Saturday, June 1, 2024

BỐN PHÉP LẠ THÁNH THỂ MỚI

  

Mặc dù đã có rất nhiều phép lạ Thánh Thể từ thời Trung Cổ, nhiều phép lạ đã xảy ra trong thế kỷ trước, với một số phép lạ đã được xác nhận trong 20 năm qua.  Các phép lạ này là bằng chứng sống động cho giáo lý của Giáo Hội Công giáo rằng mặc dù hình dạng của bánh và rượu vẫn còn, nhưng bản chất đã được thay đổi hoàn toàn (nhờ quyền năng của Thiên Chúa) thành Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô.  Đó là giáo huấn dựa trên Kinh Thánh và Thánh Truyền vẫn không thay đổi về bản chất từ thời các tông đồ.

 Ngoài ra, Giáo Hội đã công nhận rằng đôi khi Thiên Chúa can thiệp theo cách hữu hình hơn và có thể thay đổi ngay cả hình dạng của bánh rượu thành Mình Máu Ngài.  Hoặc Thiên Chúa có thể bảo quản tấm bánh đã thánh hóa một cách kỳ diệu trong một khoảng thời gian dài, vượt qua những gì tự nhiên đối với bánh.

 TẠI LEGNICA – BA LAN

Năm 2013, Đức Giám Mục Zbigniew Kiernikowski, giáo phận Legnica, cho biết: “Ngày 25-12-2013, khi đang cho rước lễ, một Bánh Thánh rơi xuống, sau đó được cầm lên và đặt vào một bình nước.  Ngay sau đó, các vết màu đỏ xuất hiện.  Đức Giám Mục Stefan Cichy, giáo phận Legnica, đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu hiện tượng này.  Tháng 02-2014, một mảnh nhỏ màu đỏ của Bánh Thánh được tách ra và đặt trên khăn thánh.  Ủy ban đã lấy mẫu để tiến hành các cuộc kiểm tra kỹ lưỡng của các viện nghiên cứu thích hợp.”

 Sau khi điều tra, Bộ phận Pháp y cho biết: “Trong hình ảnh mô bệnh học, các mô đã được tìm thấy có chứa các phần cơ có vân chéo. (…) Toàn bộ (…) rất giống cơ tim với những thay đổi thường xuất hiện trong cơn hấp hối . Các nghiên cứu di truyền chỉ ra nguồn gốc con người của mô.”

 2. TẠI SOKÓŁKA – BA LAN

 Trong Thánh Lễ Chúa Nhật 12-10-2008, tại nhà thờ giáo xứ Thánh Antôn ở Sokolka, một Bánh Thánh đã rơi khỏi tay linh mục khi đang cho rước lễ.  Linh mục ngừng cho rước lễ, cúi xuống cầm Bánh Thánh lên, rồi đặt Bánh Thánh vào một bình nước nhỏ.  Bình thường thì Bánh Thánh sẽ tan trong nước, sau đó sẽ được xử lý đúng quy cách phụng vụ.

 Sau Thánh Lễ, theo lời yêu cầu của cha xứ Stanislaw Gniedziejko, sơ Julia Dubowska đã đổ nước và Bánh Thánh vào một bình chứa khác.

 Một tuần sau, vào ngày 19-10-2008, sơ Julia thấy có mùi thơm dịu dàng của bánh không men.  Khi mở hộp đựng, sơ nhìn thấy ở giữa Bánh Thánh – phần lớn còn nguyên vẹn – có một vết cong màu đỏ tươi, giống như vết máu: một phân tử sống của cơ thể.  Nước không bị loang màu sắc.

 Một phần của Bánh Thánh đã thay đổi và được lấy để phân tích riêng bởi hai chuyên gia, giáo sư Maria Sobaniec-Lotowska và giáo sư Stanislaw Sulkowski, để đảm bảo độ tin cậy của kết quả.

 Kết quả của cả hai nghiên cứu độc lập đều hoàn toàn phù hợp.  Họ kết luận rằng cấu trúc của Bánh Thánh đã biến đổi giống hệt với mô cơ tim của một người sắp chết.  Theo giáo sư Maria Sobaniec-Lotowska, cấu trúc của các sợi cơ tim liên kết chặt chẽ với cấu trúc của bánh, theo cách mà con người không thể làm được.

 3. TẠI TIXTLA – MEXICO

 Ngày 21-10-2006, trong một cuộc tĩnh tâm của giáo xứ, một Bánh Thánh sắp được trao đã tiết ra chất màu đỏ.  Đức Giám Mục Alejo Zavala Castro đã triệu tập một ủy ban thần học điều tra để xác định xem đó có là một phép lạ hay không.  Tháng 10-2009, ngài đã mời tiến sĩ Ricardo Castañón Gómez tiến hành nghiên cứu khoa học với một nhóm các khoa học gia và xác minh tính chất kỳ diệu của sự việc.  Tiến sĩ Gómez đã hoàn thành cuộc điều tra.

 Nghiên cứu khoa học được thực hiện từ tháng 10-2009 đến tháng 10-2012, với nhận định này: “Chất màu đỏ được phân tích tương ứng với máu, trong đó chứa Hemoglobin và DNA có nguồn gốc từ con người.  Hai nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia pháp y lỗi lạc với các phương pháp luận khác nhau đã cho thấy rằng chất này có nguồn gốc từ bên trong, loại trừ giả thuyết rằng ai đó có thể đã đặt nó từ bên ngoài.  Đó là loại máu AB, giống như máu ở Khăn Liệm Turin.  Một phân tích hiển vi về độ phóng đại và độ xuyên thấu cho thấy phần trên của máu đã đông lại từ tháng 10-2006.  Hơn nữa, tháng 02-2010, các lớp bên trong cho thấy sự hiện diện của máu tươi.

