Saturday, April 6, 2024

LỊCH SỬ - nghĩa Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa

 Lịch sử Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa và bức ảnh Lòng Thương Xót

“Trải qua lịch sử, Chúa Nhật sau lễ Phục sinh đã được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau: Chúa Nhật bát nhật sau lễ Phục sinh, Chúa Nhật “Áo trắng”, bởi vì các tân tòng cởi chiếc áo trắng mà họ đã lãnh nhận khi lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn huấn giáo khai tâm. Tại vài Giáo Hội bên Ấn độ (tục truyền do thánh Tôma tông đồ thành lập), Chúa Nhật sau lễ Phục sinh được gọi là Chúa Nhật thánh Tôma, bởi vì bài Phúc âm thuật lại cuộc gặp gỡ của Tông Đồ Tôma với Chúa Kitô.

Ngày 30/4/2000 là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh. Trong lễ phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, người đã tận hiến đời mình để rao truyền Lòng Thương Xót Chúa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã công bố quyết định dành riêng ngày Chúa Nhật Thứ Hai của Mùa Phục Sinh là ngày Chúa Nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa.”

 

“Ngày 22/02/1931, tại tu viện Plock, Ba Lan, Thánh nữ Faustina đã được Chúa Giêsu hiện ra trong một thị kiến.

Trong nhật ký Thánh nữ có ghi: “Ðêm đó, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra. Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đỏ và một tia màu trắng lạt. Thánh nữ nhìn thẳng vào Chúa không chớp mắt trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Chúa phán với Thánh nữ: “Con hãy vẽ một bức hình, theo những gì con trông thấy đây, với lời ghi chú: Giêsu, con tín thác vào Chúa” (gốc tiếng Ba Lan là Jezu, Ufam Tobie, ta thường thấy bản dịch ra tiếng Anh là Jesus, I trust in you)

Thánh nữ đã hỏi Chúa về ý nghĩa của 2 luồng sáng đó, Chúa trả lời: “Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng màu đỏ biểu hiện Máu, là sự sống của các linh hồn. Hai luồng ánh sáng này, phát xuất từ chốn sâu thẳm của lòng xót thương dịu dàng và êm ái nhất của Ta, lúc trái tim hấp hối Ta bị lưỡi thâu mở rộng ra. Phúc cho ai ẩn náu trong sự che chở của những luồng ánh sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa không giáng phạt họ.”

NGUỒN: nhathothaiha.net 

-----------------------------------------------------------

Trải qua lịch sử, Chúa nhật sau lễ Phục sinh đã được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau: Chúa nhật tám ngày sau lễ Phục sinh, Chúa nhật “Áo trắng” (in Albis), bởi vì các tân tòng cởi chiếc áo trắng mà họ đã lãnh nhận khi lãnh các bí tích khai tâm vào đêm Vọng Phục sinh, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn huấn giáo khai tâm.

Tại vài Giáo hội bên Ấn độ (tục truyền do thánh Tôma tông đồ thành lập), Chúa nhật sau lễ Phục sinh được gọi là chúa nhật thánh Tôma, bởi vì bài Phúc âm thuật lại cuộc gặp gỡ của Người với Chúa Kitô.

Gần đây, Đức Gioan Phaolô II muốn thêm một danh xưng nữa, đó là “Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót”.

Trong Năm Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II đã ấn định rằng trong toàn thể Hội thánh, Chúa nhật sau lễ Phục sinh, ngoài danh hiệu Chúa Nhật Áo trắng, sẽ còn được đặt tên là Chúa nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Việc này đã xảy ra trùng với lễ phong thánh cho chị Faustina Kowalska, một nữ tu khiêm tốn người Ba lan, sinh năm 1903 và qua đời năm 1938, một người nhiệt thành truyền bá lòng sùng kính Chúa Giêsu Thương xót.

Thực ra lòng thương xót là cốt lõi của sứ điệp Tin mừng, và chính là danh tính của Thiên Chúa, dung mạo đã được mặc khải trong Cựu ước và một cách sung mãn ở nơi Đức Giêsu Kitô, là Tình thương tạo dựng và cứu chuộc nhập thể.

Lòng thương xót của Chúa cũng làm sáng tỏ dung mạo của Hội thánh, và được biểu lộ qua các bí tích, cách riêng là bí tích Hoà giải, cũng như qua các hoạt động bác ái, tập thể hay cá nhân. Tất cả những gì mà Hội thánh nói và thực hiện, đều nhằm bày tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Mỗi khi Hội thánh nhắc nhớ một chân lý đã bị bỏ sót hay một điều tốt đã bị méo mó, thì Hội thánh làm do lòng thương xót thúc đẩy, ngõ hầu nhân loại được sống và sống dồi dào (xc Ga 10,10). Lòng thương xót của Thiên Chúa mang lại bình an cho tâm hồn, phát sinh bình an chân chính trên thế giới, bình an giữa các dân tộc, văn hoá, tôn giáo.

