phượng Chúa đúng cách và để thực thi đức bác ái”(PV,59). Như thế, để được thánh hóa và được trở nên giống Đức Kitô chúng ta cần biết đến nguyên tắc ex opere operato và ex opere operatis, nghĩa là “hiệu quả do sự” và “hiệu quả do nhân”. Để được rõ ràng và sáng tỏ, chúng ta thử áp dụng nguyên tắc đó vào Bí tích Rửa tội cho anh chị em tân tòng.
1. Giải thích nguyên tắc ex opere operato và ex opere operatis[1]
Hiệu quả do sự (ex opere operato) có nghĩa là do chính hành động của Bí tích (chất thể và mô thể), chứ không do tình trạng tâm hồn (thánh thiện hay tội lỗi) của thừa tác viên hay thụ nhân. Khi cử hành các bí tích theo đúng những gì Hội thánh dạy và có ý ngay lành thì thụ nhân được ân sủng của Thiên Chúa nếu không mắc ngăn trở.
Nguyên tắc do nhân (ex opere operatis) có nghĩa là do ý thức, tâm tình và lòng tin của thừa tác viên và của thụ nhân. Biết rằng hiệu quả của bí tích là do sự, nhưng không vì thế mà thừa tác viên cử hành cách máy mốc; hoặc thụ nhân đón nhận cách thụ động. Bởi thế, thái độ cộng tác của con người cách tích cực (đức tin, lòng hoán cải, thái độ nội tâm, cầu nguyện, tĩnh tâm…) sẽ làm cho những ân sủng lãnh nhận nảy sinh được nhiều hoa trái thiêng liêng.
Chính vì thế ngoài yếu tố do sự (ex opere operato), cũng cần quan tâm đến yếu tố do nhân (ex opere operatis) nữa.
2. Thừa tác viên và thụ nhân[2]
Chúng ta biết rằng, việc thành sự của Bí tích không phụ thuộc vào tình trạng chủ quan của thừa tác viên hay thụ nhân. Nhưng để được lãnh nhận ơn ích một cách trọn vẹn thì chắc chắn cũng cần đến tâm tình xứng đáng của thừa tác viên và cả thụ nhân.
a. Thừa tác viên
Cần khẳng định rằng, hiệu lực của Bí tích không lệ thuộc vào con người của thừa tác viên. Theo thánh Augustin, thánh tẩy do người lạc giáo làm vẫn thành sự. Còn thánh Tôma giải thích lý do tại sao lại như vậy. Ngài phân biệt, Chúa Kitô mới là tác viên chính của bí tích, còn người cử hành chỉ là thừa tác viên, nghĩa là một dụng cụ do Chúa Kitô sử dụng. Bởi thế, hiệu lực của bí tích tùy thuộc vào tác viên chứ không do thừa tác viên. Nghĩa là khi thừa tác viên cử hành các bí tích, thì chính Chúa Giêsu hành động với quyền năng Chúa Thánh Thần mà ban ân sủng cho chúng ta.
Đồng thời, tư cách và tâm tình của thừa tác viên khi cử hành bí tích cũng góp phần quan trọng. Mặc dầu ân sủng được ban từ Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng để thông chuyển ân sủng cách trọn vẹn thì thừa tác viên cần có tâm tình và cử hành đúng theo ý của Hội thánh qui định.[3] Vì Bí tích là của Chúa Kitô và của Giáo hội, thừa tác viên là người được Chúa và Giáo hội ban quyền để cử hành Bí tích, nghĩa là nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa và Giáo hội mà cử hành Bí tích. Bởi vậy, khi cử hành thừa tác viên phải có chủ ý và tâm tình tốt lành, nghĩa là cử hành với ý chí và qui hướng về mục đích là làm điều Giáo hội làm.
