Friday, March 29, 2024

Chúa Giêsu chính xác chịu chết vào giờ, ngày, tháng, năm nào?

  1. Vào giờ nào?

Theo Mt 27,45-50; Mc 15,34-37, Lc 23,44-46, Chúa Giêsu chết vào giờ thứ 9. Quy chiếu vào thời chúng ta, “giờ thứ 9” chính là “15h00”.

  1. Vào ngày nào trong tuần?

Ga 18,28-29a cho biết người Do Thái điệu Đức Giêsu đến dinh Philato vào sáng sớm nhưng không vào sân vì sợ bị nhiễm uế, không thể ăn lễ Vượt Qua được nên Philato phải ra ngoài gặp họ. Họ sợ là vì lễ Vượt Qua sẽ là ngày hôm sau.

Ga 19,31 còn cho biết lúc Chúa Giêsu chết thì chuẩn bị chuyển sang ngày Sabat, mà ngày Sabat đó lại là ngày lễ lớn.

Mt 27,62; Mc 15,42; Lc 23,54; Ga 19,42 cho biết Chúa Giêsu chịu chết vào ngày trước ngày Sabat, mà ngay sau đó là “ngày thứ nhất trong tuần” (x.Mt 28,1; Mc 16,2; Lc 24,1; Ga 20,1). Như thế ngày chịu chết chỉ có thể là ngày thứ sáu.

Các Tin Mừng không thống nhất với nhau vào ngày Chúa Giêsu ăn lễ vượt qua là thứ năm (Mt, Mc, Lc) hay thứ sáu (Ga). Bỏ qua lời giải thích mang tính thần học, ta có thể đoán rằng Chúa Giêsu bị bắt vào tối thứ 5 (vốn theo lịch Do Thái là đã sang thứ 6). Cuộc Thương Khó diễn ra từ lúc đó cho đến khi Ngài bị đóng đinh vào chiều hôm sau (chiều thứ 6).

  1. Vào năm nào?

Chúa Giêsu bị điệu đến trước mặt Thượng Tế Caipha trong cuộc Thương Khó (Mt 26,3-4; Ga 11,49-53). Theo sử liệu (ngoài Kinh Thánh), ông này làm Thượng Tế từ năm 18-36 AD. Như thế, Chúa Giêsu chịu chết trong khoảng thời gian này.

Chính Philato là người ra lệnh giết Chúa Giêsu (Mt 27,24-26; Mc 15,15; Lc 23,24; Ga 19,15-16). Cũng theo nguồn sử liệu ngoài Kinh Thánh, thời gian ông này làm Tổng Trấn là từ năm 26-36 AD. Tổng hợp hai dữ liệu này, chúng ta giới hạn lại khoảng thời gian Chúa Giêsu có thể chịu chết là trong khoảng thời gian từ năm 26-36 AD

Ngoài ra, Lc 3,1-2 cho chúng ta biết một sử liệu là “năm thứ 15 triều hoàng đế Tiberia… có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong sa mạc…”. Năm này là năm 29 AD. Chúa Giêsu hoạt động công khai sau Gioan Tẩy Giả một khoảng thời gian.

Từ ba dữ liệu này ta có thể đoán thời gian hoạt động của Chúa Giêsu có thể là từ năm 29 – 36 AD.

Cho đến bây giờ, chúng ta đã giới hạn được khoảng thời gian chịu chết của Chúa Giêsu: 15h00, thứ 6, vào khoảng từ năm 29-36 AD.

Từ năm 29 đến năm 36 AD, người ta đếm được có những ngày sau là ngày chuẩn bị cho ngày lễ Vượt Qua:

  • Thứ 2, ngày 18.4.29
  • Thứ 6, ngày 7.4.30
  • Thứ 3, ngày 27.3.31
  • Thứ 2, ngày 14.4.32
  • Thứ 6, ngày 3.4.33
  • Thứ 4, ngày 24.3.34
  • Thứ 3, ngày 12.4.35
  • Thứ 7, ngày 31.3.36

 

Trong những ngày này, có hai ngày là ngày thứ 6. Như thế, ngày Chúa Giêsu chịu chết là một trong hai ngày này.