Cũng như chị Faustina, Đức Gioan Phaolô II đã trở thành một tông đồ của Lòng Chúa Thương xót. Vào buổi tối ngày thứ bảy, mồng 2 tháng 4 năm 2005, Người nhắm mắt lìa trần vào ngày áp Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương xót, và nhiều người đã nhận ra sự trùng hợp đặc biệt đó, liên kết chiều kích Thánh mẫu, ngày thứ 7 đầu tháng, với Lòng Chúa Thương xót. Thực vậy, đây là trung tâm của triều đại giáo hoàng lâu dài của Người: trót sứ mạng của Người để phục vụ chân lý về Thiên Chúa và về con người, về hoà bình trên thế giới được tóm lại trong lời loan báo lòng Chúa thương xót, như Người đã có lần nói tại Cracovia-Lagiewniki năm 2003 vào dịp khánh thành thánh điện kính Lòng Chúa Thương xót: “ngoài lòng Chúa Thương xót ra, không còn nguồn hy vọng nào khác cho nhân loại,”. Như vậy sứ điệp của Người, cũng như của chị Faustina đã nhắc đến dung mạo của Chúa Kitô, Đấng mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa. Chiêm ngắm Dung nhan của Chúa Kitô: đó là gia sản mà Người để lại cho chúng ta, và chúng ta hoan hỉ đón nhận.

Lòng thương xót Chúa đi theo chúng ta mỗi ngày. Chỉ cần biết để cho trái tim tỉnh thức thì ta có thể nhận ra. Chúng ta thường dễ cảm nhận gánh nặng hàng ngày mà chúng ta phải gánh vác. Nhưng nếu chúng ta biết mở rộng trái tim thì chúng ta có thể nhận rõ rằng Thiên Chúa tốt lành như thế nào đối với chúng ta. Ngài chăm lo từ những chuyện nhỏ nhặt đời ta, nhờ đó giúp chúng ta đạt đến những chuyện lớn lao. Với việc đặt thêm gánh nặng của trách nhiệm, Thiên Chúa cũng tăng thêm sự giúp đỡ cho ta. 

NGUỒN: https://tgpsaigon.net/bai-viet/y-nghia-chua-nhat-long-thuong-xot-chua-43262

------------------------------------------------

CNS photo/Paul Haring

ĐÔI NÉT VỀ CHÚA NHẬT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Lydia Borja

WHĐ (22.4.2022) - Kể từ năm 2000, Giáo hội hoàn vũ kết thúc Tuần Bát nhật Phục sinh bằng việc cử hành Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót. Ngày lễ trọng này mời gọi các tín hữu hân hoan vui mừng trong tình yêu thương xót của Thiên Chúa vì tình yêu ấy được biểu lộ một cách sâu xa nhất trong Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô.

Nhưng chính xác thì Lòng Chúa Thương Xót là gì? Sự sùng kính Lòng Chúa Thương Xót này bắt đầu từ đâu? Đây có phải là một ngày lễ mới trong Giáo hội không?

Lịch sử của Lòng Thương Xót

Trong thông điệp Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót (Dives in Misericordia) năm 1980, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết, “Tin vào tình yêu của Thiên Chúa có nghĩa là tin vào lòng thương xót. Lòng thương xót này là chiều kích cần thiết của tình thương; lòng thương xót là như tên gọi thứ hai của tình thương và đồng thời là cách độc đáo mà tình thương được mạc khải” (số 7)

Lịch sử cứu độ rất dồi dào những bằng chứng về chân lý này. Ngay từ đầu, Giao ước mà Thiên Chúa thiết lập với dân Israel phản ánh bản chất tình yêu của Ngài. Khi ban Mười Điều Răn cho Môsê, Thiên Chúa hứa sẽ bày tỏ “trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời đối với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta” (Xh 20, 6).

Sau đó, một lần nữa với Môsê, Thiên Chúa đã mô tả về chính mình như thế này: “Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34, 6-7).

Như trong các bài tường thuật Cựu ước sau đó, chúng ta thấy dân Israel có thói quen quay về với Thiên Chúa trong tội lỗi và đau khổ của họ giống như một đứa trẻ hướng về cha mình, tin cậy vào sự tha thứ nhân từ của Ngài.

Vua Đavít ngợi khen Thiên Chúa là Đấng “từ bi và nhân hậu”, “chậm giận và giàu tình thương” và là Đấng không xử với chúng ta dựa trên tội lỗi của chúng ta (x. Tv 103; 145). Ngay cả các ngôn sứ, vốn là những người thường rao giảng sứ điệp hủy diệt Israel vì sự bất trung của họ, cũng nói về lòng thương xót mà Thiên Chúa muốn ban tặng nếu dân chúng quay trở lại với Ngài (x. Gr 3,12; Hs 14, 3).

