Sunday, July 24, 2016

TÂN TÒNG NGĂN CẤM VỢ GIỮ ĐẠO,
HÔN NHÂN VÔ HIỆU?

-------------------------------
Anh ấy người lương học đạo và theo đạo (tân tòng) khi kết hôn. Khi con có bầu, mẹ chồng cấm con đi nhà thờ vì cho rằng làm như vậy sẽ gây điều xấu cho thai nhi. Anh ấy sau kết hôn đã không giữ đạo và bây giờ cũng đồng tình với mẹ không cho con đi lễ. Con đã bỏ về nhà mẹ để sinh con và rửa tội cho con. Hôn nhân vì vậy đã tan vỡ. Anh ấy đã lấy vợ khác. Hôn nhân của con có vô hiệu không?



Sự kiện
Đôi khi xảy ra trường hợp người chồng là lương dân muốn kết hôn với người Công Giáo. Anh đã bằng lòng học và theo đạo trước khi kết hôn. Tuy nhiên sau đó anh không còn giữ đạo và còn cấm người vợ giữ đạo. Hoặc có trường hợp anh không cấm cách người vợ giữ đạo nhưng lại đồng tình với sự cấm cách của cha mẹ, không cho vợ được đi nhà thờ, thậm chí không cho con cái được Rửa tội.

Một kết ước hôn nhân đã xảy ra như trên thì có thể bị vô hiệu không? Tòa án hôn phối, căn cứ vào Giáo Luật, có thể thẩm xét và tuyên bố hôn nhân này vô hiệu dựa trên những cơ sở pháp lý khác nhau tùy theo sự kiện đã xảy ra tương ứng với điều khoản tiêu hôn nào.

Có 5 cơ sở pháp lý có thể được nêu ra trong trường hợp này để kết luận hôn nhân vô hiệu:
- Kết hôn có điều kiện về tương lai (đ. 1102#1)
- Kết hôn lầm lẫn về một tư cách được nhắm đến trực tiếp và chính yếu (đ. 1107#2)
- Kết hôn bị lầm lẫn do lừa gạt (đ. 1098)
- Kết hôn giả hình (simulatio, đ. 1101#1)
- Thiếu nghiêm trọng óc phán định về nghĩa vụ trao ban cho nhau (đ. 1095, 20)

1. Kết hôn có điều kiện về tương lai (đ. 1102#1)
Điều 1102#1 quy định: Kết hôn với điều kiện về tương lai thì bất thành.

Đặt điều kiện kết hôn có nghĩa là đưa ra một điều kiện có tính cách quyết định cho sự ưng thuân kết hôn hay không. Điều đó có nghĩa là điều kiện được đặt ra là chính yếu và quan trọng hơn cả người kết hôn. Ví dụ đặt điều kiện tương lai như: "Anh phải trở thành bác sĩ trong hai năm tới". Nếu bên kia không đồng ý thì bên đặt điều kiện sẽ không kết hôn. Trong ý nghĩ của người đặt điều kiện thì việc bên kia sẽ trở thành bác sĩ là quan trọng hơn cả con người thực sự của bên kia. Ngược lại, khi coi con người là chính yếu và điều đòi hỏi đặt ra là phụ thuộc khi kết hôn (Vd. cho dù anh có trở thành bác sĩ hay không thì tôi vẫn cưới anh) thì không phải là hôn nhân với điều kiện.

Trong trường hợp về sự theo đạo của bên lương như một điều kiện được đặt ra do bên Công Giáo thì có thể xảy ra hai trường hợp:

- Điều kiện hiện tại: Đòi bên kia phải theo đạo mới chịu kết hôn, chẳng hạn như bên Công Giáo nói: “Nếu anh không theo đạo tôi sẽ không kết hôn với anh”. Trường hợp này là kết hôn với điều kiện hiện tại (đ. 1102#2). Hôn nhân có vô hiệu hay không thì tùy thuộc vào nội dung của điều kiện có được thực hiện không, nghĩa là có được thỏa mãn không. Vì vậy, nếu anh người lương đã chịu rửa tội và sau đó kết hôn thì hôn nhân thành sự. Tuy nhiên, nếu anh đó nói dối là mình đã được rửa tội, nhưng thực sự anh chưa được rửa tội, thì hôn nhân này vô hiệu chiếu theo điều 1102#2, vì không thỏa mãn điều kiện hiện tại.

- Điều kiện tương lai: Đòi bên kia phải theo đạo và sẽ giữ đạo tốt thì mới chịu kết hôn. Điều kiện tương lai được đặt ra ở đây là “sẽ giữ đạo tốt”.

