Thursday, February 15, 2024

TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO PHẢI ĂN CHAY?

Mục Lục

TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO PHẢI ĂN CHAY?

LÝ DO ĂN CHAY THEO TRUYỀN THỐNG KITÔ GIÁO

40 NGÀY MÙA CHAY ĐƯỢC TÍNH THẾ NÀO?

ĂN CHAY HAY SỐNG CHAY?

TẠI SAO KIÊNG THỊT MÀ KHÔNG KIÊNG CÁ?

TẠI SAO VIỆC ĂN CHAY LẠI ĐƯA TỚI SỰ TỰ DO?

MÙA CHAY VÀ PHỤ NỮ ĐANG MANG THAI 

 

TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO PHẢI ĂN CHAY?

Jos. Lê Công Thượng

(chuyển ngữ từ https://www.catholiceducation.org

Chúng tôi đã trải qua một cuối tuần ướt át lê thê ở giữa rừng. Và bây giờ, buổi sáng Chúa nhật, người lớn báo cho biết bữa sáng sẽ được hoãn lại để những người Công giáo có thể giữ chay rước Lễ. Cậu ấy là một trong các trại viên với nét mặt không được vui lắm.

Thắc mắc của cậu ta hiện lên trong trí khi Mùa Chay lại bắt đầu, vì ăn chay là việc thực hành đặc trưng nhất của mùa này. Trong hai ngày Mùa Chay, Thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, người Công giáo hạn chế việc ăn uống để không ăn no và kiêng thịt. Vào tất cả các ngày Thứ Sáu trong Mùa Chay họ kiêng thịt.

 

 

 

Tại sao người Công giáo ăn chay? Các lý do có nền tảng chắc chắn trong Kinh Thánh không?

Khi ăn chay, ta noi theo tấm gương thánh thiện. Môsê và Êlia đã ăn chay bốn mươi ngày trước khi đến trước nhan Thánh Chúa (Xh 34:28, 1 V 19: 8). Bà tiên tri Anna đã ăn chay để dọn mình đón Đấng Mêsia đến (Lc 2:37). Tất cả họ đều muốn nhìn thấy Thiên Chúa và xem việc ăn chay là một điều kiện tiên quyết cơ bản. Chúng ta cũng muốn Chúa hiện diện, vì vậy chúng ta ăn chay.

Chúa Giêsu đã ăn chay (Mt 4: 2). Vì Ngài không cần phải thanh tịnh, nên chắc chắn Ngài đã làm điều này cốt để làm gương cho chúng ta. Thật vậy, Ngài cho rằng tất cả các Kitô hữu sẽ theo gương mình. Ngài nói: "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay." (Mt 6:16). Lưu ý Ngài đã không nói “NẾU anh em ăn chay", nhưng "khi ".

Và KHI bây giờ, vào Mùa Chay, Giáo Hội mở rộng ý tưởng của việc ăn chay, ngoài việc nhỏ bỏ qua các bữa ăn đến một chương trình vươn xa hơn là tự bỏ chính mình. Chúa Giêsu nói:  "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. " (Lc 9:23). Vì vậy, ta "bỏ" điều gì đó mà ta thường ưa thích: kẹo, nước ngọt, một chương trình truyền hình yêu thích hoặc ngủ nướng thêm.

Ăn chay có lợi cho sức khỏe, nhưng không giống như ăn kiêng. Ăn chay là điều gì đó thiêng liêng và tích cực hơn nhiều. Ăn chay là một bữa tiệc thiêng liêng. Chay tịnh cần cho linh hồn giống như thể xác cần có của ăn.

Kinh Thánh giải thích rõ ràng những lợi ích tinh thần cụ thể của việc ăn chay. Chay tịnh mang lại sự khiêm nhường (Tv 69:10). Chay tịnh tỏ lộ sự đau buồn vì tội lỗi của ta (1 Sm 7: 6). Chay tịnh dọn đường đến với Chúa (Đn 9: 3). Chay tịnh là phương thế để nhận biết ý Chúa (Er 8:21) và là một phương pháp cầu nguyện rất hữu hiệu (08:23). Đó là dấu chỉ sự hoán cải đích thực (Ge 2:12).

Ăn chay giúp ta dứt bỏ những gì thuộc trần gian này. Chúng ta ăn chay không phải vì những thứ trần tục xấu xa, nhưng chính vì chúng tốt đẹp. Chúng là quà tặng của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nhưng chúng tốt đẹp đến độ đôi khi ta thích những món quà này hơn cả Đấng đã ban cho. Ta hóa ra đam mê lạc thú hơn là từ bỏ chính mình. Ta thường hay ăn uống đến độ quên cả Chúa. Những đam mê như vậy thực ra là một hình thức sung bái ngẫu tượng. Điều mà Thánh Phaolô có ý khi ngài nói, "Chúa họ thờ là cái bụng … những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian. " (Pl 3:19).

Làm sao chúng ta có thể hưởng những ân ban của Thiên Chúa mà không quên Đấng ban cho? Ăn chay là cách bắt đầu thích hợp. Thân xác muốn nhiều hơn nó cần, vì vậy chúng ta nên cho nó ít hơn nó muốn.

Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng chúng ta không thể nâng tâm hồn lên với Chúa, nếu ta bị ràng buộc vào những thứ thuộc trần gian này. Vì vậy, chúng ta bỏ những thứ thoải mái, dễ chịu và dần dần chúng ta không còn bị phụ thuộc nhiều vào chúng, không còn thấy quá cần thiết nữa.

Tất cả điều này là một phần chuẩn bị của chúng ta cho Nước Trời. Vì dù sao ta cũng phải đi đến chỗ mất những thứ tốt đẹp ở trần gian. Thời gian, tuổi tác, bệnh tật và "các chỉ định của bác sĩ" có thể không cho thưởng thức mùi vị của kẹo sôcôla, ly bia lạnh và thậm chí cả những vòng tay thân mật từ người thân yêu của mình nữa. Nếu ta không kiêng bớt các ước muốn của mình thì những mất mát này sẽ để cho ta những cay đắng và xa cách Thiên Chúa. Nhưng nếu chúng ta theo Chúa Giêsu từ bỏ chính mình, chúng ta sẽ tìm được sự yên ủi thường xuyên hơn trong sự tốt lành tối hậu – là chính Thiên Chúa.

