Wednesday, March 27, 2024

TAM NHẬT THÁNH

 “Tam Nhật Vượt Qua” là gì ?




Tam Nhật Vượt Qua hay còn gọi là Tam Nhật Thánh, là khoảng thời gian ba ngày Hội thánh cử hành tưởng niệm Cuộc Vượt Qua  của Đức Kitô.

“Cuộc Vượt Qua” của Đức Kitô là gì?

Cuộc Vượt Qua hay Mầu Nhiệm Vượt Qua là thuật ngữ diễn tả cuộc chiến thắng của Đức Kitô – Người vượt qua cuộc khổ nạn, sự chết và đạt đến sự phục sinh.

Thuật ngữ Vượt Qua có nguồn gốc từ truyền thống Do Thái: Hằng năm vào chiều ngày 14 tháng Nisan người Do Thái cử hành Lễ Vượt Qua mừng kính Đức Chúa. Người Do Thái tính lịch theo mặt trăng [Âm lịch], một năm chia thành 12 tháng, một tháng 30 ngày, tháng Nisan là tháng đầu tiên của năm, rơi vào khoảng tháng Ba hay Tư theo Dương lịch, tức vào khoảng giữa mùa Xuân.

Lễ Vượt Qua là lễ lớn nhất trong năm của người Do Thái, được quy định trong Xh 12,1-14, đoạn văn Xuất Hành này được trích đọc trong Thánh Lễ Tiệc Ly chiều thứ Năm Tuần Thánh. Chính vào đêm Israel được lệnh “đi lên” khỏi khỏi đất Ai Cập, Đức Chúa đã gieo tai ương, khiến các con đầu lòng của người Ai Cập đều phải chết; nhưng những nhà của người Israel, nhờ có máu chiên bôi trên cửa làm dấu, Đức Chúa đã vượt qua mà không đổ tai ương xuống trên họ.

Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là ĐỨC CHÚA. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập (Xh 12,12-13).

Trong thời Cựu Ước, máu chiên được sát tế đã cứu con cái Israel khỏi phải chết. Trong thời Tân Ước, đối với các Kitô hữu, Đức Kitô chính là Chiên Vượt Qua được sát tế. Qua hy lễ Thập Giá, Người đã khai mở một cuộc Vượt Qua Mới, bằng cuộc chiến thắng sự chết, để cứu chuộc toàn thể nhân loại.


Hội thánh cử hành “Mầu Nhiệm Vượt Qua” của Đức Kitô thế nào?

Hằng ngày, Hội thánh cử hành Thánh Thể để tưởng niệm Cuộc Vượt Qua – mầu nhiệm chết và sống lại của Đức Kitô.

Hằng năm, Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô được tưởng niệm cách long trọng hơn, mô phỏng lại những diễn biến cuối cùng của cuộc đời Đức Kitô theo như các trình thuật Tin Mừng, và vì thế việc cử hành việc tưởng niệm này kéo dài đến ba ngày. Thời đầu của Hội thánh, suốt thời gian cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua này các Kitô hữu giữ chay.

“Tam Nhật Vượt Qua” được tính thế nào?


Tam Nhật Vượt Qua được tính từ Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh cho đến hết Ngày Chúa Nhật Phục sinh.

  • Ngày thứ nhất là Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa (bắt đầu từ Lễ Tiệc Ly Chiều Thứ Năm)
  • Ngày thứ hai là Thứ Bảy Tuần Thánh tưởng niệm sự an nghỉ của Chúa (bắt đầu sau khi Chúa đã được an táng vào Chiều Thứ Sáu).
  • Ngày thứ ba là Chúa Nhật Phục Sinh (bắt đầu từ canh thức Vượt Qua vào Tối Thứ Bảy).

Xem Thêm:

Từ Điển Công Giáo. Bs. Uỷ ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), tr. 978-80.

Phan Tấn Thành. “Làm sao biết được lễ Phục sinh sẽ vào ngày nào?” trong Hiểu để sống đức tin, tập 2 (Tp. HCM: Học viện Đa Minh, 2009), tr. 112-17.