Đòi sẽ giữ đạo tốt ít khi xảy ra cách rõ ràng mà thường chỉ là một hy vọng hay một ước mơ của bên Công Giáo. Trong trường hợp này, nó không là một điều kiện kết hôn tương lai.

Nếu cho rằng là họ đã kết hôn với điều kiện tương lai thì phải có những sự kiện chứng minh được rằng hai bên đã có đặt ra điều kiện là “sẽ giữ đạo tốt” hay là “sẽ không cấm giữ đạo”.

Việc đòi bên kia phải theo đạo không đương nhiên là đòi bên kia phải giữ đạo tốt hay không cấm đạo, trừ khi có những dấu hiệu tích cực chứng tỏ rằng họ đã thỏa thuận điều kiện một cách mặc nhiên dù không nói ra. Vì vậy, nếu không có đủ chứng cứ cho việc đặt điều kiện tương lai thì không thể kết luận hôn nhân vô hiệu. Vị thẩm phán, khi đó, nên lý giải sự vô hiệu dựa theo cơ sở pháp lý khác.

2. Kết hôn lầm lẫn về một tư cách được nhắm đến trực tiếp và chính yếu (đ. 1107#2)

Điều 1107#2 quy định:
Sự lầm lẫn về tư cách của một người, ngay cả khi tư cách ấy là nguyên nhân của khế ước, không làm cho hôn nhân bất thành, trừ khi tư cách ấy được nhắm đến cách trực tiếp và chính yếu.

“Trực tiếp” ở đây có nghĩa là tư cách nhắm đến không phải là điều trung gian hay phương tiện. Ví dụ như khi kết hôn cũng đồng thời nhắm đến người chồng trong tương lai có sức khỏe. Sức khỏe trong trường hợp này chỉ là điều nhắm tới cách gián tiếp.[1]

“Chính yếu” ở đây có nghĩa là trước hết, ưu tiên hơn hết cái khác.

Ví dụ 1: Cô gái có chủ ý kết hôn với một bác sỹ. Nếu anh ta không là bác sĩ thì cô không kết hôn. Cô ta coi địa vị bác sĩ hơn là con người có địa vị đó. Tư cách bác sĩ đã được cô nhắm tới một cách trực tiếp và chính yếu.

Ví dụ 2: Chàng trai khi quyết định kết hôn nhắm đến cô gái Công Giáo, thực hành đạo. Nếu như cô ta không là người Công Giáo đạo hạnh thì anh ta không kết hôn. Tư cách Công Giáo đạo hạnh đã được chàng trai nhắm đến một cách trực tiếp và chính yếu.

Hãy xét đến trường hợp được nêu ra: sau kết hôn người tân tòng bỏ đạo và hoặc cấm vợ giữ đạo, hoặc đồng tình với cha mẹ cấm, hoặc phản ứng cách tiêu cực với sự cấm đó của cha mẹ mà không bênh vực cho vợ giữ đạo.

Nếu chứng tỏ được rằng bên Công Giáo đã đòi hỏi bên người lương là phải theo đạo và giữ đạo, và coi đó là điều tiên quyết để bằng lòng kết hôn. Bên tân tòng trước kết hôn đã thể hiện mình như vậy. Tuy nhiên, sau kết hôn người tân tòng đã thể hiện một tư cách (qualitas) khác hẳn với tư cách ban đầu mà bên Công giáo nhắm tới và gây sai lầm cho bên này.

Điểm chính cần chứng minh trong án lý này là phải có được những sự kiện chứng tỏ rằng bên Công Giáo đã nhắm đến việc theo đạo và giữ đạo là điều tiên quyết. Bên lương trước kết hôn cũng tỏ ra mình có đủ những điều mà bên kia mong đợi. Tuy nhiên sau kết hôn, bên lương theo đạo đó đã thể hiện thật sự là một người không muốn theo đạo nhưng chỉ làm cho có hình thức.

Cũng nên lưu ý là ngay cả trong đời sống hôn nhân, khi người tân tòng chỉ không sống đạo và gây nên sự bất hòa xung khắc trong gia đình, dẫn tới việc chia tay, mà không cần có sự bách hại hay đồng tình với cha mẹ bách hại bên Công Giáo, thì hôn nhân vẫn vô hiệu. Lý lẽ nền tảng cho sự vô hiệu ở đây là sự lầm lẫn về một tư cách được nhắm đến cách tự tiếp và chính yếu, đó là theo đạo và giữ đạo. Chứng cứ về sự bách hại đạo giáo ở đây chỉ là phụ thuộc. Nếu có những chứng cứ này thì nó giúp chứng tỏ thêm về tư cách quá khác xa với tư cách mà người kết hôn nhắm tới.