Chúa Giêsu qua đời vào năm 30 hay năm 33?

Ở trên, ta biết là Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ công khai sau Gioan Tẩy Giả một chút mà Gioan Tẩy Giả hoạt động vào năm 29. Nếu Chúa Giêsu chịu chết vào năm 30 thì có nghĩa là Ngài chỉ hoạt động trên dưới 1 năm. Còn nếu là năm 33 thì khoảng 3 năm. Cái nào hợp lý hơn?

Tin Mừng Gioan thuật lại 3 lần Chúa Giêsu ăn lễ Vượt Qua: Ga 2,13 (lúc khởi đầu sứ vụ), Ga 6,4 (giữa thời gian sứ vụ), và Ga 11,55 (khi chuẩn bị kết thúc sứ vụ).

Thật khó để nghĩ rằng Ngài ăn lễ 3 lễ Vượt Qua mà chỉ trong vỏn vẹn chưa tới 1 năm. Như thế, khả thể năm 33 có phần hợp lý hơn.

Nói tóm lại, Chúa Giêsu đã chịu chết vào 15h00, thứ 6, ngày 3 tháng 4 năm 33!

 

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Theo:https://www.aciprensa.com/noticias/cuando-murio-jesus-7-pistas-nos-indican-la-fecha-exacta?

Đọc thêm: https://dongten.net/2018/04/01/tranh-luan-ve-ngay-chet-va-ngay-phuc-sinh-cua-duc-giesu/

---------------------------------------------------------------------

Ý NGHĨA CỦA THÁNH GIÁ

Ngày nay thanh niên nam nữ không tin Chúa Giêsu cũng mang thánh giá. Có khi thánh giá của họ còn to hơn thánh giá của đức giám mục ! Nhưng hầu như chỉ dừng lại ở ý nghĩa là món thời trang, đồ trang điểm thôi. Họ không mang thánh giá vì niềm hãnh diện như chúng ta. Họ cũng không có ý đeo thánh giá để diễn tả tình yêu, để bộc lộ sự khiêm nhường, hiền lành và biểu dương ơn cứu độ của Chúa Giêsu.

Chúng ta hãnh diện, vui mừng thực sự vì thánh giá của Chúa Giêsu trong ý nghĩa cứu chuộc. Thánh Phaolô cũng đã từng nói lên cảm nghiệm này : "ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian" (Gl 6, 14). Thánh giḠtrong ý nghĩa thực sự không làm cho chúng ta vui mừng hãnh diện hoàn toàn. Chính Chúa Giêsu ở trong vườn Cây Dầu nghĩ đến phải vác thập giá đã xin Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu Cha muốn xin cất chén này xa con” (Lc 22, 42a).

Tại sao Thiên Chúa lại muốn dùng cây thập giá cắm trên mặt đất làm biểu tượng cho tình yêu vô biên của Ngài với nhân loại ? Chính Chúa Con chịu chết trên thập giá đã giải thích tất cả. Thập giá chỉ giá trị, chỉ là biểu tượng của tình yêu, chỉ đem lại ơn cứu độ khi có Chúa Giêsu bị treo trên đó. Nguồn suối ơn cứu độ và các nhân đức Kitô giáo đều phát xuất từ thập giá Đức Kitô ; thậm chí các bí tích của giáo hội cũng chỉ được chính thức khai mở khi cạnh sườn Chúa bị mở ra trên thập giá.

Thiên Chĩa đã biến đổi dụng cụ độc ác tàn nhẫn của con người thành dụng cụ diễn tả tình yêu thương bao dung, tha thứ ; biến dụng cụ giết người thành dụng cụ giải thoát con người khỏi phải án chết đời đời ; biến dụng cụ chế nhạo của con người thành dụng cụ diễn tả chiến thắng vinh quang của Đức Kitô. Như thánh Phaolô đã nói :"Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa" (1Cr 1, 18) và lời xưa chép rằng : 'đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ".

