Saturday, March 30, 2024

ĐEO TANG TRONG NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH?

 


Có 3 lý do được trình bày dưới đây khiến chúng ta phải loại bỏ việc đeo tang trong ngày thứ Sáu Thánh:

I. Thứ nhất, thứ Sáu Thánh không phải là đám tang của Đức Giêsu

Theo văn hóa Việt Nam, tang phục là để thể hiện tình nghĩa, lòng thương xót giữa kẻ mất người còn, diễn tả sự thương tiếc người chết. Do đó, đồ tang phải dùng là vải trắng loại sô, loại xấu để lộ vẻ tiều tụy hay tỏ ý đau đớn. Khi đeo tang trong ngày thứ Sáu Thánh, các tín hữu đang thể hiện tinh thần này đối với Đức Giêsu. Sở dĩ một số giáo xứ đeo tang như vậy là vì họ vẫn muốn giữ tập tục đã có từ xưa theo ý định thích nghi và hội nhập văn hóa của các nhà thừa sai Dòng Tên, đặc biệt là linh mục Alexandre de Rhodes, khi truyền giáo tại Việt Nam. Bấy giờ (thế kỷ XVII), trong mùa Chay và Tuần Thánh, các thừa sai đã tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt hấp dẫn khác nhau cho giáo dân tham dự như: i] Rước tiệc chiên vào thứ Năm Thánh; ii] Thứ Sáu Thánh thì có Rước kiệu bắt, Đọc đoạn, Ngắm đứng, Dâng hạt, Tháo đinh, Táng xác Chúa với việc các tín hữu mặc đồ trắng và đầu chít khăn tang; iii] Viếng hang đá, Hôn chân Chúa, Rước kiệu đi Đàng Thánh giá trọng thể ngoài trời, Ngắm Dấu Đinh trong ngày thứ Bảy Thánh; iv] Chúa nhật Phục sinh thì có kiệu tượng Chúa Phục Sinh và Đức Mẹ…

Thực hành đeo tang và than khóc tại Việt Nam lúc đó xét là phù hợp vì cũng tương đồng với quan niệm về ngày thứ Sáu Thánh ở khắp nơi trong Hội Thánh. Các tín hữu thời bấy giờ đã gọi ngày này là ngày thương khóc, than vãn, thương tiếc và sầu buồn trước cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Bởi thế, trước Công đồng Vatican II, vào thứ Sáu Thánh, tư tế cũng như phó tế mặc phẩm phục đen như trong nghi lễ an táng.[1]

Nhưng nay, tinh thần của ngày thứ Sáu Thánh không còn sắc thái than vãn, u buồn và tang tóc nữa. Trước khi thay đổi lịch phụng vụ diễn ra năm 1969, Tam nhật được gọi là Tam nhật thánh chứ không phải Tam nhật vượt qua. Vượt qua hay Phục sinh chỉ quy chiếu vào Chúa nhật phục sinh mà thôi. Năm 1956, thứ Sáu Thánh có cái tên là “Thứ Sáu của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa”. Đến năm 1969, ngày này mang tên chính thức là “Thứ Sáu của cuộc thương khó Chúa”[2] nhằm phản ánh nội dung phụng vụ là cử hành cuộc Thương khó của Đức Giêsu như được ghi trong Sách lễ của Đức Phaolô VI (1970). Người ta còn đề nghị thứ Sáu Thánh mang một cái tên mới là “Thứ Sáu Phục sinh” vì muốn nhấn mạnh rằng vinh quang phục sinh ẩn dấu trong thánh giá và đang được thể hiện trong chính ngày này. Chính thánh Irênê và Tertunianô đã từng nói về ngày này là ngày Vượt qua (Pasch) theo nghĩa là một vận hành dẫn đến sự sống (x. Ga 12,24).[3]

Thứ Sáu Thánh là ngày tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu nhưng đồng thời lại tưởng niệm và kính mừng sự sống vì không giống như bất kỳ cái chết nào khác trên trần gian, Đức Giêsu đã chỗi dậy từ cõi chết và Ngài là “Đấng Hằng Sống, đã chết, và nay sống đến muôn thuở muôn đời” (Kh 1,18).[4] Đức Giêsu bị giết chết, tưởng rằng đó là một thất bại, nhưng lại là cuộc chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và tử thần. Cho nên, hệ quả là:

          1. Trong thứ Sáu Thánh, chúng ta hân hoan trước chiến thắng của Đức Giêsu, vui mừng tham dự vào cuộc vinh thắng tình yêu của Ngài.[5] Các bản văn phụng vụ và những bài hát để kính thờ thánh giá trong thứ Sáu Thánh đều quy chiếu về phục sinh và bày tỏ cho chúng ta khía cạnh vinh quang và hân hoan của ngày này.[6]

          2. Không nên tách rời cái chết của Đức Giêsura khỏi cuộc phục sinh của Ngài, nhưng luôn coi đó như một thể thống nhất của “mầu nhiệm vượt qua”. Tam nhật Vượt qua phải được coi là một cử hành kéo dài, tức cử hành biến cố phục sinh vĩ đại. Cuộc thương khó của Đức Giêsu chỉ là một phần trong Tam nhật Phục sinh mà điểm kết thúc không phải là cái chết nhưng là sự sống.

Về màu sắc phụng vụ, hôm nay Hội Thánh sử dụng màu đỏ thay cho màu đen. Đây là màu của máu và tử đạo nhằm nói lên rằng Đức Giêsu là vị tử đạo đầu tiên. Ngài đã thực sự chấp nhận cái chết và hiến dâng mạng sống mình vì yêu thương nhân loại và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Màu đỏ cũng là màu của vương quyền như vẫn được thấy trong nghĩ lễ phong vương. Điều này muốn ám chỉ rằng Đức Giêsu bước vào cuộc thương khó ngay từ Chúa nhật Lễ Lá trong tư cách của một vị Vua. Ngài đã được mọi người nhận ra và tung hô là Con vua Đavit và là Vua Itraen (x. Ga 12,13). Vinh quang vương quyền thực sự được chiếu tỏa ngay trong chính cái chết của Ngài và sẽ được mặc khải trọn vẹn vào ngày phục sinh.

Hơn nữa, mặc dù trong và sau cử hành phụng vụ thứ Sáu Thánh, bầu khí cộng đoàn trầm lắng và thinh lặng nhiều (nhà tạm để trống, không có Thánh Thể trong thánh đường, bàn thờ không phủ khăn, không nến và không thánh giá, vị chủ sự và giúp lễ thinh lặng phủ phục ngay từ đầu buổi cử hành…) nhưng hoàn toàn không phải mang sắc thái tang tóc. Trái lại, thứ Sáu Thánh hướng chúng ta tới những hồng ân của Chúa: Ngài đã cứu độ và giải thoát chúng ta. Như trong thời của thánh Augustino, các tín hữu khắp nơi đã gạt bỏ y phục tang tóc trong ngày này để mừng vui trong “chiến tích của thập giá”.

II. Thứ hai, thứ Sáu Thánh làm kiểu mẫu cho nghi lễ an táng chứ không thể ngược lại

Nguyên tắc là hình thức đạo đức phát xuất từ phụng vụ và dẫn đưa dân chúng đến với phụng vụ, vì tự bản chất, phụng vụ vượt xa các việc ấy.[7] Phụng vụ thứ Sáu Thánh giải thích rõ ràng cho chúng ta bằng lời và hành động ý nghĩa căn bản cái chết của Đức Giêsu. Chúng ta không thể tách biệt cái chết này ra khỏi sự sống lại của Ngài.  Phụng vụ thứ Sáu Thánh chiếu soi suy nghĩ và xây dựng thái độ của chúng ta đối với cái chết[8] và là mô hình cho chúng ta trong vấn đề mục vụ khi “cử hành” cái chết của những người thân yêu trong nghi lễ an táng. Nói cách khác, tuy cử hành thứ Sáu Thánh không phải là đám tang của Đức Giêsu, nhưng lại mặc khải một cách sống động nhất những gì làm thành đám tang của người Kitô hữu. Tất cả những nghi lễ khác nhau trong cuốn Nghi thức An táng Kitô hữu hiện nay diễn tả đức tin này: mầu nhiệm Chúa Kitô chịu chết và phục sinh hàm chứa mầu nhiệm sự chết của con người và mầu nhiệm sự chết của con người gắn chặt với mầu nhiệm Chúa Kitô chiến thắng tử thần (x. Rm 6,3-5; 1Cr 15,51-57).


1. Nghi lễ an táng trước Công đồng Vatican II

Nếu ai đã từng tham dự nghi lễ an táng trước Công đồng Vatican II[9] thì sẽ nhìn cũng như cảm thấy một bầu khí ảm đạm và u buồn bao quanh đám tang: lễ phục đen, những bài thánh ca tang tóc và những kinh nguyện thảm thương. Còn bên ngoài phụng vụ, thêm vào cho bầu khí buồn thảm, bi thương của đám tang thường là những bài điếu văn dài lê thê và những chia sẻ thống thiết. Đây là hệ quả của một viễn tượng thần học quá nhấn mạnh đến lỗi lầm của con người và sự xét xử của Thiên Chúa hơn là sự thiện hảo nơi con người và lòng thương xót của Thiên Chúa; qúa nhấn mạnh cái chết hy sinh của Chúa Kitô hơn là sự chiến thắng của Ngài trên tội lỗi và sự chết; quá nhấn mạnh đến bản án phải chết đời đời hơn là gieo niềm hy vọng được cùng sống lại với Đức Kitô. Trong bầu khí như thế, tâm trí của người tham dự thường là sợ hãi. Họ dễ dàng cho rằng người chết thật khó vào nước trời. Nếu người quá cố có xứng đáng vào thiên quốc thì ít ra cũng phải chịu nhiều hình phạt đau đớn trong luyện ngục. Đương nhiên kẻ nào phạm tội trọng mà chưa kịp xưng thú thì sẽ bị kết án đời đời trong hỏa ngục. Cũng may, khía cạnh mừng vui và vượt qua như trong phụng vụ an táng thuộc thời kỳ đầu của Giáo Hội còn xuất hiện trong phần kết thúc của nghi thức.[10]

2. Nghi lễ an táng sau Công đồng Vatican II

So với phụng vụ an táng tiền Công đồng Vatican II, cuốn Nghi lễ an táng Kitô giáo (được ban hành bởi Thánh bộ Phụng tự Thánh ngày 15 tháng 8 năm 1969) cho thấy những điểm khác biệt như sau:

        - Nhấn mạnh tính phục sinh của cái chết Kitô giáo. Do đó, khi một người tín hữu ly trần, Giáo Hội sẽ cử hành mầu nhiệm Thiên Chúa hằng sống, Ngài là Chúa của kẻ sống để những ai “an giấc trong Chúa” thì sẽ được cùng sống với Ngài (x. 1Tx 4,13-14). Trong nghi lễ an táng, Giáo Hội hân hoan trao một thành viên của mình cho cộng đoàn các thánh;[11]

        - Có sự quân bình hơn khi nhìn nhận nỗi đau buồn của tang quyến và muốn đem lại niềm ủi an và hy vọng cho họ (x. Rm 12,15) trong khi nghi lễ an táng trước năm 1969 không có bất cứ lời nguyện nào dành cho người sống cũng như gia đình của người quá cố;[12]

        - Nài xin Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và khiếm khuyết, công bố niềm tin và niềm hy vọng vào lòng thương xót của Chúa và chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết nhờ sự phục sinh của Ngài (trọng tâm của cử hành chính là mầu nhiệm vượt qua);[13]

         - Thay thế lễ phục và trang trí màu đen bằng màu tím;[14]

         - Không còn hát ca tiếp liên “Ngày thịnh nộ” (Dies Irae);[15]

        - Có nhiều bài đọc Kinh Thánh để chọn công bố trong Thánh lễ an táng. Nội dung của những bản văn Kinh Thánh này ít nhấn mạnh đến tội lỗi, nhưng nói về lòng thương xót và sự ủi an của Thiên Chúa; Đức Kitô chiến thắng tử thần; vẻ đẹp của thiên đàng. Không còn cái nhìn bi quan, xa cách, khiếp sợ của Cựu Ước, nhưng chú trọng đến niềm hy vọng nơi Ðức Kitô.