------------------------------------------------

 

THẤY MÌNH TRONG CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

 

Đấng đáng kính TGM Fulton J. Sheen (1895-1979, Hoa Kỳ) đã trình bày bài suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa Chúng Ta và Đấng Cứu Thế Giêsu Kitô theo nhiều cách.  Hai trong số những cách đáng chú ý nhất mà ngài đã trình bày về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là:

a) Suy niệm sâu sắc về “Bảy Lời Cuối Cùng của Chúa Giêsu từ Thập Giá.”

b) Trình bày cách mô tả “Các Nhân Vật Trong Cuộc Khổ Nạn.”  Ngài mô tả các thái độ, nhân đức hoặc tính xấu khác nhau của nhiều người tham gia vào Cuộc Khổ Nạn – đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá.

 “Các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô” chắc chắn có thể dùng như một phương tiện để xét mình nghiêm túc đối với mỗi người trong chúng ta.  Chúng ta có thể khám phá và xác định mình với nhiều đặc điểm của các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa – một số tích cực và đáng khen, một số tiêu cực và đáng trách.

 Vì vậy, chúng ta hãy can đảm bước vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu bằng cách vừa suy gẫm vừa suy nghĩ về những nhân vật hoặc những người liên quan Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Chúa chúng ta.  Hy vọng chúng ta sẽ được coi là những người trung thành của Chúa Giêsu, những người mang lại niềm an ủi sâu sắc cho Trái Tim bị thương và chảy máu của Ngài.

 Chúng ta sẽ xem xét một số nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu.  Bài viết ngắn này không đầy đủ, nhưng nó sẽ cho chúng ta nếm trải ít nhất một hương vị trong nhiều tính cách của những người có mặt trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, cách phác họa các động độ khác nhau sẽ tác động đến chúng ta theo nhiều cách và có thể thúc đẩy chúng ta hoán cải.

 ÁC VƯƠNG HÊRÔĐÊ

Chúa Giêsu bị chất vấn trước mặt vua Hêrôđê và triều đình, nhưng Chúa Giêsu không trả lời câu hỏi nào.  Ông vua độc ác này đại diện cho những người theo chủ nghĩa nhục dục, chủ nghĩa khoái lạc, phó mặc cho những ham muốn xác thịt.  Chúa Giêsu không mở miệng bởi vì Ngài sẽ chỉ bị chế giễu, mỉa mai và nhạo báng.  Với những loại người này, Chúa Giêsu xác định: “Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7:6)

Ngày nay, nhiều người theo chủ nghĩa khoái lạc, hướng về nhục dục, hoàn toàn phó mặc cho những ham muốn xác thịt.  Chúa Giêsu xác định với ông Nicôđêmô: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí.  Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí.” (Ga 3:5-6)

 TỔNG TRẤN PHILATÔ

Người biện lý La Mã này đại diện cho nhiều người ngày nay.  Về cơ bản, Philatô đại diện cho kẻ hèn nhát điển hình.  Vợ ông là Claudia đã mơ về sự vô tội của Chúa Giêsu, nhưng ông ta đã bỏ qua yếu tố chân lý này.  Ông ta muốn làm hài lòng đám đông, ông ta là “người làm vui lòng dân hơn là làm vui lòng Chúa!”

 Chúng ta thường hành động và phản ứng như thế nào để làm vui lòng mọi người, để được mọi người vui thích và tán thưởng, để làm tổn hại chúng ta vì đã từ chối ý muốn của Thiên Chúa và làm mất lòng Chúa?  Sự tôn trọng dành cho con người lại thường vượt xa sự tôn trọng dành cho Thiên Chúa!

 PHARISÊU, KINH SƯ VÀ SAĐỐC

Nhiều người từ chối Chúa Giêsu và kêu gào kết án Ngài, điều đó thể hiện sự kiêu ngạo về trí tuệ.  Đây là giới trí thức – nhóm có học thức và uyên bác về Kinh Thánh.  Họ là những người biết nhiều về tâm linh.  Người ta cảm thấy quá sức tưởng tượng khi đối diện với một người thợ mộc khiêm tốn, ít học, đến từ Nadarét, giống như một thỏi nam châm, thu hút vô số người bởi những lời nói và việc làm của Ngài.

 Quả thật, chính sự kiêu ngạo và đố kỵ về trí tuệ của họ đã làm cho họ mù quáng, không thể nhận ra mà chấp nhận Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ của họ.  Ngày nay có biết bao người vẫn mù quáng, không nhận biết và không chấp nhận sự thật do sự kiêu ngạo về trí tuệ!