Làm sao mà một số người vẫn có thể thanh thản và tươi vui trong bối cảnh hết sức đau khổ và cả khi phải đối mặt với cái chết sắp xảy ra? Điều ấy không phải chỉ là vấn đề của tính tình. Họ đã chuẩn bị bản thân cho lúc phải bỏ những thứ của trần gian này, mỗi lần một chút. Họ đã quen dần với sự hy sinh nhỏ bé để rồi sự hy sinh lớn không còn quá sức nữa.

Không ai nói ăn chay là dễ. Thực vậy, Cha Thomas Acklin dòng Biển Đức, tác giả quyển The Passion of the Lamb: God’s Love Poured Out in Jesus, nói: “Ăn chay dường như là rất khó, và có vẻ như nếu không ăn tôi sẽ thành suy nhược, sẽ không làm việc được nữa, hoặc không thể cầu nguyện hay làm bất cứ điều gì khác.”

Ngài nói thêm: "Tuy nhiên, có khoảnh khắc tuyệt diệu, khi sau một ít giờ trôi qua, dạ dày của tôi không còn cồn cào và thậm chí tôi quên đi những gì mình đã bỏ qua, khi ấy có cảm giác nhẹ nhàng, tự do, sáng tỏ, thái độ và cảm nhận minh mẫn, một sự gần gũi với Chúa không thể so sánh được. "

Mùa Chay là một dịp đặc biệt, nhưng Chúa muốn bốn mươi ngày ấy có một ảnh hưởng lâu dài trong cuộc sống chúng ta. Vì vậy, trong một nghĩa nào đó, ăn chay cần được giữ mãi. Cha Rene Schatteman, một tuyên úy của Opus Dei ở Pittsburgh, nói rằng ngài đã tiếp thu được bài học này trực tiếp từ một vị thánh. "Tôi đã học được từ Thánh Josemaria Escriva, người mà đích thân tôi có vinh dự được biết, một người đã thực hiện các hy sinh nhỏ bé ở mỗi bữa ăn, luôn luôn như vậy, không chỉ trong Mùa Chay."

Cha Schatteman nhấn mạnh tầm quan trọng của những điều nhỏ nhặt, và ảnh hưởng lớn mà chúng có thể mang lại: "Tất cả chúng ta nên cảm thấy cần phải giúp Chúa Kitô cứu chuộc thế giới bằng việc thực hành từ bỏ chính mình mỗi ngày, việc ăn uống bình thường ... để bỏ đi một chút, hoặc một chút ít thứ chúng ta thích nhất, tránh ăn giữa các bữa, bỏ qua bữa ăn nhẹ hoặc món tráng miệng, vân vân … mà không làm cho nó lớn chuyện. "

Một doanh nhân ở Pittsburgh (yêu cầu giấu tên) nói với tôi về việc thực hành ăn chay của ông vào các ngày thứ Sáu trong thời gian dài, "nhịn ăn 12 - 15 giờ, chỉ uống nước." Ông nói, tuy nhiên, điều này có thể khó thực hiện, không phải vì đói, nhưng vì nó có thể gây trở ngại cho cuộc sống gia đình. "Thật khó để ngồi vào bàn ăn ở gia đình mà không ăn. Chuyện cưỡng lại sự cám dỗ của món ăn không thành vấn đề lắm. Tôi luôn cảm thấy như mình đang bị mất đi những giây phút gần gũi thân tình. Việc ăn chay của tôi thực sự làm mình cảm thấy ích kỷ, như tôi đang lấy đi cái gì đó khỏi thời gian gia đình mình giữa những bữa ăn gần gũi với nhau.”

Từ khi ấy ông đã sửa đổi việc ăn chay của mình, "không thực hiện vào bữa tối của gia đình."

Tại sao người Công giáo ăn chay? Doanh nhân giấu tên ấy diễn tả điều này thật hay: "Nó là phương thuốc cho vấn đề lớn nhất của tôi là ích kỷ và thiếu tự chủ. Để buộc bản thân mình kiềm chế thèm ăn, chứ không phải để thỏa mãn mong muốn của mình ngay cả chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đấy là cách giữ chay tốt lành. Để dâng một chút hy sinh cho Chúa, cho gia đình mình, cho những người đang đói mà không có sự lựa chọn nào cho riêng họ, điều này tôi nghĩ cũng có ích. "

----------------------------------------------------------------------

 

Ba dấu chỉ đặc trưng của Mùa Chay: Cầu nguyện, ăn chay làm việc bác ái.

LÝ DO ĂN CHAY THEO TRUYỀN THỐNG KITÔ GIÁO

Lm. Daniel Merz

Hướng Dương chuyển ngữ từ usccb.org

Trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai, ít là cho tới ngày nay, có hai hình thức ăn chay.

Đó là “ăn chay hoàn toàn” trước tất cả các dịp đại lễ và lãnh nhận Bí tích. Người xưa gọi việc ăn chay này là “statio”, từ động từ “sto, stare” –  đứng canh gác, đề phòng hay canh thức. Hình thức ăn chay thứ hai [abstinentia] là kiêng khem một số thực phẩm nhất định, như thịt hoặc chất béo. Điều này đúng hơn là một hành vi kỷ luật bản thân và tự chủ. “Statio –  ăn chay” thì hoàn toàn và là một phương thế của việc canh chừng và trông chờ …cho một điều gì đó. “Abstinentia – kiêng khem” thì mang tính tổng quát và cá nhân hơn, giúp kỷ luật bản thân hoặc tự chủ. “Ăn chay hoàn toàn” thì vẫn được giữ cho đến ngày nay trước khi Rước Lễ [giữ chay Thánh Thể]. Sau khi Rước Lễ xong, việc ăn chay chấm dứt, bởi vì Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng rằng, chúng ta không ăn chay khi chàng rể ở với chúng ta; nói cách khác, điều chúng ta đang trông chờ đã đến, việc chờ đợi chấm dứt. Mặt khác, việc kiêng khem [abstinentia] được cho phép vào mỗi Chúa Nhật bởi vì sự liên tục của việc kiêng khem có thể rất quan trọng để cho nó [việc ăn chay] có hiệu quả.

 


Vì thế, những quy định của truyền thống ban đầu này dạy chúng ta rằng Bí tích Thánh Thể luôn là cùng đích của sự chuẩn bị. Nó luôn là sự hoàn thành của niềm mong đợi. Trong suốt Mùa Chay, Giáo Hội Chính Thống chỉ có Bí Tích Thánh Thể vào Thứ Bảy và Chúa Nhật. Nhưng vì các ngày Thứ Tư và Thứ Sáu là những ngày ăn chay hoàn toàn, nên hai ngày đó cũng có Nghi thức Rước Lễ (ngoài Thánh Lễ), được cử hành vào buổi tối, tức là sau ngày chuẩn bị. Việc ăn chay thì luôn mang tính chuẩn bị.