        - Những lời nguyện tuy có đề cập đến tội lỗi và thiếu sót của con người nhưng cũng không quên nhấn mạnh đến lòng xót thương của Thiên Chúa cho những ai thông dự vào Bí tích Thánh Thể…[16]


III. Thứ ba, hướng dẫn của Hội Thánh về lòng đạo đức bình dân

Dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II nói chung và của Hiến chế Phụng vụ Thánh nói riêng, chúng ta cần trân trọng, ưu ái, duy trì và khuyến khích những việc đạo đức bình dân như vừa nêu trên đây.[17] Bởi vì chính lòng đạo đức bình dân cũng là một thực thi của Giáo Hội, do Chúa Thánh Thần khởi xướng và duy trì. Thêm nữa, lòng đạo đức bình dân có một cảm thức gần như bẩm sinh về thánh thiêng và siêu việt, là công cụ Chúa ban để gìn giữ đức tin của dân Chúa.[18] Theo Hiến chế Phụng vụ Thánh:

Những việc đạo đức của dân Kitô giáo bao lâu còn được thích hợp với các lề luật và qui tắc của Giáo Hội thì còn được khích lệ rất nhiều, nhất là khi thi hành theo chỉ thị của Tông Tòa. Những việc thánh thiện của các Giáo Hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi hành theo các chỉ thị của Giám mục, hợp với tập tục hoặc các sách đã được chính thức phê chuẩn. Nhưng phải chiếu theo các mùa phụng vụ để xếp đặt các việc ấy cho hòa hợp với phụng vụ thánh, để có thể được coi là phát xuất từ phụng vụ và để tiến dẫn dân chúng đến phụng vụ, vì tự bản chất, phụng vụ vượt xa các việc ấy.[19]

Tuy nhiên, cũng cần phải canh tân và Tin Mừng hóa cũng như định hướng và đôi khi sửa sai nếu việc đạo đức bình dân có các yếu tố không còn hài hòa với tinh thần phụng vụ mới, hạ giá trị phụng vụ hay gây tác hại cho phụng vụ của Giáo Hội.[20]

IV. Thay lời kết

Việc đầu đội tang trong ngày thứ Sáu Thánh thường đi kèm với các biểu hiện của lòng đạo đức bình dân như Ngắm đứng, Tháo đinh, Táng xác Đức Chúa Giêsu. Trong nghi thức này có một loại kinh nguyện gọi là “Đọc đoạn” và “Than mồ”. Nội dung và cung giọng của Đọc đoạn và Than mồ nhằm diễn tả sự đau thương của Chúa chịu chết vì nhân loại. Tất cả sự kiện này phản ánh các tín hữu đang tham dự “Đám tang của Đức Giêsu”.

Dựa vào hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta nên giữ lại những việc đạo đức bình dân như Ngắm đứng, Tháo đinh, Táng xác Đức Chúa Giêsu… như tập tục từ bao lâu nay. Thế nhưng, căn cứ vào 3 lý do được trình bày ở trên, để hòa hợp với tinh thần và cử hành phụng vụ thứ Sáu Thánh hiện nay, chúng ta nên bỏ đi việc đội khăn tang; sửa lại nội dung các bài ngắm cho phù hợp với bản văn Kinh Thánh;[21] xem xét lại cung giọng hay cung điệu quá đỗi thảm thương não nuột …Những  thay đổi này nhằm mục đích làm cho việc đạo đức bình dân quy chiếu nhiều hơn vào Kinh Thánh và phụng vụ. Tất nhiên, phải làm cách nào để không gây thiệt hại cho các tín hữu.[22]

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS 


 [1] Xc. Patrick Regan, Advent to Pentecost (Collegeville - Minesota: The Liturgical Press, 2012), 175-176.

[2] Feria sexta in passion Domini. Xc. Sđd, 174.

[3] Thomas Gilmartin, "Good Friday", trong The Catholic Encyclopedia, Vol. 6 (New York: Robert Appleton Company, 1909) trích lại từ  http://www.newadvent.org/cathen/06643a.htm (20/06/2015 ).

[4] Xc. Bài giảng của cha Raniero Cantalamessa, OFM Cap vào thứ Sáu Thánh 6/04/2012 trongL'Osservatore RomanoWeekly Edition in English(11/04/2012), trang 6.

[5] Tên Thứ Sáu Phục sinh phản ánh được chiều kích phục sinh của ngày này nhưng vì sợ lẫn lộn với ngày thứ Sáu trong tuần Bát nhật Phục sinh nên thực tế đã không được sử dụng.         

[6] “Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thánh giá Chúa, hát mừng Ngài sống lại hiển vinh; ấy chính vì bởi cây thập gía, niềm hân hoan tràn ngập địa cầu.”

[7] Xc. Hiến chế Phụng vụ Thánh (=PV), số 13; Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1675.

[8] Hướng dẫn về Lòng Đạo đức Bình dân và Phụng vụ (= ĐĐBD)  - ban hành năm 2001, số 248-251.

[9] Được cử hành theo nghi thức an táng được xuất bản năm 1614 (hậu công đồng Trentô và nghi thức này được áp dụng mãi cho đến năm 1969.

[10] Xc. Vincent Owusu, SVD, “Funeral Rites in Rome and the Non-Roman West” trong Anscar Chupungco (ed), OSB, Handbook for Liturgy Studied, Vol. V (Quezon city: Claretian Publications, 2004), 393-364

[11] Xc. Damien Sicard, “Chết như một Kitô hữu” trong J. Gélineau (ed), Họp Nhau Cử Hành Phụng Vụ, tập II (1992),714-723.

[12] Xc. Nghi thức An táng, số 13.

[13] Sđd.

[14] Xc. PV 81.

[15] "Dies Irae" là một trong những bài hát nổi tiếng nhất trong bộ Gregorian Chant được cho là do một thầy tu dòng Phanxico sáng tác hồi thế kỷ 13. Lời và ý nghĩa bài nhạc dựa trên bản văn Kinh Thánh Xô-phô-ni-a 1,14-16 có chủ đề về ngày phán xét. Bài nhạc này được dùng trong các Thánh Lễ an táng trước đây và trong ngày lễ các linh hồn.

[16] Xc. Nghi thức An táng, số 71-88 ; 92-100.

[17] PV 13; Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen Gentium), số 67; ĐĐBD70.

[18] Xc. ĐĐBD50.61.64.

[19] PV 13.

[20] ĐĐBD51.56.58.71.

[21] Ví dụ ngắm thứ sáu viết: “Bấy giờ nó nó lột áo ra, liền trói chân tay vào cột đá, đoạn lấy chà gai cùng dây gia và lòi tói sắt đánh cả và mình Đức Chúa Giêsu dư 5000 nghìn đòn cho nên nát hết thịt ra, xem thấy xương chẳng còn nơi đâu lành, mặt mũi chẳng còn hình tượng người như trước nữa.

[22] Xc. ĐĐBD 75.

NGUỒN :http://dongthanhthe.net/deo-tang-trong-ngay-thu-sau-tuan-thanh.html 

Friday, March 29, 2024

CHÍN ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ TUẦN THÁNH

WHĐ (24.03.2024)Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “Trong Tuần Thánh, chúng ta sống khoảnh khắc đỉnh cao của cuộc hành trình này, của kế hoạch tình yêu xuyên suốt toàn bộ lịch sử các mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại”.

Tuần Thánh rất quan trọng trong lịch Phụng vụ Kitô giáo. Nhưng Tuần Thánh là gì? Tuần Thánh đến từ đâu? Và điều gì xảy ra trong Tuần Thánh? Dưới đây là 9 điều chúng ta nên biết về Tuần Thánh để sống trọn vẹn hơn Tuần lễ thánh thiện này.

“Tiến vào Giêrusalem” của Giotto di Bondone, sáng tác 1304-1306, Nhà nguyện Scrovegni, Padua, Ý (Hình: Wikimedia Commons/Public Domain)

1) Tuần Thánh là gì?

Tuần Thánh là tuần lễ trước Chúa Nhật Phục Sinh. Theo Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch,Chúa nhật thứ sáu, bắt đầu Tuần Thánh, gọi là Chúa nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa’” (Số 30).

Do đó, Tuần Thánh bắt đầu vào Chúa nhật VI Mùa Chay, và tuần lễ này được đặc trưng bởi một loạt các cử hành Phụng vụ. Những cử hành này tuy có thay đổi theo thời gian, nhưng Từ điển Oxford của Giáo hội Kitô nêu rõ:

Các nghi thức truyền thống khác nhau trong tuần, mỗi ngày đều có nghi thức riêng, có lẽ đã bắt đầu phát triển tại Giêrusalem vào thế kỷ thứ IV, khi những cuộc hành hương trở nên dễ dàng hơn và các Kitô hữu có thể thỏa mãn mong muốn tự nhiên là tái diễn những cảnh cuối cùng về cuộc đời Đức Kitô qua Phụng vụ.

Cuộc hành hương của Egeria, hiện thường được cho là mô tả chuyến viếng thăm vào năm 381-384, kể lại chi tiết về việc cử hành Tuần Thánh hiện nay ở Giêrusalem.

Vì tầm quan trọng của Tuần Thánh nên các cử hành Phụng vụ trong Tuần Thánh được ưu tiên hơn bất kỳ cử hành nào khác sẽ diễn ra trong thời gian đó (ví dụ: những ngày lễ kính các thánh). Quy tắc chung nêu rõ, “các ngày trong Tuần Thánh từ thứ Hai đến chiều thứ Năm chiếm vị trí ưu tiên trên mọi cử hành khác” (Số 16a).

2) Điều gì xảy ra vào Chúa Nhật Tuần Thánh?

Vào ngày này, Phụng vụ tưởng niệm việc Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem và cuộc Thương khó của Người.