 VÔ SỐ NGƯỜI THEO DÕI CHÚA GIÊSU

Nhiều người trong nhóm này là biểu tượng của những người tò mò.  Nhiều người tìm kiếm sự mới lạ, sự đổi mới, mốt mới và kiểu lạ để khơi gợi sự tò mò bệnh hoạn của họ.  Thật nguy hiểm biết bao khi họ chỉ sống vì sự phấn khích mau qua.  Người ta có câu: “Sự tò mò giết chết con mèo!”

 TIẾNG HÔ “ĐÓNG ĐINH!”

Có những người trên thế giới thực sự có lòng căm thù đối với Thiên Chúa, đối với Chúa Giêsu, và tất cả những gì liên quan Thiên Chúa.  Nhóm Sađốc, các thượng tế đứng dưới thập giá và đám đông trước mặt Philatô kêu to: “Đóng đinh nó vào thập giá!”

 Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người nuôi dưỡng lòng căm thù quỷ quyệt đối với Chúa Giêsu và tất cả những gì liên quan Thiên Chúa.  Số người này trong thế giới hiện đại vẫn tiếp tục gia tăng!

 ÔNG SIMÔN KYRÊNÊ

Sau khi làm việc và trở về từ cánh đồng, ông Simôn thành Kyrênê bị bắt buộc phải giúp Chúa Giêsu vác thập giá.  Lúc đầu, Simôn chống cự và tìm cách thoái thác, nhưng khi đã chấp nhận vác thập giá, ông ấy không chỉ thấy hoàn toàn phù hợp với công việc này, mà còn thích giúp Chúa Giêsu vác thập giá.

Có thể đó là bạn và tôi: ngay từ đầu chúng ta muốn chạy trốn khỏi thập giá, nhưng khi đã chấp nhận, chúng ta thấy “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng.” (Mt 11:30)

 BÀ VÊRÔNICA

Bà Vêrônica là một phụ nữ dũng cảm.  Bà đã chen qua đám đông và lau mặt Chúa Giêsu bằng khăn trùm của mình.  Chúa Giêsu đã đền đáp cho bà bằng cách để Thánh Nhan Ngài in vào tấm khăn đó.  Còn chúng ta, liệu chúng ta có can đảm ra đi để giúp đỡ những người đang đau khổ và hoạn nạn hay không?

 NHỮNG NGƯỜI ĐÓNG ĐINH CHÚA

Mặc dù điều này có thể khó chấp nhận, nhưng mỗi khi chúng ta đồng ý phạm một tội trọng, thì theo nghĩa thực tế, chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc đóng đinh Chúa Giêsu, về những chiếc đinh đâm vào chân tay Ngài.  Tuy nhiên, bằng cách xưng tội nên, chúng ta nhổ đinh và để cho Chúa Giêsu Phục Sinh bước đi!

 NHỮNG NGƯỜI LÍNH RÚT THĂM CHIA CHÁC

Có những người lính bên dưới khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá và đau đớn tột cùng.  Họ rút thăm xem ai được nhận y phục của Chúa Giêsu.  Những người này, cùng với nhiều người trong đám đông đang nhìn xem, thể hiện thái độ dửng dưng và lãnh đạm.

 Ngày nay có quá nhiều người bày tỏ thái độ dửng dưng, lãnh đạm, thờ ơ, xa cách đối với Chúa Giêsu.  Sách Khải Huyền lên án mạnh mẽ thái độ này bằng những lời lẽ làm rung chuyển trái đất này: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng.  Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi!  Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:15-16)

 Đáng buồn là có một số đông những người được gọi là Kitô hữu Công giáo thể hiện thái độ dửng dưng và lãnh đạm với Chúa, với các Bí Tích và với Giáo Hội.  Có lẽ chúng ta thuộc nhóm này.  Nếu vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi!

 KẺ TRỘM DỮ

Bất chấp gương tốt của Chúa Giêsu và tấm gương cao quý nhất về lòng nhân từ và thương xót của Ngài: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc. 23: 24)  Tên tử tội xấu đã tự kết liễu đời mình bằng cách nguyền rủa và thách thức Chúa Giêsu.  Thậm chí hắn còn muốn biến đổi tử tội cùng bị đóng đinh với mình, nhưng hắn vẫn chết với trái tim lạnh lùng, nhẫn tâm và độc ác!  Có những người, mặc dù được Thiên Chúa ban cho nhiều ân sủng, nhưng họ lại trở nên chai cứng và nhẫn tâm hơn.  Xin Chúa giải cứu chúng ta!

