Saturday, June 1, 2024

BẢY CHÌA KHOÁ ĐỂ HIỀU VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

 Với bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, bí tích Thánh Thể là một trong ba bí tích khai tâm Kitô giáo, nghĩa là các bí tích dẫn người tín hữu đi vào đời sống sinh hoạt của Hội Thánh Công giáo. Nhờ bí tích Thánh Thể, linh hồn người tín hữu được Chúa Kitô nuôi dưỡng và đức tin của họ được trưởng thành. Tất cả những người đã được rửa tội đều được kêu gọi tham gia vào việc cử hành Thánh Thể mỗi Chúa nhật, cũng khuyến khích tham dự thánh lễ “misa” mỗi ngày.

Bảy chìa khoá sau đây giúp hiểu về bí tích Thánh Thể:

  1. Nguồn gốc bí tích Thánh Thể
  2. Lược sử hình thành việc cử hành thánh lễ
  3. Hiểu thế nào về sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể ?
  4. Diễn tiến thánh lễ thế nào ?
  5. Hiệu quả của việc Rước lễ
  6. Ai được Rước Lễ ?
  7. Ai là thừa tác viên cho rước lễ ?

I. Nguồn gốc của bí tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể bắt nguồn từ  một sự kiện cụ thể. Trong bữa ăn tôi hôm trước ngày chịu khổ nạn, Chúa Giêsu cùng ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ. Đây là bữa ăn tối trước ngày Đại Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Trong bữa ăn này, người Do Thái tưởng niệm ngày Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ bên đất Ai Cập và đưa họ về Đất Hứa. Trong đêm hôm đó, Mô-sê và người Do Thái đã dùng bữa trong sự vội vã trước khi xuất hành, vì không có thời gian để ủ men trong bột, nên họ ăn bữa “vượt qua” này với bánh không men, thịt chiên tơ và rau diếp đắng.

Chúa Giêsu cùng ăn với các môn đệ của Người, theo truyền thống do thái, bánh không men. Nhưng trong lúc ăn, Người đã cầm lấy bánh và rượu, đọc lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ bánh và phân chia bánh với rượu cho các môn đệ và với họ “Đây là Mình Thầy, bẻ ra vì anh em. Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”

Vậy nguồn gốc bí tích Thánh Thể là bữa ăn cuối cùng mà Chúa Giêsu đã dùng với các mộn đệ của Người, trước khi chịu chết. Do đó, bí tích Thánh Thể cũng được gọi là Bữa Tiệc Ly.

II. Lược sử hình thành việc cử hành thánh lễ

Thời các Kitô hữu đầu tiên, vào ngày thứ nhất trong tuần, họ họp nhau để cử hành “lễ bẻ bánh” (x.Cv 20,7). Họ làm lễ bẻ bánh tại tư gia (x.Cv 2,46).

Khoảng năm 155, thánh Giút-ti-nô để lại một chứng từ nói về diễn tiến chính của thánh lễ như sau:

“Vào ngày Mặt Trời như người ta thường gọi, mọi người ở thành phố hay ở nông thôn đều họp lại một nơi.

Và người ta đọc ký sự của các Tông Đồ hoặc sách của các Tiên tri, tùy thời gian cho phép.

Khi người đọc kết thúc, vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích mọi người bắt chước những điều tốt lành đó.

Sau đó, tất cả chúng tôi cùng đứng dậy và dâng lời cầu nguyện cho chính chúng tôi… và cho mọi người khác ở khắp nơi,… để chúng tôi sống ngay chính trong các việc làm và trong việc tuân giữ các giới răn, hầu chúng tôi đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu.

Khi kết thúc việc cầu nguyện, chúng tôi trao hôn bình an cho nhau.

Tiếp đến, người ta mang đến cho vị chủ sự bánh và một chén rượu có pha nước.

Vị chủ sự cầm lấy bánh rượu, dâng lời tán tụng và tôn vinh Cha của vũ trụ, nhân danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần và đọc một kinh tạ ơn dài (tiếng Hy Lạp: eucharistein) về việc chúng tôi được coi là xứng đáng với các hồng ân này.

Khi vị chủ sự kết thúc các lời nguyện và việc tạ ơn, mọi người hiện diện đồng thanh đáp: A-men.