Việc Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem đã ứng nghiệm một cách rõ ràng lời ngôn sứ Zechariah về Đấng Mesia: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Ðấng Chính Trực, Ðấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Za 9, 9).  Nói cách khác, qua việc tiến vào thành, Chúa Giêsu đã minh nhiên thể hiện mình là vị Vua Thiên sai của người Do Thái.

Trong sự kiện này, đám đông vẫy những cành cọ để chào đón sự xuất hiện của Chúa Giêsu, đó là lý do tại sao Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật Lễ Lá và tại sao cành cọ được sử dụng trong Phụng vụ ngày này.

Chúng ta biết sự kiện xảy ra vào ngày này vì Thánh Gioan thuật lại rằng Chúa Giêsu đã được xức dầu tại Bêtania “sáu ngày trước lễ Vượt Qua” (Ga 12,1) - tức là trước Thứ Sáu Tuần Thánh - và Người đã thực hiện chuyến đi cuối cùng đến Giêrusalem “vào ngày hôm sau” (Ga 12,12). Vì vậy, Chúa Giêsu vào thành xảy ra vào Chúa Nhật trước Lễ Vượt Qua.

Vào ngày này, Phụng vụ cũng tưởng nhớ Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, và bài Tin Mừng được gọi là Bài Thương khó nói về sự đau khổ và đóng đinh của Chúa Giêsu mà tuần lễ này đạt tới đỉnh điểm.

3) Điều gì xảy ra vào Thứ Hai Tuần Thánh?

Tin Mừng Mc 11,12 tường thuật rằng “vào ngày hôm sau” (Thứ Hai Tuần Thánh), khi thày trò trên đường trở lại Giêrusalem sau một đêm ở Bêtania thì Chúa Giêsu cảm thấy đói, Người thấy một cây vả có lá tốt tươi nhưng không có trái và Người nguyền rủa nó.

Sau đó, Chúa Giêsu đến Giêrusalem, và khi vào Đền thờ, chứng kiến những kẻ đang mua bán ở đó, Người đã xua đuổi họ ra khỏi Ðền Thờ.

Chúa Giêsu cũng bắt đầu giảng dạy hàng ngày trong Đền Thờ.

Trong Phụng vụ, bài Phúc âm được trích từ Tin Mừng Gioan, quay ngược thời gian về ngày trước khi Chúa Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem, và kể lại câu chuyện Người được xức dầu tại Bêtania, trong đó, Chúa Giêsu lưu ý rằng việc xức dầu này là để chuẩn bị cho việc mai táng Người (Ga 12,7).

Mặc dù những sự kiện này đã diễn ra vào Thứ Bảy trước đó, nhưng được trình bày ở đây trong Phụng vụ để tạo thành một câu chuyện theo chủ đề dẫn đến Cuộc Khổ nạn.

4) Điều gì xảy ra vào Thứ Ba Tuần Thánh?

Trong Tin Mừng, thánh Marcô tường thuật rằng:Sáng sớm, khi đi ngang cây vả” mà Chúa Giêsu đã nguyền rủa thì các môn đệ thấy nó đã chết khô tận rễ (Mc 11,20).

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giảng dạy trong Đền Thờ.

Trong Phụng vụ, bài Phúc âm trích từ Tin Mừng Gioan chương 13, tường thuật lời tiên báo của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly rằng một trong Nhóm Mười Hai – Giuđa – sẽ phản bội Người. Sau đó, Giuđa rời khỏi bữa ăn và Chúa Giêsu cũng báo trước rằng Phêrô sẽ chối Người ba lần.

Những sự kiện này diễn ra vào Thứ Năm Tuần Thánh, nhưng được trình bày ở đây để tiếp tục câu chuyện theo chủ đề dẫn đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh.

5) Điều gì xảy ra vào Thứ Tư Tuần Thánh?

Trong Tin Mừng, Mc 14,1 thuật lại rằng “hai ngày trước Lễ Vượt Qua” (tức Thứ Tư Tuần Thánh), các thượng tế và kinh sư âm mưu bắt và giết Chúa Giêsu.

Giuđa Iscariot sau đó đi gặp các thượng tế để đề nghị nộp Chúa Giêsu (Mc 14,10). Theo đó, Giuđa đã đồng ý theo dõi Chúa Giêsu, và vì thế Thứ Tư Tuần Thánh còn được gọi là “Thứ Tư do thám” (Spy Wednesday).

Trong Phụng vụ, bài Phúc âm lấy từ Mt 26, kể lại việc Giuđa đồng ý phản bội Chúa Giêsu ra sao, cùng với các sự kiện xảy ra vào ngày hôm sau, kể cả việc chuẩn bị cho Bữa Tiệc Ly.

6) Điều gì xảy ra vào Thứ Năm Tuần Thánh?

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu và các môn đệ đã sát tế con chiên Vượt Qua (Mc 14,12) và tìm thấy địa điểm mà Chúa Giêsu đã sắp xếp từ trước để ăn Bữa Tiệc Ly. Điều này liên quan đến một sự lẩn tránh. Thay vì đơn thuần nói cho các môn đệ biết sẽ ăn Lễ Vượt Qua ở đâu, Chúa Giêsu sai hai ông vào thành, gặp một người đàn ông mang vò nước (đây là một dấu hiệu bất thường, vì lấy nước thường là công việc của phụ nữ). Hai môn đệ đi theo người đàn ông này về nhà, sau đó chủ nhà sẽ chỉ cho họ một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Mục đích rõ ràng của sự lẩn tránh này là để Giuđa không biết trước bữa ăn Vượt Qua sẽ được thực hiện ở đâu, nhằm ngăn cản ông có thể phản bội Chúa Giêsu trước khi ăn Bữa Tiệc Ly.

Trong sự kiện này, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-20) và tiên báo về sự phản bội của Giuđa và sự chối thày của Phêrô. Đáng chú ý nhất, theo lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đó là tại Bữa Tiệc Ly “khi Chúa Giêsu ban cho Giáo hội món quà Thánh Thể, thì đồng thời Người cũng thiết lập chức linh mục”.

Trong Bữa Tiệc Ly này, Chúa Giêsu cũng phán: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Trong tiếng Latin từ “điều răn” là mandatum, nên Thứ Năm Tuần Thánh còn được gọi là Maundy Thursday - ngày Chúa Giêsu cho chúng ta một điều răn mới.

Sau đó, Chúa Giêsu đến vườn Giêtsemani và cầu nguyện tại đây trước khi Giuđa đến cùng với một nhóm binh lính để bắt Người. Chúa Giêsu bị đưa đến dinh thầy cả thượng phẩm, tại đây, Phêrô đã chối Chúa Giêsu ba lần, và một phiên xét xử được tiến hành tại dinh Caipha. Một số yếu tố có thể xảy ra sau nửa đêm, nói cách chính xác hơn, đã xảy ra sáng sớm Thứ Sáu Tuần Thánh.

Trong Phụng vụ, vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh, theo thông lệ, giám mục và các linh mục trong giáo phận của mình sẽ cử hành “Thánh lễ Truyền Dầu”, trong đó các loại dầu dùng trong các Bí tích được thánh hiến.

Vào buổi chiều tối, Mùa Chay kết thúc với việc cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly. Theo Quy luật Tổng quát, Mùa Chay bắt đầu “từ thứ Tư lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc ly” (Số 28).

Một mùa Phụng vụ mới – Tam Nhật Vượt Qua – bắt đầu tại thời điểm này. “Tam nhật Vượt qua tưởng niệm Cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa bắt đầu với Thánh lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh” (số 19).

Bài Phúc âm trong Thánh Lễ Tiệc Ly được trích từ Tin Mừng Gioan 13, trong đó Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Theo đó, linh mục cử hành Thánh Lễ có thể tùy nghi làm điều tương tự cho một số tín hữu trong thánh lễ.

Sau thánh lễ, các khăn trải bàn thờ được lấy đi và bàn thờ hoàn toàn để trống. Mình Thánh Chúa được kiệu sang bàn thờ phụ. Sau đó, là việc chầu Thánh Thể trong thinh lặng.

7) Điều gì xảy ra vào Thứ Sáu Tuần Thánh?

Trong Tin Mừng, khi trời vừa sáng Chúa Giêsu bị giải đến trước tổng tấn Philatô. Rõ ràng, các phiên xét xử Chúa Giêsu của thầy cả thượng phẩm đã kéo dài suốt đêm, và Gioan cho biết rằng các quan chức Do Thái vẫn chưa ăn Lễ Vượt Qua (Ga 18,28).

Lúc này, Tin Mừng Matthêu cho biết rằng Giuđa hối hận và nhất quyết đòi trả lại số tiền 30 đồng bạc mà ông đã nhận khi nộp Chúa Giêsu cho các thượng tế và kỳ mục, sau đó Giuđa đã đi treo cổ tự tử (Mt 27,3-10).

Sau đó, diễn ra một loạt các thủ tục pháp lý, bao gồm cả phiên điều trần trước vua Hêrôđê (Lc 23,6-12). Cuối cùng, Chúa Giêsu đã bị kết án đóng đinh.

Trong thời gian Chúa Giêsu bị đóng đinh, “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín” (Mt 27,45) - tức là khoảng từ trưa đến 3 giờ chiều - Chúa Giêsu chết vào thời điểm này.

Vì ngày Sabath sắp bắt đầu vào lúc mặt trời lặn, người ta đã sắp xếp chôn cất Chúa Giêsu cách vội vàng trong mộ của ông Giôxép người thành Arimathê, và cũng là môn đệ Ðức Giêsu, vì ngôi mộ này nằm gần nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh (Ga 19, 38-42).

Hôm nay, theo Phụng vụ không được cử hành Thánh lễ. Thay vào đó, là cử hành việc Rước lễ (thường vào khoảng 3 giờ chiều). Cử hành này bao gồm Phụng vụ Lời Chúa, suy tôn Thánh giá, và rước lễ với Mình Thánh đã được truyền hôm trước, tức là Thứ Năm Tuần Thánh.

8) Điều gì xảy ra vào Thứ Bảy Tuần Thánh?

Trong các Tin Mừng, tường thuật duy nhất chúng ta có về ngày này là từ Lc 23,56: Ngày sabát, mọi người nghỉ lễ như Luật truyền.

Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội ở bên mộ Chúa để suy ngắm cuộc tử nạn của Người. Do đó, vào ban ngày, không cử hành Thánh lễ và chỉ cho rước lễ như của ăn đàng. Tuy nhiên, sau khi màn đêm buông xuống, nghi thức Canh thức Vượt qua được cử hành và phải kết thúc trước hừng đông ngày Chúa Nhật.

Qua nghi thức Canh thức Vượt qua, Giáo Hội canh thức chờ Đức Kitô sống lại. Thánh lễ này bao gồm một nghi thức đặc biệt, trong đó các tín hữu cầm đèn hoặc nến được thắp sáng, phản ánh dụ ngôn về các trinh nữ khôn ngoan chờ đợi Đức Kitô trở lại với đèn sáng trong tay (Mt 25,1-13), hơn nữa, nhằm chia sẻ niềm vui với Giáo Hội và đón nhận Đức Kitô là ánh sáng của mọi người và của thế gian.