Nhưng làm thế nào mà chay tịnh trở thành một phương thế quan trọng như vậy để chuẩn bị cho Bí tích Thánh Thể và luyện tập nhân đức qua việc kỷ luật bản thân ? Việc ăn chay của Kitô giáo được mặc khải trong mối liên hệ giữa hai sự kiện trong Kinh Thánh: “sự phá vỡ chay tịnh” bởi Ađam và Evà; và “việc chay tịnh” của Đức Kitô khi bắt đầu sứ vụ.

Nhân loại xa rời Thiên Chúa và đi vào con đường tội lỗi bắt đầu từ việc ăn uống. Thiên Chúa đã truyền lệnh phải chay tịnh khỏi một trái cây duy nhất, cây biết lành biết dữ (x. St 2,17), và Ađam và Evà đã phá vỡ lệnh truyền đó. Việc ăn chay ở đây được kết nối với mầu nhiệm sự sống và sự chết, sự cứu độ và sự trầm luân. Lương thực kéo dài sự sống trong thế giới vật chất này, lại là đối tượng của sự hư hoại và chết chóc. Nhưng Thiên Chúa không làm ra cái chết (x. Kn 1,13). Nhân loại, trong Ađam và Evà, đã chối từ một cuộc sống lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa, vì người ta sống lệ thuộc vào Thiên Chúa còn hơn là vào cơm bánh (x. Đnl 8,3; Mt 4,4; Lc 4,4). Toàn thể công trình tạo dựng đã được ban cho con người như một thứ lương thực, nghĩa là phương tiện để mưu sinh, nhưng “sự sống” có nghĩa là hiệp thông với Thiên Chúa, chứ không phải lương thực (“chúa họ thờ là cái bụng” Pl 3,19). Bi kịch không phải là Ađam đã ăn thức ăn, nhưng ông đã ăn thức ăn đó vì lợi ích riêng của mình, “tách rời” khỏi Thiên Chúa và độc lập với Người. Tin rằng lương thực có sự sống trong chính nó và do đó ông có thể “giống như Thiên Chúa”. Và ông đã đặt đức tin của ông vào cơm bánh. Đây là kiểu hiện hữu dường như được xây trên nguyên lý mà quả thực nhân loại sống “chỉ nhờ cơm bánh”.

Tuy nhiên, Đức Kitô là Ađam mới. Bắt đầu sứ vụ công khai của Người trong Tin mừng Mátthêu, chúng ta thấy “khi đã ăn chay 40 ngày đêm, Người cảm thấy đói”. Đói khát là tình trạng mà trong đó chúng ta nhận ra sự lệ thuộc của chúng ta vào một cái gì đó – khi chúng ta đối diện với vấn đề tối hậu: “sự sống của tôi lệ thuộc vào cái gì ?” Satan đã cám dỗ cả Ađam và Đức Kitô, nó nói: Hãy ăn đi, vì đói khát là bằng chứng mà bạn hoàn toàn lệ thuộc vào cơm bánh, sự sống của bạn nằm trong cơm bánh. Ađam đã tin và đã ăn. Nhưng Đức Kitô đã nói “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Mt 4,4; Lc 4,4). Điều này giải thoát chúng ta khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào cơm bánh, vật chất, và thế gian này. Do đó, đối với người Kitô hữu, ăn chay là phương thế duy nhất mà nhờ đó con người tìm lại được bản tính thiêng liêng đích thực của mình. Sau đó, để việc ăn chay có hiệu quả, tinh thần phải là một phần của nó. Việc ăn chay Kitô giáo không liên quan đến việc giảm cân. Ăn chay là vấn đề của cầu nguyện và tinh thần. Và vì thế, bởi vì nó thực sự là một nơi của tâm linh, nên việc ăn chay đích thực có thể dẫn đến sự cám dỗ, yếu đuối, nghi ngờ và cáu kỉnh. Nói cách khác, đó sẽ là một cuộc chiến thực sự giữa thiện và ác, và rất có thể, chúng ta sẽ thất bại nhiều lần trong những cuộc chiến này. Nhưng chính việc khám phá đời sống Kitô hữu như “cuộc chiến đấu” và “sự nỗ lực” là một khía cạnh thiết yếu của việc ăn chay.

 

Truyền thống Kitô giáo đưa ra ít nhất 7 lý do cho việc ăn chay:

1. Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã truyền lệnh ăn chay, và tội lỗi đi vào thế gian bởi Ađam và Evà đã phá vỡ chay tịnh.

2. Đối với Kitô hữu, ăn chay cuối cùng là ăn chay khỏi tội lỗi.

3. Ăn chay bày tỏ sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa chứ không phải là lợi lộc trần gian này.

4. Ăn chay là một cách cổ xưa của việc chuẩn bị cho Bí tích Thánh Thể [Rước Lễ] –  lương thực đích thực.

5. Ăn chay là sự chuẩn bị cho Bí tích Thánh Tẩy (và tất cả các Bí tích) – hầu đón nhận ân sủng Chúa.

6. Ăn chay là một phương thế tiết kiệm của cải để cho người nghèo.

7. Ăn chay là một phương thế kỷ luật bản thân, khiết tịnh và chế ngự những ham muốn.

--------------------------------------------------

 

40 NGÀY MÙA CHAY ĐƯỢC TÍNH THẾ NÀO?

Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

40 ngày mùa Chay được tính thế nào? Mùa Chay bắt đầu khi nào? Ngày cử hành Lễ Phục Sinh hàng năm được tính toán thế nào?

H. 40 ngày mùa Chay được tính thế nào?

Thời gian mùa chay trước lễ Phục Sinh thường được gọi là 40 ngày chay tịnh, nhưng thực ra có 46 ngày tính từ thứ 4 lễ Tro cho tới Chúa Nhật Phục Sinh. Vậy tại sao chỉ nói có 40 ngày?

T. Chúng ta cần trở ngược lại thời sơ khai của Giáo Hội, các môn đệ đầu tiên là những người Do Thái vốn chịu ảnh hưởng sâu đậm về tầm quan trọng của ngày Sabat, vẫn được xem là ngày thứ 7. Bởi vì ngày Sabat được ghi trong sách Khởi Nguyên là thời gian để nghỉ ngơi và thờ phượng. Tuy nhiên Chúa Ki-tô lại phục sinh vào Chúa Nhật, ngày thứ nhất trong tuần. Chính các tông đồ và các ki-tô hữu đầu tiên đã thấy được rằng sự Phục Sinh là một cuộc sáng tạo mới nên họ chuyển ngày Sabat sang Chúa Nhật chứ không là còn là thứ 7 như quan niệm của Do Thái nữa.