 NGƯỜI TRỘM LÀNH

Ở mặt khác của đồng tiền, bên cạnh Chúa Giêsu trên Thập Giá, chúng ta gặp người trộm lành.  Anh ta kết thúc đời mình bằng cách ăn năn và cầu xin Chúa Giêsu thương xót.  Chúa Giêsu luôn sẵn sàng tha thứ, tỏ lòng thương xót, và mở Thiên Đàng cho tử tội sám hối này, với những lời an ủi nhất: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc. 23:43) TGM Sheen nhắc nhở chúng ta: “Anh ta chết mà vẫn ăn trộm vì anh ta đã lấy trộm Thiên Đàng.”  Sự cứu rỗi có thể xảy ra ngay giây phút cuối cùng đối với những người thật lòng ăn năn!

 VIÊN ĐỘI TRƯỞNG ĐÂM CHÚA

Sau khi đâm Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, viên đại đội trưởng này đã tin!  Ông công nhận: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39) Máu và nước tuôn ra từ Trái Tim Chúa Giêsu là nguồn ơn hoán cải và ơn cứu độ vô tận!

 MARIA MAĐALÊNA

Sau khi được trừ bảy quỷ, bà Mađalêna đã biến đổi nhờ tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu.  Đứng dưới chân Thập Giá, ôm lấy Thập Giá với mái tóc rối bù, bà Mađalêna thể hiện tình yêu chân thành và lòng sùng kính dành cho Chúa Giêsu.  Bà Mađalêna đại diện cho những người thực sự canh tân cuộc sống.  Tất cả đều được mời gọi ăn năn và tín thác.  Có lẽ vẫn còn điều gì đó giống bà Mađalêna trong chúng ta, đó là cần đổi mới chăng?

 MÔN ĐỆ GIOAN

Môn đệ Gioan đứng dưới Thập Giá đại diện cho giới tư tế.  Linh mục có thể được định nghĩa là nạn nhân, là vật hy sinh, là người dâng những lời cầu nguyện và hy sinh để đền tội cho mình và cho các tội nhân.  Chúa Giêsu là lễ vật không tì vết, và bị treo tên Thập Giá.  Môn đệ Gioan đứng bên Mẹ Maria, dưới chân Thập Giá, dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha Hằng Hữu để xin ơn cứu độ tội nhân và nhân loại.  Xin cho các giáo sĩ biết noi gương Thánh Gioan!

 ĐỨC MẸ

Có rất nhiều danh hiệu dành cho Đức Mẹ.  Tuy nhiên, TGM Sheen tôn vinh Đức Mẹ là Đấng Vô Tội – Innocence, vì Đức Mẹ đã đứng bên Thập Giá suốt ba giờ.  Tất cả chúng ta đều đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá do tội lỗi của mình.  Đức Maria không hề phạm tội, nhưng đã dâng Chúa Giêsu lên Chúa Cha để cứu rỗi toàn thể nhân loại.

 CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÓNG ĐINH

Khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, chúng ta có cách mô tả rõ ràng nhất về Tình Yêu Nhập Thể. Thánh Inhaxiô nói rằng Chúa Giêsu chết trên Thập Giá vì hai lý do:

a) Cho chúng ta thấy sự xấu xa của tội lỗi.

b) Đặc biệt cho chúng ta thấy sự vĩ đại của tình yêu Ngài dành cho chúng ta.  Nếu bạn là người duy nhất trên thế giới, Chúa Giêsu vẫn chịu khổ nạn và chịu chết vì yêu thương bạn và cứu rỗi linh hồn bất tử của bạn.

 17. CHÚA CHA VĨNH HẰNG

Trong bộ phim The Passion of the Christ (Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu) của Mel Gibson, cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá kết thúc bằng một giọt nước khổng lồ từ trên trời rơi xuống.  Cách hiểu thế nào?  Đó là Giọt Nước Mắt của Chúa Cha từ trời cao.  Chúa Cha khóc trước cái chết của Con Ngài và khóc vì tội lỗi của nhân loại.  Nhưng Chúa Cha cho phép Con Ngài chết vì yêu thương chúng ta và sự cứu rỗi đời đời của chúng ta.

KẾT LUẬN

Hãy dành nhiều thời gian để suy ngẫm về các nhân vật trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô.  Bạn có thể xác định điều gì trong số những điều này với cuộc sống của chính mình?  Cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí bạn để biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát bạn.

 

Lm. Ed Broom, Omv - Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

No comments:

Post a Comment

WORLD WORLD