THIÊN THẦN CÓ ĐÔI CÁNH GÃY
Ba năm trước, em được bố gởi đến lớp dạy kèm của tôi - một cậu học trò lớp sáu, sáng sủa và thông minh.
Tính khí em có chút thất thường. Bên cạnh cái tinh nghịch thường tình của tuổi học trò, đôi khi em lặng lẽ thu mình với cái nhìn miên man, u uẩn. Chậc! Trẻ con ấy mà, sớm nắng chiều mưa! Tôi không quan tâm mấy.
Em rất thích vẽ. Bạn bè cho rằng em vẽ khá đẹp, lúc nào trong cặp sách của em cũng có sẵn sàng mấy tờ giấy vẽ và vài mẩu bút chì. Hình như em rất thích vẽ cảnh gia đình, vẽ ba, vẽ mẹ. Có hôm tôi thấy em vẽ cảnh đồng quê và đặt tên bức tranh là "Bãi Bồi Quê Ngoại". Quả là nét vẽ rất già dặn, chỉ độc một màu bút chì, nhưng lúc thưa lúc nhặt, lúc đậm lúc mờ rất có hồn. Nhìn vào là đọc được ngay hình ảnh một người mẹ đang ngồi trên bờ cỏ, mặt cười rạng rỡ nhìn theo dáng hai bố con vừa chạy vừa thả diều. Tôi vui buột miệng hỏi: "Con vẽ gia đình mình hả?" Em nhoẻn miệng cười, khẽ “dạ”. Tôi ngỡ em sẽ cười rất tươi và tự hào lắm. Thế nhưng cái nhoẻn miệng thật buồn ấy vụt tắt. Hình như có đám mây vô tình trôi ngang khuôn mặt khôi ngô của em. Đêm ấy, gương mặt em cứ lẩn quẩn trong trí tôi...
Kể từ hôm ấy, tôi bắt đầu chú ý và nhận ra rằng trên xe người bố mỗi tối đến đón em lúc nào cũng lủng lẳng có hai hộp cơm, hoặc bún hoặc phở gì đó. Và rằng mấy tháng trôi qua nhưng tôi chưa hề thấy bóng dáng người mẹ. Mỗi khi bố đón trễ, đôi mắt buồn thiu của em lại len lén nhìn ra phía nhà sau, nơi gia đình tôi đang rộn ràng cùng nhau chuẩn bị bữa tối. Tôi mang máng nhận ra có gì đó không bình thường trong cuộc sống của em.
Tôi không hỏi gì. Tôi sợ chạm đến nỗi đau nào đó bên trong tâm hồn bé nhỏ ấy. Như tình cờ, thỉnh thoảng tôi cho em cây bút chì viết dở, loại tốt và mềm để vẽ cho đẹp. Em thích lắm. Tranh thủ những lúc bố em đón trễ, tôi lại vờ đem trái cây ra gọt rồi mời em ăn cùng. Lúc đầu em cũng ngại, sau đó thân quen dần. Hôm nào nấu món gì đặc biệt, tôi lại gọi điện xin bố em đón trễ để mời em dùng bữa với gia đình tôi. Cu cậu nhảy cẫng lên vui sướng. Thế là em lăng xăng dọn bàn, sắp chén, so đũa..., làm đủ mọi thứ em có thể làm được. Tôi khen em giỏi. Em cười tít mắt khoe: "Lúc mẹ còn ở nhà, con vẫn thường giúp mẹ đó chứ, chỉ sau này..." Em bỏ lửng câu nói. Và, tôi lại làm như như vô tình, nhờ em lấy giúp cái đĩa.
Sau này em tâm sự rằng mẹ đã ra đi khi em đang học lớp bốn. Thời gian ấy, chiều nào bố cũng dắt em đi lễ. (Mẹ thì chẳng mặn mà gì với lễ lộc vì mẹ là người tân tòng theo đạo bố). Bố buồn nhiều lắm. Bố bảo rằng mẹ bận đi làm xa. Nhưng mẹ cứ đi biền biệt, mấy tháng mới về thăm em và bố một lần. Lần nào cũng vội vội vàng vàng, ăn chưa trọn bữa cơm thì mẹ lại ra đi.