 

Đối với Ki-tô giáo, mọi Chúa Nhật đều là những ngày cử hành sự phục sinh của Chúa Ki-tô, các tín hữu không được ăn chay, và làm những hình thức đền tội trong các ngày này. Các Chúa Nhật không được tính vào thời gian chay tịnh mùa Chay.

Vậy để có được 40 ngày chay tịnh như Chúa Giê-su, mùa Chay bao gồm 6 tuần lễ với 6 ngày ăn chay trong tuần, cộng với 4 ngày từ thứ tư lễ Tro cho tới thứ 7 trước Chúa Nhật thứ nhất mùa Chay. 36 + 4 = 40.

 

H. Mùa Chay bắt đầu khi nào?

Mùa Chay được bắt đầu với thứ tư lễ Tro trước lễ Phục Sinh 46 ngày. Tuy nhiên, vì lễ Phục Sinh không được ấn định vào một ngày cố định cho mỗi năm, do vậy, phải biết cách tính lễ Phục Sinh theo Tây lịch.

 

H. Ngày cử hành Lễ Phục Sinh hàng năm được tính toán thế nào?

T. Lễ Phục Sinh không có một ngày cử hành nhất định hàng năm như lễ Giáng Sinh với ngày 25-12. Công đồng Nicea (325) ấn định ngày lễ Phục Sinh hàng năm là Chúa Nhật thứ nhất kể từ ngày rằm đầu tiên của tiết xuân phân. Tưởng cũng nên biết rằng lễ vượt qua của Do thái là ngày 14 tháng Nissan, tức là trước ngày trăng tròn của tiết xuân phân. Và các giáo hội Đông phương cũng lấy ngày này để mừng lễ Phục Sinh.

Để có thể tính được ngày lễ Phục Sinh hàng năm của Công Giáo, cần đi theo trình tự sau:

- ngày xuân phân hàng năm là 21-3 (theo tây lịch)

- ngày trăng tròn (ngày 15 theo âm lịch) đầu tiên sau ngày 21-3 này
- Chúa Nhật thứ nhất tính từ ngày trăng tròn này, đó là Chúa Nhật Phục Sinh.

------------------------------------------------------

 

ĂN CHAY HAY SỐNG CHAY?

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Các môn đệ cùng sống với Đức Giêsu không ăn chay, khác với những môn đệ của ông Gioan hay của những người Pharisêu (Mc 2, 18-20). Nhưng chính Đức ...

Ăn chay

Người Công giáo ăn chay kiêng thịt mỗi năm hai ngày, thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh. Trước đây, luật Hội Thánh còn buộc kiêng thịt mỗi thứ sáu. Bây giờ ta được phép thay việc kiêng thịt bằng một việc hy sinh hay một việc bác ái. Do-thái giáo có một ngày ăn chay lớn, đó là Ngày lễ Kippour, Ngày lễ Xá tội (Lv 16,29-31). Nhưng người Pharisêu đạo đức có thể ăn chay vào ngày thứ ba thứ năm hàng tuần (x. Lc 18,12). Hồi giáo dành cả một tháng Ramadan để ăn chay. Họ nhịn ăn uống từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Sau khoảng thời gian ấy, họ mới dùng bữa. Có những Phật tử ăn chay trường, hoàn toàn không ăn thịt cá trong một thời gian dài. 

Các môn đệ cùng sống với Đức Giêsu không ăn chay, khác với những môn đệ của ông Gioan hay của những người Pharisêu (Mc 2, 18-20). Nhưng chính Đức Giêsu đã ăn chay 40 ngày trước khi bắt đầu sứ mạng. Hai vị ngôn sứ Mô-sê (Xh 34,28) và Elia (1 V 19,8) cũng đã ăn chay lâu như thế. Sau khi Đức Giêsu về trời, Hội Thánh sơ khai đã giữ tập tục ăn chay đi liền với cầu nguyện (Cv 13,2-3; 14,23). Thánh Phaolô cũng ăn chay khi đi rao giảng (2 Cr 6,5; 11,27). Theo sách Điđakhê 8,1, các Kitô hữu ăn chay vào thứ tư và thứ sáu hàng tuần. Ăn chay không phải để cho người ta thấy mình đạo đức (Mt 6,16). Ăn chay cũng không chỉ để tập làm chủ chính mình bằng đời sống khổ hạnh, hay để có tiền lo việc bác ái. Người Kitô hữu ăn chay còn để thanh tẩy và chuẩn bị con người mình đón ngày Chúa Quang Lâm. Như thế ăn chay nhắm đến chính mình, tha nhân và Thiên Chúa.

 

 

Sống chay

Ngôn sứ Isaia nói đến một cách ăn chay mới.

“Cách ăn chay mà ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:

Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,

Trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?

Chẳng phải là chia cơm cho người đói,

Rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;

Thấy ai mình trần thì cho áo che thân,

Không ngoảnh mặt làm ngơ trước trước người anh em cốt nhục” (Is 58,6-7).

 

Rõ ràng cách ăn chay này thấm đượm tinh thần công bằng: giải phóng những người chịu áp bức,  và tinh thần bác ái: chia cơm, chia nhà, chia áo. Như thế ăn chay không phải chỉ là chuyện bớt ăn bớt uống cho thân xác, mà còn là chuyện có một thái độ tích cực đối với những người nghèo đói, bị đàn áp bạo hành trong xã hội. Ăn chay thật sự đòi dấn thân cho tha nhân.

Khi viết thư cho tín hữu ở Côrintô, thánh Phaolô đã ví cuộc sống Kitô hữu với một cuộc chạy đua trên sân vận động. Mỗi Kitô hữu là một vận động viên trên đường chạy để đoạt giải. Như thế, chuyện kiêng cữ của vận động viên là chuyện bình thường, thời nào cũng thế.

“Anh em chẳng biết sao: trong cuộc đua trên sân vận động, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người nhận giải. Anh em hãy chạy thế nào để đoạt giải. Phàm là vận động viên, thì phải kiêng cữ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt vòng hoa mau hư nát; trái lại chúng ta nhằm điều không bao giờ hư nát" (1 Cr 9,24-25).

Kiêng cữ ở đây không chỉ là kiêng cữ trong chế độ ăn uống, mà còn trong mọi sự khác của cuộc sống riêng tư. Thánh Phaolô cho thấy ngài đã sống nghiêm túc như thế nào để mong chiếm được phần thưởng là sự sống đời sau:

“Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9,27).