Sau khi vị chủ sự hoàn tất nghi thức tạ ơn và toàn dân đã đáp lại, thì các vị mà chúng tôi gọi là phó tế, phân phát bánh và rượu có pha nước ‘đã được thánh thể hoá’ (‘eucharistizata’) cho mỗi người hiện diện tham dự và đem đến cho những người vắng mặt.”[1]

Cuối thế kỷ thứ IV, các nước Tây Phương, sử dụng từ messe để nói về việc cử hành Lễ Tạ Ơn (eucharistein), được rút ra từ la-tinh missa nghĩa là “sai đi”, trong câu cuối cùng của thánh lễ Ite missa est, có nghĩa là “lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”.

Thế kỷ XII, Hội Thánh nhấn mạnh về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, “Mình thật và Máu thật của Chúa Kitô. Trong nhiều thế kỷ, thánh lễ được cử hành với nhiều nghi thức khác nhau, tuỳ theo vùng miền trong toàn Châu Âu. Đến thế kỷ XVI, Công đồng Trentô quyết định rằng, kể từ đây, trong toàn Hội Thánh, thánh lễ sẽ được cử hành theo cùng một nghi thức. Sách Lễ Roma được xuất bản bằng tiếng la-tinh. Công đồng cấm dùng tiếng bản xứ trong thánh lễ, nhưng các mục tử phải giáo huấn cho dân chúng bằng tiếng địa phương.

Đến Công đồng Vatican II cho phép dùng tiếng bản xứ trong phụng vụ, và khuyến khích người giáo dân tham dự thánh lễ cách hoàn hảo qua việc rước Mình Thánh Chúa trong thánh lễ. Phụng vụ Lời Chúa chiếm vụ trí quan trong trong thánh lễ. Hội Thánh muốn sự tham dự tích cực của giáo dân, cách đặc biệt, qua các lời đối đáp và thánh ca.   

Sách lễ Roma hiện đang sử dụng do Đức giáo hoàng Phaolô VI phê chuẩn ngày 03/04/1969 (ấn bản thứ nhất). Sau đó, vì nhu cầu đòi phải sửa đổi và bổ túc thêm cho Sách lễ Roma nên , Đức Phaolô VI phê chuẩn cho xuất bản ấn bản thứ hai năm 1975. Và một lần nữa, vì nhu cầu mục vụ đòi hỏi, Sách Lễ Roma cần phải cập nhật, nên Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phê chuẩn ấn bản thứ ba ngày 10/04/2000. Ấn bản này đang được sử dụng đến nay.

Sau hơn hai mươi thế kỷ, từ sau Bữa Tiệc Ly, thánh lễ Chúa nhật và mỗi thánh lễ, là tưởng niệm việc Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại. Thánh lễ biểu tỏ sự hiện diện của Chúa Kitô qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng đặc biệt dưới hình thức bánh và rượu, Chúa Kitô hiện thực sự Thánh Thể. Như thánh Phaolô giải thích: “mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến”. 

 

III. Hiểu thế nào về sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể ?

Đối với người công giáo, cách thức hiện diện của Chúa Kitô dưới hai hình Thánh Thể (Bánh-Rượu) là độc nhất vô nhị. Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô hiện diện thực sự, đích thực và bản thể của Mình và Máu Người, cùng với linh hồn và thần tính của Người, như vậy là hiện diện của Chúa Kitô trọn vẹn. Đây là sự hiện diện đầy đủ nhất vì là sự hiện diện bản thể. Nghĩa là trong bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô, vừa là Thiên Chúa, vừa là con người, hiện diện trọn vẹn. Sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô nhờ tác động của Chúa Thánh Thần và hiệu quả của Lời của Chúa “Đây là Mình Thầy…Đây là Máu Thầy”, còn gọi là Lời Truyền Phép.

Hội Thánh Công Giáo luôn xác tín rằng Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể khi linh mục bắt đầu đọc lời Truyền Phép. Hội Thánh gọi việc biến đổi cách đúng đắn và chính xác này là biến thể.[2] Như vậy, Chúa Kitô tiếp tục trao ban chính mình cách thật sự trong mỗi thánh lễ. Sự hiện diện đích thực của Chúa Thánh Thể kéo dài bao lâu hình bánh và rượu còn tồn tại.

 

IV. Diễn tiến thánh lễ thế nào ?

Theo sự cải cách của Công đồng Vatican II, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã phê chuẩn nghi thức thánh lễ hiện hành được chia làm bốn phần: Nghi thức Mở Đầu, Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể và Nghi Thức Kết Lễ.

1, Nghi thức mở đầu là những nghi lễ đi trước phụng vụ Lời Chúa, tức là ca nhập lễ, lời chào, hành động sám hối gồm thinh lặng hồi tâm giây lát trước kinh Cáo Mình, kinh Xin Chúa thương xót, kinh Vinh Danh, thinh lặng giây lát và lời nguyện nhập lễ. Mục đích của các nghi lễ này là giúp các tín hữu đang quy tụ được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa và cử hành thánh lễ cách xứng đáng.