 4. TẠI CHIRATTAKONAM – ẤN ĐỘ

 Ngày 28-04-2001, tại nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ Chirattakonam, cha xứ nhận thấy một hình ảnh kỳ lạ xuất hiện trên một Bánh Thánh, và ngài đã ghi lại chính xác những gì xảy ra.

 Lúc 8 giờ 49 sáng, tôi đã đặt Mình Thánh để mọi người tôn thờ.  Một lúc sau, tôi thấy như có ba chấm trên Thánh Thể.  Tôi ngừng cầu nguyện và bắt đầu nhìn vào Mặt Nhật, cũng mời các tín hữu chiêm ngưỡng dấu ba chấm.  Sau đó, tôi mời các tín hữu tiếp tục cầu nguyện và đóng cửa Nhà Tạm…  Sáng thứ Bảy, 05-05-2001, tôi mở cửa nhà thờ để cử hành phụng vụ bình thường.  Tôi đến mở cửa Nhà Tạm để xem điều gì đã xảy ra với Thánh Thể trong Mặt Nhật.  Tôi thấy ngay trong Bánh Thánh có một hình tượng giống như mặt người.  Tôi vô cùng xúc động và yêu cầu các tín hữu quỳ xuống và bắt đầu cầu nguyện.  Tôi nghĩ chỉ mình tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt, vì vậy tôi đã hỏi người giúp lễ xem có thấy gì ở Mặt Nhật hay không.  Người giúp lễ trả lời: “Con nhìn thấy bóng dáng một người đàn ông.”

 Cuối cùng, hình ảnh trở nên rõ ràng hơn và là một người giống như Chúa Giêsu Kitô đội vòng gai.  Hình ảnh kỳ diệu đã được Tổng Giám Mục Beatitude Cyril Mar Baselice, tổng giáo phận Trivandrum, điều tra.  Mặt Nhật với Bánh Thánh vẫn được lưu giữ trong nhà thờ cho đến ngày nay.

 
Philip Kosloski - Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

 

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã làm cho thế giới nên rực rỡ

với sự hiện diện huy hoàng của Chúa.

Chúa ôm trọn phận người chúng con

để chúng con có thể chia sẻ thiên tính của Chúa.

Chúa mạc khải chính Chúa cho chúng con

qua Bánh Hằng Sống bởi trời.

 

Xin chia sẻ ánh sáng thần linh của Chúa cho con

để con có thể thấy Chúa trong Thánh Thể.

Xin tuôn đổ vào tim con lòng tôn kính và ngỡ ngàng

về quà tặng Mình và Máu của Chúa.

Nhờ mầu nhiệm Thánh Thể

Xin liên kết trái tim chúng con với Chúa

để chúng con trở nên mối hiệp thông cho thế giới

và được sống với Chúa đến muôn đời.  Amen!

Đức Maria ở đâu sau khi Chúa Giêsu phục sinh?


 Posted on

Anh Jim ở Atlanta, Geogria, đang nghe đài Sirius Radio, chương trình đang lên sóng cùng Steve Ray, Câu hỏi của bạn liên quan đến Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu.

Vâng, cảm ơn hai anh vì tất cả những gì các anh đã làm. Thật tuyệt khi được nghe và trò chuyện với cả hai cùng lúc. Câu hỏi của tôi đặt ra là cuộc đời Đức Mẹ sẽ thế nào sau khi Chúa chịu khổ hình, chịu chết, và phục sinh; Mẹ sẽ sống ở đâu, những nguồn lịch sử và có thể là những truyền thuyết nào cho biết những điều đó. Kể cả việc Mẹ qua đời ở đâu.

Một số người nói ở Êphêsô, số khác bảo Giêrusalem. Tôi chỉ tò mò muốn biết mình biết gì?

Rất tốt, để tôi bắt đầu bằng lời này, nơi Mẹ qua đời không được Kinh Thánh hay bất kỳ nguồn nào chỉ ra một cách rõ ràng vấn đề là cần nhìn lại những điều chúng ta đã biết, về những truyền thuyết đã có từ sớm, về những bản văn đầu tiên, về khảo cổ học, và tất cả những thứ khác. Mẹ Maria – trong bộ phim của tôi – Tôi đã làm một bộ phim có tên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và tôi đã quay tại 3 nước, chúng tôi đã đến từng thành phố và địa danh nơi Mẹ Maria đã từng ở, và chúng tôi đã bàn về khoảng thời gian Mẹ ở đó, và cách thức tôi mô tả điều này trong bộ phim là khi Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, Người nhìn xuống và Người thấy Mẹ của mình, và Người nói, “Thưa bà, Gioan bây giờ sẽ thành con bà.

Và Gioan, Maria (Mẹ ta) bây giờ sẽ là Mẹ con.”

Nói cách khác, tại sao Người lại làm như vậy? Chúng ta sẽ bắt đầu ngay tại điểm này. Bởi vì Mẹ Maria không có người con trai nào khác.

Đức Giêsu có thể có nhiều anh em, từ “anh em” mang nghĩa họ hàng nhưng Mẹ Maria không có người con trai nào khác. Và vì thế Mẹ có thể lâm vào cảnh túng thiếu, vì nếu một người phụ nữ không có chồng hay con trai, thì người phụ nữ ấy sẽ không và đã không thể sở hữu tài sản. Họ không được xã hội bảo vệ và không có việc làm cũng như các phúc lợi vào thời ấy. Bạn cần có một người con trai.

Và bởi vì Mẹ không có con trai, Đức Giêsu đã chăm sóc Mẹ Người cho đến giây phút cuối cùng và đã trao phó Mẹ cho thánh Gioan để Mẹ có một mái nhà, và Người biết Mẹ sẽ được chăm sóc tốt.

Chúng ta biết, sau này, Gioan trở thành giám mục thành Êphêsô.

Tôi biết đó là nơi đặt bia mộ của ngài ấy, tôi thường dẫn người ta

đến đó luôn.