Như thế, có thể nói người Công giáo không chỉ ăn chay mỗi năm hai lần, và sống Mùa Chay 40 ngày. Giữa một thế gian đầy cám dỗ, chúng ta còn phải sống chay nữa. Sống chay là sống giữa thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17,14.16), không bị chi phối bởi lối suy nghĩ, lối đánh giá thông thường của người đời (x. Mt 16,23), không bị lôi kéo bởi những thứ hào nhoáng mau qua của nó như sắc đẹp, tiền bạc, quyền lực… Sống chay là làm chủ được đôi mắt của mình trước vô số hình ảnh mà thế gian luôn cung cấp cho chúng ta:

“Kẻ nào yêu thế gian thì tình yêu của Chúa Cha không ở trong kẻ ấy,

vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt,

dục vọng của đôi mắt và thói huênh hoang vì tiền của,

những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian” (1 Ga 2,15-16).

Lời khuyên khôn ngoan sau đây có thể giúp ta sống chay:

“Hãy canh chừng ý nghĩ của bạn, vì nó sẽ thành lời.

Hãy canh chừng lời của bạn, vì nó sẽ thành hành động.

Hãy canh chừng hành động của bạn, vì nó sẽ thành thói quen.

Hãy canh chừng thói quen của bạn, vì nó sẽ thành cá tính của bạn.

Hãy canh chừng cá tính của bạn, vì nó sẽ thành định mệnh của bạn.”

Một vài gợi ý sống chay trong hoàn cảnh hiện tại

+ Không phung phí những gì Chúa ban như đồ ăn, đồ mặc, sức khỏe, thời giờ, tiện nghi…

+ Yêu thích những gì đơn sơ, không cần một điện thoại đắt tiền hay một bộ đồ hàng hiệu…

+ Thấy vẻ đẹp nơi những gì bình thường, thậm chí tầm thường. Xa tránh những vẻ đẹp giả tạo.

+ Say mê vẻ đẹp cao quý của tâm hồn hơn vẻ đẹp chóng qua của thân xác.

+ Không để mình bị cuốn hút bởi lối đánh giá của xã hội về thế nào là tốt, là đẹp, là sang.

+ Điều độ trong việc sử dụng những gì Chúa ban. Điều độ khi làm những điều được phép làm.

+ Hưởng dùng những gì Chúa ban một cách vừa phải, với lòng biết ơn. Khi đi mua sắm, luôn nhớ đến những người nghèo hơn mình.

+ Dành thời gian nghỉ ngơi cho đôi mắt, để mắt được nghỉ ngơi khỏi mọi thứ màn hình.

+ Dành thời gian nghỉ ngơi cho tai, để tai khỏi bị nghe liên tục đủ thứ âm thanh, nhờ đó tạo được sự thinh lặng cho tâm hồn.

+ Tạo cho mình những khoảng không gian và thời gian thích hợp để có thể hồi tâm, đọc sách và sống sâu lắng một mình.

+ Chỉ ăn khi đói, và ngừng ăn khi đã no.

+ Nói ít hơn, nghe nhiều hơn. Chê ít hơn, khen nhiều hơn.

+ Luôn suy nghĩ tốt về người khác. Không để những tình cảm tiêu cực như ghen ghét, tức giận, oán thù, nghi ngờ, có chỗ trong tim mình.

+ Không để nỗi buồn rầu, buông xuôi, thất vọng hay tuyệt vọng chi phối quyết định của mình.

+ Không để mình bị ám bởi những hình ảnh xấu trên mạng. Không để khoái lạc xác thịt khiến mình bị nô lệ cho tội.

+ Sẵn sàng làm một điều mình không thích, chỉ vì điều đó có lợi cho tha nhân và đem lại vinh quang Chúa.

Chắc mỗi người chúng ta đều được Chúa gợi ý về cách sống chay trong thời buổi hiện tại.

------------------------------------------------------------

 

TẠI SAO KIÊNG THỊT MÀ KHÔNG KIÊNG CÁ?

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, O.P.

Luật Giáo hội buộc tín hữu phải ăn chay kiêng thịt. Nhưng mà tại sao phải kiêng thịt? Tại sao phải kiêng thịt mà không kiêng cá, kiêng trứng hay kiêng trái cây? Ăn thịt có gì xấu không, thưa cha?

Trước hết, nên lưu ý tới việc sử dụng từ ngữ. Tiếng “ăn chay kiêng thịt” gợi lên cho chúng ta hai điều: một điều cấm (kiêng) và một điều khuyến khích. Điều cấm là kiêng thịt; điều khuyến khích là ăn chay. Chắc chị đã biết rằng ở Việt Nam có vài tôn giáo đã hiểu như vậy: ăn chay có nghĩa là ăn đồ chay, những đồ lạt, không mặn. Còn đối với Kitô giáo, ăn chay có nghĩa là kiêng ăn. Như thế, ngoài chuyện kiêng thịt lại còn thêm chuyện kiêng ăn nữa. Vì vậy nếu muốn diễn tả cho đúng tư tưởng thì thay vì nói “ăn chay kiêng thịt”, chúng ta phải nói “kiêng ăn kiêng thịt” hoặc là “chay ăn chay thịt”! Nếu đặt lại vấn đề như vậy thì câu hỏi “tại sao phải kiêng thịt” đã được giải quyết một phần rồi, nghĩa là chúng ta kiêng thịt không phải tại vì thịt nó xấu xa, cũng như chúng ta kiêng ăn không phải tại vì sự ăn uống xấu xa: sự ăn uống cần thiết cho sự sống; nếu ai tuyệt thực hoàn toàn thì sẽ sớm qua bên kia thế giới.

 

Chúng ta kiêng thịt không phải vì nó xấu; thế thì tại sao lại chỉ kiêng thịt mà không kiêng luôn cả cá nữa?

Vấn đề kiêng thịt không phải là cái gì riêng của Kitô giáo. Nó đã có một truyền thống lâu đời ở các tôn giáo trên thế giới, tuy với những lý do và động lực khác nhau. Chẳng hạn như các tín đồ Phật giáo kiêng thịt bởi vì họ tin vào thuyết luân hồi: khi giết các súc vật, biết đâu ta đã giết chính ông bà của mình bị phạt đầu thai làm kiếp súc vật. Dĩ nhiên, Kitô giáo đã đặt ra kỷ luật kiêng thịt không phải tại vì tin theo thuyết luân hồi nhưng dựa theo một động lực khác. Trong Cựu ước, ta đã thấy có những luật về kiêng thịt với những chi tiết khá phức tạp, thí dụ trong chương 11 của sách Lê vi, phân biệt những thú vật ô uế với vật tinh tuyền.