Ngày em nhận Bí Tích Rước Lễ lần đầu, đợi mòn mỏi chẳng thấy mẹ đâu. Đến lúc em không còn hi vọng gì nữa thì mẹ chợt xuất hiện. Mẹ đưa tay vẫy vẫy. Em mừng đến rơi nước mắt, nhưng đang đứng xếp hàng và sắp đến giờ lễ nên em không chạy đến ôm mẹ được. Ra về, hai bố con cứ dáo dác tìm mẹ, tìm mãi chẳng thấy mẹ đâu, gọi điện thì mẹ khoá máy. Nhà thờ đã tan không còn bóng người mà hai bố con vẫn đi tìm vất vưởng. Lúc ấy mẹ đã nhắn tin đến, mẹ xin lỗi vì có chuyện phải đi. Vừa mệt, vừa đói, vừa thất vọng, em khuỵ xỉu bên tay bố...
Tôi buồn, vương mang nỗi buồn của em cộng với nỗi buồn của bao đứa trẻ khác. Chỉ trong lớp học be bé này thôi, mà cũng đã đếm đủ đầu ngón tay những đứa trẻ "côi cút" vì gia đình tan vỡ. Lòng tôi như thắt lại trước những đôi mắt thẩn thờ hoang dại như những chú chim non ngẩn ngơ bên chiếc tổ tan tành sau một hồi bão dữ. Hạnh phúc gia đình thời nay sao mong manh quá!
Dường như với nhiều người, gia đình không còn là "chiếc nôi của sự sống và tình yêu". Chính trong chiếc nôi ấy, con người được sinh ra và lớn lên. Tổ ấm gia đình chính là nơi mà người ta học biết thế nào là tình yêu và lòng trung thành, là nơi con cái học những bài học đầu tiên và quan trọng nhất về sự khôn ngoan thiết thực, để từ đó hình thành nên những nhân đức cao quý của con người (*).
Thời gian trôi qua, tôi và em càng thân thiết. Tôi khẽ khàng cho em tình thương của người mẹ, còn em càng lớn càng sâu sắc, càng trao cho tôi nhiều câu hỏi "vì sao?" hóc búa khiến tôi "choáng váng". Đại loại như vì sao người lớn được quyền chọn lại người vợ người chồng cho mình, còn trẻ con không thể được sinh ra một lần nữa, để chọn lại người cha người mẹ? Vì sao con cái phải hiểu và cảm thông cho những nỗi khổ của cha mẹ, còn có những nỗi khổ do chính cha mẹ gây ra, con cái phải gánh chịu một mình? Vì sao ban đầu người ta yêu thương nhau, đòi sống đòi chết để lấy được nhau, lấy được rồi thì không thể nhường nhịn, chịu đựng lẫn nhau nữa, lại dứt bỏ nhau? ... Thú thật có nhiều lúc tôi phải "đánh nước chuồn". Bởi phải nói thế nào để em đừng tổn thương và thất vọng? Nói làm sao để em không oán trách cha mẹ của mình? Nói điều gì để em rút ra bài học và có thêm nghị lực để bước đi? Khó quá!!!
Ba năm qua, tôi như "chiếc túi" của em. Em đặt vào đó tất cả những vui buồn, tâm sự, và lấy ra những thứ cần thiết. Và điều khôi hài là em cứ "ảo tưởng" tôi là "chiếc túi thần kỳ" chứa đầy "bửu bối", có hay đâu tôi cũng khốn đốn, vả mồ hôi khi phải ứng phó với em.
"Cô ơi!" - "Hửm?" - "Cho con ít rượu thuốc." - "Để làm gì?" - " Mẹ thằng Sơn bị ba nó đánh bầm hết bên mặt. Nó buồn lắm. Sáng nay đi học mà mắt nó còn sưng húp. Hình như "ông ba" nó có "mèo", cứ xỉn xỉn về là đánh mẹ nó hoài!" - "Con có an ủi nó không?"- "Con bao nó ly nước sâm. Biết nói gì chứ cô! Gia đình như nó cũng chán, mà như con cũng chán." Tôi nói lảng: "Con khá đó, cô cho mười ngàn, mai con lại bao nó chút gì đó, bảo nó ráng học đừng để mẹ buồn, hôm nào thuận tiện, con rủ nó sang cô chơi..."