Thánh Gioan đã ở Êphêsô và ngài đã đưa Mẹ Maria đi cùng. Có một thánh đường ở Êphêsô được xây trước thế kỷ thứ 4, bởi vì vào năm 431 đã diễn ra một Công Đồng; Công Đồng chung III đã diễn ra ở Êphêsô trong một thánh đường gọi là Nhà Thờ Đức Trinh Nữ Maria. Vào thời ấy họ không bao giờ đặt tên thánh đường theo tên một người nào nếu người này chưa từng hiện diện ở đó và họ đã đặt tên cho thánh đường ấy theo tên Mẹ. Và Công Đồng đã đặc biệt chọn Êphêsô để tổ chức bởi vì Công Đồng sẽ hướng về Mẹ Maria, và họ thành lập Công Đồng ở Êphêsô là nơi Mẹ đã sống, trong một Vương Cung Thánh Đường lớn được gọi là Nhà Thờ Đức Trinh Nữ Maria.

Và tại đó họ định tín rằng Mẹ Maria được gọi là “Theotokos,” Mẹ Thiên Chúa.

Hiện nay có một ngôi nhà bên cạnh ngọn đồi, nơi một nữ tu người Đức

tức Chân Phước Anne Catherine Emmerich đã có một thị kiến về điều này, bà chưa từng đến đó, và bà đã kể cho một vài tu sĩ biết nơi ấy ở đâu; họ đã đến và khám phá ra nền móng của ngôi nhà và hiện nay chúng tôi đến đó, chúng tôi cử hành thánh lễ. Nền móng ấy nằm ở trên sườn đồi hướng về Êphêsô.

Còn bây giờ, đây là điều mà tôi nghĩ đã xảy ra:

Jim, tôi nghĩ rằng khi Mẹ Maria được khoảng 70 tuổi, thánh Gioan trở lại Êphêsô — Tôi xin lỗi.

Trở lại Giêrusalem để họp Công Đồng. Việc này được nhắc đến trong sách Công Vụ Tông Đồ XV. Và trong sách Công Vụ Tông Đồ chương 15, đấy là vào năm 49 sau Công nguyên, các Tông Đồ trở lại Giêrusalem vì Công Đồng này.

Và tôi nghĩ tại thời điểm đấy thánh Gioan đã đưa Đức Mẹ đi với ngài, và Mẹ chọn để từ trần trên núi Sion bởi vì Mẹ không muốn mình từ trần ở một thành phố ngoại đạo như Êphêsô.

Mẹ là con gái Sion, Mẹ đã trở về núi Sion để chết tại nơi của Mẹ.

Thật long trọng khi được chết với tổ tiên của mình. Thậm chí trong Kinh Thánh còn nói rằng người ta được an táng với tổ tiên của mình.

Đó là một điều rất quan trọng với người Do Thái, nên tôi nghĩ Đức Maria đã trở lại.

Trên đỉnh núi Sion có một ngôi nhà thờ tên là Tu Viện Đức Mẹ Ngủ.

Đây là nơi Mẹ Maria đi vào giấc ngủ. Việc mẹ ngủ hay chết Giáo Hội không xác định.

Nhưng điều Giáo hội tuyên bố là, vào thời điểm cuối cùng của cuộc sống dương thế,

Mẹ đã được đưa lên Thiên Đàng, cả hồn lẫn xác.

Và có một bức tượng Mẹ đang nằm ở ngôi nhà thờ ấy để tưởng nhớ về nơi

Mẹ đã đi vào giấc ngủ. Rồi cũng có một ngôi mộ và nó vẫn ở đó đến ngày hôm nay, nơi đó gọi là Nhà thờ Mộ Đức Maria. Ngôi nhà thờ nằm ở thung lũng Kidron cách khu vườn Ghêtsêmani không xa lắm. Và ngôi mộ ấy cũng được gọi với cái tên Nhà Thờ Đức Mẹ Lên Trời. Mẹ Maria đã được đặt vào ngôi mộ đó, và khi các thánh Tông đồ trở lại, Mẹ đã biến mất vì Mẹ đã được thăng thiên tiến về Thiên Đàng từ Giêrusalem. Và tôi đưa tất cả điều ấy vào bộ phim của tôi “Maria, Mẹ Thiên Chúa”.

Chuyển ngữ: Huy Văn
Hiệu đính: Minh Vương
Phụ đề: Thiên Kính, SJ

---------------------------------------------------------------------------

Đức Mẹ ly trần ở đâu?

Ngôi nhà của Đức Mẹ Maria ở gần thành phố cổ Êphêsô, phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Chúng ta mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời; nhiều lần các Đức Thánh Cha đã viếng thăm ngôi nhà của Đức Mẹ ở Êphêsô bên nước Thổ-nhĩ-kỳ. Có phải đây là nơi mà Đức Mẹ lìa đời không?

Lịch Phụng vụ đặt tên cho lễ mừng vào ngày 15/8 là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Nói đúng ra, tên của ngày lễ được lấy từ tín điều của Giáo hội công giáo, mà nếu dịch đúng ra phải nói “Đức Mẹ được cất về trời” (In Assumptione Beatae Mariae Virginis). Bên các giáo hội Đông phương, nơi xuất phát của lễ này, thì danh xưng là “Đức Mẹ an giấc” (Dormitio sanctae Mariae), hay là “ngủ yên”. Chung quanh ngày lễ này có rất nhiều câu hỏi được đặt ra mà tôi không thể nào trả lời trong vòng 10 phút được, mặc dù chỉ muốn giới hạn vào phạm vi lịch sử chứ không đi vào khía cạnh thần học. Những câu hỏi chính mang tính cách lịch sử có thể tóm lại như thế này: Đức Mẹ ly trần lúc nào, ở đâu? Dựa vào tài liệu nào mà biết được? Từ hồi nào phụng vụ mừng lễ Đức Mẹ an giấc?

Đức Mẹ ly trần lúc nào? Câu hỏi này dễ trả lời hơn cả phải không?

