NGỌN LỬA THIÊU
(Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm C)
Thiên Chúa là Ánh Sáng, nơi
Người không có một chút bóng tối nào (1 Ga 1:5), Thiên Chúa là Ngọn Lửa
Thiêu (Dt 12:29), là Nguồn Gốc mọi gia tộc trên trời, dưới đất (Ep
3:15).
Lửa rất kỳ lạ. Lửa càng chia sẻ càng
thêm nhiều, không hề giảm mất chút nào. Lửa rất mềm, nhưng không ai có thể cắt
đứt. Ngọn lửa nhỏ có thể dễ thổi tắt, nhưng ngọn lửa lớn khó dập tắt.
Nói tới Lửa, chúng ta nhớ ngay tới
Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngọn Lửa Thiêng của Thiên Chúa. Chúa Thánh
Thần được mệnh danh bằng nhiều thánh hiệu: Thánh Linh, Đấng Sáng Tạo, Đấng Canh
Tân, Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi, Thần Khí, Thần Chân Lý, Thần Hòa Bình, Thần Công
Lý, là Đấng tác động những điều được đề cập trong Giáo huấn Xã hội của Giáo hội
Công giáo. Chính Ngài là “Thần Khí dẫn tới Sự Thật toàn vẹn” (Ga 16:13), và chỉ
có Sự Thật mới thực sự giải thoát chúng ta (Ga 8:32).
Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ và
An Ủi, chúng ta luôn cần đến Ngài. Trong cuộc sống đời thường, ai cũng cần có
người bảo bọc, che chở, nâng đỡ, hướng dẫn,... Ngày nay, muốn bảo đảm phần nào
cho cuộc sống, người ta mua nhiều loại bảo hiểm: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm
sinh mạng, bảo hiểm xe cộ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tài chính,… Thể lý cần bảo
hiểm thì tinh thần cũng vậy. Cuộc sống tâm linh của các Kitô hữu cần có một
loại bảo hiểm đặc biệt: Bảo hiểm linh hồn qua Đấng Bảo Trợ. Đó là cách chúng ta
cậy nhờ Thần Khí của Thiên Chúa.
Nên cảnh giác với các loại thần khí
không bởi Thiên Chúa, gây lệch lạc, cuồng tín, nguy hại. Vấn đề này được Thánh
Phaolô đề cập trong Gl 5:16-26. Cũng nên phân biệt điều này: Bảo hiểm thế gian
là dạng “khoán”, người ta gọi là “khoán trắng”, còn bảo hiểm tâm linh không thể
“khoán” theo kiểu của thế gian!
Như vậy, Thần Khí Thiên Chúa là ai?
Đó là “Thần Khí Khôn Ngoan và Minh Mẫn (thông minh), Thần Khí Mưu
Lược (lo liệu) và Dũng Mãnh (sức mạnh), Thần Khí Hiểu Biết và
Kính Sợ Đức Chúa” (Is 11:2-3).
Theo đó, ngôn sứ Isaia chỉ liệt kê 6
ơn Chúa Thánh Thần. Nhưng người Công giáo vẫn thường nghe nói có 7 ơn Chúa
Thánh Thần. Vậy là sao? Chúng ta biết rằng số 7 là con số hoàn hảo theo
Kinh Thánh, Giáo hội thêm một ơn nữa để cho đủ con số 7, bản dịch Hy Lạp cũng
như bản dịch Latin đều thêm một Thần Khí nữa là Thần Khí Hiếu Nghĩa (đạo
đức). Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần không chỉ tác động theo “khuôn khổ” của 7 ơn
đó mà thôi (*). Ngài là Thiên Chúa, mà Thiên Chúa chỉ có điều thiện, thế nên
Ngài tác động và hiện thân trong mọi điều tốt lành.
Kinh Thánh cho biết rõ: “Khi đến
ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một
tiếng động, như tiếng GIÓ MẠNH ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang
tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như LƯỠI LỬA tản ra
đậu xuống từng người một” (Cv 2:1-3). Gió và Lửa chính là Chúa Thánh Thần –
Ngôi Ba Thiên Chúa. Sau khi được tràn đầy ơn Thánh Thần, mọi người bắt đầu nói
các thứ tiếng lạ, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Hoạt động của Chúa
Thánh Thần thật kỳ diệu!