Theo thông lệ, các dự tòng được lãnh nhận bí tích Rửa tội. Họ cũng được lãnh Bí tích Thêm sức và rước lễ lần đầu, hoàn thành các Bí tích Khai tâm Kitô giáo.

9) Điều gì xảy ra vào Chúa Nhật Phục Sinh?

Trong Tin Mừng, các môn đệ trước hết biết đến sự Phục Sinh sau khi các phụ nữ đến mộ và gặp các Thiên thần nói về ngôi mộ trống. Điều này khiến các môn đệ hoang mang, nhưng sự hoang mang đó đã được xua tan khi chính Chúa Giêsu hiện ra với các ông, khởi đầu niềm vui Phục Sinh.

Trong Phụng vụ, một Thánh lễ riêng được cử hành vào buổi sáng. Bài Phúc âm  trích từ Ga 20,1-9, kể lại việc bà Maria Mađalêna phát hiện ngôi mộ trống và việc Phêrô cùng người môn đệ Chúa Giêsu yêu dấu chạy đến mộ và nhận thấy lời tường thuật của bà là đúng.

Tam Nhật Vượt Qua kết thúc. Quy luật Tổng quát nói rằng Tam Nhật Thánh “kết thúc bằng giờ kinh Chiều Chúa nhật Phục sinh” (Số 19).

Vào thời điểm này, mùa Phụng vụ vui tươi của Lễ Phục Sinh bắt đầu.

 Jimmy Akin

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (22. 03. 2024)

Chúa Giêsu chính xác chịu chết vào giờ, ngày, tháng, năm nào?

  1. Vào giờ nào?

Theo Mt 27,45-50; Mc 15,34-37, Lc 23,44-46, Chúa Giêsu chết vào giờ thứ 9. Quy chiếu vào thời chúng ta, “giờ thứ 9” chính là “15h00”.

  1. Vào ngày nào trong tuần?

Ga 18,28-29a cho biết người Do Thái điệu Đức Giêsu đến dinh Philato vào sáng sớm nhưng không vào sân vì sợ bị nhiễm uế, không thể ăn lễ Vượt Qua được nên Philato phải ra ngoài gặp họ. Họ sợ là vì lễ Vượt Qua sẽ là ngày hôm sau.

Ga 19,31 còn cho biết lúc Chúa Giêsu chết thì chuẩn bị chuyển sang ngày Sabat, mà ngày Sabat đó lại là ngày lễ lớn.

Mt 27,62; Mc 15,42; Lc 23,54; Ga 19,42 cho biết Chúa Giêsu chịu chết vào ngày trước ngày Sabat, mà ngay sau đó là “ngày thứ nhất trong tuần” (x.Mt 28,1; Mc 16,2; Lc 24,1; Ga 20,1). Như thế ngày chịu chết chỉ có thể là ngày thứ sáu.

Các Tin Mừng không thống nhất với nhau vào ngày Chúa Giêsu ăn lễ vượt qua là thứ năm (Mt, Mc, Lc) hay thứ sáu (Ga). Bỏ qua lời giải thích mang tính thần học, ta có thể đoán rằng Chúa Giêsu bị bắt vào tối thứ 5 (vốn theo lịch Do Thái là đã sang thứ 6). Cuộc Thương Khó diễn ra từ lúc đó cho đến khi Ngài bị đóng đinh vào chiều hôm sau (chiều thứ 6).

  1. Vào năm nào?

Chúa Giêsu bị điệu đến trước mặt Thượng Tế Caipha trong cuộc Thương Khó (Mt 26,3-4; Ga 11,49-53). Theo sử liệu (ngoài Kinh Thánh), ông này làm Thượng Tế từ năm 18-36 AD. Như thế, Chúa Giêsu chịu chết trong khoảng thời gian này.

Chính Philato là người ra lệnh giết Chúa Giêsu (Mt 27,24-26; Mc 15,15; Lc 23,24; Ga 19,15-16). Cũng theo nguồn sử liệu ngoài Kinh Thánh, thời gian ông này làm Tổng Trấn là từ năm 26-36 AD. Tổng hợp hai dữ liệu này, chúng ta giới hạn lại khoảng thời gian Chúa Giêsu có thể chịu chết là trong khoảng thời gian từ năm 26-36 AD

Ngoài ra, Lc 3,1-2 cho chúng ta biết một sử liệu là “năm thứ 15 triều hoàng đế Tiberia… có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong sa mạc…”. Năm này là năm 29 AD. Chúa Giêsu hoạt động công khai sau Gioan Tẩy Giả một khoảng thời gian.

Từ ba dữ liệu này ta có thể đoán thời gian hoạt động của Chúa Giêsu có thể là từ năm 29 – 36 AD.

Cho đến bây giờ, chúng ta đã giới hạn được khoảng thời gian chịu chết của Chúa Giêsu: 15h00, thứ 6, vào khoảng từ năm 29-36 AD.

Từ năm 29 đến năm 36 AD, người ta đếm được có những ngày sau là ngày chuẩn bị cho ngày lễ Vượt Qua:

  • Thứ 2, ngày 18.4.29
  • Thứ 6, ngày 7.4.30
  • Thứ 3, ngày 27.3.31
  • Thứ 2, ngày 14.4.32
  • Thứ 6, ngày 3.4.33
  • Thứ 4, ngày 24.3.34
  • Thứ 3, ngày 12.4.35
  • Thứ 7, ngày 31.3.36

 

Trong những ngày này, có hai ngày là ngày thứ 6. Như thế, ngày Chúa Giêsu chịu chết là một trong hai ngày này.

Chúa Giêsu qua đời vào năm 30 hay năm 33?

Ở trên, ta biết là Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai sau Gioan Tẩy Giả một chút mà Gioan Tẩy Giả hoạt động vào năm 29. Nếu Chúa Giêsu chịu chết vào năm 30 thì có nghĩa là Ngài chỉ hoạt động trên dưới 1 năm. Còn nếu là năm 33 thì khoảng 3 năm. Cái nào hợp lý hơn?

Tin Mừng Gioan thuật lại 3 lần Chúa Giêsu ăn lễ Vượt Qua: Ga 2,13 (lúc khởi đầu sứ vụ), Ga 6,4 (giữa thời gian sứ vụ), và Ga 11,55 (khi chuẩn bị kết thúc sứ vụ).

Thật khó để nghĩ rằng Ngài ăn lễ 3 lễ Vượt Qua mà chỉ trong vỏn vẹn chưa tới 1 năm. Như thế, khả thể năm 33 có phần hợp lý hơn.

Nói tóm lại, Chúa Giêsu đã chịu chết vào 15h00, thứ 6, ngày 3 tháng 4 năm 33!

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Theo:https://www.aciprensa.com/noticias/cuando-murio-jesus-7-pistas-nos-indican-la-fecha-exacta?

Đọc thêm: https://dongten.net/2018/04/01/tranh-luan-ve-ngay-chet-va-ngay-phuc-sinh-cua-duc-giesu/

---------------------------------------------------------------------

Ý NGHĨA CỦA THÁNH GIÁ

Ngày nay thanh niên nam nữ không tin Chúa Giêsu cũng mang thánh giá. Có khi thánh giá của họ còn to hơn thánh giá của đức giám mục ! Nhưng hầu như chỉ dừng lại ở ý nghĩa là món thời trang, đồ trang điểm thôi. Họ không mang thánh giá vì niềm hãnh diện như chúng ta. Họ cũng không có ý đeo thánh giá để diễn tả tình yêu, để bộc lộ sự khiêm nhường, hiền lành và biểu dương ơn cứu độ của Chúa Giêsu.

Chúng ta hãnh diện, vui mừng thực sự vì thánh giá của Chúa Giêsu trong ý nghĩa cứu chuộc. Thánh Phaolô cũng đã từng nói lên cảm nghiệm này : "ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian" (Gl 6, 14). Thánh giḠtrong ý nghĩa thực sự không làm cho chúng ta vui mừng hãnh diện hoàn toàn. Chính Chúa Giêsu ở trong vườn Cây Dầu nghĩ đến phải vác thập giá đã xin Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu Cha muốn xin cất chén này xa con” (Lc 22, 42a).

Tại sao Thiên Chúa lại muốn dùng cây thập giá cắm trên mặt đất làm biểu tượng cho tình yêu vô biên của Ngài với nhân loại ? Chính Chúa Con chịu chết trên thập giá đã giải thích tất cả. Thập giá chỉ giá trị, chỉ là biểu tượng của tình yêu, chỉ đem lại ơn cứu độ khi có Chúa Giêsu bị treo trên đó. Nguồn suối ơn cứu độ và các nhân đức Kitô giáo đều phát xuất từ thập giá Đức Kitô ; thậm chí các bí tích của giáo hội cũng chỉ được chính thức khai mở khi cạnh sườn Chúa bị mở ra trên thập giá.

Thiên Chĩa đã biến đổi dụng cụ độc ác tàn nhẫn của con người thành dụng cụ diễn tả tình yêu thương bao dung, tha thứ ; biến dụng cụ giết người thành dụng cụ giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời ; biến dụng cụ chế nhạo của con người thành dụng cụ diễn tả chiến thắng vinh quang của Đức Kitô. Như thánh Phaolô đã nói :"Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa" (1Cr 1, 18) và lời xưa chép rằng : 'đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ".

Nhìn vào thánh giá ta thấy đau khổ bên ngoài và tình yêu Thiên Chĩa bên trong, sự chết của con ngừơi và sự sống lại của Thiên Chĩa, bóng tối tội lỗi của trần gian và ánh bình minh cứu độ, sự ích kỷ của ta và sự hy sinh của Thiên Chĩa, sự kiêu căng của ta và sự khiêm tốn của Thiên Chúa, sự bất lực của ta và sức mạnh vô song của Thiên Chúa, sự thù hận của con người và sự tha thứ của Thiên Chĩa, sự hèn hạ của ta và sự cao cả của Thiên Chúa. Nhìn vào thánh giá ta thấy nhân tính và thiên tính của Chĩa Giêsu Kitô«.

ĐTC Gioan Phaolo II giảng (CN Lễ Lá) ngày quốc tế giới trẻ lần 16/2002 : "Hỡi các bạn trẻ yêu quý, qua việc tham dự chăm chỉ và nhiệt tình của các con vào việc cử hành trọng thể này, các con chứng tỏ các con không hổ thẹn vì thánh giá. Các con không sợ thánh giá Chúa Kitô. Ngược lại, các con yêu mến thánh giá và các con cung kính thánh giá, bởi vì thánh giá là dấu chỉ Đấng Cứu thế chết và sống lại vì chúng ta. Kẻ nào tin vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh thì ca tụng thánh giá, như bằng chứng chắc chắn Chúa là tình yêu” .