Không có câu hỏi nào dễ hết, bởi vì tất cả đều liên hệ với nhau, và móc nối với câu hỏi căn bản là: dựa vào tài liệu nào mà biết được những chi tiết về cuộc đời của Đức Mẹ Maria? Tài liệu lịch sử quan trọng nhất của đức tin Kitô giáo là Tân ước. Thế nhưng Tân ước chỉ cho thấy sự xuất hiện của Đức Maria trong cuộc đời của Chúa Giêsu, kể từ khi Truyền tin, Giáng sinh, cho đến lúc Chúa chết trên thập giá. Đức Maria còn được nhắc đến một lần nữa nơi sách Tông đồ công vụ (1,14), kể lại sự hiện diện của Người với các môn đệ ở Giêrusalem cầu nguyện trong thời gian chuẩn bị lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Từ đó trở đi, không ai biết Người sống chết ra sao. Một cách tương tự như vậy, không ai biết được cuộc đời của Đức Maria trước lúc được Truyền tin như thế nào, thân thế ra sao.

Lịch phụng vụ cho chúng ta biết quý danh của song thân Đức Maria là thánh Gioakim và thánh Anna đấy chứ.

Đúng rồi, nhưng dựa vào chứng tích nào. Tân ước không có nói gì hết. Trước sự im lặng của Tân ước, các thế hệ Kitô hữu tiên khởi đã tìm cách lấp đầy các lỗ hổng về cuộc đời Đức Maria bằng những tài liệu mà ngày nay chúng ta gọi là “ngụy Phúc âm”. Thoạt nghe nói đến “ngụy thư”, có lẽ nhiều người nổi da gà. Thực ra ở đây, “ngụy” chỉ có nghĩa là không được Giáo hội nhìn nhận như là “được ơn linh hứng”, chứ không hẳn là sai lầm. Bằng cớ là quý danh song thân của Đức Maria, cũng như việc đức Maria dâng mình vào đền thờ đều dựa theo một ngụy thư mang tên là “Tiền Phúc âm thánh Giacôbê”. Các ngụy thư về đức Maria tựu trung vào những điểm sau đây: 1/ Gia thế và tuổi xuân của Đức Maria cho đến lúc đính hôn với thánh Giuse. 2/ Đức Maria trong thời niên thiếu của Đức Giêsu, nghĩa là lúc lánh nạn bên Ai-cập. 3/ Đức Maria vào lúc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. 4/ Đức Maria ly trần. Như đã nói trước đây, chúng ta chỉ dừng lại ở điểm chót này.

Tân ước không nói gì về thời gian và địa điểm Đức Maria lìa đời. Như vậy là tất cả đều dựa theo ngụy thư hay sao?

Đúng như vậy. Tuy nhiên, như vừa nói, ngụy thư không có nghĩa “sách lừa bịp”. Mặt khác, chúng ta đang chỉ nói đến khía cạnh lịch sử chứ không bàn đến khía cạnh tín lý. Vì thế các tài liệu gọi là “ngụy thư” có thể coi như chứng tích của các lưu truyền dân gian, và cần được đánh giá theo thể văn đó. Đi vào vấn đề cụ thể, nghĩa là về chuyện Đức Mẹ lìa đời (Transitus Virginis), chúng ta có hai nguồn truyền khẩu. Một nguồn cho rằng Đức Mẹ đã an giấc tại Giêrusalem vào khoảng một năm sau khi Chúa Giêsu lên trời; các thánh tông đồ đã tiễn đưa Người ra mộ trước khi chia tay nhau đi giảng đạo. Một nguồn khác cho rằng Đức Mẹ đã sống thêm một thời gian nữa với thánh Gioan, và đi theo vị tông đồ này sang Êphêsô; dĩ nhiên, theo lưu truyền này thì Đức Mẹ an giấc tại Êphêsô.

Lưu truyền nào đáng tin hơn?

Tôi không phải là nhà chuyên môn về sử học, cho nên chỉ kể lại những điều đọc thấy trong sách vở thôi. Xét về mặt lịch sử, lưu truyền về việc Đức Mẹ an giấc tại Giêrusalem xem ra đáng tin hơn, theo nghĩa là lễ phụng vụ kính Đức Mẹ an giấc bắt đầu từ đây, tại ngôi đền thờ được cất ở trên ngôi mộ của Người.

Như vậy Đức Mẹ an giấc hay là chết?

Trong tiếng Việt cũng như trong nhiều ngôn ngữ khác, người ta kiêng nói đến “chết, tử”, và thay bằng những từ ngữ như là “qua đời, an nghỉ, tạ thế, lìa đời, vv”. Có lẽ không phải chỉ vì muốn dùng từ ngữ thanh tao hơn, nhưng còn muốn nói rằng sau cuộc sống ở dương gian này, còn có cuộc sống khác nữa. Đối với đức tin Kitô giáo, chúng ta tin rằng sau cái chết, linh hồn bất tử vẫn tồn tại bên Chúa. Riêng với Đức Maria, thì không những là linh hồn mà cả thân xác cũng được ở bên Chúa; nhưng thử hỏi: Mẹ có phải trải qua cái chết trước khi được hồn xác được đưa lên trời hay không? Các nhà thần học không nhất trí. Chúng ta tạm gác qua chuyện thần học sang một bên, và trở về với các nguồn truyền khẩu. Dựa theo những ngụy thư mang tên là sự an giấc của Đức Maria, thì không lâu sau khi Chúa lên trời, một thiên sứ đến báo tin cho Mẹ biết rằng sắp đến ngày ra đi. Mẹ liền mời các thân nhân đến để ở gần bên cạnh vào lúc kết thúc cuộc đời. Các thánh tông đồ cũng được triệu tập đến. Một buổi canh thức và cầu nguyện đã diễn ra vào đêm cuối cùng, và sáng hôm sau, Chúa Giêsu đã đến đem linh hồn Mẹ về trời. Các thánh tông đồ chôn cất thân xác Mẹ trong một ngôi mộ mới cất. Ba ngày sau, Chúa Giêsu và các thiên sứ đến đưa thân xác Mẹ về thiên đàng và được kết hiệp với linh hồn. Đó là những đại cương, bởi vì xét về chi tiết thì có nhiều dị biệt giữa các phiên bản, thí dụ như về thời gian (1 năm, hay lâu hơn sau khi Chúa lên trời), về địa điểm (Bêlem hay là Giêrusalem?).