 

Tại sao lại có sự phân biệt giữa các thú vật tinh tuyền với thú vật ô uế?

Các nhà chú giải Kinh Thánh không trả lời được. Có lẽ tác giả của sách Lêvi đã lấy lại một tập tục có từ xa xưa mà không còn ai nhớ rõ gốc gác. Cho dù lý do phân loại thế nào đi chăng nữa, đến khi bước sang Tân ước, ta thấy có những cuộc cách mạng quan trọng. Chúa Giêsu đã xóa bỏ sự phân biệt giữa các vật tinh tuyền và vật ô uế. Sự tinh tuyền và ô uế nằm ở trong lòng của mình chứ thú vật chẳng có tội tình chi cả (Mc 7,15).

Tuy nhiên, xem ra các Kitô hữu tiên khởi (phần lớn gốc Do thái) không thể thay đổi não trạng nhanh chóng, thí dụ như ở chương 10 của sách Tông đồ công vụ, ta thấy thánh Phêrô còn sợ chưa dám ăn một vài thứ chim trời đã bị xếp vào hàng ô uế; lật qua chương 15 (câu 20 và 29) ta còn thấy thánh Giacôbê muốn đòi buộc các tín hữu tân tòng phải kiêng tránh vài thức ăn. Nhưng thánh Phaolô đi mạnh mẽ hơn, nhất là vì ngài để ý tới dân ngoại hơn là tới dân Do thái.

Thực vậy, thánh Phaolô chấp nhận hoàn toàn giáo lý của đức Kitô, theo đó chẳng có lương thực nào là ô uế hết. Nhưng có một vấn đề được đặt ra là có được ăn đồ cúng hay không? Trong thư gửi Rôma 14,14-16 thánh Phaolô đã phân biệt như thế này: tự nó, đồ cúng hay đồ không cúng chẳng có gì khác nhau, cho nên các tín hữu không phải kiêng cữ. Tuy nhiên, nếu có người non nớt bị vấp phạm vì việc người tín hữu ăn đồ cúng, thì mình phải tránh. Nói khác đi, mình kiêng ăn đồ cúng không phải tại vì nó là đồ ô uế nhưng mà mình phải tránh gây gương xấu cho người anh em mình; đây là một bổn phận thuộc giới răn bác ái yêu thương.

 

Như vậy, thánh Phaolô khuyến khích chúng ta cứ tha hồ ăn uống, phải không?

Thánh Phaolô không bao giờ xúi các tín hữu ăn uống say sưa; trái lại, ngài đã hơn một lần khiển trách những người lấy cái bụng làm chúa. Thánh Phaolô chỉ muốn huấn luyện lương tâm của các tín hữu, hãy tìm hiểu cái lý do của các luật lệ, chứ không phải chỉ giữ luật lệ cách máy móc. Tất cả các lương thực đều tốt bởi vì do Chúa dựng nên cho con người. Chúng ta hãy hưởng dụng để ngợi khen Ngài. Việc ăn uống có thể trở thành cơ hội để chúc tụng tạ ơn Chúa như chúng ta đọc thấy ở thư gửi Rôma 14,6. Tuy nhiên, cần có chừng mực. Hơn thế nữa, thánh Phaolô khuyến khích các tín hữu hãy tiến thêm một bước nữa, biết hy sinh cả những cái gì được phép làm: việc kiêng cữ những điều tốt nằm trong chương trình thao luyện tinh thần giống như các lực sĩ tập luyện ở thao trường (1 Cr 9,27), nhất là để hoạ theo gương của đức Kitô chịu thụ nạn trên thập giá vì yêu thương chúng ta.

 

Nhưng nếu đã muốn kiêng khem lương thực thì kiêng hết các món, chứ sao lại chỉ kiêng thịt?

Như tôi đã nói ở đầu, trong Việt ngữ, vì đã quá quen với thành ngữ “ăn chay kiêng thịt” cho nên chúng ta chỉ giới hạn sự kiêng vào chuyện ăn thịt. Vấn đề kiêng cữ bao hàm việc kiềm chế hết những gì đem lại thỏa mãn thích thú, nhằm giúp cho ý chí chế ngự được bản năng. Theo một vài sử gia, trong những thế kỷ đầu tiên, Giáo hội phải mệt với những phe khắc khổ hơn là với phe phóng túng. Phe khắc khổ đòi Giáo hội phải ra luật buộc tất cả các tín hữu phải giữ chay. Nhưng mà Giáo hội đâu có thể bắt hết mọi người phải trở thành nhà khổ tu được. Mặt khác, trong số các vị khổ tu thời đó, không thiếu những người chịu ảnh hưởng của thuyết ngộ giáo, coi xác thịt và hôn nhân là tội lỗi.

Dù sao, việc khổ chế vào những thế kỷ đầu hoàn toàn mang tính cách tự nguyện. Nếu có luật lệ thì cũng chỉ giới hạn cho từng địa phương chứ không bao trùm toàn thể Giáo hội. Việc kiêng khem tuyệt đối thường được dành cho ngày thứ 6 tuần thánh, rồi dần dần kéo dài ra các ngày thứ 6 hằng tuần. Nhưng mà dần dần kỷ luật kiêng khem tuyệt đối (chay ăn) được gia giảm bởi vì nhiều tín hữu phải làm việc lao động nặng nhọc, cần ăn uống để lấy sức. Mức độ châm chế được thay đổi tùy vùng tùy nơi. Bên Trung đông, người ta kiêng cả sữa, bơ, trứng; nhưng mà bên Tây phương, người ta chỉ đòi kiêng thịt.

Từ thời Trung cổ, sự khổ chế tự nguyện biến thành khổ chế bắt buộc, nghĩa là trở thành luật buộc. Ngoài ra việc chay tịnh cũng là một hình phạt đền tội dành cho những hối nhân. Việc soạn thảo một bản văn pháp lý đòi hỏi phải xác định tỉ mỉ các chi tiết của nghĩa vụ. Hậu quả là người ta trở lại với não trạng của các luật sĩ vào thời Chúa Giêsu, với đủ thứ vấn nạn được nêu lên: luật kiêng thịt buộc phải kiêng những thứ gì? Có phải kiêng mỡ heo, kiêng sữa bò, tiết canh hay không? Các giống động vật nào phải kiêng: máu nóng hay máu lạnh? thú vật trên bộ hay là dưới nước? Ngan, ngỗng, vịt, lươn, rùa, sò ốc nhái có phải kiêng không? Các chuyên gia về luân lý tha hồ mà nghiên cứu tranh luận về các loại thịt. Tiếc rằng người ta đã mất đi cái động lực của nó là tinh thần khổ chế lúc đầu. Vì thế có cảnh ngược đời là có người mong tới ngày thứ 6 để có dịp đi ăn ở nhà hàng thủy sản thập cẩm. Đối lại là cái cảnh chảy nước mắt của bao dân nghèo phải chi tiền nhiều hơn vào ngày thứ 6, khi mà cá mắc hơn thịt.