Nhìn vào thánh giá ta thấy đau khổ bên ngoài và tình yêu Thiên Chĩa bên trong, sự chết của con ngừơi và sự sống lại của Thiên Chĩa, bóng tối tội lỗi của trần gian và ánh bình minh cứu độ, sự ích kỷ của ta và sự hy sinh của Thiên Chĩa, sự kiêu căng của ta và sự khiêm tốn của Thiên Chúa, sự bất lực của ta và sức mạnh vô song của Thiên Chúa, sự thù hận của con người và sự tha thứ của Thiên Chĩa, sự hèn hạ của ta và sự cao cả của Thiên Chúa. Nhìn vào thánh giá ta thấy nhân tính và thiên tính của Chĩa Giêsu Kitô«.

ĐTC Gioan Phaolo II giảng (CN Lễ Lá) ngày quốc tế giới trẻ lần 16/2002 : "Hỡi các bạn trẻ yêu quý, qua việc tham dự chăm chỉ và nhiệt tình của các con vào việc cử hành trọng thể này, các con chứng tỏ các con không hổ thẹn vì thánh giá. Các con không sợ thánh giá Chúa Kitô. Ngược lại, các con yêu mến thánh giá và các con cung kính thánh giá, bởi vì thánh giá là dấu chỉ Đấng Cứu thế chết và sống lại vì chúng ta. Kẻ nào tin vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh thì ca tụng thánh giá, như bằng chứng chắc chắn Chúa là tình yêu” .

Trong các nghi thức trao và vác thánh giá ở các đại hội giới trẻ thế giới thấy các bạn vác thánh giá một cách hăng say nhiệt thành, vui vẻ lắm. Có bạn xắn quần áo lên vác hùng hục. Ai cũng muốn dành quyền được vác thánh giá. Đấy chỉ là điều diễn ra trong nghi thức, còn trong thưc tế, thánh giá trong cuộc đời có tranh nhau vác hay là đẩy cho nguời khác? Đấy là điểm khác biệt rất lớn.

Đón nhận màu nhiệm Chúa chịu đóng đinh và cùng chịu đóng đinh với Chúa thật là khó khăn trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay. Trong xã hội ấy bóng thánh giá đã được thay thế bằng bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú. Con người đang hiên ngang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá, ngay cả lừa đảo, phản bội ngay cả với người thân yêu cuả mình. Thậm chí sẵn sàng sát hại đứa con trọng bụng, chối bỏ và chà đạp phẩm giá của người khác. Xã hội hôm nay cần phải được soi sáng bằng sự dẫn đường của cây thánh giá và mầu nhiệm sự chết của Chúa Giêsu thì mới hy vọng phá tan được những bóng tối của sự dữ ác đang hoành hành quanh ta.

Con người ngày nay, cách riêng các bạn trẻ vẫn luôn ngại ngùng hy sinh, gian khổ, khó chấp nhận từ bỏ, cho nên nói đến thập giá là điều có vẻ khó đón nhận ; vì thánh giá tuợng trưng cho sự vất vả, hy sinh gian khổ, gánh nặng đau thương, sự hiểu lầm bất công, sức nặng của tội lỗi, giới hạn của thân phận con người. Sức tự nhiên ai cũng tìm cách tránh né. Nhưng nếu không đón nhận thì không phải là đang yêu mến Thiên Chĩa, không phải là môn đệ Chúa. Các thánh tử đạo Việt Nam cha ông chúng ta bị bắt bước qua thánh giá đã cương quyết từ chối. Giới trẻ ngày nay đang bị cám dỗ chối bỏ thập giá, bước qua thập giá để bỏ đạo, chối bỏ niềm tin ngang qua những hành động trái với lương tâm, lối sống phản đạo đức, cách cư xử xa lạ với giáo lý tin mừng của Chúa. Cho nên, Đức hồng y Px. Nguyễn Văn Thuận viết : "Quyết định của con theo Chúa không phải là một chữ ký, không phải là mét lời tuyên thệ mà thôi, nhưng là một sự dâng hiến liên lỉ thực hiện trong cả cuộc sống".