Lúc nãy cha nói rằng lưu truyền về Đức Mẹ an giấc ở Giêrusalem thì cổ xưa hơn lưu truyền về an giấc ở Êphêsô, cho nên đáng tin hơn phải không?

Tôi nói là lễ kính Đức Mẹ an giấc bắt nguồn từ Giêrusalem, chứ không phải từ Êphêsô. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các lưu truyền về Đức Mẹ an giấc đều có giá trị lịch sử. Lý do là vì xem ra các tài liệu này ra đời muộn, nghĩa là vào thế kỷ V. Thật vậy, vào khoảng năm 377 (nghĩa là cuối thế kỷ IV), đức cha Êpiphaniô giám mục Salamina (+403), đã từng sống lâu năm ở Giêrusalem đã viết rằng Kinh thánh không nói gì về việc Đức Mẹ kết thúc cuộc đời như thế nào, và vì thế đã có ít là ba giả thuyết: thứ nhất, Đức Mẹ được Chúa đưa lên trời; thứ hai, Đức Mẹ được tử đạo; thứ ba, Đức Mẹ chết như bao nhiêu sinh linh khác. Tác giả không biết nên theo ý kiến nào, tuy xác tín rằng cuộc đời của Đức Mẹ kết liễu cách khác thường (Panarion 78,11.24). Dù sao cũng nên biết là từ cuối thế kỷ VI (khoảng giữa các năm 540 và 570), có lễ kính Đức Mẹ an giấc được mừng vào ngày 15 tháng 8, và bành trướng sang Tây phương vào thế kỷ VII. Không thiếu sử gia đã nêu lên câu hỏi: phải chăng lễ phụng vụ bắt nguồn từ các ngụy thư, hay nguỵ thư bắt nguồn từ lễ phụng vụ? Tôi xin miễn đi sâu vào vấn đề này.

Còn lưu truyền về việc Đức Mẹ an giấc tại Êphêsô ra đời từ hồi nào?

Theo Phúc âm thứ bốn, Chúa Giêsu từ trên thập giá đã ký thác thánh Gioan cho Đức Mẹ và ký thác Đức Mẹ cho thánh Gioan, rồi từ đó, môn đệ Gioan đưa Mẹ về nhà mình (Ga 19,27), và Mẹ cũng theo Gioan trên đưỡng truyền giáo. Theo một lưu truyền, thánh Gioan đã hoạt động ở Êphêsô, vì thế Đức Mẹ cũng đi theo thánh Gioan và qua đời tại đây. Hồi tháng 11 năm ngoái, đức thánh cha Bênêđictô XVI (theo gương của hai vị tiền nhiệm Phaolô VI và Gioan Phaolô II), trong chuyến du hành sang Thổ nhĩ kỳ, có đến thăm ngôi nhà này, được người địa phương đặt lên là nhà của Mẹ Maria (Meryem Ana Evi). Các nhà khảo cổ cho rằng nền của ngôi nhà này mang vết tích của thế kỷ I của Công nguyên. Nhưng làm sao chứng căn nhà này là của đức Maria được, cũng như chị biết là tại Loreto ở bên nước Ý, cũng có một ngôi nhà tục truyền là của đức Maria ở Nazareth.

Lưu truyền Êphêsô có giá trị lịch sử đến mức nào?

Trên đây tôi đã nói rằng lưu truyền Giêrusalem ra đời trước, vào khoảng thế kỷ VI. Lưu truyền Êphêsô ra đời muộn hơn, và gặp thấy khá nhiều vấn nạn. Thứ nhất là cần kiểm chứng xem thánh Gioan có sang Êphêsô không. Thứ hai, cần kiểm chứng xem Đức Mẹ có đi theo thánh Gioan hay không. Tuy nhiên, dưới một mặt khác, chúng ta đừng nên quên rằng lòng tôn kính Đức Mẹ trong Hội thánh đã tăng trưởng kể từ sau công đồng họp tại Êphêsô năm 431. Biến cố này là nguồn gốc của các bài giảng và các lưu truyền về cuộc đời Đức Maria. Vì thế xét về giá trị lịch sử, thì khó nói được lưu truyền nào hơn lưu truyền nào, bởi vì chính công đồng Êphêsô là khởi điểm cho sự phát triển lòng tôn kính Đức Mẹ, kể cả lễ phụng vụ cử hành tại Giêrusalem. Như đã nói ngay từ đầu, tôi chỉ bàn đến khía cạnh lịch sử chứ không đi vào khía cạnh tín lý, bởi vì tín điều về Đức Maria hồn xác lên trời dựa trên các chứng cứ mặc khải và thần học, chứ không dựa trên các truyền kỳ dân gian.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.

BẢY CHÌA KHOÁ ĐỂ HIỀU VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

 Với bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, bí tích Thánh Thể là một trong ba bí tích khai tâm Kitô giáo, nghĩa là các bí tích dẫn người tín hữu đi vào đời sống sinh hoạt của Hội Thánh Công giáo. Nhờ bí tích Thánh Thể, linh hồn người tín hữu được Chúa Kitô nuôi dưỡng và đức tin của họ được trưởng thành. Tất cả những người đã được rửa tội đều được kêu gọi tham gia vào việc cử hành Thánh Thể mỗi Chúa nhật, cũng khuyến khích tham dự thánh lễ “misa” mỗi ngày.

