Vào ngày 17 tháng 07, Giáo hội Công giáo kính nhớ Thánh A-lê-xù thành Edessa hay cũng còn được gọi là A-lê-xù thành Rô-ma (nguyên văn tiếng Ý là Alessio di Roma).
Theo tương truyền phát xuất từ thế kỷ thứ IX của Giáo hội Tây Phương, Thánh A-lê-xù là con trai duy nhất của một Nghị Viên Viện Nguyên Lão Rô-ma. Cha của Ngài tên là Euphemianô, và Mẹ Ngài tên là Aglaia. Khi đến tuổi khôn lớn, Bố Mẹ Ngài đã cưới cho Ngài một người vợ xinh đẹp thuộc dòng quý tộc. Tuy nhiên, ngay trong đêm tân hôn, A-lê-xù đã âm thầm rời bỏ người vợ vừa mới cưới đó, và trốn khỏi gia đình, cũng như trốn khỏi thành phố Rô-ma để đi đến Edessa, tức Sanliurfa, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay. Tại đó, Ngài sống trong sự khó nghèo với tư cách là một Ẩn Sĩ, và đã sớm nhận được niềm tôn kính của rất nhiều người. Sau đó, Ngài bỏ lối sống Ẩn Sĩ và chuyển sang sống hành khất.
Người ta kể rằng, theo gương của thánh Gio-an Kalybiten, Thánh A-lê-xù đã sống trong suốt 17 năm trời trước một ngôi Thánh Đường tại Edessa với tư cách là một người hành khất. Nhưng khi cả vùng duyên hải người ta kháo nhau rằng, người hành khất này chính là một vị Thánh, và mọi người kéo đến chiêm ngưỡng Ngài, thì Ngài lại bỏ đó để đi tới một nơi khác.
Trong khi trốn khỏi Edessa, và xuống tàu với ý định đi tới một nơi rất xa, thì A-lê-xù đã gặp phải một trận bão ngoài khơi. Trận bão này đã đẩy chiếc tàu của Ngài dạt vào bở biển Rô-ma. Rời khỏi tàu, A-lê-xù quyết định đi về nhà cha mẹ mình. Tuy nhiên cha mẹ Ngài lại không nhận ra người hành khất này là con trai của họ, nhưng vì lòng nhân hậu, ông bà vẫn chấp nhận cho người hành khất ấy được vào sống trong nhà. Từ đó, A-lê-xù đến sống dưới chân cầu thang của nhà cha mẹ mình. Trong 17 năm sống ở đó, A-lê-xù thường xuyên bị các viên đầy tớ xỉ vả và trút nước bẩn lên người, nhưng Ngài vẫn cố gắng chịu đựng và luyện tập sự kiên nhẫn.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng và bị hất hủi bởi các viên đầy tớ, A-lê-xù đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 17 tháng 07 năm 417 (có tài liệu nói Ngài qua đời năm 430). Sau khi Ngài qua đời, người ta đã phát hiện ra đó là A-lê-xù nhờ vào bức thư dài mà Ngài để lại. Ngay lập tức người ta đã mời Đức Giám Mục Rô-ma đến. Trước sự kinh hoàng tột độ và vô cùng đớn đau của người vợ và của cha mẹ Thánh A-lê-xù, cũng như trước sự hiện diện của hai vị hoàng đế Honorius và Arcadius (của đế quốc Đông và đế quốc Tây Rô-ma), Đức Giám Mục đã giải mã bức thư được để lại.
Tuy nhiên, theo truyền thống phát xuất từ thế kỷ thứ IV hay thứ V tại Syria, thì Thánh A-lê-xù không được nêu tên, nhưng chỉ được gọi là “Người Của Thiên Chúa”, và vị Thánh này luôn luôn sống tại Edessa, với một cuộc sống thánh thiện trong sự nghèo khó, cũng như đã qua đời tại Edessa.
Các Thánh Cốt của Thánh A-lê-xù đã được chuyển tới Rô-ma vào thế kỷ thứ IX, và kể từ đó, Ngài được tôn kính tại Giáo hội Tây Phương. Theo tương truyền, khi đụng chạm tới Thánh Cốt của Ngài, nhiều bệnh nhân đã được chữa lành. Và khi được chuyển về Rô-ma, các Thánh Cốt của Thánh A-lê-xù đã được bảo quản và tôn kính cách đặc biệt tại Ngôi Thánh Đường mang tên Ngài cũng như mang tên của Thánh Bonifatius I.
Trong thời Trung Cổ, các truyền thuyết về thời thanh niên của Thánh A-lê-xù rất được nhiều người biết tới, và sự tôn kính dành cho Ngài cũng rất phổ biến. Truyền thuyết về Thánh A-lê-xù còn được soạn thành thơ trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, chẳng hạn như trong tiếng Pháp, tiếng Ý hay tiếng Đức. Các Thánh Tích của Ngài hiện đang được bảo quản trong nhiều ngôi Thánh Đường khác nhau, chẳng hạn như tại Thánh Đường Bonifacio e Alessio của Rô-ma, Thánh Đường Břevnov tại Prag (Tiệp Khắc) v.v… Vào năm 1350, một Dòng Tu mang tên Thánh A-lê-xù đã được thành lập để chăm sóc các bệnh nhân. Sự tôn kính Thánh A-lê-xù đã đạt tới đỉnh điểm vào cuối thời Trung Cổ cũng như vào thời Barock. Vào thế kỷ XVII, một vở kịch về Thánh A-lê-xù được biên soạn bởi Stefano Landi đã được biên soạn thành một vở kịch mới bởi Giulio Rospigliosi – người sau này trở thành Giáo Hoàng Clemen IX. Vào năm 1977, vở kịch này vẫn còn được trình diễn ở nhiều nơi tại Âu Châu.
Các nghệ sĩ thường trình bày Thánh A-lê-xù trong bộ dạng người hành khất ngồi dưới chân cầu thang. Ngài được tôn kính với tư cách là Bổn Mạng của những người hành hương, những người hành khất, những người sống nay đây mai đó và các bệnh nhân. Thánh A-lê-xù cũng được mừng kính với tư cách là vị Bổn Mạng chống lại động đất, sấm sét, giông tố, bão táp, dịch hạch và các dịch bệnh bộc phát.
Lm. Đa-minh Thiệu