"Cô ơi!' - "Hửm?" - "Nhỏ lớp phó lớp xinh phết!" - "Để ý lớp phó à?" - "Thôi cô ơi! Hàng cao lương mỹ vị đó, con chỉ là hạng tương chao thôi!" Tôi ghẹo: "Lớp phó của con thuộc hạng đặc sản heo rừng không?" - "Phải là hàng hươu, nai trở lên chứ cô! Tội thân con chỉ là hủ chao chùa!" - Tôi cười: "Con đừng quên rằng mấy món thịt ấy mà thiếu mắm thiếu chao thì cũng không còn là đặc sản đâu. Thế nên có cho mình là mắm thì cũng đừng tự ti, mà có nghĩ mình là "mỹ vị cao lương" thì cũng đừng tự mãn" - "Vậy là có hy vọng hả cô?" - "Chỉ sợ con là hủ mắm tôm thôi! Kiểu này chắc con phải đi tìm chị em nhà bé cún, ha ha!" - "Cô này!" - "Đùa thôi nhóc, lo học là nhiệm vụ chính đi con..."
Những câu chuyện cứ thế như, không có mở đầu cũng không có kết thúc. Giờ thì em trở thành con ve ve bên tai tôi rồi! Có lẽ em đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Tôi mừng.
Hè, em náo nức xin bố về quê thăm ngoại. Trẻ con nào mà không thích lăn lội với gió đồng, tắm sông, câu cá. Em ríu rít "bật mí" cho tôi nghe biết bao nhiêu là kế hoạch trong mười ngày ngắn ngủi. Tôi cười, vui lây với em.
Mười ngày không có em "làm phiền" xem ra lại quá yên tĩnh, nên tôi lại ngong ngóng đợi em về. Đúng như tôi đoán, cu cậu dang nắng đen thui, gương mặt cứ dàu dàu chẳng muốn nói cười. Còn tiếc nuối chứ gì! Bố không cho chơi quá lâu vì không yên tâm. Em lại vẽ. Đôi mắt lại u uẩn mênh mông. Lần này thì em "chuyển tông" vẽ thiên thần. Cũng hay! Có lẽ cu cậu đang mơ mộng gì đây, lại còn hay viết lách gì đó nữa. Chậc! Trẻ con ấy mà!
"Cô ơi!" - "Hửm?" - "cho con ra ngoài mua cây viết chì" - "Ừm, nhưng hứa với cô là hoàn thành bài tập nhé" - "Dạ". Em bước đi, nhưng quên lấy vật nặng chần giấy lại, để cho quạt xoay đến hất bay tung toé. Bất cẩn thật! Tôi đến nhặt lên giúp em. Gì đây? Nhóc này! Vẽ thiên thần gì mà một bên cánh xệ xuống như bị gãy vậy! Một trang vở lật ra trước mắt, tôi tiện mắt đọc xem cu cậu này viết gì.
"Bố à, mẹ dắt người ta về quê thăm ngoại đó! Con đã biết chuyện từ lâu rồi, vậy mà lúc nào bố cũng bao che! Mẹ đâu có ngờ là con cũng về thăm ngoại. Mẹ nói người ta là họ hàng xa, nhưng sao qua mắt con được chứ bố!...
... Hồi nhỏ mẹ cứ gọi con là thiên thần. Bây giờ thiên thần này gãy mất một cánh rồi, đau quá bố ơi!!!
Con nghe lời bố, không buồn mẹ đâu. Con chỉ ghét con chó Mực thôi! Người ta tốt với nó một chút là nó không thèm đếm xỉa đến con. Nó cứ chồm chồm theo người ta đi đào chuột đồng. Người ta đào nát cái bãi bồi thả diều của mình rồi bố à! Mất hết rồi! Mất cả con Mực nữa! Nó ồn ào quá! Nó cứ sủa táp táp bên tai con hoài. Nó táp mất tuổi thơ của con rồi! Nó xé nát cánh diều của con rồi, bố ơi!..."
Tôi lặng người như rơi vào chơi vơi. Tôi nghe tiếng nghẹn ngào vỡ vụn đang nấc lên trong trái tim nhỏ bé ấy. Em bé nhỏ của tôi, tôi có thể làm được gì cho em?...
Đèn trong phòng sáng trưng, nhưng trước mắt tôi mọi vật sầm tối lại!