 

Giáo luật ngày nay vẫn giữ nguyên tình trạng như vậy chứ?

Bộ giáo luật hiện hành vẫn còn duy trì luật kiêng thịt, tuy nhiên với một tinh thần mới của Công đồng Vatican II mà Đức Phaolô VI đã muốn tiêm nhiễm với Tông Hiến Poenitemini (17/2/1966). Tinh thần đó có thể tóm lại 3 điểm sau:

- Tiên vàn là phải kiêng những gì xấu xa, tức là kiêng phạm tội; nói khác đi việc chay ăn chay thịt phải được lồng trong tinh thần thống hối cải hoán.

- Ngoài sự kiêng cái xấu, chúng ta hãy gắng tiến thêm một bước để kiêng cả cái tốt: sự kiêng cái tốt cũng nằm trong tinh thần đền tội và tu đức, để tập kiềm chế những đòi hỏi của bản năng dục vọng. Dưới khía cạnh này, lãnh vực kiêng khem rất là rộng: từ kiêng ăn uống cho tới kiêng thuốc lá, tivi, các thứ tiêu khiển giải trí, các thứ tiêu pha hoang phí.

- Bước thứ ba nữa là ngoài tính cách tiêu cực (kiêng lánh) cần thêm tính cách tích cực: nhịn ăn nhịn mặc để lấy tiền giúp đỡ người nghèo, tỏ tình tương trợ với người thiếu ăn thiếu mặc. Đó là cái động lực của việc kiêng khem. Các Hội đồng Giám mục sẽ tùy theo hoàn cảnh của mỗi địa phương mà đề ra những hình thái cụ thể trong việc áp dụng luật ăn chay kiêng thịt chiếu theo đ.1251 và 1253 của bộ giáo luật.

------------------------------------------------------------

 

TẠI SAO VIỆC ĂN CHAY LẠI ĐƯA TỚI SỰ TỰ DO?

Philip Kosloski - - aleteia.org

Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J. chuyển ngữ

Việc thực hành ăn chay có thể đưa người ta tới sự tự do và bình an thiêng liêng.

Thoạt nhìn thì việc ăn chay dường như có thể là một bài tập khó mà chẳng có ích lợi rõ ràng. Trong khi ăn chay có thể giúp giảm bớt một vài đồng bạc, nhưng tính kỷ luật kéo theo lại có thể còn quá.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có thể sống trung thành với một chế độ ăn chay (đặc biệt trong suốt mùa Chay), chúng ta nhận được những lợi ích thiêng liêng sâu xa. Thật vậy, bạn có thể trải nghiệm một sự tự do mà bạn chưa bao giờ nghĩ là có thể.

Một trong những lý do chính tại sao việc ăn chay đưa tới tự do ấy là vì chúng ta thường “lệ thuộc” vào đồ ăn, có điều chúng ta có nhận ra hay không mà thôi. Những đồ ăn nào đó có thể có sức mạnh vượt trên chúng ta và nếu không cẩn thận, cuối cùng chúng ta có thể chiều theo những thói quen ăn uống vốn gây hại cho sức khoẻ cũng như tình trạng lành mạnh trong đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Mặt khác, khi ăn chay với những đồ ăn cụ thể (đồ ngọt chẳng hạn), chúng ta làm chủ hoàn cảnh và phát triển khả năng nói “không!”. Đó là một năng lực mạnh mẽ mà việc ăn Chay có thể mở ra cho chúng ta, đưa chúng ta tới sự tự do mà chúng ta chưa hề trải nghiệm.

Cha Richard Simon đã quả quyết ở một trong số những bài trình bày của ngài dành cho chương trình Relevant Radio về nguyên lý thiêng liêng này:

Ăn chay là một cuộc rèn luyện sự tự do… Mục đích của nó là đào luyện ý chí của bạn ngõ hầu thực thi Thánh ý của Thiên Chúa. Đào luyện ý chí của bạn để vâng phục Thiên Chúa. Tự do là nhu cầu thiết yếu đối với đời sống Kitô hữu. Hầu hết mọi người nghĩ rằng, tự do là đạt được những gì họ muốn, nhưng họ không hiểu rằng họ thực sự không muốn những gì họ muốn, đó chẳng qua là những đam mê vốn đang kiểm soát họ mà thôi… Ăn chay là để chuẩn bị mình sẵn sàng thực thi Thánh ý của Thiên Chúa… Mục đích của ăn Chay là để làm cho bạn có thể nói không với chính mình và nói xin vâng với những gì mà Thiên Chúa muốn. Đó là một cuộc rèn luyện sự tự do.

Tác giả thiêng liêng Thomas Kempis đã viết tương tự về cách mà Thiên Chúa muốn chúng ta tự do để đón nhận ý muốn của Người và thực thi ý muốn ấy, đôi khi chúng ta cần từ bỏ chính mình.

Hãy để toàn bộ nỗ lực này của bạn, lời cầu nguyện này của bạn, ao ước này của bạn- tách mình ra khỏi tất cả sự ích kỷ, mà bạn có thể, với sự đơn giản là chỉ theo Đức Giêsu mà thôi, bạn có thể chết cho chính mình và sống mãi với Đức Kitô…Từ bỏ chính mình, trao đi chính mình và bạn sẽ vui hưởng nhiều niềm an bình nội tâm.

Khi nói về một cuộc ăn chay, hãy lưu ý tới lợi ích này của sự tự do và cách mà chính mình từ chối những đồ ăn nào đó có thể đưa tới một sự an bình thiêng liêng mà kéo dài. Thay vì là một người bị lệ thuộc vào quy định khô cứng, chúng ta làm chủ và trải nghiệm sự tự do đích thực vượt trên những giác quan của mình.

-----------------------------------------------

 

MÙA CHAY VÀ PHỤ NỮ ĐANG MANG THAI

Sarah Surette - aleteia.org

JM. Yến Thi, chuyển ngữ

Vài câu Kinh Thánh dưới đây sẽ giúp cho Mùa Chay của những phụ nữ đang mang thai có thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn.