Mặc dù tính xác thực về lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa được thiết lập và xác nhận một cách chắc chắn trong lịch sử Cựu Ước, nhưng chính sự xuất hiện của Con Một Ngài đã mang đến cho thế giới sự nhập thể đích thực của tình yêu và lòng thương xót này. Thông điệp của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhìn nhận:

Đức Kitô trao ý nghĩa chung cuộc cho toàn thể truyền thống Cựu Ước về lòng thương xót của Thiên Chúa. Chẳng những Người nói và giảng giải về lòng thương xót … mà còn làm cho lòng thương xót này nhập thể và nhân cách hoá nó. Theo một nghĩa nào đó, Người chính là lòng thương xót” (số 2).

Toàn bộ cuộc đời của Đức Kitô có thể được xem như là bằng chứng rõ nét nhất lòng thương xót của Thiên Chúa.

Sau khi thụ thai Chúa Giêsu, Đức Mẹ đã cất lời tạ ơn với bài thánh ca tuyệt vời: “Ðời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1, 50).

Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Kitô đã tuyên bố, “cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha” (Lc 4, 18), và sau đó, “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7).

Trong những lời cuối cùng của cơn hấp hối, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ” (Lc 23, 34). Thật vậy, sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong thế giới cho chúng ta thấy dung mạo của Thiên Chúa, Đấng là “Cha của lòng thương xót” (2Cr 1, 3).

Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa

Có thể nói một cách đơn giản, “Lòng Chúa Thương Xót” là một tên gọi khác của sự mặc khải về tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa, mà đỉnh cao là sự sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Các Kitô hữu từ lâu đã biết đến và ca ngợi lòng thương xót bao la này. Do đó, lòng sùng kính đối với Lòng Chúa Thương Xót không phải là điều mới lạ.

Tuy nhiên, cách đây chưa đầy một thế kỷ, các Kitô hữu đã được chính Thiên Chúa yêu cầu để có một nhận thức mới và sự tín thác vào lòng thương xót của Ngài, điều này đã bắt đầu thổi bùng ngọn lửa sùng kính cũ thành một lòng tôn kính nồng nhiệt hơn.

Chúa Giêsu đã hiện ra với một nữ tu trẻ người Ba Lan, và trao cho chị một lời nhắc nhở vượt thời gian dành cho toàn thể nhân loại:

Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với Lòng Thương Xót của Cha với niềm tín thác… Con hãy công bố rằng lòng thương xót là phẩm tính cao cả nhất của Thiên Chúa

Nữ tu Mary Faustina Kowalska, sinh năm 1905, thuộc Dòng các Nữ tu Đức Mẹ nhân lành ở Ba Lan. Vào ngày 22.02.1931, Chúa Giêsu lần đầu tiên hiện ra với chị.

Chúa Giêsu mặc một chiếc áo choàng màu trắng, với hai tia sáng phát ra từ trái tim của Người - một tia màu đỏ và một tia màu trắng, tượng trưng cho máu và nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Người khi bị đóng đinh trên thập giá.

Chúa Giêsu yêu cầu chị Faustina vẽ lại hình ảnh này kèm theo lời ghi chú, “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” (Jesus, I trust in You) và Người hứa rằng, ngay cả những tội nhân cứng lòng nhất, nếu tôn kính ảnh này sẽ được cứu độ. Chúa Giêsu cũng nói với chị Faustina về ước muốn của Người đó là Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Phục Sinh được dành để “Kính Lòng Chúa Thương Xót”, và bức hình về lòng thương xót của Người được cả thế giới biết đến và tôn kính.

Sau đó, Chúa Giêsu hiện ra với nữ tu Faustina - người được mệnh danh là “Tông đồ của lòng thương xót” - nhiều lần khác nữa trong suốt vài năm, lần nào Người cũng đề cập về lòng thương xót bao la đối với các linh hồn.

Theo sự hướng dẫn của cha giải tội, nữ tu Faustina đã ghi lại tất cả các cuộc nói chuyện của chị với Chúa Giêsu trong cuốn sách mà chị gọi là “Nhật ký: Lòng Chúa thương xót trong tâm hồn tôi” và cuốn sách này đã được Bộ Giáo lý Đức tin của Giáo hội chấp thuận vào năm 1979.

Trong những trang nhật ký này, chúng ta đọc được lời khẩn cầu khẩn thiết được lặp đi lặp lại về tình yêu của Đức Chúa, và mục đích của các cuộc đối thoại của Người với nữ tu Faustina đó là:

Trái tim Cha tràn đầy lòng thương xót đối với các linh hồn. … Giá mà họ có thể hiểu rằng Cha là người cha tốt nhất đối với họ và rằng chính Máu và Nước đã tuôn trào từ Trái tim Cha như từ một mạch nước chan chứa lòng thương xót” (Nhật ký, trang 165).

Ngày Lễ Lòng Chúa Thương Xót

Những thị kiến của nữ tu Faustina với Chúa Giêsu được coi là sự mặc khải tư - tức là sự mặc khải không thuộc kho tàng đức tin, do đó, các tín hữu không buộc phải tin. Dù thế, sứ điệp từ những thị kiến này đã được huấn quyền Giáo hội chính thức nhìn nhận là không có gì đi ngược với đức tin hoặc luân lý.

Ngoài ra, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã công nhận trong các bài viết của nữ tu Faustina một sứ điệp thực sự đến từ Chúa Kitô và phù hợp với tất cả nhân loại trong mọi thời đại.

Vào ngày 30.4.2000, Chúa nhật đầu tiên sau Lễ Phục sinh, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II vừa phong thánh cho nữ tu chân phước Faustina Kowalska vừa tuyên bố trong bài giảng của ngày hôm đó mong muốn của chính ngài rằng “Chúa nhật thứ hai sau lễ Phục sinh… từ nay trên toàn thế giới sẽ được gọi là ‘Chúa nhật lòng Chúa thương xót’”.

Cùng với mong muốn của Đức Gioan Phaolô II, vào ngày 5.5.2000, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã ban hành sắc lệnh chính thức thiết lập Chúa nhật thứ hai Phục sinh là “Chúa nhật lòng Chúa thương xót”.

Điều quan trọng nên biết: đây không phải là một ngày lễ mới trong Giáo hội. Như đã giải thích trong tài liệu của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót là một tên mới - một “danh hiệu” mới - cho ngày đã là lễ trọng của năm phụng vụ - tức là Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh. Liên quan đến phụng vụ ngày hôm đó, không có gì thay đổi trong các bản văn của Các Giờ Kinh Phụng vụ hoặc Thánh lễ. Trên thực tế, các bài đọc Phụng vụ vốn có của ngày này hoàn toàn phù hợp với chủ đề lòng thương xót. Trong bài Phúc Âm, Chúa Giêsu trao cho các tông đồ quyền cầm buộc và tháo cởi tội lỗi, được thể hiện qua Bí tích Sám hối.

Như vậy, lễ Lòng Chúa Thương Xót là sự tiếp nối của việc cử hành Lễ Phục sinh; như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nhận định, là “món quà Phục sinh” của Chúa Kitô cho thế giới.

Từ Trái tim của Chúa Kitô bị đóng đinh

Lễ Lòng Chúa Thương Xót không chỉ là một lời nhắc nhở tuyệt vời về tình yêu của Thiên Chúa, mà còn là một đòi hỏi để chúng ta hiểu sâu hơn về Thiên Chúa là ai, và chúng ta là ai trong mối tương quan với Ngài. Thánh Faustina đã nhận ra chân lý này và đáp lại trong sự yếu đuối của mình trước quyền năng của lòng thương xót của Chúa Kitô.

Khi cử hành lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta cùng lập lại lời cầu nguyện mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cầu nguyện với thánh nữ Faustina ngay trong Thánh lễ phong thánh cho thánh nữ:

“Lòng Chúa Thương Xót đến với nhân loại từ Trái Tim Chúa Kitô bị đóng đinh. … Hôm nay, khi cùng với ngài chăm chú nhìn vào khuôn mặt của Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho chúng con biết cầu nguyện bằng lời cầu nguyện của ngài cho sự tín thác bị lãng quên, và thưa lên với niềm trông cậy vững vàng: ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!’”

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com

(*) Chúa Giêsu đã ban cho Thánh Faustina một tập hợp những lời cầu nguyện để cầu khẩn lòng thương xót của Người, được gọi là chuỗi Lòng Chúa Thương XótSau đây là cách Lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót đơn giản với chuỗi Mân côi.

Trước hết,

- Làm Dấu Thánh Giá,

- Đọc: 1 Kinh Lạy Cha; 1 Kinh Kính Mừng; 1 Kinh Tin Kính

Thứ đến:

- Hạt Lớn, thay vì Kinh Lạy Cha thì đọc:

Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng lên Cha, Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Con rất yêu dấu Cha, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.

 - 10 Hạt Nhỏ, thay vì 10 Kinh Kính Mừng, thì đọc 10 lần:

- Vì cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô,
- Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.

Tiếp theo:

Lặp lại 5 lần “hạt lớn” và “10 hạt nhỏ” đến hết chuỗi Mân Côi.

Cuối cùng, đọc 3 lần:

Lạy Đấng Chí Thánh, là Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới.


No comments:

Post a Comment

WORLD WORLD