Trong các nghi thức trao và vác thánh giá ở các đại hội giới trẻ thế giới thấy các bạn vác thánh giá một cách hăng say nhiệt thành, vui vẻ lắm. Có bạn xắn quần áo lên vác hùng hục. Ai cũng muốn dành quyền được vác thánh giá. Đấy chỉ là điều diễn ra trong nghi thức, còn trong thưc tế, thánh giá trong cuộc đời có tranh nhau vác hay là đẩy cho nguời khác? Đấy là điểm khác biệt rất lớn.

Đón nhận màu nhiệm Chúa chịu đóng đinh và cùng chịu đóng đinh với Chúa thật là khó khăn trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay. Trong xã hội ấy bóng thánh giá đã được thay thế bằng bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú. Con người đang hiên ngang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá, ngay cả lừa đảo, phản bội ngay cả với người thân yêu cuả mình. Thậm chí sẵn sàng sát hại đứa con trọng bụng, chối bỏ và chà đạp phẩm giá của người khác. Xã hội hôm nay cần phải được soi sáng bằng sự dẫn đường của cây thánh giá và mầu nhiệm sự chết của Chúa Giêsu thì mới hy vọng phá tan được những bóng tối của sự dữ ác đang hoành hành quanh ta.

Con người ngày nay, cách riêng các bạn trẻ vẫn luôn ngại ngùng hy sinh, gian khổ, khó chấp nhận từ bỏ, cho nên nói đến thập giá là điều có vẻ khó đón nhận ; vì thánh giá tuợng trưng cho sự vất vả, hy sinh gian khổ, gánh nặng đau thương, sự hiểu lầm bất công, sức nặng của tội lỗi, giới hạn của thân phận con người. Sức tự nhiên ai cũng tìm cách tránh né. Nhưng nếu không đón nhận thì không phải là đang yêu mến Thiên Chĩa, không phải là môn đệ Chúa. Các thánh tử đạo Việt Nam cha ông chúng ta bị bắt bước qua thánh giá đã cương quyết từ chối. Giới trẻ ngày nay đang bị cám dỗ chối bỏ thập giá, bước qua thập giá để bỏ đạo, chối bỏ niềm tin ngang qua những hành động trái với lương tâm, lối sống phản đạo đức, cách cư xử xa lạ với giáo lý tin mừng của Chúa. Cho nên, Đức hồng y Px. Nguyễn Văn Thuận viết : "Quyết định của con theo Chúa không phải là một chữ ký, không phải là mét lời tuyên thệ mà thôi, nhưng là một sự dâng hiến liên lỉ thực hiện trong cả cuộc sống".

Chiêm ngưỡng đấng bị treo trên thập giá chúng ta đón nhận lời mời gọi của Chúa là hãy rập theo khuôn mẫu của Ngài đã đón nhận yêu thương tha thứ cho chúng ta. Những lời nói ý nghĩa và tuyệt vời nhất được Đức Giêsu nói trên thánh giá. Chúng ta còn phải suy niệm và học hỏi tới cùng.

Mặt khác của cây thánh giá chính là biểu tượng của tình yêu thương, sự hy sinh cao cả nhất của Thiên Chĩa dành cho con người. Cho nên người Kitô hữu dựng thánh giá, vẽ thánh giá, đeo thánh giá không có nghĩa là đi tố cáo tội ác người khác mà là để biểu dương công ơn cứu chuộc và minh chứng tình yêu của Chúa cho mọi người biết.

Nếu Chúa Giêsu đã bị xử tử, đóng đinh trên thập giá một cách bất công mà Ngài không trả thù, giận dữ, không kết án người ta ; thì con cái Chúa hôm nay cũng vậy : chúng ta sẵn sàng chịu xỉ nhục, bất công, đau khổ mà không kêu ca, trách móc, trả thù, kết án ai cả. Điều này khó lắm. Mang chung một số phận như Chúa Giêsu không phải là thất bại mà là một thành công ở mức độ cao nhất trên mọi thành công ở đời. Sự toàn thắng trên cây thập giá của Chúa Giêsu cho thấy sức mạnh nhiệm mầu của Thiên Chúa trong sự yếu đuối. Sự thành công của Chúa Giêsu trên thập giá cho thấy điều phi lý trong cái nhìn bình thường của người đời. Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá là "quyền năng của Thiên Chĩa và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người" (1Cr 1, 24 -25).

Dấu chỉ và biểu tượng tình yêu qua thập giá hôm nay vẫn đang mời gọi mỗi người chúng ta nhất là giới trẻ hãy thắp sáng lên cho đời bằng ngọn lửa tình yêu từ cây thập giá. Hãy tiếp tục nói lời khát yêu như Chúa Giêsu trước khi trút hơi thở.

Thánh Anrê, giám mục nói : "Ai có thánh giá là có một kho tàng...thánh giá vừa cao cả vừa quý báu. Cao cả vì thánh giá đã sinh ra nhiều ơn ích, bởi lẽ Chúa Kitô càng làm nhiều phép lạ và chịu đau khổ bao nhiêu thì Người lại càng chiến thắng lẫy lừng bấy nhiêu. Quý báu, vì thánh giá vừa là sự đau khổ, vừa là chiến tích của Thiên Chúa. Là sự đau khổ, bởi vì Người đã tự nguyện chết trên đó; là chiến tích, bởi vì ma quỷ đã bị trọng thương và bị đánh bại ở đó, thần chết cũng đã bị thua cùng với nó; then sắt hoả ngục bị đập tan và thánh giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới" (trích bài giảng của thánh Anrê, giám mục Crêta).

Thánh giá biểu tượng tình yêu Thiên Chúa với con người, Chúa mời gọi chúng ta dùng để trao gửi yêu thương cho nhau. Chồng hôn vợ trong ý nghĩa là thánh giá Chúa gửi cho, cái hôn đó đáng trân trọng biết bao! Giuđa hôn Chúa để trao nộp cho người ta đem đóng đinh vào thập giá, cái hôn ấy cay đắng, phũ phàng dường nào.

Đôi trai gái yêu nhau sắp sửa cưới hỏi hay ‘khai thác’ tài sản của nhau. Bên nào cũng muốn biết xem người yêu của mình hiện nay có bao nhiêu vốn riêng, càng nhiều tiền vàng càng quý. Mà không hỏi nhau xem đã có thánh giá chưa?! Đây là vốn riêng quý giá lắm. Thánh giá bằng vàng thì còn quý về mặt kinh tế nữa. Và quyết định lấy nhau rồi thì hãy nhớ rằng lời thề hứa quan trọng trong lễ cưới "...hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh nạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt cuộc đời". Ngày cưới nói câu ấy sao mà ngon lành, cảm động dễ thương thế. Nói như vậy là chấp nhận vác cây thập giá nặng vài chục kg suốt đời!

Chúng ta là những người tin Chúa nhưng chưa chắc đã theo Chúa, vì chưa can đảm và trung thành với thập giá Chúa trao. Làm sao dám khẳng định rằng mình theo Chúa qua việc vác thập giá hằng ngày. Về mặt lý thuyết, khuyên bảo người khác chịu đau khổ, bệnh nạn là vác thánh giá Chúa trao thì nói ngon xớt. Cuộc sống êm đềm, yên vui có khi lại không nhận ra dấu hiệu thập giá trong cuộc đời ; nên lúc thấy bóng dáng thập giá đến với mình thì tìm cách đẩy cho người khác qua những hành động : thoái thác, lẩn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho người ta khi mình thất bại, chỉ trích khi người khác thành công và những hành vi khác tệ hơn nữa. Làm sao người kitô hữu hôm nay phải sống và nói được một cách tích cực như thánh Phaolô khi ngài viết cho tín hữu Côlôsê rằng :"Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì ích lợi cho thân thể Người là hội thánh" (Cl 1, 24).

Sống được như thế thì việc đón nhận và vác thánh giá mới là một vinh dự đúng nghĩa, trở nên nhẹ nhàng và là niềm hãnh diện thực sự vì đem lại cho anh chị em của mình sự bình an và ơn cứu rỗi.

Lm Pet. Bùi Trọng Khẩn
Source: conggiaovietnam.net

--------------------------------------------------

 

Tranh luận về ngày chết và ngày phục sinh của Đức Giêsu

Bấy lâu nay vẫn luôn có những tranh luận giữa các học giả về ngày chết và ngày phục sinh của Đức Giêsu. Truyền thống của Giáo Hội vẫn tin rằng Đức Giêsu đã chịu chết vào ngày thứ Sáu và phục sinh vào sáng Chúa Nhật. Chính vì thế mà chúng ta thường cử hành mầu nhiệm Vượt Qua vào ngày gọi là thứ Sáu Tuần Thánh, thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Tuy nhiên, vẫn có một số người không đồng ý với điều này. Mỗi bên đều có những lập luận của mình. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuộc tranh luận này, trước hết là của phía bác bỏ, sau đó là của bên ủng hộ.

Dựa vào câu nói của Mt 12,40: “Như Giona đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm như thế nào thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy”, những người bác bỏ cho rằng nếu Đức Giêsu chết vào thứ Sáu và phục sinh vào Chúa Nhật thì không thể trọn vẹn “ba ngày ba đêm” được. Nhưng các Tin Mừng lại nói rằng ngày hôm sau ngày chết của Đức Giêsu là ngày Sabat (là ngày thứ bảy của chúng ta). Như thế, chẳng phải Đức Giêsu chết vào thứ Sáu sao? Phe bác bỏ nói rằng thật ra, chúng ta đã lầm lẫn liên quan đến chi tiết “ngày Sabat” này.

Theo sách Levi, chương 23, có hai loại ngày Sabat: một loại là chính ngày thứ bảy trong tuần (gọi là Sabat theo tuần), còn loại kia là những dịp lễ lớn (lễ Bánh Không Men) (gọi là Sabat theo năm). Loại thứ hai này có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần, và nó sẽ trở thành ngày nghỉ lễ, theo như luật truyền. “Ngày áp lễ” mà Gioan 19,31 nói đến chính là ngày chuẩn bị cho ngày lễ Sabat theo năm. Hay nói cách khác, đó là ngày chuẩn bị cho ngày lễ Bánh Không Men. Những người này lập luận thêm rằng theo Mt 26,19-20; Mc 14,16-17; Lc 22,13-15, tối hôm lễ Vượt Qua, Đức Giêsu ăn tối với các môn đệ. Sau đó, Ngài bị bắt, bị tra tấn và bị hành hình vào ngày hôm sau (vẫn là ngày lễ Vượt Qua vì với người Do Thái, một ngày được tính từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau chứ không phải tính từ buổi sáng sớm như chúng ta). Ngày cử hành lễ Vượt Qua này cũng là “ngày áp lễ” cho lễ Bánh Không Men (sẽ được cử hành vào ngày hôm sau) của năm đó. Gioan đã gọi lễ Bánh Không Men này là “lễ lớn” (x.Ga 19,31). Nói cách khác, Đức Giêsu đã chết vào buổi chiều ngày lễ Vượt Qua, một vài giờ trước khi mặt trời lặn để bắt đầu ngày lễ Bánh Không Men.