Trong trường hợp người Công Giáo vì sự cấm mà phải ra đi để giữ đạo thì càng chứng tỏ thêm rằng chị đã đặt vấn đề theo đạo và giữ đạo của chồng là điều tiên quyết và bây giờ thì thấy bị lầm trầm trọng.

3. Kết hôn bị lầm lẫn do lừa gạt (đ. 1098)
Điều 1098 quy định:

Người kết hôn bị lừa gạt về một tư cách nào đó của phía bên kia, với chủ ý để ưng thuận, và nếu tư cách ấy tự bản chất có thể làm xáo trộn nghiêm trọng sự hiệp thông vợ chồng, thì hôn nhân bất thành.

Nếu bên lương theo đạo có chủ ý để được ưng thuận nhưng sau đó không thi hành đạo và lại không bênh vực cho vợ để vợ giữ đạo trước sự cấm cách của cha mẹ thì hôn nhân bất thành. Trong sự bất thành này cần lưu ý:

Có sự “chủ ý để được ưng thuận” kết hôn của bên người lương khi theo đạo. Điều này được chứng tỏ qua sự anh biết hay suy đoán bên Công Giáo sẽ không tiến đến kết hôn với anh nếu anh không theo đạo. Trong trường hợp này, không cần có sự đòi buộc hay đặt điều kiện của bên Công Giáo là anh phải theo đạo, nhưng cần có dấu hiệu chứng tỏ bên Công Giáo bị lầm lẫn nghiêm trọng do chủ ý lừa dối của bên kia.

Thông thường, sự việc một người theo đạo để được kết hôn và ngay sau đó bỏ đạo và không bênh vực cho vợ để vợ giữ đạo trước sự cấm cách của cha mẹ đủ để chứng minh anh ta lường gạt và gây lầm lẫn nghiêm trọng cho bên Công Giáo. Việc không sống đạo có thể gây nhiễu loạn đời sống gia đình và giáo dục con cái. Vì vậy, hôn nhân bất thành, chiếu theo điều 1098.

Có thể đặt thêm vấn đề là nếu bên người tân tòng vẫn để cho vợ tự do giữ đạo nhưng tự mình bỏ đạo hay không thực hành đạo thì hôn nhân có vô hiệu không?

Trong trường hợp người tân tòng đã không giữ đạo gì cả hay chỉ đi nhà thờ một ít lần vì chiều theo ý muốn của vợ thì người này vẫn có thể đã có ý lừa gạt. Vì vậy cần có đủ yếu tố chứng minh người này đã có chủ ý là theo đạo chỉ để để được kết hôn và đối với người Công Giáo và điều này gây một lầm lẫn lớn cho bên có đạo thì hôn nhân vô hiệu.

Tuy nhiên nếu bên Công Giáo chỉ muốn bên kia theo đạo để cho mình được kết hôn trong Thánh Lễ và có danh giá nhưng không có dấu hiệu tích cực nào chứng minh cho việc theo đạo của bên kia là thiết yếu thì kết luận bên Công Giáo này đã không bị lầm mà đến nỗi hà tỳ ưng thuận khiến hôn nhân vô hiệu.

Nên lưu ý là, không cần có sự bách hại hay đồng tình với cha mẹ bách hại việc giữ đạo của bên tân tòng, thì hôn nhân vẫn có thể vô hiệu. Lý do được thấy là, lý lẽ nền tảng cho sự vô hiệu ở đây là sự lầm lẫn của bên Công Giáo do bên kia lừa gạt. Lý lẽ về sự bách hại đạo giáo ở đây chỉ là phụ thuộc. Nếu nó có, nó chỉ giúp chứng tỏ thêm về sự lừa gạt.

Trong trường hợp người Công Giáo vì sự cấm mà phải ra đi để giữ đạo thì càng chứng tỏ thêm rằng chị đã bị lầm lẫn nghiêm trọng.

4. Kết hôn giả hình (simulatio, đ. 1101#1)
Điều 1101#2 quy định:

Nếu một bên hay cả hai bên bằng một hành vi tích cực của ý chí, loại trừ chính hôn nhân, hoặc một yếu tố chính yếu nào, hoặc một đặc tính chính yếu nào của hôn nhân thì họ kết hôn với nhau bất thành.

L.G. Wrenn giải thích “hành vi tích cực của ý chí có thể sẽ là minh nhiên hay mặc nhiên nhưng chắc chắn nó là điều gì đó hơn là một hành vi phủ định của ý chí (more than a negative act of the will)”.[2] Sự tích cực của ý chí, như vậy, cũng chỉ là nhận hay chấp nhận.