---------------------------
Mẩu Bút Chì.
(*): x. Tóm lược Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo số 209, 210.
Tính khí em có chút thất thường. Bên cạnh cái tinh nghịch thường tình của tuổi học trò, đôi khi em lặng lẽ thu mình với cái nhìn miên man, u uẩn. Chậc! Trẻ con ấy mà, sớm nắng chiều mưa! Tôi không quan tâm mấy.
Em rất thích vẽ. Bạn bè cho rằng em vẽ khá đẹp, lúc nào trong cặp sách của em cũng có sẵn sàng mấy tờ giấy vẽ và vài mẩu bút chì. Hình như em rất thích vẽ cảnh gia đình, vẽ ba, vẽ mẹ. Có hôm tôi thấy em vẽ cảnh đồng quê và đặt tên bức tranh là "Bãi Bồi Quê Ngoại". Quả là nét vẽ rất già dặn, chỉ độc một màu bút chì, nhưng lúc thưa lúc nhặt, lúc đậm lúc mờ rất có hồn. Nhìn vào là đọc được ngay hình ảnh một người mẹ đang ngồi trên bờ cỏ, mặt cười rạng rỡ nhìn theo dáng hai bố con vừa chạy vừa thả diều. Tôi vui buột miệng hỏi: "Con vẽ gia đình mình hả?" Em nhoẻn miệng cười, khẽ “dạ”. Tôi ngỡ em sẽ cười rất tươi và tự hào lắm. Thế nhưng cái nhoẻn miệng thật buồn ấy vụt tắt. Hình như có đám mây vô tình trôi ngang khuôn mặt khôi ngô của em. Đêm ấy, gương mặt em cứ lẩn quẩn trong trí tôi...
Kể từ hôm ấy, tôi bắt đầu chú ý và nhận ra rằng trên xe người bố mỗi tối đến đón em lúc nào cũng lủng lẳng có hai hộp cơm, hoặc bún hoặc phở gì đó. Và rằng mấy tháng trôi qua nhưng tôi chưa hề thấy bóng dáng người mẹ. Mỗi khi bố đón trễ, đôi mắt buồn thiu của em lại len lén nhìn ra phía nhà sau, nơi gia đình tôi đang rộn ràng cùng nhau chuẩn bị bữa tối. Tôi mang máng nhận ra có gì đó không bình thường trong cuộc sống của em.
Tôi không hỏi gì. Tôi sợ chạm đến nỗi đau nào đó bên trong tâm hồn bé nhỏ ấy. Như tình cờ, thỉnh thoảng tôi cho em cây bút chì viết dở, loại tốt và mềm để vẽ cho đẹp. Em thích lắm. Tranh thủ những lúc bố em đón trễ, tôi lại vờ đem trái cây ra gọt rồi mời em ăn cùng. Lúc đầu em cũng ngại, sau đó thân quen dần. Hôm nào nấu món gì đặc biệt, tôi lại gọi điện xin bố em đón trễ để mời em dùng bữa với gia đình tôi. Cu cậu nhảy cẫng lên vui sướng. Thế là em lăng xăng dọn bàn, sắp chén, so đũa..., làm đủ mọi thứ em có thể làm được. Tôi khen em giỏi. Em cười tít mắt khoe: "Lúc mẹ còn ở nhà, con vẫn thường giúp mẹ đó chứ, chỉ sau này..." Em bỏ lửng câu nói. Và, tôi lại làm như như vô tình, nhờ em lấy giúp cái đĩa.
Sau này em tâm sự rằng mẹ đã ra đi khi em đang học lớp bốn. Thời gian ấy, chiều nào bố cũng dắt em đi lễ. (Mẹ thì chẳng mặn mà gì với lễ lộc vì mẹ là người tân tòng theo đạo bố). Bố buồn nhiều lắm. Bố bảo rằng mẹ bận đi làm xa. Nhưng mẹ cứ đi biền biệt, mấy tháng mới về thăm em và bố một lần. Lần nào cũng vội vội vàng vàng, ăn chưa trọn bữa cơm thì mẹ lại ra đi.