Có một chi tiết khác đáng lưu ý củng cố cho lập trường này. Trong Mc 16,1, tác giả nói rằng: “Bấy giờ khi đã qua ngày Sabat, bà Maria Magdalena, bà Maria mẹ của ông Giacobe và bà Salome đã mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu.” Lc 23,55-56 bổ túc thêm: “Cùng đi với ông Giuse có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galile. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày Sabat, các bà nghỉ lễ như luật truyền.” Những người theo phe bác bỏ cho rằng ngày Sabat mà Marco nói đến và ngày Sabat mà Luca nói đến là hai ngày Sabat khác nhau. Ngày Sabat của Marco là ngày lễ Bánh Không Men; còn của Luca là ngày Sabat bình thường.

Tổng hợp tất cả những dữ kiện này lại, cộng với lời tiên báo của Đức Giêsu “ba ngày ba đêm”, những người này đi đến kết luận rằng Đức Giêsu phải ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ vào tối thứ Ba; buổi chiều ngày hôm sau (thứ Tư), Đức Giêsu bị hành hình. Từ tối thứ Tư đến tối thứ Năm là ngày lễ Bánh Không Men. Từ tối thứ Năm đến tối thứ Sáu là ngày các phụ nữ bắt đầu đi mua dầu thơm như Mc 16,1 nói. Từ tối thứ Sáu đến tối thứ Bảy là ngày Sabat bình thường và các phụ nữ phải nghỉ lễ như Lc 23,55-56 nói đến. Từ tối thứ Bảy đến tối Chúa Nhật (theo từ ngữ của chúng ta) là “ngày thứ nhất trong Tuần” (Ga 20,1), là ngày mà từ “sáng sớm”, các bà ra mộ và đã thấy tảng đá bị lăng ra rồi. Và vì “khi trời còn tối mịt”, các bà ra mồ và thấy tảng đá đã bị lăn đi, nên Đức Giêsu phải phục sinh trước đó. Nghĩa là Ngài phải phục sinh vào tối thứ Bảy chứ không phải là sáng Chúa Nhật. Với suy luận như thế, nhóm bác bỏ cho rằng mình đã giải quyết được chuyện “ba ngày ba đêm” mà Đức Giêsu nói đến.

Nhóm ủng hộ truyền thống Giáo Hội trả lời thế nào?

Khi tiên báo “thời điểm” cho sự phục sinh, Đức Giêsu đã dùng nhiều từ khác nhau. Có khi Ngài dùng “vào ngày thứ ba” (10 lần), có lúc thì “trong ba ngày” (5 lần), lúc khác thì “sau ba ngày” (2). Chỉ một lần duy nhất khi nói về cái chết của mình, Ngài dùng từ “ba ngày ba đêm”. Nếu Đức Giêsu là người nhất quán trong lời tiên báo của mình thì chắc hẳn là những cụm từ này mà Ngài sử dụng cũng phải cùng một nghĩa với nhau, dù được diễn tả dưới những ngôn từ khác nhau. Ta không thể hiểu “ba ngày ba đêm” là 72 tiếng đồng hồ được. Vì như thế, ta sẽ chẳng thể nào giải thích được chuyện làm sao nó có thể ăn khớp với “trong ba ngày” (chưa đủ 72 tiếng), hay với “sau ba ngày” (nhiều hơn 72 tiếng). Nhưng phải dung hoà nó bằng cách nào? Dĩ nhiên là phải áp dụng cách tính ngày theo truyền thống Do Thái thời đó.

Đối với người Do Thái, một phần của một ngày cũng được xem là một ngày trọn vẹn. Đó là ngày thứ nhất, ngày tiếp theo sẽ là ngày thứ hai; chứ không phải đợi đến ngày hôm sau mới là ngày thứ nhất. Ta có thể thấy nhiều ví dụ về cách tính thời gian như thế này trong các trình thuật khác của Kinh Thánh. Ví dụ như chuyện lụt Đại Hồng Thuỷ của Noe. Ở St 7,4, Thiên Chúa nói: “Trong vòng bảy ngày…”. Nhưng ở St 7,10, thì lại nói: “Bảy ngày sau…”. Hay ví dụ khác về chuyện cắt bì cho trẻ mới sinh: St 17,12 nói là “khi được tám ngày tuổi”, Lc 1,59 lại nói “vào ngày thứ tám”, Lc 2,21 viết “khi đủ tám ngày”. Thật ra, không có sự khác biệt nào cả về cách nói này, tất cả có ý muốn nói đến ngày thứ 8 kể từ khi đứa bé được sinh ra (ngày mà đứa bé được sinh ra được xem là ngày thứ nhất). Đức Giêsu đã phục sinh vào ngày thứ ba, như lời Ngài đã nói. Chính các môn đệ Emmaus cũng xác nhận điều này: “Hôm nay là ngày thứ ba để từ khi những sự việc đó xảy ra.” (Lc 24,46). Các Thượng Tế và Kinh sư cũng cho thấy điều khi đối thoại với Philato: “Thưa Ngài, chúng tôi nhớ là còn sống, hắn có nói về sẽ sống lại sau ba ngày. Vậy xin Ngài hãy ra lệnh canh gác mộ cẩn thận cho đến ngày thứ ba, kẻo các môn đệ hắn ban đêm đến trộm xác hắn và phao tin khắp nơi là hắn đã sống lại (Mt 27,63-64). Điều đó có nghĩa là: ngày Ngài chết là ngày thứ nhất, sau đó là ngày thứ hai, tiếp theo là ngày Ngài phục sinh.

Nhóm bác bỏ truyền thống Giáo Hội cho rằng có hai ngày Sabat vào tuần đó: một cái rơi vào thứ Năm (lễ Bánh Không Men), cái kia là ngày thứ Bảy Sabat như hàng tuần. Nhưng thực ra, nếu đọc kỹ Ga 19,31, ta sẽ thấy hai ngày Sabat này trùng nhau, chứ không tách biệt nhau. Hay nói cách khác, lễ Bánh Không Men của năm ấy rơi vào đúng ngày thứ bảy Sabat. “Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trong ngày Sabat, mà ngày Sabat đó lại là ngày lễ lớn.” (Ga 19,31). Ngày nằm sau ngày Đức Giêsu chịu đóng đinh không chỉ là ngày Sabat hàng tuần bình thường, nhưng còn là ngày lễ lớn. Vì thế, ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh chỉ có thể là vào ngày thứ Sáu.

Những người phụ nữ sau khi thấy xác Đức Giêsu bị đưa xuống khỏi thánh giá, quan sát việc người ta đặt xác Ngài trong mộ trống, đã vội vàng về nhà chuẩn bị dầu thơm để có thể táng xác Chúa. Nhưng họ chưa kịp làm thì đã chuyển sang ngày Sabat và họ phải nghỉ việc như luật truyền. (x.Lc 23,54 – 24,1). Đợi hết ngày Sabat (hết ngày thứ Bảy), sáng sớm hôm sau (sáng Chúa Nhật), họ ra mộ thì thấy mọi chuyện như Tin Mừng thuật lại. Nếu Đức Giêsu bị đóng đinh vào thứ Tư như nhóm bác bỏ nói thì ta sẽ không thể nào giải thích được tại sao họ không đi xức dầu thơm cho xác Chúa vào thứ Sáu, mà phải đợi đến Chúa Nhật (ngày thứ tư sau cái chết). Bởi lẽ thời đó, người ta biết rằng khi người chết đã vào ngày thứ tư thì không còn xức dầu nữa vì xác đã bắt đầu có mùi hôi. Matta và Maria đã nói điều này với Đức Giêsu liên quan đến việc Chúa làm cho Ladaro sống lại. “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” (Ga 11,39). Câu nói này của Matta cho thấy cách quan niệm của người thời đó về việc phân huỷ của xác chết mà người nào cũng phải biết, đó là sau bốn ngày bị đặt trong vào mộ, xác chết đã trở nên nặng mùi. Việc mở nắp quan tài ra là điều không thể, chứ đừng nói gì đến chuyện xức dầu thơm.

Về thời điểm phục sinh, nhóm bác bỏ vịn vào Ga 20,1 “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”, “lúc trời còn tối mịt” để khẳng định rằng “sáng sớm” ở đây được hiểu là “chiều tối ngày thứ Bảy”, Đức Giêsu phải phục sinh vào chiều hoặc tối thứ Bảy (ngay sau khi ngày Sabat kết thúc), để tính cho đủ “ba ngày ba đêm” hay 72 tiếng đồng hồ. Nhưng Marco thì nói rằng các bà ra mộ “khi mặt trời vừa ló dạng” của ngày thứ nhất trong tuần (ngày Chúa Nhật) (x.Mc 1,3).

Việc Đức Giêsu chịu chết ngày thứ Sáu, và Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật có một ý nghĩa thần học gì không?

Đọc lại Lv 23,5-6, ta thấy có nhắc đến một số lễ: ngày 14 của tháng đầu tiên là lễ Vượt Qua, ngày 15 sẽ ngày lễ Bánh Không Men, và ngày 16 là ngày dâng của lễ đầu mùa. Lv 23,10-11 nói rằng: “Hãy nói với con cái Israel và bảo chúng rằng: ‘Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan Đức Chúa để các ngươi đoái nhận; tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày Sabat.”

Thứ tự và ý nghĩa của các lễ này làm cho chúng ta nhớ đến Đức Giêsu. Ngài thật sự là con chiên chịu hiến tế, như Gioan Tẩy Giả đã từng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa!” (Ga 1,36). Ngài đã chịu chết vào ngày 14 tháng Nisan, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, như thánh Phaolo nói: “Đức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, như lời Kinh Thánh.” (1Cor 15,3). Không những thế, Đức Giêsu cũng phải sống lại theo như lời Kinh Thánh (x.1Cor 15,4). Hơn thế nữa, Đức Giêsu không chỉ là cuộc vượt qua của chúng ta nhưng còn là “hoa trái đầu mùa tiến dâng cho Thiên Chúa (1Cor 15,20). Với ý nghĩa sâu xa này, ta hiểu được lý do vì sao Đức Giêsu dùng từ “ngày thứ ba” hơn những từ khác để nói về thời điểm phục sinh của mình. Như là Của Lễ Đầu Mùa, Đức Giêsu phải được tiến dâng cho Thiên Chúa sau ngày Sabat (ngày Chúa Nhật của chúng ta). Vào năm Đức Giêsu chịu chết, ngày Sabat theo tuần này trùng khớp với ngày Sabat theo năm (ngày lễ lớn, lễ Bánh Không Men). Tất cả những gì xảy ra cho Đức Giêsu đều ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã viết năm xưa: Đức Giêsu chịu hiến tế vào ngày thứ Sáu và phục sinh vào ngày Chúa Nhật.