Chiêm ngưỡng đấng bị treo trên thập giá chúng ta đón nhận lời mời gọi của Chúa là hãy rập theo khuôn mẫu của Ngài đã đón nhận yêu thương tha thứ cho chúng ta. Những lời nói ý nghĩa và tuyệt vời nhất được Đức Giêsu nói trên thánh giá. Chúng ta còn phải suy niệm và học hỏi tới cùng.

Mặt khác của cây thánh giá chính là biểu tượng của tình yêu thương, sự hy sinh cao cả nhất của Thiên Chĩa dành cho con người. Cho nên người Kitô hữu dựng thánh giá, vẽ thánh giá, đeo thánh giá không có nghĩa là đi tố cáo tội ác người khác mà là để biểu dương công ơn cứu chuộc và minh chứng tình yêu của Chúa cho mọi người biết.

Nếu Chúa Giêsu đã bị xử tử, đóng đinh trên thập giá một cách bất công mà Ngài không trả thù, giận dữ, không kết án người ta ; thì con cái Chúa hôm nay cũng vậy : chúng ta sẵn sàng chịu xỉ nhục, bất công, đau khổ mà không kêu ca, trách móc, trả thù, kết án ai cả. Điều này khó lắm. Mang chung một số phận như Chúa Giêsu không phải là thất bại mà là một thành công ở mức độ cao nhất trên mọi thành công ở đời. Sự toàn thắng trên cây thập giá của Chúa Giêsu cho thấy sức mạnh nhiệm mầu của Thiên Chúa trong sự yếu đuối. Sự thành công của Chúa Giêsu trên thập giá cho thấy điều phi lý trong cái nhìn bình thường của người đời. Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá là "quyền năng của Thiên Chĩa và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người" (1Cr 1, 24 -25).

Dấu chỉ và biểu tượng tình yêu qua thập giá hôm nay vẫn đang mời gọi mỗi người chúng ta nhất là giới trẻ hãy thắp sáng lên cho đời bằng ngọn lửa tình yêu từ cây thập giá. Hãy tiếp tục nói lời khát yêu như Chúa Giêsu trước khi trút hơi thở.

Thánh Anrê, giám mục nói : "Ai có thánh giá là có một kho tàng...thánh giá vừa cao cả vừa quý báu. Cao cả vì thánh giá đã sinh ra nhiều ơn ích, bởi lẽ Chúa Kitô càng làm nhiều phép lạ và chịu đau khổ bao nhiêu thì Người lại càng chiến thắng lẫy lừng bấy nhiêu. Quý báu, vì thánh giá vừa là sự đau khổ, vừa là chiến tích của Thiên Chúa. Là sự đau khổ, bởi vì Người đã tự nguyện chết trên đó; là chiến tích, bởi vì ma quỷ đã bị trọng thương và bị đánh bại ở đó, thần chết cũng đã bị thua cùng với nó; then sắt hoả ngục bị đập tan và thánh giá trở thành nguồn ơn cứu độ cho toàn thế giới" (trích bài giảng của thánh Anrê, giám mục Crêta).

Thánh giá biểu tượng tình yêu Thiên Chúa với con người, Chúa mời gọi chúng ta dùng để trao gửi yêu thương cho nhau. Chồng hôn vợ trong ý nghĩa là thánh giá Chúa gửi cho, cái hôn đó đáng trân trọng biết bao! Giuđa hôn Chúa để trao nộp cho người ta đem đóng đinh vào thập giá, cái hôn ấy cay đắng, phũ phàng dường nào.