Vì vậy, có thể xác nhận kết hôn simulatio nếu chứng minh được trong tâm ý của người kết hôn đã có ý định hay có muốn, hoặc có chấp nhận loại trừ những điều mà chính yếu nào đó của hôn nhân (đ. 1101#2) mà không cần phải có một quyết tâm hay một chủ ý rõ ràng về sự loại trừ đó.

Các nhà Giáo luật đều đã lưu ý rằng một người đã sống trong một nền văn hóa, tôn giáo mà chủ trương cho ly dị tái hôn, đa thê, thì người đó khó có thể chấp nhận lề luật của Công Giáo, và vì vậy họ dễ kết hôn giả hình, cách riêng đối với loại trừ tính bất khả phân ly.

"Thiếu đức tin" có thể là nguồn phát sinh sự "giả hình" trong kết ước hôn nhân. Người thiếu đức tin có thể cho rằng những luật hay những ý nghĩa về hôn nhân của đạo chẳng có ý nghĩa gì đối với họ hoặc coi thường chúng (MI, Regole procedurali,14).

Trong trường hợp của vụ án được nêu ra, người tân tòng sau kết hôn bỏ đạo và cấm cách người vợ giữ đạo hoặc đồng tình với cha mẹ cấm đạo thì có thể kết luận người này đã loại trừ thiện ích của hôn nhân (bonum coniugum), nếu như có sự cấm cách giữ đạo xảy ra tương đối sớm sau kết hôn. Trong trường hợp xảy ra vào thời gian lâu sau hôn nhân thì có thể giả thiết là người tân tòng đã không có ý loại trừ khi kết hôn nhưng sau này vì hoàn cảnh mới có nẩy sinh như vậy. Vì vậy, cần có những sự kiện chứng tỏ rằng sự loại trừ đã có trong ý định hay đã chấp nhận nó ngay từ khi kết hôn.

Ví dụ như người chồng tân tòng, khi kết hôn, tiên liệu rằng mẹ mình sẽ có thể cấm cách con dâu mình giữ đạo nhưng người chồng nghĩ rằng nếu có xảy ra thì cũng chẳng đáng quan tâm. Hôn nhân vô hiệu vì đã có ý chấp nhận loại trừ thiện ích hôn nhân; hôn nhân vô hiệu. Hoặc người chồng này nghĩ rằng, nếu tương lai có mâu thuẩn mà không giải quyết được giữa mẹ chồng nàng dâu thì chấp nhận chia tay. Trong trường hợp này người tân tòng đã có lý loại trừ tính bất khả phân ly của hôn nhân; hôn nhân vô hiệu.

Nếu xảy ra việc người tân tòng không cho hoặc không lo cho con được rửa tội thì sự vô hiệu do hôn nhân giả hình lại càng được chứng tỏ mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, một người tân tòng vẫn được coi là người Công Giáo cho dù là không có đức tin. Nghĩa vụ của người này là phải lo rửa tội và giáo dục con cái trong tinh thần Kitô giáo. Nếu không chu toàn nghĩa vụ này, hôn nhân có thể vô hiệu do sự loại bỏ thiện ích con cái (bonum prolis) hoặc thiếu óc phán định nghiêm trọng về nghĩa vụ hôn nhân (đ. 1095,20).

5. Thiếu nghiêm trọng óc phán định về nghĩa vụ trao ban cho nhau (đ. 1095, 20)
Điều 1095,20 quy định:

Không có khả năng kết hôn: những người thiếu nghiêm trọng óc phán định về quyền lợi và nghĩa vụ chính yếu của việc trao ban và lãnh nhận nhau trong hôn nhân;

Mặc dù điều 1095,20 không dùng bổ túc từ “thích đáng” (due) cho cụm từ “óc phán định”, óc phán định thích đáng (due discretion of judgment) nhưng các án lệ Rota vẫn thường dùng nó.[3] Lý do là đối tượng của phán định ở đây là các nghĩa vụ và bổn phận trao ban cho nhau của hôn nhân. Sự phán định phải thích đáng với đối tượng của nó, tức là tương xứng với những điều liên hệ đến tương lai của hai người dấn thân sống trao ban cho nhau và bất khả phân ly. Khả năng phán định để kết ước hôn nhân như vậy phải là “thích đáng”.[4]

Sự thiếu phán định thích đáng của người tân tòng theo đạo trong trường hợp hôn nhân đang bàn thảo là sự "phán định sai lệch".

Nếu một người chỉ biết nghe theo lời cha mẹ mà phá hủy hoặc không lo bảo vệ đời sống hôn nhân thì người đó đã phán đoán sai lệch về hôn nhân. Một óc phán định bình thường của một người Công Giáo là phải bảo vệ cho gia đình mình được giữ đạo tốt. Nếu đó là một người lương có cấm cách vợ con giữ đạo thì còn có lý do biện minh, nhưng nếu đó là người Công Giáo, cho dù là một tân tòng, thì quả là người có óc phán định quá là sai lệch về nghĩa vụ hôn nhân Công giáo. Vì dù sao đi nữa hôn nhân giữa hai người được Rửa Tội là hôn nhân bí tích.

Sự hiếu thảo với cha mẹ của người tân tòng có thể biện minh cho hành vi của người tân tòng trong vấn đề này không? Không thể, vì bản chất hôn nhân đòi hai vợ chồng phải hiệp thông và trao ban cho nhau. Nghĩa vụ đối với cha mẹ của con người được đặt thấp hơn nghĩa vụ đối với vợ chồng. Một người tân tòng tuy không tự mình cấm cách nhưng vì nghe lời cha mẹ mà cấm cách hoặc không bênh vực cho người vợ hay chồng mình giữ đạo thì quả là phán định rất sai lệch về nghĩa vụ trao ban cho nhau khi kết hôn. Sự thiếu óc phán định lại là rất nghiêm trọng khi hôn nhân có nguy cơ tan vỡ mà người tân tòng không cố gắng để bảo trì mà chỉ nghe lời cha mẹ để cho tan vỡ.

Thiếu óc phán đoán còn tệ hại hơn khi người tân tòng nghe theo lời cha mẹ để bỏ vợ có đạo rồi sau đó kết hôn với người khác. Xét theo một phương diện khác, hôn nhân có thể vô hiệu với lý do người tân tòng này không làm chủ được hành vi của mình trong đời sống vợ chồng nếu như người này lệ thuộc hoàn toàn vào sự quyết định của cha mẹ. Một người như vậy được coi là không đủ trưởng thành tâm lý tình cảm để kết hôn hữu hiệu vì không làm chủ được hành vi của mình

Trong trường hợp nêu trên nếu xảy ra việc người tân tòng không cho hoặc không lo cho con được rửa tội thì sự vô hiệu hôn nhân lại càng được chứng tỏ mạnh mẽ hơn do sự thiếu phán định của người này.

Tuy nhiên, sự thiếu óc phán định nếu xảy ra do một biến cố sau khi kết hôn mà khiến cho một người thay đổi những quan điểm sống hoặc bị bệnh về tinh thần thì không thể kết luận người này thiếu óc phán định khi kết hôn.

Kết luận
Người lương theo đạo (tân tòng) để kết hôn thường không có đức tin. Thực tế cho thấy, hôn nhân của họ thường dễ bị tan vỡ hơn những hôn nhân của hai người có đạo gốc Công Giáo.

Trong trường hợp đang bàn luận, có sự tự ý lìa bỏ hôn nhân của bên Công Giáo vì để bảo vệ đời sống đức tin của mình. Trong trường hợp này, có nhiều lý do tiêu hôn như đã xét đến. Vị thẩm phán sẽ chọn lý do nào có nhiều chứng cứ chứng minh hơn.

Trong trường hợp, bên Công Giáo vẫn cố gắng duy trì hôn nhân cho dù có bách hại nhưng bên tân tòng chủ động chia tay để lấy người khác thì cũng có thể xét hôn nhân vô hiệu theo những lý do tiêu hôn khác, trong đó thường là sự loại trừ tính chung thủy hay bất khả phân ly (đ. 1101#2).

Cũng nên lưu ý rằng sự tự ý lìa bỏ hôn nhân của bên Công Giáo không được Giáo Hội ủng hộ. Vì vậy, trong vấn đề này cũng cần có sự cân nhắc. Giáo Luật khuyến cáo: Không nhận giải gỡ hôn phối trừ khi sự tan vỡ vợ chồng đến mức không thể sửa chửa được (đ. 1675).
---------------------------------
Lm. JB. Lê Ngọc Dũng
Đại Diện Tư Pháp Gp Nha Trang.

***********
[1] Cf. S.I. HILBERT, “Error qualitate in personae (can. 1097#2)”, in U. NAVARRETE, Errore e simulazione nel matrimionio canonico, E.P.U.G, Roma 1998, 434.
[2] Cf. Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage, Washington DC 1998, 122
[3] Cf. Lawrence g. Wrenn, The Invalid Marriage …, 26.
[4] Cf. Ibidem, 26.

No comments:

Post a Comment

WORLD WORLD