  1. Phụng vụ Lời Chúa là đọc các bài được rút ra từ Thánh Kinh.Tiếp theo là bài giảng, kinh Tin Kính và lời nguyện chung (lời nguyện tín hữu), triển khai và kết thúc phần phụng vụ này. Qua các bài đọc, được bài giảng giải thích, Thiên Chúa nói với Dân Người, cách đặc biệt, chính Chúa Kitô hiện diện giữa các tín hữu qua lời của Người. Nhờ sự thinh lặng và bài thánh vịnh đáp ca, cộng đoàn làm cho Lời Chúa thành của mình và nhờ lời tuyên xưng đức tin, họ được nuôi dưỡng và gắn bó với Lời Chúa. Qua lời nguyện chung, tín hữu cầu xin cho các nhu cầu của Hội Thánh và nhân loại được cứu độ dựa theo sự gợi hứng của lời Chúa vừa nghe.
  2. Phụng vụ Thánh Thể được diễn tiến theo hành động của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly: Người cầm lấy bánh và chén, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Các con hãy nhận lấy, hãy ăn, hãy uống, đây là Mình Thầy, đây là chén Máu Thầy. Các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến thầy. Hội Thánh đã sắp đặt toàn thể việc cử hành Thánh Thể theo các phần tương ứng với những cử chỉ của Chúa Kitô như sau:

Người cầm lấy bánh: phần chuẩn bị lễ vật, bánh rượu cùng với nước được đem tới bàn thờ.

Dâng lời tạ ơn: Kinh nguyện Thánh Thể, Hội Thánh tạ ơn Thiên Chúa về tất cả công trình cứu độ, và lễ vật để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Bẻ ra và trao cho các môn đệ: Nhờ việc bẻ bánh và hiệp lễ, các tín hữu tuy nhiều, nhưng tất cả đều lãnh nhận từ cùng một tấm bánh và một chén rượu Mình và Máu Chúa từ chính tay Chúa Kitô trao ban.

  1. Nghi thức kết thúc là phần theo sau Lời Nguyện Hiệp Lễ, sau khi rước lễ. Phần này gồm vài lời thông báo và nhắn nhủ vắn tắt nếu cần, lời chào và phép lành của linh mục và lời giải tán cộng đoàn, mọi người ra về tiếp tục phận vụ của mình mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa.

V. Hiệu quả của việc Rước lễ

Dấu chỉ rõ ràng nhất của Thánh Thể là thức ăn. Bí tích này đến để lấp đầy cơn đói khát của người tín hữu. Bánh và rượu là thịt và máu, nghĩa là thân mình toàn vẹn của Chúa Kitô. Như thế, qua việc nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô đến để chữa lành những gì còn thương tích, để củng cố và tăng trưởng người tín hữu trong sự sống đời đời, sự sống của Thiên Chúa. Ăn bánh và uống rượu này là những cử chỉ thể hiện nhân tính người tín hữu gắn liền mật thiết với thiên tính của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Vậy, rước lễ giúp người tín hữu kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô.

Thánh thể cũng xây dựng sự hiệp nhất với Hội Thánh. Sự hiệp nhất được thể hiện qua việc cùng chía sẻ một bánh duy nhất là Thân Mình Chúa Kitô. “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17). Qua sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, người tín hữu cũng hiệp nhất với nhau trong cộng đoàn và với tất cả những ai cùng chia sẻ bánh tại bàn thờ Chúa.

Cuối cùng, bí tích Thánh Thể là sự nếm trước cuộc sống sau cái chết và sự phục sinh của người tín hữu, nơi Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong tất cả”. Việc tham dự Thánh Lễ không chỉ kết hợp Kitô hữu với Hội Thánh sống động trên trần gian, mà còn với những người đi trước họ trong đức tin. Trong Bí tích Thánh Thể, người tín hữu thấy Chúa Kitô ẩn mình.Trên thiên đàng họ sẽ gặp Người diện đối diện. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12).

Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo số 1397 dạy rẳng: “Bí tích Thánh Thể đòi buộc dấn thân cho người nghèo: Để lãnh nhận trong sự thật Mình và Máu Đức Ki-tô bị nộp vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Đức Ki-tô trong những kẻ nghèo nhất, là các anh em của Người.