Trong đời sống hàng ngày, chắc chắn
cũng cần Ơn Thông Minh để có thể xoay xở những lúc gặp khó khăn trong, đặc biệt
là những người sáng tác văn, thơ, nhạc, họa,… Ai trong chúng ta cũng rất cần
được Đấng Sáng Tạo soi sáng và hướng dẫn chi tiết để có những ý tưởng mới lạ và
độc đáo. Thật vậy, không có Thiên Chúa thì chúng ta chẳng làm được trò trống gì
cả (Ga 15:5).
Vì thế, đừng tưởng làm được vài bài
thơ thì vỗ ngực mình là thi sĩ, viết được vài bài nhạc thì vênh váo ta đây là
nhạc sĩ, viết được vài đoạn văn thì tự nhận là văn sĩ, dịch được vài bài ngắn
thì “chảnh” tự nhận là dịch giả. Trong các lĩnh vực khác cũng tương tự. Thời
gian sẽ cho biết đồng hay thau! Chớ ngu xuẩn mà ảo tưởng, nhưng hãy nghe Thánh
Phaolô cảnh báo: “Đừng có lên mặt khinh dể các cành khác” (Rm 11:18).
Sau khi Chúa Thánh Thần “nhập” vào
các Tông Đồ, tại Giêrusalem có những người Do-thái sùng đạo kéo đến vì thấy “sự
lạ”. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng
sốt và thán phục. Mỗi người nói tiếng bản xứ của mình, nhưng mọi người nghe đều
hiểu. Mọi người bảo nhau: “Vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của
chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” (Cv 2:11). Nhưng cũng
có những người không hiểu ất giáp gì thì lại chế nhạo: “Mấy ông này xỉn quá
rồi!” (Cv 2:13).
Chúa Giêsu về trời nhưng chúng ta
không mồ côi, vì Ngài lại ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta. Từ đó cũng là thời
đại của Chúa Thánh Thần. Và điều đó đã hiện thực. Nỗi buồn chợt hóa niềm vui.
Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động trong mọi người từ ngày được
lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy và bảo trợ chúng ta suốt đời này. Chúng ta thường
quên Ngài, nhưng Ngài không hề quên chúng ta và vẫn tác động trong chúng ta
suốt đêm ngày, qua từng nhịp thở. Vì thế, chúng ta hãy tự nhủ: “Chúc tụng
Chúa đi, hồn tôi hỡi!” (Tv 104:1a). Và hãy thân thưa: “Lạy Chúa là Thiên
Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1).
Không có Thiên Chúa, phàm nhân chắc
chắn đành phải “bó tay”, và cuộc sống bị “trục trặc” ngay, loại đơn giản nhất
nhưng lại quan trọng nhất đó là KHÔNG KHÍ. Một ơn tuyệt vời như vậy mà hầu như
chúng ta không hề biết tạ ơn Chúa về không khí. Thật vậy: “Chúa ẩn mặt đi,
chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát
bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới
mặt đất này” (Tv 104:29-30). Sinh khí là sinh lực, là sự sống, tức là Chúa
Thánh Thần đang hoạt động trong chúng ta.
Được sống như thế, chúng ta có bổn
phận phải biết ơn và có trách nhiệm phải xưng tụng Thiên Chúa: “Vinh hiển
Chúa, nguyện muôn năm tồn tại, công trình Chúa làm Chúa được hân hoan” (Tv
104:31). Đó là điều minh nhiên, đồng thời chúng ta còn phải tự đoan hứa: “Nguyện
tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả, đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv
104:34).
Không ai lại không được ơn này, ơn
nọ. Đặc sủng tuy nhiều nhưng vẫn chung một nguồn gốc: Thiên Chúa. Thánh Phaolô
nói: “Không ai có thể nói ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong
Thần Khí” (1 Cr 12:3b). Rất rõ ràng, không thể giả hình, và cũng không thể
biện minh vì bất cứ lý do gì.
Thánh Phaolô xác định: “Có NHIỀU
đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có MỘT Thần Khí. Có NHIỀU việc phục vụ khác nhau,
nhưng chỉ có MỘT Thiên Chúa. Có NHIỀU hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có MỘT
Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách,
là VÌ ÍCH CHUNG” (1 Cr 12:4-7). Vì thế, đừng tự nhận mình thế này thì hơn
người khác. Lối suy luận như vậy thật là nguy hiểm, vì trái ngược với ý Chúa!