Tổng hợp và trình bày: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN

  

CHIA SẺ để SỐNG ĐẠO
----------------------------
Con là 1 GLV trong quá trình soạn bài giảng con gặp rất nhiều thắc mắc, xin giải đáp giúp con 2 câu hỏi sau được không ạ. Nếu câu hỏi đã trùng với những bài đăng trước, xin vui lòng nhắc lại, vì con chưa cập nhật hết được các số phát của trang.
1. Trong 7 bí tích mà Chúa Giêsu thiết lập có bí tích sức dầu bệnh nhân, con muốn hỏi Chúa đã thiết lập khi nào. Vì con không thấy kinh thánh nhắc tới cụ thể như những bí tích khác.
2. Như ta được biết thì có 2 thứ Ơn Chúa
1. là ơn thánh hoá có tính cách thừơng xuyên
2. là ơn trợ giúp tùy hoàn cảnh. Ơn thứ 2 thì con hiểu rồi, còn ơn thứ nhất con khôg hiểu rõ lắm. Vì Ơn Thánh Hóa là ơn được làm con Thiên Chúa và ơn này chỉ được ban 1 lần duy nhất qua bí tích rửa tội vậy tại sao nói "có tính cách thường xuyên" được?
Con xin cám ơn! – NTTA
----------------------------------------
++++++++++++++++++++

Chào bạn NTTA.
Xin trả lời Bạn N-T-T-A 2 câu hỏi nêu trên như sau:
1. Ơn Thánh hoá
Giáo lý dạy rằng, Ơn thánh hoá là sự sống của Chúa Ba Ngôi thông ban cho ta làm cho ta giống Chúa Kitô nên con hiếu thảo và đáng được hưởng gia nghiệp với người trên trời. Nhưng khi ta phạm tội trọng thì tạm thời ngừng, không còn hay mất ơn thánh hoá. Ta phải lãnh Bí tích giải tội hay ăn năn tội cách trọn (khi không thể lãnh Bí tích ấy) đề LẤY LẠI ƠN (đã được) THÁNH HÓA khi trở nên con cái Chúa thực sự qua bí tích Rửa Tội (không phải Chúa sẽ ban một ơn thánh hóa khác… như một món đồ vật thứ hai trên đời).

Nói Ơn thánh hoá "có-tính-cách-thường-xuyên" (constant supernatural quality) vì không bị hạn chế về thời gian hay không gian, phải hiểu là rất dễ dàng. Tạm lấy ví dụ không phải chờ đợi hay gặp chuyện khó dễ, đòi hỏi nhiều điều kiện thủ tục phức tạp như khi ta đi xin chứng giấy tờ hay làm thủ tục hành chánh ngòai xã hội…
Thật thế, TC thường xuyên, luôn luôn hay không ngừng việc ban ơn cho ta, một khi ta sẵn long mở rộng để đón nhận.



2. Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân
Trong Cựu ước, bệnh tật thường được coi như thử thách lớn lao khiến người ta phải nổi loạn, nhưng trong bệnh tật người ta có thể nhận ra bàn tay của Chúa. Các ngôn sứ cũng coi bệnh tật không nhất thiết là lời nguyền rủa, cũng không luôn là kết quả do tội cá nhân.

Tuy nhiên người chịu đau khổ của mình cách kiên nhẫn cũng có thể giúp người khác kiên nhẫn như vậy. Cần phải được ứng nghiệm lời Tiên tri Isaia: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta. (Mt 8,17)

Trong khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu có bày tỏ tình thương đặc biệt đối với những người bé nhỏ, nghèo khổ, tội lỗi, các bệnh nhân. Nhiều lần Chúa Giêsu đã chữa cho những người bệnh tật, đau yếu phần xác, Ngài còn chữa lành cho những người đau yếu phần hồn qua việc ban lời tha tội (x. Ga 5: 14).

Chúa Giêsu nói: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mc 2:17)

Vào thời đó, nhiều những bệnh nhân là những người tìm cách đến gần Chúa Giêsu; họ cố gắng tìm cách chạm đến Chúa vì có một sức mạnh phát xuất từ Người, và Người chữa lành cho mọi người (Lc 6:19).

Sau này, khi sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng, Chúa chỉ dặn các tông đồ đặt tay chữa lành các bệnh nhân (x. Mt 10: 8; Mc 16: 17-18).


Các tông đồ đã thực hành lời dặn này. Các tông đồ đã xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh. (x. Mc 6: 12-13).

Trong Hội Thánh sơ khai, thánh Gia-cô-bê tông đồ cũng đã lưu ý mọi người về Bí tích Xức dầu: “Ai trong anh em đau yếu ư? Hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến. Họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa” (x. Gc 5: 13-16).

Tóm lại, Chúa Giêsu không tuyên bố rõ như khi Ngài lập bí tích Thánh Thể, nhưng qua việc làm và lời căn dặn của Đức Kitô nêu trên được trích ra trong KT, đặc biệt dựa trên thư Giacôbê trên, Chúa qua tay GH đã lập và ban bí tích Xức dầu để ban ơn nâng đỡ các bệnh nhân về phần xác cũng như phần hồn.

Hy vọng các trả lời này giúp bạn hiểu hơn về Ơn thánh hóa và nguồn gốc Bí tích Xức Dầu Bệnh nhân.
--------------------------------
HHđSĐ

Wednesday, March 27, 2024

TAM NHẬT THÁNH

 “Tam Nhật Vượt Qua” là gì ?




Tam Nhật Vượt Qua hay còn gọi là Tam Nhật Thánh, là khoảng thời gian ba ngày Hội thánh cử hành tưởng niệm Cuộc Vượt Qua  của Đức Kitô.

“Cuộc Vượt Qua” của Đức Kitô là gì?

Cuộc Vượt Qua hay Mầu Nhiệm Vượt Qua là thuật ngữ diễn tả cuộc chiến thắng của Đức Kitô – Người vượt qua cuộc khổ nạn, sự chết và đạt đến sự phục sinh.

Thuật ngữ Vượt Qua có nguồn gốc từ truyền thống Do Thái: Hằng năm vào chiều ngày 14 tháng Nisan người Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua mừng kính Đức Chúa. Người Do Thái tính lịch theo mặt trăng [Âm lịch], một năm chia thành 12 tháng, một tháng 30 ngày, tháng Nisan là tháng đầu tiên của năm, rơi vào khoảng tháng Ba hay Tư theo Dương lịch, tức vào khoảng giữa mùa Xuân.

Lễ Vượt Qua là lễ lớn nhất trong năm của người Do Thái, được quy định trong Xh 12,1-14, đoạn văn Xuất Hành này được trích đọc trong Thánh Lễ Tiệc Ly chiều thứ Năm Tuần Thánh. Chính vào đêm Israel được lệnh “đi lên” khỏi khỏi đất Ai Cập, Đức Chúa đã gieo tai ương, khiến các con đầu lòng của người Ai Cập đều phải chết; nhưng những nhà của người Israel, nhờ có máu chiên bôi trên cửa làm dấu, Đức Chúa đã vượt qua mà không đổ tai ương xuống trên họ.

Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là ĐỨC CHÚA. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập (Xh 12,12-13).

Trong thời Cựu Ước, máu chiên được sát tế đã cứu con cái Israel khỏi phải chết. Trong thời Tân Ước, đối với các Kitô hữu, Đức Kitô chính là Chiên Vượt Qua được sát tế. Qua hy lễ Thập Giá, Người đã khai mở một cuộc Vượt Qua Mới, bằng cuộc chiến thắng sự chết, để cứu chuộc toàn thể nhân loại.


Hội thánh cử hành “Mầu Nhiệm Vượt Qua” của Đức Kitô thế nào?

Hằng ngày, Hội thánh cử hành Thánh Thể để tưởng niệm Cuộc Vượt Qua – mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Kitô.

Hằng năm, Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô được tưởng niệm cách long trọng hơn, mô phỏng lại những diễn biến cuối cùng của cuộc đời Đức Kitô theo như các trình thuật Tin Mừng, và vì thế việc cử hành việc tưởng niệm này kéo dài đến ba ngày. Thời đầu của Hội thánh, suốt thời gian cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua này các Kitô hữu giữ chay.

“Tam Nhật Vượt Qua” được tính thế nào?


Tam Nhật Vượt Qua được tính từ Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho đến hết Ngày Chúa Nhật Phục sinh.

  • Ngày thứ nhất là Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa (bắt đầu từ Lễ Tiệc Ly Chiều Thứ Năm)
  • Ngày thứ hai là Thứ Bảy Tuần Thánh tưởng niệm sự an nghỉ của Chúa (bắt đầu sau khi Chúa đã được an táng vào Chiều Thứ Sáu).
  • Ngày thứ ba là Chúa Nhật Phục Sinh (bắt đầu từ canh thức Vượt Qua vào Tối Thứ Bảy).

Xem Thêm:

Từ Điển Công Giáo. Bs. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), tr. 978-80.

Phan Tấn Thành. “Làm sao biết được lễ Phục sinh sẽ vào ngày nào?” trong Hiểu để sống đức tin, tập 2 (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2009), tr. 112-17.

------------------------------------------------

 

THẤY MÌNH TRONG CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

 

Đấng đáng kính TGM Fulton J. Sheen (1895-1979, Hoa Kỳ) đã trình bày bài suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Chúng Ta và Đấng Cứu Thế Giêsu Kitô theo nhiều cách.  Hai trong số những cách đáng chú ý nhất mà ngài đã trình bày về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là:

a) Suy niệm sâu sắc về “Bảy Lời Cuối Cùng của Chúa Giêsu từ Thập Giá.”

b) Trình bày cách mô tả “Các Nhân Vật Trong Cuộc Khổ Nạn.”  Ngài mô tả các thái độ, nhân đức hoặc tính xấu khác nhau của nhiều người tham gia vào Cuộc Khổ Nạn – đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá.

 “Các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô” chắc chắn có thể dùng như một phương tiện để xét mình nghiêm túc đối với mỗi người trong chúng ta.  Chúng ta có thể khám phá và xác định mình với nhiều đặc điểm của các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa – một số tích cực và đáng khen, một số tiêu cực và đáng trách.

 Vì vậy, chúng ta hãy can đảm bước vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu bằng cách vừa suy gẫm vừa suy nghĩ về những nhân vật hoặc những người liên quan Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa chúng ta.  Hy vọng chúng ta sẽ được coi là những người trung thành của Chúa Giêsu, những người mang lại niềm an ủi sâu sắc cho Trái Tim bị thương và chảy máu của Ngài.

 Chúng ta sẽ xem xét một số nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.  Bài viết ngắn này không đầy đủ, nhưng nó sẽ cho chúng ta nếm trải ít nhất một hương vị trong nhiều tính cách của những người có mặt trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, cách phác họa các động độ khác nhau sẽ tác động đến chúng ta theo nhiều cách và có thể thúc đẩy chúng ta hoán cải.