b. Thụ nhân
Cần khẳng định rằng, các Bí tích chỉ dành cho những người sống chứ không dành cho người đã chết. Đối với thụ nhân, khi lãnh nhận các bí tích đều buộc phải có lòng tin và có ý muốn lãnh nhận. Lòng tin và ước muốn là hai thái độ hết sức cần thiết để giúp thụ nhân nhận lãnh bí tích thành sự, chứ không phải để lãnh nhận cho có kết quả. Để được lãnh nhận cách trọn vẹn, thụ nhân cũng cần có ý hướng ngay lành và yêu mến Thiên Chúa, nghĩa là thụ nhân luôn có một tâm hồn sẵn sàng để gặp gỡ Ba Ngôi Thiên Chúa; nếu thụ nhân đang trong tình trạng tội lỗi, vì lòng yêu mến Chúa, thụ nhân ăn năn sám hội và quyết tâm chừa bỏ những gì đã làm mất lòng Chúa và làm mất lòng tha nhân.
3. Áp dụng vào Bí tích Rửa tội cho anh chị em tân tòng
Bí tích Rửa tội là một trong các Bí tích Khai tâm Kitô giáo, là Bí tích để giúp thụ nhân trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa và Hội thánh. Bí tích Rửa tội là cửa ngỏ để cho thụ nhân bước vào trong đời sống mới, đời sống đức tin, và cũng là bí tích nuôi dưỡng đức tin. Được nuôi dưỡng và sống trong đức tin, nghĩa là được sống trong, sống cùng ân sủng của Thiên Chúa. Bởi vậy, là một người tân tòng, chúng ta phải có bổn phận giúp cho họ hiểu thế nào là ân sủng của Thiên Chúa. Hay nói rõ hơn, chúng ta cần chia sẻ thế nào cho họ hiểu và nhận biết hiệu quả ân sủng của Thiên Chúa ban khi cử hành Bí tích Rửa tội cho họ.
a. Cần chia sẻ cho họ hiểu về “hiệu quả do sự”
Như phần trên, chúng ta đã đề cập đến “hiệu quả do sự” chung cho các bí tích. Hiệu quả do sự nghĩa là do chính hành động của bí tích, chứ không do tình trạng tâm hồn của thừa tác viên hay thụ nhân. Và cử hành đúng theo những gì Hội thánh dạy và có ý ngay lành thì thụ nhân được ân sủng của Thiên Chúa nếu không mắc ngăn trở.
Áp dụng vào Bí tích Rửa tội, chúng ta thấy ngay rằng, khi thụ nhân lãnh nhận Bí tích Rửa tội cũng chính là lúc nhận lãnh ân sủng của Thiên Chúa. Nhưng ân sủng đó do ai ban? Đó là điều mà thụ nhân và nhiều người sẽ thắc mắc. Do thừa tác viên ban ư? Xem ra có vẻ đúng, vì mọi sự tôi thấy thừa tác viên cử hành mà.
Nhưng hoàn toàn không phải thế đâu. Ân sủng là do chính Thiên Chúa ban. Vì thừa tác viên chỉ là công cụ hữu hình Thiên Chúa dùng để cử hành mà thôi. Thừa tác viên cử hành nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa và Giáo hội, chứ không nhân danh cá nhân của thừa tác viên đâu. Ân sủng mà thụ nhân lãnh nhận là do chính hành động của Bí tích, chứ không phải do tình trạng tâm hồn của thừa tác viên. Bí tích là của Chúa Giêsu thiết lập để ban ân sủng và thánh hóa loài người, chứ không phải của thừa tác viên. Chúng ta có thể đưa ra ví dụ rằng: Ông A tặng cho bà B một món quà, nhưng nhờ cháu C mang tới cho bà B. Như vậy, giá trị và ý nghĩa của món quà mà bà B nhận được không nằm ở chổ cháu C mang tới, nhưng giá trị và ý nghĩa nó phát xuất từ hành động yêu thương của ông A. Cháu C chỉ là người trung chuyển và truyền tải món quà, cho dù con người cháu C đó hiền lành hay không hiền lành thì không quan trọng, nhưng quan trọng là cháu C thực hiện đúng như những gì ông A hướng dẫn.