Thánh Phaolô nhấn mạnh: “Thật
vậy, ví như thân thể người ta chỉ là MỘT, nhưng lại có NHIỀU bộ phận, mà các bộ
phận của thân thể tuy NHIỀU nhưng vẫn là MỘT thân thể, Đức Kitô cũng vậy. Thật
thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều
đã chịu phép rửa trong cùng MỘT Thần Khí để trở nên MỘT thân thể. Tất cả chúng
ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12:12-13). Chữ MỘT và chữ
NHIỀU xem chừng đơn giản, nhưng lại khiến chúng ta phải xét mình thật nhiều.
Tại sao vậy? Bởi vì “có lẽ” chúng ta
vẫn phân biệt giai cấp và kỳ thị nhau bằng nhiều cách tinh vi lắm. Ngay trong
những người Công giáo với nhau, thậm chí cùng đoàn này hoặc hội kia với nhau mà
vẫn có đầu óc kỳ thị, cậy quyền và ỷ thế để “chà đạp” người khác. Chúa Thánh
Thần đâu có tác động như vậy? Nếu chúng ta “nhiễm” loại thần khí đó, chắc chắn
chúng ta đang có nguy cơ, vì đó là loại thần khí thế tục!
Phải luôn cẩn trọng, vì đồ giả và
người giả xuất hiện ở mọi thời và mọi nơi – ngày nay càng phải cẩn trọng hơn.
Ngày xưa, ngôn sứ Êlia đã chống lại 450 ngôn sứ giả của thần Baan; ngôn sứ
Micha Ben Jimla đã đối mặt với 400 ngôn sứ giả khác (1 V 22), còn ngôn sứ
Giêrêmia đã đương đầu với Khanangia – một người mạo nhận là ngôn sứ và dùng
những lời ngon ngọt để mị dân và lừa bịp dân Ítraen (Gr 28).
Trình thuật Ga 20:19-23 cho biết
rằng Chúa Giêsu đã trao bình an và ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ trước khi
Ngài về trời, đồng thời Ngài còn trao cho họ quyền được tha tội.
Thánh Gioan cho biết: Vào chiều ngày
ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các
ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho
anh em!”. Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui
mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như
Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi
vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai
thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.
Chỉ có bốn câu ngắn gọn mà có tới
hai chữ “bình an”. Điều đó cho thấy rằng sự bình an rất cần thiết. Thể lý và xã
hội cần bình an, tâm linh càng cần sự bình an hơn nữa. Chúa Giêsu biết cuộc
sống gian trần rất nhiêu khê và bất an đủ kiểu, thế nên Ngài muốn ban sự bình
an cho chúng ta.
Trước khi Chúa Giêsu về trời, nơi
Ngài đã xuất phát, có lần Ngài đã xác định: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời
Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người
ấy. Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không
phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14:23-24).
Ngài đưa ra một hệ lụy với mức liên kết rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, chúng ta đã và đang nghe
nhiều, biết nhiều, và kinh nghiệm cũng nhiều về “chữ” YÊU, điều mà Chúa Giêsu
nhắc nhở quá nhiều lần, có lẽ chúng ta nghe và biết đến nỗi hóa NHÀM. Thế nhưng
mấy ai sống đúng nghĩa chữ YÊU của Chúa Giêsu? Liệu có phải chúng ta đang KHÔNG
CẦN Chúa Thánh Thần tác động? Hay là Chúa Thánh Thần ĐÃ tác động mà chúng ta
KHÔNG MUỐN “xin vâng”? Chắc hẳn không oan đâu – dù bạn là ai và ở cương vị nào!
Thật may mắn và thật hạnh phúc cho
phàm nhân chúng ta, dù chúng ta chỉ là những tội nhân xấu xa. Vấn đề còn lại là
chúng ta có CAN ĐẢM vâng lời mà làm theo Ý Ngài hay không, tức là chúng ta có
chấp nhận cách tác động của Chúa Thánh Thần hay không. Rất đơn giản nhưng cũng
rất phức tạp – thậm chí là nhiêu khê. Đừng theo ý mình hoặc vinh danh mình, mà
hãy noi gương Đức Mẹ mau mắn “Xin Vâng” và nhất quyết hành động chỉ vì muốn
VINH DANH THIÊN CHÚA mà thôi!
PHỤC VỤ là điều cần thiết, vì Chúa
Giêsu đã làm gương và khuyến cáo chúng ta phục vụ. Nghe nói thì dễ nhưng thực
hiện thì không dễ, chắc hẳn chúng ta chưa phục vụ đúng mức đâu. Đây là bài “học
thuộc lòng” không của riêng ai: Hãy TIN TƯỞNG điều mình biết, hãy TRUYỀN ĐẠT
điều mình tin, và hãy THỰC HÀNH điều mình truyền đạt.
Nhận biết Thánh Ý Chúa là điều không
dễ, vì đôi khi chúng ta “suy bụng ta ra bụng Chúa” rồi cho đó là Ý Chúa. Do đó,
chúng ta phải không ngừng “tìm hiểu đâu là Ý Chúa” (Ep 5:17) và “xin cho Ý Chúa
được thể hiện” (Cv 21:14) chứ không phải là “xin như ý mình”, nhưng chúng ta
thường có thói quen và ưa thích “xin như ý” – tức là theo ý mình chứ không phải
theo Ý Chúa. Hãy chấn chỉnh và noi gương tác giả Thánh Vịnh: “Điều đẹp ý
Ngài, xin dạy con thực hiện, bởi Ngài là Thiên Chúa của con. Xin thần khí
tốt lành của Chúa dẫn con đi trên miền đất phẳng phiu” (Tv 143:10). Làm
việc gì cũng phải theo nguyên tắc này: “Hãy làm mọi sự vì đức ái” (1 Cr
16:14).
Muốn và xin thì sẽ được. Khi được
Chúa Thánh Thần tác động, chúng ta sẽ nên mới hoàn toàn, đồng thời sinh hoa
thơm và kết trái lành. Đây là Hoa Quả của Thần Khí: bác ái, hoan lạc, bình an,
nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5:22-23).
Hiện nay đang là mùa hè, hơi nóng
như lửa thiêu, nắng càng nóng hơn vì tình trạng hạn hán bởi hệ lụy El Niño. Vì
vậy, chúng ta càng thấy giá trị của những giọt mưa. Tương tự, linh hồn chúng ta
cũng có lúc khô khan, hạn hán hồng ân, chúng ta càng thấm thía nổi khổ của tình
trạng thiếu ơn Chúa, thiếu những Cơn Mưa Thánh Linh. Quả thật, không có Chúa
thì chúng ta chẳng làm được gì (Ga 15:5). Đừng kiêu ngạo mà nói vắt đất ra nước
hoặc thay trời làm mưa!
Hãy thành tâm nghe lời Mẹ Giáo Hội
dạy chúng ta cầu xin Thánh Linh: “Accende lumen sensibus, infunde amorem
cordibus – Xin hãy thắp sáng các giác quan, xin hãy đổ đầy tình yêu vào trong
tâm hồn chúng con” (Thánh ca Veni Creator Spiritus – Lạy Chúa Thánh Thần, Xin
Ngự Đến). Có Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ vui sống và sống dồi dào. Ngài là
Ngọn Lửa Thiêu và cũng là Nguồn Nước Mát.
Lạy Thiên Chúa Ngôi Ba, chúng con
xin lỗi vì đã thường xuyên không nhớ tới Ngài, nhưng Ngài vẫn luôn yêu thương
chúng con. Cúi xin Ngài đến canh tân thế gian và biến đổi chúng con trở thành
những khí cụ bình an hữu dụng của Thiên Chúa. Xin thiêu đốt chúng con trong
Ngọn Lửa Thiêng Thánh Linh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô
Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
Nguồn: Mạng lưới cầu nguyện
(*) Bảy ơn Chúa Thánh Thần:
1. Ơn Khôn Ngoan giúp phân biệt được
phải–trái, thực–hư.
2. Ơn Hiểu biết giúp hiểu rõ
các Giới Răn của Chúa và của Giáo Hội.
3. Ơn Lo Liệu giúp biết giải
quyết đúng đắn các khó khăn của cuộc sống.
4. Ơn Sức Mạnh giúp vượt qua
mọi khó nguy trong cuộc sống và chu toàn các bổn phận.
5. Ơn Thông Minh giúp nhận ra
Thánh Ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
6. Ơn Đạo Đức giúp biết luôn
yêu mến và tín thác nơi Chúa, đồng thời biết nâng đỡ tha nhân.
7. Ơn Kính Sợ Chúa giúp tôn thờ
Ngài, kính trọng quyền năng của Ngài và xa tránh mọi điều xúc phạm Ngài.
No comments:
Post a Comment