Đôi trai gái yêu nhau sắp sửa cưới hỏi hay ‘khai thác’ tài sản của nhau. Bên nào cũng muốn biết xem người yêu của mình hiện nay có bao nhiêu vốn riêng, càng nhiều tiền vàng càng quý. Mà không hỏi nhau xem đã có thánh giá chưa?! Đây là vốn riêng quý giá lắm. Thánh giá bằng vàng thì còn quý về mặt kinh tế nữa. Và quyết định lấy nhau rồi thì hãy nhớ rằng lời thề hứa quan trọng trong lễ cưới "...hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh nạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt cuộc đời". Ngày cưới nói câu ấy sao mà ngon lành, cảm động dễ thương thế. Nói như vậy là chấp nhận vác cây thập giá nặng vài chục kg suốt đời!

Chúng ta là những người tin Chúa nhưng chưa chắc đã theo Chúa, vì chưa can đảm và trung thành với thập giá Chúa trao. Làm sao dám khẳng định rằng mình theo Chúa qua việc vác thập giá hằng ngày. Về mặt lý thuyết, khuyên bảo người khác chịu đau khổ, bệnh nạn là vác thánh giá Chúa trao thì nói ngon xớt. Cuộc sống êm đềm, yên vui có khi lại không nhận ra dấu hiệu thập giá trong cuộc đời ; nên lúc thấy bóng dáng thập giá đến với mình thì tìm cách đẩy cho người khác qua những hành động : thoái thác, lẩn tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho người ta khi mình thất bại, chỉ trích khi người khác thành công và những hành vi khác tệ hơn nữa. Làm sao người kitô hữu hôm nay phải sống và nói được một cách tích cực như thánh Phaolô khi ngài viết cho tín hữu Côlôsê rằng :"Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Chúa Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì ích lợi cho thân thể Người là hội thánh" (Cl 1, 24).

Sống được như thế thì việc đón nhận và vác thánh giá mới là một vinh dự đúng nghĩa, trở nên nhẹ nhàng và là niềm hãnh diện thực sự vì đem lại cho anh chị em của mình sự bình an và ơn cứu rỗi.

Lm Pet. Bùi Trọng Khẩn
Source: conggiaovietnam.net

--------------------------------------------------

 

Tranh luận về ngày chết và ngày phục sinh của Đức Giêsu

Bấy lâu nay vẫn luôn có những tranh luận giữa các học giả về ngày chết và ngày phục sinh của Đức Giêsu. Truyền thống của Giáo Hội vẫn tin rằng Đức Giêsu đã chịu chết vào ngày thứ Sáu và phục sinh vào sáng Chúa Nhật. Chính vì thế mà chúng ta thường cử hành mầu nhiệm Vượt Qua vào ngày gọi là thứ Sáu Tuần Thánh, thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh. Tuy nhiên, vẫn có một số người không đồng ý với điều này. Mỗi bên đều có những lập luận của mình. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cuộc tranh luận này, trước hết là của phía bác bỏ, sau đó là của bên ủng hộ.

Dựa vào câu nói của Mt 12,40: “Như Giona đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm như thế nào thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy”, những người bác bỏ cho rằng nếu Đức Giêsu chết vào thứ Sáu và phục sinh vào Chúa Nhật thì không thể trọn vẹn “ba ngày ba đêm” được. Nhưng các Tin Mừng lại nói rằng ngày hôm sau ngày chết của Đức Giêsu là ngày Sabat (là ngày thứ bảy của chúng ta). Như thế, chẳng phải Đức Giêsu chết vào thứ Sáu sao? Phe bác bỏ nói rằng thật ra, chúng ta đã lầm lẫn liên quan đến chi tiết “ngày Sabat” này.