 ÁC VƯƠNG HÊRÔĐÊ

Chúa Giêsu bị chất vấn trước mặt vua Hêrôđê và triều đình, nhưng Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi nào.  Ông vua độc ác này đại diện cho những người theo chủ nghĩa nhục dục, chủ nghĩa khoái lạc, phó mặc cho những ham muốn xác thịt.  Chúa Giêsu không mở miệng bởi vì Ngài sẽ chỉ bị chế giễu, mỉa mai và nhạo báng.  Với những loại người này, Chúa Giêsu xác định: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7:6)

Ngày nay, nhiều người theo chủ nghĩa khoái lạc, hướng về nhục dục, hoàn toàn phó mặc cho những ham muốn xác thịt.  Chúa Giêsu xác định với ông Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.  Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.” (Ga 3:5-6)

 TỔNG TRẤN PHILATÔ

Người biện lý La Mã này đại diện cho nhiều người ngày nay.  Về cơ bản, Philatô đại diện cho kẻ hèn nhát điển hình.  Vợ ông là Claudia đã mơ về sự vô tội của Chúa Giêsu, nhưng ông ta đã bỏ qua yếu tố chân lý này.  Ông ta muốn làm hài lòng đám đông, ông ta là “người làm vui lòng dân hơn là làm vui lòng Chúa!”

 Chúng ta thường hành động và phản ứng như thế nào để làm vui lòng mọi người, để được mọi người vui thích và tán thưởng, để làm tổn hại chúng ta vì đã từ chối ý muốn của Thiên Chúa và làm mất lòng Chúa?  Sự tôn trọng dành cho con người lại thường vượt xa sự tôn trọng dành cho Thiên Chúa!

 PHARISÊU, KINH SƯ VÀ SAĐỐC

Nhiều người từ chối Chúa Giêsu và kêu gào kết án Ngài, điều đó thể hiện sự kiêu ngạo về trí tuệ.  Đây là giới trí thức – nhóm có học thức và uyên bác về Kinh Thánh.  Họ là những người biết nhiều về tâm linh.  Người ta cảm thấy quá sức tưởng tượng khi đối diện với một người thợ mộc khiêm tốn, ít học, đến từ Nadarét, giống như một thỏi nam châm, thu hút vô số người bởi những lời nói và việc làm của Ngài.

 Quả thật, chính sự kiêu ngạo và đố kỵ về trí tuệ của họ đã làm cho họ mù quáng, không thể nhận ra mà chấp nhận Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ của họ.  Ngày nay có biết bao người vẫn mù quáng, không nhận biết và không chấp nhận sự thật do sự kiêu ngạo về trí tuệ!

 VÔ SỐ NGƯỜI THEO DÕI CHÚA GIÊSU

Nhiều người trong nhóm này là biểu tượng của những người tò mò.  Nhiều người tìm kiếm sự mới lạ, sự đổi mới, mốt mới và kiểu lạ để khơi gợi sự tò mò bệnh hoạn của họ.  Thật nguy hiểm biết bao khi họ chỉ sống vì sự phấn khích mau qua.  Người ta có câu: “Sự tò mò giết chết con mèo!”

 TIẾNG HÔ “ĐÓNG ĐINH!”

Có những người trên thế giới thực sự có lòng căm thù đối với Thiên Chúa, đối với Chúa Giêsu, và tất cả những gì liên quan Thiên Chúa.  Nhóm Sađốc, các thượng tế đứng dưới thập giá và đám đông trước mặt Philatô kêu to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”

 Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người nuôi dưỡng lòng căm thù quỷ quyệt đối với Chúa Giêsu và tất cả những gì liên quan Thiên Chúa.  Số người này trong thế giới hiện đại vẫn tiếp tục gia tăng!

 ÔNG SIMÔN KYRÊNÊ

Sau khi làm việc và trở về từ cánh đồng, ông Simôn thành Kyrênê bị bắt buộc phải giúp Chúa Giêsu vác thập giá.  Lúc đầu, Simôn chống cự và tìm cách thoái thác, nhưng khi đã chấp nhận vác thập giá, ông ấy không chỉ thấy hoàn toàn phù hợp với công việc này, mà còn thích giúp Chúa Giêsu vác thập giá.

Có thể đó là bạn và tôi: ngay từ đầu chúng ta muốn chạy trốn khỏi thập giá, nhưng khi đã chấp nhận, chúng ta thấy “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng.” (Mt 11:30)

 BÀ VÊRÔNICA

Bà Vêrônica là một phụ nữ dũng cảm.  Bà đã chen qua đám đông và lau mặt Chúa Giêsu bằng khăn trùm của mình.  Chúa Giêsu đã đền đáp cho bà bằng cách để Thánh Nhan Ngài in vào tấm khăn đó.  Còn chúng ta, liệu chúng ta có can đảm ra đi để giúp đỡ những người đang đau khổ và hoạn nạn hay không?

 NHỮNG NGƯỜI ĐÓNG ĐINH CHÚA

Mặc dù điều này có thể khó chấp nhận, nhưng mỗi khi chúng ta đồng ý phạm một tội trọng, thì theo nghĩa thực tế, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc đóng đinh Chúa Giêsu, về những chiếc đinh đâm vào chân tay Ngài.  Tuy nhiên, bằng cách xưng tội nên, chúng ta nhổ đinh và để cho Chúa Giêsu Phục Sinh bước đi!

 NHỮNG NGƯỜI LÍNH RÚT THĂM CHIA CHÁC

Có những người lính bên dưới khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá và đau đớn tột cùng.  Họ rút thăm xem ai được nhận y phục của Chúa Giêsu.  Những người này, cùng với nhiều người trong đám đông đang nhìn xem, thể hiện thái độ dửng dưng và lãnh đạm.

 Ngày nay có quá nhiều người bày tỏ thái độ dửng dưng, lãnh đạm, thờ ơ, xa cách đối với Chúa Giêsu.  Sách Khải Huyền lên án mạnh mẽ thái độ này bằng những lời lẽ làm rung chuyển trái đất này: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng.  Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi!  Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:15-16)

 Đáng buồn là có một số đông những người được gọi là Kitô hữu Công giáo thể hiện thái độ dửng dưng và lãnh đạm với Chúa, với các Bí Tích và với Giáo Hội.  Có lẽ chúng ta thuộc nhóm này.  Nếu vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi!

 KẺ TRỘM DỮ

Bất chấp gương tốt của Chúa Giêsu và tấm gương cao quý nhất về lòng nhân từ và thương xót của Ngài: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc. 23: 24)  Tên tử tội xấu đã tự kết liễu đời mình bằng cách nguyền rủa và thách thức Chúa Giêsu.  Thậm chí hắn còn muốn biến đổi tử tội cùng bị đóng đinh với mình, nhưng hắn vẫn chết với trái tim lạnh lùng, nhẫn tâm và độc ác!  Có những người, mặc dù được Thiên Chúa ban cho nhiều ân sủng, nhưng họ lại trở nên chai cứng và nhẫn tâm hơn.  Xin Chúa giải cứu chúng ta!

 NGƯỜI TRỘM LÀNH

Ở mặt khác của đồng tiền, bên cạnh Chúa Giêsu trên Thập Giá, chúng ta gặp người trộm lành.  Anh ta kết thúc đời mình bằng cách ăn năn và cầu xin Chúa Giêsu thương xót.  Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ, tỏ lòng thương xót, và mở Thiên Đàng cho tử tội sám hối này, với những lời an ủi nhất: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc. 23:43) TGM Sheen nhắc nhở chúng ta: “Anh ta chết mà vẫn ăn trộm vì anh ta đã lấy trộm Thiên Đàng.”  Sự cứu rỗi có thể xảy ra ngay giây phút cuối cùng đối với những người thật lòng ăn năn!

 VIÊN ĐỘI TRƯỞNG ĐÂM CHÚA

Sau khi đâm Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, viên đại đội trưởng này đã tin!  Ông công nhận: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39) Máu và nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu là nguồn ơn hoán cải và ơn cứu độ vô tận!

 MARIA MAĐALÊNA

Sau khi được trừ bảy quỷ, bà Mađalêna đã biến đổi nhờ tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu.  Đứng dưới chân Thập Giá, ôm lấy Thập Giá với mái tóc rối bù, bà Mađalêna thể hiện tình yêu chân thành và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu.  Bà Mađalêna đại diện cho những người thực sự canh tân cuộc sống.  Tất cả đều được mời gọi ăn năn và tín thác.  Có lẽ vẫn còn điều gì đó giống bà Mađalêna trong chúng ta, đó là cần đổi mới chăng?

 MÔN ĐỆ GIOAN

Môn đệ Gioan đứng dưới Thập Giá đại diện cho giới tư tế.  Linh mục có thể được định nghĩa là nạn nhân, là vật hy sinh, là người dâng những lời cầu nguyện và hy sinh để đền tội cho mình và cho các tội nhân.  Chúa Giêsu là lễ vật không tì vết, và bị treo tên Thập Giá.  Môn đệ Gioan đứng bên Mẹ Maria, dưới chân Thập Giá, dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha Hằng Hữu để xin ơn cứu độ tội nhân và nhân loại.  Xin cho các giáo sĩ biết noi gương Thánh Gioan!

 ĐỨC MẸ

Có rất nhiều danh hiệu dành cho Đức Mẹ.  Tuy nhiên, TGM Sheen tôn vinh Đức Mẹ là Đấng Vô Tội – Innocence, vì Đức Mẹ đã đứng bên Thập Giá suốt ba giờ.  Tất cả chúng ta đều đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá do tội lỗi của mình.  Đức Maria không hề phạm tội, nhưng đã dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha để cứu rỗi toàn thể nhân loại.

 CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH

Khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, chúng ta có cách mô tả rõ ràng nhất về Tình Yêu Nhập Thể. Thánh Inhaxiô nói rằng Chúa Giêsu chết trên Thập Giá vì hai lý do:

a) Cho chúng ta thấy sự xấu xa của tội lỗi.

b) Đặc biệt cho chúng ta thấy sự vĩ đại của tình yêu Ngài dành cho chúng ta.  Nếu bạn là người duy nhất trên thế giới, Chúa Giêsu vẫn chịu khổ nạn và chịu chết vì yêu thương bạn và cứu rỗi linh hồn bất tử của bạn.

 17. CHÚA CHA VĨNH HẰNG

Trong bộ phim The Passion of the Christ (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu) của Mel Gibson, cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá kết thúc bằng một giọt nước khổng lồ từ trên trời rơi xuống.  Cách hiểu thế nào?  Đó là Giọt Nước Mắt của Chúa Cha từ trời cao.  Chúa Cha khóc trước cái chết của Con Ngài và khóc vì tội lỗi của nhân loại.  Nhưng Chúa Cha cho phép Con Ngài chết vì yêu thương chúng ta và sự cứu rỗi đời đời của chúng ta.

KẾT LUẬN

Hãy dành nhiều thời gian để suy ngẫm về các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô.  Bạn có thể xác định điều gì trong số những điều này với cuộc sống của chính mình?  Cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí bạn để biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát bạn.

 

Lm. Ed Broom, Omv - Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

WORLD WORLD