Trong mùa Chay, chúng ta được mời gọi cố gắng trở nên giống Chúa Kitô hơn, luyện tập nhân đức và loại đi những điều khiến chúng ta xa dần Người. Vì sức khỏe thể chất là điều rất quan trọng khi phụ nữ mang thai, nên họ được miễn ăn chay trong mùa Chay. Nhưng vì ăn chay là một phần không thể thiếu của mùa này, nên nhiều phụ nữ cảm thấy họ không thể tham gia đầy đủ vào 40 ngày chay thánh trước lễ Phục Sinh. Mặc dầu vậy, ngay cả khi không ăn chay, cũng còn có rất nhiều cách để tận dụng tối đa khoảng thời gian này ngay cả khi bạn mang thai. Sử dụng những trích dẫn mạnh mẽ từ Kinh Thánh, chúng tôi mang đến cho bạn dưới đây 5 cách để làm điều đó:

VẤN ĐỀ LÀ ĐƯỢC BIẾT CHÍNH ĐỨC KITÔ, NHẤT LÀ BIẾT NGƯỜI QUYỀN NĂNG THẾ NÀO NHỜ ĐÃ PHỤC SINH, CÙNG ĐƯỢC THÔNG PHẦN NHỮNG ĐAU KHỔ CỦA NGƯỜI, NHỜ NÊN ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG VỚI NGƯỜI TRONG CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI, VỚI HY VỌNG CÓ NGÀY CŨNG ĐƯỢC SỐNG LẠI TỪ TRONG CÕI CHẾT (Pl 3,10-11).

Mang thai là thời điểm của vui mừng và niềm hứng khởi. Đó cũng là thời gian của cuộc chiến đấu, đỉnh điểm là nỗi đau khi sinh con, một sự sống mới được nảy sinh trong thế giới. Trải qua thời kỳ mang thai, chuyển dạ và sinh nở của người phụ nữ đã phản ánh sát sao cám dỗ Chúa Kitô phải chịu trong sa mạc, chịu đau khổ, chịu chết và rồi phục sinh. Dưới ánh sáng này, Mùa Chay là thời điểm lý tưởng để mang thai.

ANH EM HÃY TỰ KHIÊM TỰ HẠ DƯỚI BÀN TAY UY QUYỀN CỦA THIÊN CHÚA, ĐỂ NGƯỜI CẤT NHẮC ANH EM KHI ĐẾN THỜI NGƯỜI ĐÃ ĐỊNH (1 Pr 5,6).

Mọi người, dù có thai hay không, đều chiến đấu với sự kiêu ngạo của chính mình. Điều này càng rõ hơn nơi một phụ nữ đang mang thai trong mùa Chay. Cô khiêm hạ và để cho người khác giúp đỡ với lòng biết ơn. Điều này cũng tương tự với các việc khác như: làm việc bác ái trong thầm lặng, chú tâm hơn đến tha nhân, hoặc tự nhận lỗi.

TẤT CẢ NHỮNG GÌ VIẾT TRONG SÁCH THÁNH ĐỀU DO THIÊN CHÚA LINH HỨNG, VÀ CÓ ÍCH CHO VIỆC GIẢNG DẠY, BIỆN BÁC, SỬA DẠY, GIÁO DỤC ĐỂ TRỞ NÊN CÔNG CHÍNH (2 Tm 3,16).

Mùa Chay là thời gian tuyệt vời để thấu hiểu hơn về những lời dạy của Chúa Kitô. Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách, chẳng hạn như: tham dự thánh lễ hàng ngày, lần hạt Mân Côi, đọc Kinh Thánh hoặc suy niệm Lời Chúa,… Một người mẹ đang mang thai luôn mong muốn làm điều gì đó, dù lớn hay nhỏ, để đưa con mình tiến đến gần Thiên Chúa hơn.

RỒI ĐỨC GIÊSU NÓI VỚI MỌI NGƯỜI: “AI MUỐN THEO TÔI, PHẢI TỪ BỎ CHÍNH MÌNH, VÁC THẬP GIÁ MÌNH HẰNG NGÀY MÀ THEO. QUẢ VẬY, AI MUỐN CỨU MẠNG SỐNG MÌNH, THÌ SẼ MẤT; CÒN AI LIỀU MẤT MẠNG SỐNG MÌNH VÌ TÔI, THÌ SẼ CỨU ĐƯỢC MẠNG SỐNG ẤY (Lc 9,23-24).

Hy sinh hãm mình bao hàm rộng lớn hơn là sự ăn chay. Đó là sự từ khước những ham muốn thể xác để củng cố ý chí tinh thần và, khi làm như thế, chúng ta trở nên giống Chúa Kitô hơn. Ví dụ như: tránh một món ăn yêu thích, giảm bớt trà hoặc cà phê, bớt xem tivi, chỉ dùng điện thoại và máy vi tính khi thật cần thiết, chừa bớt một thói quen xấu, tập thêm một nhân đức tốt lành,… Khi làm như thế, mặc dù bạn đang có thai, bạn cũng có thể bắt chước sự đau khổ của Chúa Kitô, vác thập giá của mình và đi theo Người.

PHẢI ĐỐI XỬ TỐT VỚI NHAU, PHẢI CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ BIẾT THA THỨ CHO NHAU, NHƯ THIÊN CHÚA ĐÃ THA THỨ CHO ANH EM TRONG ĐỨC KITÔ (Ep 4,32).

Từ kinh nghiệm cá nhân cho thấy, việc trải qua thời gian thai kỳ với niềm lạc quan là điều rất khó. Vừa phải hành động một cách yêu thương, tha thứ, tử tế trong khi cơ thể mình cũng cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi và khó chịu đòi phải có một sự cố gắng rất lớn. Mặc dù Chúa Giêsu bị đánh đập, bị chế giễu và bị đóng đinh vào thập giá, nhưng Người vẫn kêu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết hại mình. Người không bao giờ ngừng yêu thương con người, bất kể hành động của chúng ta có xấu xa hay tội lỗi đến mức nào đi chăng nữa, hoặc cho dẫu chúng ta đã làm tổn thương Người quá mức đến thế nào.

* Ghi chú: bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, ấn bản 2011.

https://legiomariaevn.com/chi-tiet-tin-tuc/261/tai-sao-nguoi-cong-giao-phai-an-chay-.html

-------------------------------------------------------------------------

No comments:

Post a Comment

WORLD WORLD