Theo sách Levi, chương 23, có hai loại ngày Sabat: một loại là chính ngày thứ bảy trong tuần (gọi là Sabat theo tuần), còn loại kia là những dịp lễ lớn (lễ Bánh Không Men) (gọi là Sabat theo năm). Loại thứ hai này có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần, và nó sẽ trở thành ngày nghỉ lễ, theo như luật truyền. “Ngày áp lễ” mà Gioan 19,31 nói đến chính là ngày chuẩn bị cho ngày lễ Sabat theo năm. Hay nói cách khác, đó là ngày chuẩn bị cho ngày lễ Bánh Không Men. Những người này lập luận thêm rằng theo Mt 26,19-20; Mc 14,16-17; Lc 22,13-15, tối hôm lễ Vượt Qua, Đức Giêsu ăn tối với các môn đệ. Sau đó, Ngài bị bắt, bị tra tấn và bị hành hình vào ngày hôm sau (vẫn là ngày lễ Vượt Qua vì với người Do Thái, một ngày được tính từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau chứ không phải tính từ buổi sáng sớm như chúng ta). Ngày cử hành lễ Vượt Qua này cũng là “ngày áp lễ” cho lễ Bánh Không Men (sẽ được cử hành vào ngày hôm sau) của năm đó. Gioan đã gọi lễ Bánh Không Men này là “lễ lớn” (x.Ga 19,31). Nói cách khác, Đức Giêsu đã chết vào buổi chiều ngày lễ Vượt Qua, một vài giờ trước khi mặt trời lặn để bắt đầu ngày lễ Bánh Không Men.

Có một chi tiết khác đáng lưu ý củng cố cho lập trường này. Trong Mc 16,1, tác giả nói rằng: “Bấy giờ khi đã qua ngày Sabat, bà Maria Magdalena, bà Maria mẹ của ông Giacobe và bà Salome đã mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu.” Lc 23,55-56 bổ túc thêm: “Cùng đi với ông Giuse có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ Galile. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày Sabat, các bà nghỉ lễ như luật truyền.” Những người theo phe bác bỏ cho rằng ngày Sabat mà Marco nói đến và ngày Sabat mà Luca nói đến là hai ngày Sabat khác nhau. Ngày Sabat của Marco là ngày lễ Bánh Không Men; còn của Luca là ngày Sabat bình thường.

Tổng hợp tất cả những dữ kiện này lại, cộng với lời tiên báo của Đức Giêsu “ba ngày ba đêm”, những người này đi đến kết luận rằng Đức Giêsu phải ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ vào tối thứ Ba; buổi chiều ngày hôm sau (thứ Tư), Đức Giêsu bị hành hình. Từ tối thứ Tư đến tối thứ Năm là ngày lễ Bánh Không Men. Từ tối thứ Năm đến tối thứ Sáu là ngày các phụ nữ bắt đầu đi mua dầu thơm như Mc 16,1 nói. Từ tối thứ Sáu đến tối thứ Bảy là ngày Sabat bình thường và các phụ nữ phải nghỉ lễ như Lc 23,55-56 nói đến. Từ tối thứ Bảy đến tối Chúa Nhật (theo từ ngữ của chúng ta) là “ngày thứ nhất trong Tuần” (Ga 20,1), là ngày mà từ “sáng sớm”, các bà ra mộ và đã thấy tảng đá bị lăng ra rồi. Và vì “khi trời còn tối mịt”, các bà ra mồ và thấy tảng đá đã bị lăn đi, nên Đức Giêsu phải phục sinh trước đó. Nghĩa là Ngài phải phục sinh vào tối thứ Bảy chứ không phải là sáng Chúa Nhật. Với suy luận như thế, nhóm bác bỏ cho rằng mình đã giải quyết được chuyện “ba ngày ba đêm” mà Đức Giêsu nói đến.

Nhóm ủng hộ truyền thống Giáo Hội trả lời thế nào?

Khi tiên báo “thời điểm” cho sự phục sinh, Đức Giêsu đã dùng nhiều từ khác nhau. Có khi Ngài dùng “vào ngày thứ ba” (10 lần), có lúc thì “trong ba ngày” (5 lần), lúc khác thì “sau ba ngày” (2). Chỉ một lần duy nhất khi nói về cái chết của mình, Ngài dùng từ “ba ngày ba đêm”. Nếu Đức Giêsu là người nhất quán trong lời tiên báo của mình thì chắc hẳn là những cụm từ này mà Ngài sử dụng cũng phải cùng một nghĩa với nhau, dù được diễn tả dưới những ngôn từ khác nhau. Ta không thể hiểu “ba ngày ba đêm” là 72 tiếng đồng hồ được. Vì như thế, ta sẽ chẳng thể nào giải thích được chuyện làm sao nó có thể ăn khớp với “trong ba ngày” (chưa đủ 72 tiếng), hay với “sau ba ngày” (nhiều hơn 72 tiếng). Nhưng phải dung hoà nó bằng cách nào? Dĩ nhiên là phải áp dụng cách tính ngày theo truyền thống Do Thái thời đó.

Đối với người Do Thái, một phần của một ngày cũng được xem là một ngày trọn vẹn. Đó là ngày thứ nhất, ngày tiếp theo sẽ là ngày thứ hai; chứ không phải đợi đến ngày hôm sau mới là ngày thứ nhất. Ta có thể thấy nhiều ví dụ về cách tính thời gian như thế này trong các trình thuật khác của Kinh Thánh. Ví dụ như chuyện lụt Đại Hồng Thuỷ của Noe. Ở St 7,4, Thiên Chúa nói: “Trong vòng bảy ngày…”. Nhưng ở St 7,10, thì lại nói: “Bảy ngày sau…”. Hay ví dụ khác về chuyện cắt bì cho trẻ mới sinh: St 17,12 nói là “khi được tám ngày tuổi”, Lc 1,59 lại nói “vào ngày thứ tám”, Lc 2,21 viết “khi đủ tám ngày”. Thật ra, không có sự khác biệt nào cả về cách nói này, tất cả có ý muốn nói đến ngày thứ 8 kể từ khi đứa bé được sinh ra (ngày mà đứa bé được sinh ra được xem là ngày thứ nhất). Đức Giêsu đã phục sinh vào ngày thứ ba, như lời Ngài đã nói. Chính các môn đệ Emmaus cũng xác nhận điều này: “Hôm nay là ngày thứ ba để từ khi những sự việc đó xảy ra.” (Lc 24,46). Các Thượng Tế và Kinh sư cũng cho thấy điều khi đối thoại với Philato: “Thưa Ngài, chúng tôi nhớ là còn sống, hắn có nói về sẽ sống lại sau ba ngày. Vậy xin Ngài hãy ra lệnh canh gác mộ cẩn thận cho đến ngày thứ ba, kẻo các môn đệ hắn ban đêm đến trộm xác hắn và phao tin khắp nơi là hắn đã sống lại (Mt 27,63-64). Điều đó có nghĩa là: ngày Ngài chết là ngày thứ nhất, sau đó là ngày thứ hai, tiếp theo là ngày Ngài phục sinh.

Nhóm bác bỏ truyền thống Giáo Hội cho rằng có hai ngày Sabat vào tuần đó: một cái rơi vào thứ Năm (lễ Bánh Không Men), cái kia là ngày thứ Bảy Sabat như hàng tuần. Nhưng thực ra, nếu đọc kỹ Ga 19,31, ta sẽ thấy hai ngày Sabat này trùng nhau, chứ không tách biệt nhau. Hay nói cách khác, lễ Bánh Không Men của năm ấy rơi vào đúng ngày thứ bảy Sabat. “Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trong ngày Sabat, mà ngày Sabat đó lại là ngày lễ lớn.” (Ga 19,31). Ngày nằm sau ngày Đức Giêsu chịu đóng đinh không chỉ là ngày Sabat hàng tuần bình thường, nhưng còn là ngày lễ lớn. Vì thế, ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh chỉ có thể là vào ngày thứ Sáu.

Những người phụ nữ sau khi thấy xác Đức Giêsu bị đưa xuống khỏi thánh giá, quan sát việc người ta đặt xác Ngài trong mộ trống, đã vội vàng về nhà chuẩn bị dầu thơm để có thể táng xác Chúa. Nhưng họ chưa kịp làm thì đã chuyển sang ngày Sabat và họ phải nghỉ việc như luật truyền. (x.Lc 23,54 – 24,1). Đợi hết ngày Sabat (hết ngày thứ Bảy), sáng sớm hôm sau (sáng Chúa Nhật), họ ra mộ thì thấy mọi chuyện như Tin Mừng thuật lại. Nếu Đức Giêsu bị đóng đinh vào thứ Tư như nhóm bác bỏ nói thì ta sẽ không thể nào giải thích được tại sao họ không đi xức dầu thơm cho xác Chúa vào thứ Sáu, mà phải đợi đến Chúa Nhật (ngày thứ tư sau cái chết). Bởi lẽ thời đó, người ta biết rằng khi người chết đã vào ngày thứ tư thì không còn xức dầu nữa vì xác đã bắt đầu có mùi hôi. Matta và Maria đã nói điều này với Đức Giêsu liên quan đến việc Chúa làm cho Ladaro sống lại. “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” (Ga 11,39). Câu nói này của Matta cho thấy cách quan niệm của người thời đó về việc phân huỷ của xác chết mà người nào cũng phải biết, đó là sau bốn ngày bị đặt trong vào mộ, xác chết đã trở nên nặng mùi. Việc mở nắp quan tài ra là điều không thể, chứ đừng nói gì đến chuyện xức dầu thơm.

Về thời điểm phục sinh, nhóm bác bỏ vịn vào Ga 20,1 “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”, “lúc trời còn tối mịt” để khẳng định rằng “sáng sớm” ở đây được hiểu là “chiều tối ngày thứ Bảy”, Đức Giêsu phải phục sinh vào chiều hoặc tối thứ Bảy (ngay sau khi ngày Sabat kết thúc), để tính cho đủ “ba ngày ba đêm” hay 72 tiếng đồng hồ. Nhưng Marco thì nói rằng các bà ra mộ “khi mặt trời vừa ló dạng” của ngày thứ nhất trong tuần (ngày Chúa Nhật) (x.Mc 1,3).

Việc Đức Giêsu chịu chết ngày thứ Sáu, và Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật có một ý nghĩa thần học gì không?

Đọc lại Lv 23,5-6, ta thấy có nhắc đến một số lễ: ngày 14 của tháng đầu tiên là lễ Vượt Qua, ngày 15 sẽ ngày lễ Bánh Không Men, và ngày 16 là ngày dâng của lễ đầu mùa. Lv 23,10-11 nói rằng: “Hãy nói với con cái Israel và bảo chúng rằng: ‘Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan Đức Chúa để các ngươi đoái nhận; tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày Sabat.”

Thứ tự và ý nghĩa của các lễ này làm cho chúng ta nhớ đến Đức Giêsu. Ngài thật sự là con chiên chịu hiến tế, như Gioan Tẩy Giả đã từng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa!” (Ga 1,36). Ngài đã chịu chết vào ngày 14 tháng Nisan, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, như thánh Phaolo nói: “Đức Kitô đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta, như lời Kinh Thánh.” (1Cor 15,3). Không những thế, Đức Giêsu cũng phải sống lại theo như lời Kinh Thánh (x.1Cor 15,4). Hơn thế nữa, Đức Giêsu không chỉ là cuộc vượt qua của chúng ta nhưng còn là “hoa trái đầu mùa tiến dâng cho Thiên Chúa (1Cor 15,20). Với ý nghĩa sâu xa này, ta hiểu được lý do vì sao Đức Giêsu dùng từ “ngày thứ ba” hơn những từ khác để nói về thời điểm phục sinh của mình. Như là Của Lễ Đầu Mùa, Đức Giêsu phải được tiến dâng cho Thiên Chúa sau ngày Sabat (ngày Chúa Nhật của chúng ta). Vào năm Đức Giêsu chịu chết, ngày Sabat theo tuần này trùng khớp với ngày Sabat theo năm (ngày lễ lớn, lễ Bánh Không Men). Tất cả những gì xảy ra cho Đức Giêsu đều ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã viết năm xưa: Đức Giêsu chịu hiến tế vào ngày thứ Sáu và phục sinh vào ngày Chúa Nhật.

Tổng hợp và trình bày: Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

No comments:

Post a Comment

WORLD WORLD