“Bạn nếm Máu Thánh Chúa, vậy mà bạn lại không nhận ra người anh em;…Bạn làm hổ thẹn Bàn tiệc này, khi người được coi là xứng đáng tham dự Bàn tiệc này, lại bị bạn coi là không xứng đáng được chia phần ăn của bạn. Thiên Chúa đã giải thoát bạn khỏi mọi tội lỗi và cho bạn vào bàn tiệc, vậy mà quả thật bạn đã chẳng nhân hậu hơn chút nào.”

VI. Ai được Rước Lễ ?

Bí tích Thánh Thể là một trong ba bí tích Khai Tâm Kitô giáo. Bí tích Rửa Tội được xem là “cửa dẫn vào” trong đời sống mới được ban tặng qua các bí tích. Do đó, cần phải được rửa tội để nhận lãnh Thánh Thể.

Trước đây, các tín hữu thường tham dự thánh lễ nhưng không rước lễ. Họ chỉ rước lễ một lần trong năm vào Mùa Phục Sinh, sau khi xưng tội. Ngày nay, khi tham dự thánh lễ, các tín hữu đểu rước lễ, đến nỗi việc rước lễ có nguy cơ bị lạm dụng do không được chuẩn bị chu đáo như không sạch tội trọng, bị ngăn trở hôn phối, không tham dự trọn vẹn và tích cực trong thánh lễ và nhất là không có ý ngay lành, rước Chúa chỉ vì “thói quen” hoặc thấy người khác rước đi thì mình cũng đi !   

Ngày nay một số tín hữu có khuynh hướng không cần xưng tội trọng trước khi rước lễ, vì hiểu lầm là nghi thức sám hối đầu thánh lễ có giá trị như bí tích giải tội. Lãng quên việc giữ chay một giờ trước khi rước lễ. Một số khác thì không “thèm” rước lễ khi tham dự thánh lễ. Một số khác thì chỉ đi dự lễ, không xưng tội và cũng không rước lễ, dù biết mình không bị ngăn trở gì. Trong khi đó có một số khác thì lại rất ước ao được rước Chúa, nhưng bị ngăn trở do tái hôn sau khi ly dị, hoặc chung với nhau như vợ chồng mà không có bí tích hôn phối.

Có một giải pháp cho người không thể rước lễ do bị ngăn trở, đó là rước lễ thiêng liêng. Đây là một thực hành đạo đức có từ thời trung cổ do sáng kiến của các Thánh Tiến Sĩ. Vì vậy, nên khuyến khích “việc rước lễ thiêng liêng” cho những người không thể giữ chay trước khi rước lễ, cho học sinh giáo lý chưa được rước lễ, cho các đôi hôn phối đang bị rối…tuy họ không thể tham dự vào việc Rước Mình và Máu Thánh Chúa trực tiếp, nhưng họ vẫn được kết hiệp với Đức Kitô bằng cách cầu xin Người đến viếng thăm bằng ân sủng mà không có bí tích. Với lòng sám hối và sự ước ao được kết hiệp với Chúa Kitô và hiệp nhất với Hội Thánh, những người không thể lãnh nhận bí tích Mình và Máu Chúa Kitô, cũng có thể được Chúa ban ân sủng của bí tích này do lòng thương xót của Thiên Chúa.

VII. Ai là thừa tác viên cho Rước lễ ?

Giám mục, linh mục và phó tế là các thừa tác viên thông thường của bí tích Thánh Thể trong phạm vi phân phát Mình và Máu Thánh Chúa. Tuy nhiên, chỉ có giám mục và linh mục mới được cử hành bí tích này.

Huấn thị Immensae Caritatis, ban hành năm 1973, cho phép các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Các thừa tác viên này có thể là các thầy đã lãnh nhận tác vụ giúp lễ, nam nữ tu sĩ hoặc vài người tín hữu được giám mục bổ nhiệm thi hành phận vụ cho rước lễ này.

Vì nhu cầu mục vụ đòi hòi, số giáo dân rước lễ đông, thánh lễ có thể bị kéo dài quá mức. Do đó, linh mục chánh xứ có thể tuyển chọn các nữ tu sĩ đang phục vụ giáo xứ, hoặc vài tín hữu có đời sống gương mẫu, có lòng đạo đức và sùng kính đặc biệt dành cho bí tích Thánh Thể, gửi đơn xin đức giám mục giáo phận chuẩn nhận cho những người này thực thi tác vụ ngoại thường của bí tích Thánh Thể.

Lm.Gs. Lê Ngọc Ngà

—–

[1] Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1345.

[2] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1374-1377.

NGUỒN: https://gpcantho.com/78108-2/

 

No comments:

Post a Comment

WORLD WORLD