Ngày em nhận Bí Tích Rước Lễ lần đầu, đợi mòn mỏi chẳng thấy mẹ đâu. Đến lúc em không còn hi vọng gì nữa thì mẹ chợt xuất hiện. Mẹ đưa tay vẫy vẫy. Em mừng đến rơi nước mắt, nhưng đang đứng xếp hàng và sắp đến giờ lễ nên em không chạy đến ôm mẹ được. Ra về, hai bố con cứ dáo dác tìm mẹ, tìm mãi chẳng thấy mẹ đâu, gọi điện thì mẹ khoá máy. Nhà thờ đã tan không còn bóng người mà hai bố con vẫn đi tìm vất vưởng. Lúc ấy mẹ đã nhắn tin đến, mẹ xin lỗi vì có chuyện phải đi. Vừa mệt, vừa đói, vừa thất vọng, em khuỵ xỉu bên tay bố...
Tôi buồn, vương mang nỗi buồn của em cộng với nỗi buồn của bao đứa trẻ khác. Chỉ trong lớp học be bé này thôi, mà cũng đã đếm đủ đầu ngón tay những đứa trẻ "côi cút" vì gia đình tan vỡ. Lòng tôi như thắt lại trước những đôi mắt thẩn thờ hoang dại như những chú chim non ngẩn ngơ bên chiếc tổ tan tành sau một hồi bão dữ. Hạnh phúc gia đình thời nay sao mong manh quá!
Dường như với nhiều người, gia đình không còn là "chiếc nôi của sự sống và tình yêu". Chính trong chiếc nôi ấy, con người được sinh ra và lớn lên. Tổ ấm gia đình chính là nơi mà người ta học biết thế nào là tình yêu và lòng trung thành, là nơi con cái học những bài học đầu tiên và quan trọng nhất về sự khôn ngoan thiết thực, để từ đó hình thành nên những nhân đức cao quý của con người (*).
Thời gian trôi qua, tôi và em càng thân thiết. Tôi khẽ khàng cho em tình thương của người mẹ, còn em càng lớn càng sâu sắc, càng trao cho tôi nhiều câu hỏi "vì sao?" hóc búa khiến tôi "choáng váng". Đại loại như vì sao người lớn được quyền chọn lại người vợ người chồng cho mình, còn trẻ con không thể được sinh ra một lần nữa, để chọn lại người cha người mẹ? Vì sao con cái phải hiểu và cảm thông cho những nỗi khổ của cha mẹ, còn có những nỗi khổ do chính cha mẹ gây ra, con cái phải gánh chịu một mình? Vì sao ban đầu người ta yêu thương nhau, đòi sống đòi chết để lấy được nhau, lấy được rồi thì không thể nhường nhịn, chịu đựng lẫn nhau nữa, lại dứt bỏ nhau? ... Thú thật có nhiều lúc tôi phải "đánh nước chuồn". Bởi phải nói thế nào để em đừng tổn thương và thất vọng? Nói làm sao để em không oán trách cha mẹ của mình? Nói điều gì để em rút ra bài học và có thêm nghị lực để bước đi? Khó quá!!!
Ba năm qua, tôi như "chiếc túi" của em. Em đặt vào đó tất cả những vui buồn, tâm sự, và lấy ra những thứ cần thiết. Và điều khôi hài là em cứ "ảo tưởng" tôi là "chiếc túi thần kỳ" chứa đầy "bửu bối", có hay đâu tôi cũng khốn đốn, vả mồ hôi khi phải ứng phó với em.
"Cô ơi!" - "Hửm?" - "Cho con ít rượu thuốc." - "Để làm gì?" - " Mẹ thằng Sơn bị ba nó đánh bầm hết bên mặt. Nó buồn lắm. Sáng nay đi học mà mắt nó còn sưng húp. Hình như "ông ba" nó có "mèo", cứ xỉn xỉn về là đánh mẹ nó hoài!" - "Con có an ủi nó không?"- "Con bao nó ly nước sâm. Biết nói gì chứ cô! Gia đình như nó cũng chán, mà như con cũng chán." Tôi nói lảng: "Con khá đó, cô cho mười ngàn, mai con lại bao nó chút gì đó, bảo nó ráng học đừng để mẹ buồn, hôm nào thuận tiện, con rủ nó sang cô chơi..."