Vì lẽ đó, nếu khi cử hành Bí tích Rửa tội, thừa tác viên chưa chuẩn bị tâm hồn được trong sạch, hay còn mắc tội trọng thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc ban ân sủng của Thiên Chúa, miễn là cử hành đúng nghi thức của Hội thánh dạy(GLHTCG,1256). Nghĩa là người thụ nhân vẫn được hưởng ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa từ Bí tích Rửa tội đã được cử hành đúng nghi thức của Hội thánh và không bị mắc ngăn trở. “Nguồn mạch của Bí tích chính là Ba Ngôi Thiên Chúa, và chỉ có Ba Ngôi Thiên Chúa là Đấng có quyền ban ân sủng, nên nghi thức ban bí tích chỉ là nguyên nhân dụng cụ và pháp lý, để Đức Kitô là nguyên nhân chính ban ân sủng của Ngài cho những ai thành tâm lãnh nhận.”[4] Bởi đó, ân sủng của Bí tích Rửa tội là do chính Thiên Chúa ban chứ không do thừa tác viên.
b. Thứ đến giúp họ hiểu về “hiệu quả do nhân”
Hiệu quả do nhân, nghĩa là do ý thức, tâm tình, lòng thống hối và lòng tin của thừa tác viên và của thụ nhân. Không phải ân sủng được ban từ Ba Ngôi Thiên Chúa mà thừa tác viên và thụ nhân quên đi những điều trên. Bởi vậy, muốn cử hành và lãnh nhận Bí tích Rửa tội cách trọn vẹn, Giáo hội muốn thừa tác viên và thụ nhân phải có tâm tình, thái độ và lòng ước muốn rõ ràng, hay ít nhất là cách tiềm ẩn. Đối với thừa tác viên, ngoài việc phải lo liệu tâm tình bên trong cách sốt sắng và có ý ngay lành, việc lo liệu để cử hành Bí tích Rửa tội cách sùng kính cũng là một điều cần thiết. Việc đó không những thi hành đúng ý muốn của Hội thành, mà còn là gương sáng để đốt lên lòng tin của mọi Kitô hữu khi tham dự vào Bí tích Rửa tội. Điều đó củng nói lên sự kết hiệp của thừa tác viên với Chúa Giêsu Kitô, và cũng nói lên thừa tác viên đang sống trong ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đối với thụ nhân, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội họ phải chuẩn bị ít nhất là hiểu biết về Tình Yêu Thiên Chúa, kế đến phải nói đến lòng sám hối và ước ao được rửa tội, và sau cùng là lòng tin và yêu mến Thiên Chúa. Vì Bí tích Rửa tội là bí tích đức tin (GLHTCG,1253). Có thể lấy ví dụ để minh họa: nếu một người làm nông mà cày xới và chuẩn bị thửa ruộng của mình cách chu đáo, và khi mưa xuống ắt hẵn thửa ruộng của ông ta sẽ tích tụ được nhiều nước và sẽ giúp hoa mầu tươi tốt, sinh nhiều hoa trái. Do đó, muốn hưởng được hoa trai của Bí tích Rửa tội cách hiệu quả, nghĩa là được kín múc ân sủng của Chúa, người thụ nhân phải chuẩn bị cách chu đáo. Công đồng Vaticanô II dạy rằng: Đối với các tín hữu đã được chuẩn bị chu đáo, thì hầu hết mọi biến cố trong đời sống sẽ được thánh hóa nhờ thánh ân xuất phát từ mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô chịu thương khó, chịu chết và sống lại, vì Người là nguồn mạch ban năng lực cho tất cả các Bí Tích và Á Bí Tích. Hầu như không có việc sử dụng của cải vật chất một cách chính đáng nào lại không có thể đưa tới mục đích thánh hóa con người và ca khen Thiên Chúa (PV,61).