Bảy chìa khoá sau đây giúp hiểu về bí tích Thánh Thể:

  1. Nguồn gốc bí tích Thánh Thể
  2. Lược sử hình thành việc cử hành thánh lễ
  3. Hiểu thế nào về sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể ?
  4. Diễn tiến thánh lễ thế nào ?
  5. Hiệu quả của việc Rước lễ
  6. Ai được Rước Lễ ?
  7. Ai là thừa tác viên cho rước lễ ?

I. Nguồn gốc của bí tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể bắt nguồn từ  một sự kiện cụ thể. Trong bữa ăn tôi hôm trước ngày chịu khổ nạn, Chúa Giêsu cùng ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ. Đây là bữa ăn tối trước ngày Đại Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Trong bữa ăn này, người Do Thái tưởng niệm ngày Chúa đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ bên đất Ai Cập và đưa họ về Đất Hứa. Trong đêm hôm đó, Mô-sê và người Do Thái đã dùng bữa trong sự vội vã trước khi xuất hành, vì không có thời gian để ủ men trong bột, nên họ ăn bữa “vượt qua” này với bánh không men, thịt chiên tơ và rau diếp đắng.

Chúa Giêsu cùng ăn với các môn đệ của Người, theo truyền thống do thái, bánh không men. Nhưng trong lúc ăn, Người đã cầm lấy bánh và rượu, đọc lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ bánh và phân chia bánh với rượu cho các môn đệ và với họ “Đây là Mình Thầy, bẻ ra vì anh em. Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”

Vậy nguồn gốc bí tích Thánh Thể là bữa ăn cuối cùng mà Chúa Giêsu đã dùng với các mộn đệ của Người, trước khi chịu chết. Do đó, bí tích Thánh Thể cũng được gọi là Bữa Tiệc Ly.

II. Lược sử hình thành việc cử hành thánh lễ

Thời các Kitô hữu đầu tiên, vào ngày thứ nhất trong tuần, họ họp nhau để cử hành “lễ bẻ bánh” (x.Cv 20,7). Họ làm lễ bẻ bánh tại tư gia (x.Cv 2,46).

Khoảng năm 155, thánh Giút-ti-nô để lại một chứng từ nói về diễn tiến chính của thánh lễ như sau:

“Vào ngày Mặt Trời như người ta thường gọi, mọi người ở thành phố hay ở nông thôn đều họp lại một nơi.

Và người ta đọc ký sự của các Tông Đồ hoặc sách của các Tiên tri, tùy thời gian cho phép.

Khi người đọc kết thúc, vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích mọi người bắt chước những điều tốt lành đó.

Sau đó, tất cả chúng tôi cùng đứng dậy và dâng lời cầu nguyện cho chính chúng tôi… và cho mọi người khác ở khắp nơi,… để chúng tôi sống ngay chính trong các việc làm và trong việc tuân giữ các giới răn, hầu chúng tôi đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu.

Khi kết thúc việc cầu nguyện, chúng tôi trao hôn bình an cho nhau.

Tiếp đến, người ta mang đến cho vị chủ sự bánh và một chén rượu có pha nước.

Vị chủ sự cầm lấy bánh rượu, dâng lời tán tụng và tôn vinh Cha của vũ trụ, nhân danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần và đọc một kinh tạ ơn dài (tiếng Hy Lạp: eucharistein) về việc chúng tôi được coi là xứng đáng với các hồng ân này.

Khi vị chủ sự kết thúc các lời nguyện và việc tạ ơn, mọi người hiện diện đồng thanh đáp: A-men.

Sau khi vị chủ sự hoàn tất nghi thức tạ ơn và toàn dân đã đáp lại, thì các vị mà chúng tôi gọi là phó tế, phân phát bánh và rượu có pha nước ‘đã được thánh thể hoá’ (‘eucharistizata’) cho mỗi người hiện diện tham dự và đem đến cho những người vắng mặt.”[1]

Cuối thế kỷ thứ IV, các nước Tây Phương, sử dụng từ messe để nói về việc cử hành Lễ Tạ Ơn (eucharistein), được rút ra từ la-tinh missa nghĩa là “sai đi”, trong câu cuối cùng của thánh lễ Ite missa est, có nghĩa là “lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”.

Thế kỷ XII, Hội Thánh nhấn mạnh về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, “Mình thật và Máu thật của Chúa Kitô. Trong nhiều thế kỷ, thánh lễ được cử hành với nhiều nghi thức khác nhau, tuỳ theo vùng miền trong toàn Châu Âu. Đến thế kỷ XVI, Công đồng Trentô quyết định rằng, kể từ đây, trong toàn Hội Thánh, thánh lễ sẽ được cử hành theo cùng một nghi thức. Sách Lễ Roma được xuất bản bằng tiếng la-tinh. Công đồng cấm dùng tiếng bản xứ trong thánh lễ, nhưng các mục tử phải giáo huấn cho dân chúng bằng tiếng địa phương.

Đến Công đồng Vatican II cho phép dùng tiếng bản xứ trong phụng vụ, và khuyến khích người giáo dân tham dự thánh lễ cách hoàn hảo qua việc rước Mình Thánh Chúa trong thánh lễ. Phụng vụ Lời Chúa chiếm vụ trí quan trong trong thánh lễ. Hội Thánh muốn sự tham dự tích cực của giáo dân, cách đặc biệt, qua các lời đối đáp và thánh ca.   

Sách lễ Roma hiện đang sử dụng do Đức giáo hoàng Phaolô VI phê chuẩn ngày 03/04/1969 (ấn bản thứ nhất). Sau đó, vì nhu cầu đòi phải sửa đổi và bổ túc thêm cho Sách lễ Roma nên , Đức Phaolô VI phê chuẩn cho xuất bản ấn bản thứ hai năm 1975. Và một lần nữa, vì nhu cầu mục vụ đòi hỏi, Sách Lễ Roma cần phải cập nhật, nên Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phê chuẩn ấn bản thứ ba ngày 10/04/2000. Ấn bản này đang được sử dụng đến nay.