"Cô ơi!' - "Hửm?" - "Nhỏ lớp phó lớp xinh phết!" - "Để ý lớp phó à?" - "Thôi cô ơi! Hàng cao lương mỹ vị đó, con chỉ là hạng tương chao thôi!" Tôi ghẹo: "Lớp phó của con thuộc hạng đặc sản heo rừng không?" - "Phải là hàng hươu, nai trở lên chứ cô! Tội thân con chỉ là hủ chao chùa!" - Tôi cười: "Con đừng quên rằng mấy món thịt ấy mà thiếu mắm thiếu chao thì cũng không còn là đặc sản đâu. Thế nên có cho mình là mắm thì cũng đừng tự ti, mà có nghĩ mình là "mỹ vị cao lương" thì cũng đừng tự mãn" - "Vậy là có hy vọng hả cô?" - "Chỉ sợ con là hủ mắm tôm thôi! Kiểu này chắc con phải đi tìm chị em nhà bé cún, ha ha!" - "Cô này!" - "Đùa thôi nhóc, lo học là nhiệm vụ chính đi con..."
Những câu chuyện cứ thế như, không có mở đầu cũng không có kết thúc. Giờ thì em trở thành con ve ve bên tai tôi rồi! Có lẽ em đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Tôi mừng.
Hè, em náo nức xin bố về quê thăm ngoại. Trẻ con nào mà không thích lăn lội với gió đồng, tắm sông, câu cá. Em ríu rít "bật mí" cho tôi nghe biết bao nhiêu là kế hoạch trong mười ngày ngắn ngủi. Tôi cười, vui lây với em.
Mười ngày không có em "làm phiền" xem ra lại quá yên tĩnh, nên tôi lại ngong ngóng đợi em về. Đúng như tôi đoán, cu cậu dang nắng đen thui, gương mặt cứ dàu dàu chẳng muốn nói cười. Còn tiếc nuối chứ gì! Bố không cho chơi quá lâu vì không yên tâm. Em lại vẽ. Đôi mắt lại u uẩn mênh mông. Lần này thì em "chuyển tông" vẽ thiên thần. Cũng hay! Có lẽ cu cậu đang mơ mộng gì đây, lại còn hay viết lách gì đó nữa. Chậc! Trẻ con ấy mà!
"Cô ơi!" - "Hửm?" - "cho con ra ngoài mua cây viết chì" - "Ừm, nhưng hứa với cô là hoàn thành bài tập nhé" - "Dạ". Em bước đi, nhưng quên lấy vật nặng chần giấy lại, để cho quạt xoay đến hất bay tung toé. Bất cẩn thật! Tôi đến nhặt lên giúp em. Gì đây? Nhóc này! Vẽ thiên thần gì mà một bên cánh xệ xuống như bị gãy vậy! Một trang vở lật ra trước mắt, tôi tiện mắt đọc xem cu cậu này viết gì.
"Bố à, mẹ dắt người ta về quê thăm ngoại đó! Con đã biết chuyện từ lâu rồi, vậy mà lúc nào bố cũng bao che! Mẹ đâu có ngờ là con cũng về thăm ngoại. Mẹ nói người ta là họ hàng xa, nhưng sao qua mắt con được chứ bố!...
... Hồi nhỏ mẹ cứ gọi con là thiên thần. Bây giờ thiên thần này gãy mất một cánh rồi, đau quá bố ơi!!!
Con nghe lời bố, không buồn mẹ đâu. Con chỉ ghét con chó Mực thôi! Người ta tốt với nó một chút là nó không thèm đếm xỉa đến con. Nó cứ chồm chồm theo người ta đi đào chuột đồng. Người ta đào nát cái bãi bồi thả diều của mình rồi bố à! Mất hết rồi! Mất cả con Mực nữa! Nó ồn ào quá! Nó cứ sủa táp táp bên tai con hoài. Nó táp mất tuổi thơ của con rồi! Nó xé nát cánh diều của con rồi, bố ơi!..."
Tôi lặng người như rơi vào chơi vơi. Tôi nghe tiếng nghẹn ngào vỡ vụn đang nấc lên trong trái tim nhỏ bé ấy. Em bé nhỏ của tôi, tôi có thể làm được gì cho em?...
Đèn trong phòng sáng trưng, nhưng trước mắt tôi mọi vật sầm tối lại!
---------------------------
Mẩu Bút Chì.
(*): x. Tóm lược Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo số 209, 210.
No comments:
Post a Comment