c. Hiểu thế nào là Ấn tích
Đối với Hội thánh, ấn tích là dấu chỉ phân biệt người tín hữu với những kẻ chưa rửa tội, người ngoại giáo và giữa các tín hữu, phân chia họ ra nhiều cấp bậc khác nhau. Khi nói đến hiệu quả của Bí tích Rửa tội, chúng ta cũng cần nói cho người tân tòng hiểu về Ấn tích của Bí tích Rửa tội. Giúp cho anh chị em tân tòng hiểu rằng: Ân tích là một dấu ấn thiêng khắc ghi trong linh hồn thụ nhân và không thể tẩy xóa để chỉ cho họ biết họ thuộc về Chúa Kitô. Do đó, Bí tích Rửa tội là Ấn tích của sự sống muôn đời, và chỉ được lãnh nhận một lần mà thôi.[5] Nghĩa là từ khi họ được rửa tội, Ấn tích đó đã chứng thực họ là con Thiên Chúa và thuộc về Chúa Kitô(Xc.1Cr 6,19). Họ đã được ghi dấu đức tin, dấu ấn của Chúa Thánh Thần, nên họ phải trung thành và cố gắng chu toàn với ơn gọi làm con Thiên Chúa. Đồng thời Ấn tích đó là một bảo chứng để mang lại hiệu quả của ơn cứu độ trong ngày cứu chuộc. Họ được trở nên thành phần chính thức của Hội thánh và mang sứ mạng rao giảng, tôn thờ và phục vụ Thiên Chúa nhờ Ấn tích thánh hiến mà họ đã lãnh nhận. “Thế nhưng ấn tín vô hình, làm ta phân biệt được? thật ra, nhờ xác tín ấn tín ghi trong tâm hồn, mỗi người tín hữu thực thi các công tác thích hợp với ân sủng mà họ đã lãnh nhận. như thế, ấn tín giúp ta phân biệt giữa người có đạo với người không có đạo, vì người có đạo, nhờ ấn tín, họ trở thành tế bào của Nhiệm Thể Đức Kitô, được quyền lãnh các bí tích.[6]
4. Kết luận
Trong các phần trình bày ở trên, chúng ta đã thấy được hiệu quả thiết yếu từ hai nguyên tắc (ex opere operato và ex opere operatis). Có thể khẳng định rằng, mọi Bí tích cử hành được thành sự và nên thì phải hội đủ hai nguyên tắc trên. Chúng ta càng thấy rõ hơn khi áp dụng hai nguyên tắc đó vào Bí tích Rửa tội. Nghĩa là khi Bí tích Rửa tội được gọi là thành sự và nên trọn, cũng có nghĩa thừa tác viên và thụ nhân đã thi hành đủ các qui định của Hội thánh dạy khi cử hành. Tóm lại, nguồn mạch ân sủng của Bí tích Rửa tội chính là Ba Ngôi Thiên Chúa, và duy nhất ân sủng chỉ được ban từ quyền năng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Do đó, mọi nghi thức, chất liệu khi cử hành Bí tích Rửa tội và thừa tác viên chỉ là nguyên nhân công cụ mà thôi, còn Đức Kitô mới là nguyên nhân chính để ban ân sủng cho thụ nhân. Nhưng để được cử hành và lãnh nhận Bí tích Rửa tội cách trọn vẹn, thừa tác viên và thụ nhân phải có tâm tình, ý hướng và ước muốn cử hành hay lãnh nhận Bí tích. Nghĩa là thừa tác viên và thụ nhân phải chuẩn bị tâm hồn cách sốt sắng để xứng đáng cử hành và lãnh nhận ân sủng của Thiên Chúa trao ban.
[1] Xc.PHẠM QUỐC VĂN, Từ Cạnh Sườn Bị Đâm Thâu, HV-Đaminh, 2010, tr 26-27; TÂN YÊN, Phụng Vụ Bí Tích,1996, tr 48-49.
[2] Xc.PHẠM QUỐC VĂN, Từ Cạnh Sườn Bị Đâm Thâu, HV-Đaminh, 2010, tr 30-37
[3] Nghĩa là cử hành đúng ý hướng và qui định của Hội thánh, đồng thời dùng những chất liệu đúng với Hội thánh buộc (Xc. GL, điều 850,853-854)
[4] PHẠM QUỐC VĂN, Từ Cạnh Sườn Bị Đâm Thâu, HV-Đaminh, 2010, tr 27
[5] Xc.GLHTCG, 1997, số 1272-1274
[6]Xc. NGUYỄN VĂN TRINH, Bí Tích Rửa Tội, 2002, tr 414-417
NGUỒN: https://songdanhantinh.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment