Wednesday, February 21, 2024

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM B (Mc 9,2-10)

 1. Đức Giêsu được biến hình khi nào? Ở đâu? Trước mặt ai? Đọc Mc 8,27 - 9,2.

2. Đức Giêsu tự biến hình hay Ngài được Thiên Chúa Cha "biến đổi hình dạng"? Cha cho Con được biến hình để làm gì? Việc Đức Giêsu được biến hình đem lại điều gì cho các môn đệ?

3. Hai ông Êlia và Môsê trong Cựu Ước hiện ra trò chuyện với Đức Giêsu, rồi sau đó biến đi. Theo bạn, điều đó có‎‎ nghĩa gì? Hai ông này có những nét gì chung?

4. Đọc Mc 9,5-6. Theo bạn, tại sao ông Phêrô lại đề nghị dựng ba lều cho ba vị? Nói chung cả ba môn đệ có thái độ nào trước cảnh hiển linh này?

5. Đọc Mc 9,7 và sách Xuất hành 24,16. Trong Kinh Thánh, mây trượng trưng cho điều gì? Mây có che phủ các môn đệ không?

6. So sánh hai tiếng nói của Thiên Chúa ở Mc 1,11 và Mc 9,7. Tìm những điểm giống nhau và khác nhau nơi hai tiếng nói trên.

7. Đọc Mc 9,9. Khi nào các môn đệ mới được phép nói về biến cố Đức Giêsu biến hình? Tại sao lúc ấy Đức Giêsu mới cho phép?

8. Vinh quang thần linh của Đức Giêsu được vén mở trong thời gian ngắn cho ba môn đệ khi Ngài được biến hình. Khi nào vinh quang ấy mới được vén mở trọn vẹn? Đọc Mc 8,38; 9,9; 13,26.

GỢI Ý SUY NIỆM: Đọc kỹ thư thứ hai của thánh Phêrô 1,16-17. Thánh Phê-rô vẫn nhớ kỷ niệm chứng kiến Thầy được hiển dung. Khi cầu nguyện, bạn có kinh nghiệm lên núi và được thấy khuôn mặt sáng láng của Chúa bao giờ chưa?

 PHẦN TRẢ LỜI

1. Thánh Máccô nói rõ là Đức Giêsu được biến hình vào sáu ngày sau (Mc 9,2). Các tác giả cho rằng sáu ngày sau tính từ lúc Phêrô tuyên xưng đức tin ở Xêdarê Philípphê (Mc 8,27-30). Đức Giêsu được biến hình trên một ngọn núi cao. Theo truyền thống, đó là núi Tabor, tuy ngọn núi này không cao lắm (557 m). Thực sự chúng ta khó xác định rõ Ngài đã biến hình ở ngọn núi nào. Trong Kinh Thánh, núi là nơi Thiên Chúa mặc khải cho con người, thí dụ núi Xinai. Đức Giêsu đã chỉ đem theo ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi (Mc 9,2). Ba người này hẳn là những môn đệ thân cận. Chỉ họ mới được Thầy Giêsu đã cho chứng kiến việc Ngài hoàn sinh con gái ông Gia-ia (Mc 5,37). Và sau này, chỉ họ mới được Thầy cho đi riêng gần Thầy ở vườn Ghếtsêmani (Mc 14,33).

2. Đức Giêsu không tự biến hình, nhưng Ngài được Thiên Chúa Cha biến hình đổi dạng. Một số bản dịch thường bỏ quên chữ “được”: Đức Giêsu được biến hình, được phục sinh, được đưa về trời. Đó là những việc của Chúa Cha làm cho Con của Ngài là Đức Giêsu. Chúa Cha biến đổi hình dạng tự nhiên bên ngoài của Đức Giêsu trong một thời gian, trước sự chứng kiến của ba môn đệ thân tín. Khi làm việc này, Chúa Cha nhắm đến các môn đệ. Cha muốn giới thiệu cho họ Đức Giêsu là Người Con yêu dấu của Cha, và mời họ lắng nghe Người (Mc 9,7). Cách đây sáu ngày, Đức Giêsu đã nói về cuộc Khổ nạn kinh hoàng sắp xảy đến cho đời mình (Mc 8,31), và Ngài cũng nói về số phận tương tự đang chờ đợi các môn đệ (Mc 8,34-35). Khi chứng kiến Thầy Giêsu được Thiên Chúa biến đổi hình dạng một cách rạng ngời trên núi cao, ba môn đệ thân tín hẳn sẽ cảm thấy lòng tin của mình vào Thầy được kiên vững hơn, trước những biến cố sắp xảy ra. Ngoài việc nâng đỡ ba môn đệ, Việc Chúa Cha cho Đức Giêsu biến hình rực rỡ sáng láng, vừa nâng đỡ ba môn đệ, vừa nâng đỡ cho chính bản thân Đức Giêsu (Mc 9,2-3), vì Ngài đã cương quyết vâng phục kế hoạch cứu độ của Cha, chấp nhận đi vào cuộc khổ nạn và cái chết (Mc 8,33).

3. Trong cuộc biến hình trên núi, có hai nhân vật quan trọng trong Cựu Ước hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu, đó là ông Êlia và ông Môsê, rồi sau đó lại biến đi. Đây không phải là chuyện gọi hồn người chết về như ở 1 Samuen 28, nhưng là một thị kiến của ba môn đệ. Sau khi chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã xuống ngục tổ tông (âm phủ = Shơ-ôl) để giải thoát mọi người công chính đã chết trước Ngài, trong đó có Adam, Eva, Abraham, Môsê, Êlia, Hênóc (GLHTCG 634-635). Không có ơn cứu độ của Chúa Giêsu thì không ai được vào thiên đàng. Mọi người chết đều vào âm phủ, nhưng số phận của họ khác nhau. Có người được ở trong lòng Abraham như Ladarô, có người chịu khổ như ông nhà giàu (Lc 16,22-26; GLHTCG 633). Môsê và Êlia là những tôi trung chịu khổ vì Chúa, nên hẳn được số phận tốt hơn. Sự hiện diện của hai nhân vật lớn của Cựu Ước khi Đức Giêsu biến hình cho ta thấy Ngài nằm trong dòng lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, và Ngài là chóp đỉnh của dòng mặc khải.

4. Trước cảnh tượng Thầy được biến hình sáng láng, bên cạnh có hai ông Môsê và Êlia, Phêrô rất phấn khởi thích thú. Ông nói với Thầy về ý muốn dựng ba lều cho ba vị ở lại (Mc 9,5). Chắc ông muốn kéo dài thời gian quý báu có một không hai này. Tuy nhiên, ý muốn này không được thực hiện, vì các ông đang ở trong tình trạng “kinh hoàng” trước những gì các ông chứng kiến. Phêrô thực ra không biết mình đang nói gì (Mc 9,6).                                                                                                                                                                                                                                                                                                    

5. Mây thường tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong Kinh Thánh (Shekinah). Mây che phủ núi Xinai trong sáu ngày, rồi ngày thứ bảy Chúa gọi Môsê từ trong đám mây” (Xh 24,16). Theo bản dịch ta đang dùng, đám mây che phủ “các ông” Theo Mc 9,7 một đám mây che phủ “họ.” Có thể hiểu “họ” là ba môn đệ. Tuy nhiên, nhiều tác giả cho rằng đám mây chỉ che phủ Đức Giêsu, Êlia và Môsê thôi. Vì từ trong đám mây có tiếng phán cho ba môn đệ, nên hầu chắc ba môn đệ đang ở ngoài đám mây.

6. Ở Mc 1,11 Chúa Cha nói với Đức Giêsu. Còn ở Mc 9,7 Chúa Cha nói với ba môn đệ về Đức Giêsu. Trong cả hai trường hợp, Đức Giêsu đều được Cha coi là Người Con yêu dấu. Ở Mc 1,11 Chúa Cha cho thấy Ngài hài lòng về Con. Còn ở Mc 9,7 Chúa Cha dặn dò các môn đệ của Đức Giêsu hãy vâng nghe Ngài. Như vậy, Đức Giêsu đã vâng lời Cha và làm đẹp lòng Cha. Còn chúng ta phải vâng lời Đức Giêsu và làm đẹp lòng Ngài. Trong Đệ nhị luật 18,15 Thiên Chúa cũng đòi dân Do-thái phải vâng phục vị ngôn sứ giống Môsê mà Ngài sẽ sai đến.

7. Khi xuống núi, Đức Giêsu cấm các môn đệ không được kể lại biến cố vừa xảy ra trên núi. Ngài chỉ cho phép kể lại sau khi Ngài từ cõi chết sống lại (Mc 9,9), nghĩa là sau khi Ngài đã chịu đau khổ và cái chết nhục nhã trên thập giá. Có thể Đức Giêsu cấm vì sợ người ta hiểu lầm về Ngài, vì tuy Ngài tuy là một đấng Mêsia vinh quang rạng ngời nhưng còn phải trải qua nhiều đau khổ. Trong Phúc âm Mác-cô, Đức Giêsu nhiều lần cấm quỷ hay môn đệ nói về căn tính của Ngài (Mc 1,23-25; 3,11-12; 5,43; 8,30; 9,9). Nhưng khi đứng trước vị Thượng Tế, Đức Giêsu đã nhận mình là Đấng Kitô (Mc 14,61-62).                                                             

8. Vinh quang trên núi khi Chúa biến hình chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Vinh quang ấy báo trước vinh quang phục sinh sau này. Tuy nhiên, vinh quang phục sinh cũng chỉ trọn vẹn khi Đức Giêsu được hưởng vinh quang vào ngày tận thế, khi Ngài trở lại để phán xét cả thế giới (Mc 8,38; 9,9; 13,26).

-------------------------------

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu

No comments:

Post a Comment

WORLD WORLD