Sau hơn hai mươi thế kỷ, từ sau Bữa Tiệc Ly, thánh lễ Chúa nhật và mỗi thánh lễ, là tưởng niệm việc Chúa chịu chết và tuyên xưng Chúa sống lại. Thánh lễ biểu tỏ sự hiện diện của Chúa Kitô qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng đặc biệt dưới hình thức bánh và rượu, Chúa Kitô hiện thực sự Thánh Thể. Như thánh Phaolô giải thích: “mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến”. 

 

III. Hiểu thế nào về sự Hiện Diện Thực Sự của Chúa Kitô trong Thánh Thể ?

Đối với người công giáo, cách thức hiện diện của Chúa Kitô dưới hai hình Thánh Thể (Bánh-Rượu) là độc nhất vô nhị. Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô hiện diện thực sự, đích thực và bản thể của Mình và Máu Người, cùng với linh hồn và thần tính của Người, như vậy là hiện diện của Chúa Kitô trọn vẹn. Đây là sự hiện diện đầy đủ nhất vì là sự hiện diện bản thể. Nghĩa là trong bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô, vừa là Thiên Chúa, vừa là con người, hiện diện trọn vẹn. Sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô nhờ tác động của Chúa Thánh Thần và hiệu quả của Lời của Chúa “Đây là Mình Thầy…Đây là Máu Thầy”, còn gọi là Lời Truyền Phép.

Hội Thánh Công Giáo luôn xác tín rằng Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể khi linh mục bắt đầu đọc lời Truyền Phép. Hội Thánh gọi việc biến đổi cách đúng đắn và chính xác này là biến thể.[2] Như vậy, Chúa Kitô tiếp tục trao ban chính mình cách thật sự trong mỗi thánh lễ. Sự hiện diện đích thực của Chúa Thánh Thể kéo dài bao lâu hình bánh và rượu còn tồn tại.

 

IV. Diễn tiến thánh lễ thế nào ?

Theo sự cải cách của Công đồng Vatican II, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã phê chuẩn nghi thức thánh lễ hiện hành được chia làm bốn phần: Nghi thức Mở Đầu, Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể và Nghi Thức Kết Lễ.

1, Nghi thức mở đầu là những nghi lễ đi trước phụng vụ Lời Chúa, tức là ca nhập lễ, lời chào, hành động sám hối gồm thinh lặng hồi tâm giây lát trước kinh Cáo Mình, kinh Xin Chúa thương xót, kinh Vinh Danh, thinh lặng giây lát và lời nguyện nhập lễ. Mục đích của các nghi lễ này là giúp các tín hữu đang quy tụ được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa và cử hành thánh lễ cách xứng đáng.

  1. Phụng vụ Lời Chúa là đọc các bài được rút ra từ Thánh Kinh.Tiếp theo là bài giảng, kinh Tin Kính và lời nguyện chung (lời nguyện tín hữu), triển khai và kết thúc phần phụng vụ này. Qua các bài đọc, được bài giảng giải thích, Thiên Chúa nói với Dân Người, cách đặc biệt, chính Chúa Kitô hiện diện giữa các tín hữu qua lời của Người. Nhờ sự thinh lặng và bài thánh vịnh đáp ca, cộng đoàn làm cho Lời Chúa thành của mình và nhờ lời tuyên xưng đức tin, họ được nuôi dưỡng và gắn bó với Lời Chúa. Qua lời nguyện chung, tín hữu cầu xin cho các nhu cầu của Hội Thánh và nhân loại được cứu độ dựa theo sự gợi hứng của lời Chúa vừa nghe.
  2. Phụng vụ Thánh Thể được diễn tiến theo hành động của Chúa Kitô trong Bữa Tiệc Ly: Người cầm lấy bánh và chén, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Các con hãy nhận lấy, hãy ăn, hãy uống, đây là Mình Thầy, đây là chén Máu Thầy. Các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến thầy. Hội Thánh đã sắp đặt toàn thể việc cử hành Thánh Thể theo các phần tương ứng với những cử chỉ của Chúa Kitô như sau:

Người cầm lấy bánh: phần chuẩn bị lễ vật, bánh rượu cùng với nước được đem tới bàn thờ.

Dâng lời tạ ơn: Kinh nguyện Thánh Thể, Hội Thánh tạ ơn Thiên Chúa về tất cả công trình cứu độ, và lễ vật để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Bẻ ra và trao cho các môn đệ: Nhờ việc bẻ bánh và hiệp lễ, các tín hữu tuy nhiều, nhưng tất cả đều lãnh nhận từ cùng một tấm bánh và một chén rượu Mình và Máu Chúa từ chính tay Chúa Kitô trao ban.

  1. Nghi thức kết thúc là phần theo sau Lời Nguyện Hiệp Lễ, sau khi rước lễ. Phần này gồm vài lời thông báo và nhắn nhủ vắn tắt nếu cần, lời chào và phép lành của linh mục và lời giải tán cộng đoàn, mọi người ra về tiếp tục phận vụ của mình mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa.

V. Hiệu quả của việc Rước lễ

Dấu chỉ rõ ràng nhất của Thánh Thể là thức ăn. Bí tích này đến để lấp đầy cơn đói khát của người tín hữu. Bánh và rượu là thịt và máu, nghĩa là thân mình toàn vẹn của Chúa Kitô. Như thế, qua việc nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô đến để chữa lành những gì còn thương tích, để củng cố và tăng trưởng người tín hữu trong sự sống đời đời, sự sống của Thiên Chúa. Ăn bánh và uống rượu này là những cử chỉ thể hiện nhân tính người tín hữu gắn liền mật thiết với thiên tính của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Vậy, rước lễ giúp người tín hữu kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô.

Thánh thể cũng xây dựng sự hiệp nhất với Hội Thánh. Sự hiệp nhất được thể hiện qua việc cùng chía sẻ một bánh duy nhất là Thân Mình Chúa Kitô. “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17). Qua sự kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô, người tín hữu cũng hiệp nhất với nhau trong cộng đoàn và với tất cả những ai cùng chia sẻ bánh tại bàn thờ Chúa.

Cuối cùng, bí tích Thánh Thể là sự nếm trước cuộc sống sau cái chết và sự phục sinh của người tín hữu, nơi Thiên Chúa sẽ là “tất cả trong tất cả”. Việc tham dự Thánh Lễ không chỉ kết hợp Kitô hữu với Hội Thánh sống động trên trần gian, mà còn với những người đi trước họ trong đức tin. Trong Bí tích Thánh Thể, người tín hữu thấy Chúa Kitô ẩn mình.Trên thiên đàng họ sẽ gặp Người diện đối diện. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12).

Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo số 1397 dạy rẳng: “Bí tích Thánh Thể đòi buộc dấn thân cho người nghèo: Để lãnh nhận trong sự thật Mình và Máu Đức Ki-tô bị nộp vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Đức Ki-tô trong những kẻ nghèo nhất, là các anh em của Người.

“Bạn nếm Máu Thánh Chúa, vậy mà bạn lại không nhận ra người anh em;…Bạn làm hổ thẹn Bàn tiệc này, khi người được coi là xứng đáng tham dự Bàn tiệc này, lại bị bạn coi là không xứng đáng được chia phần ăn của bạn. Thiên Chúa đã giải thoát bạn khỏi mọi tội lỗi và cho bạn vào bàn tiệc, vậy mà quả thật bạn đã chẳng nhân hậu hơn chút nào.”

VI. Ai được Rước Lễ ?

Bí tích Thánh Thể là một trong ba bí tích Khai Tâm Kitô giáo. Bí tích Rửa Tội được xem là “cửa dẫn vào” trong đời sống mới được ban tặng qua các bí tích. Do đó, cần phải được rửa tội để nhận lãnh Thánh Thể.

Trước đây, các tín hữu thường tham dự thánh lễ nhưng không rước lễ. Họ chỉ rước lễ một lần trong năm vào Mùa Phục Sinh, sau khi xưng tội. Ngày nay, khi tham dự thánh lễ, các tín hữu đểu rước lễ, đến nỗi việc rước lễ có nguy cơ bị lạm dụng do không được chuẩn bị chu đáo như không sạch tội trọng, bị ngăn trở hôn phối, không tham dự trọn vẹn và tích cực trong thánh lễ và nhất là không có ý ngay lành, rước Chúa chỉ vì “thói quen” hoặc thấy người khác rước đi thì mình cũng đi !   

Ngày nay một số tín hữu có khuynh hướng không cần xưng tội trọng trước khi rước lễ, vì hiểu lầm là nghi thức sám hối đầu thánh lễ có giá trị như bí tích giải tội. Lãng quên việc giữ chay một giờ trước khi rước lễ. Một số khác thì không “thèm” rước lễ khi tham dự thánh lễ. Một số khác thì chỉ đi dự lễ, không xưng tội và cũng không rước lễ, dù biết mình không bị ngăn trở gì. Trong khi đó có một số khác thì lại rất ước ao được rước Chúa, nhưng bị ngăn trở do tái hôn sau khi ly dị, hoặc chung với nhau như vợ chồng mà không có bí tích hôn phối.

Có một giải pháp cho người không thể rước lễ do bị ngăn trở, đó là rước lễ thiêng liêng. Đây là một thực hành đạo đức có từ thời trung cổ do sáng kiến của các Thánh Tiến Sĩ. Vì vậy, nên khuyến khích “việc rước lễ thiêng liêng” cho những người không thể giữ chay trước khi rước lễ, cho học sinh giáo lý chưa được rước lễ, cho các đôi hôn phối đang bị rối…tuy họ không thể tham dự vào việc Rước Mình và Máu Thánh Chúa trực tiếp, nhưng họ vẫn được kết hiệp với Đức Kitô bằng cách cầu xin Người đến viếng thăm bằng ân sủng mà không có bí tích. Với lòng sám hối và sự ước ao được kết hiệp với Chúa Kitô và hiệp nhất với Hội Thánh, những người không thể lãnh nhận bí tích Mình và Máu Chúa Kitô, cũng có thể được Chúa ban ân sủng của bí tích này do lòng thương xót của Thiên Chúa.

VII. Ai là thừa tác viên cho Rước lễ ?

Giám mục, linh mục và phó tế là các thừa tác viên thông thường của bí tích Thánh Thể trong phạm vi phân phát Mình và Máu Thánh Chúa. Tuy nhiên, chỉ có giám mục và linh mục mới được cử hành bí tích này.

Huấn thị Immensae Caritatis, ban hành năm 1973, cho phép các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Các thừa tác viên này có thể là các thầy đã lãnh nhận tác vụ giúp lễ, nam nữ tu sĩ hoặc vài người tín hữu được giám mục bổ nhiệm thi hành phận vụ cho rước lễ này.

Vì nhu cầu mục vụ đòi hòi, số giáo dân rước lễ đông, thánh lễ có thể bị kéo dài quá mức. Do đó, linh mục chánh xứ có thể tuyển chọn các nữ tu sĩ đang phục vụ giáo xứ, hoặc vài tín hữu có đời sống gương mẫu, có lòng đạo đức và sùng kính đặc biệt dành cho bí tích Thánh Thể, gửi đơn xin đức giám mục giáo phận chuẩn nhận cho những người này thực thi tác vụ ngoại thường của bí tích Thánh Thể.

Lm.Gs. Lê Ngọc Ngà

—–

[1] Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1345.

[2] X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1374-1377.

NGUỒN: https://gpcantho.com/78108-2/

 

WORLD WORLD