Tuổi thơ Salomon
Salomon (theo tiếng Latinh; tiếng
Hebrew: שְׁלֹמֹה, Shlomoh; tiếng Hy Lạp: Σολομών Solomōn), hay Solomon, cũng
được gọi là Jedidiah (Hebrew יְדִידְיָהּ), theo Kinh Thánh 1 Vua 1-11, 1 Sử
biên niên 28-29, 2 Sử biên niên 1-9. Ông là con trai thứ hai của vua Đavít và
bà Bát Seba, góa phụ của ông Urigia bị giết chết theo lệnh của vua Đavít. Người
con đầu (đứa con của ngoại tình) đã chết trước khi Salomon ra đời.
Salomon sinh TCN tại Giêrusalem và mất
cũng tại Giêrusalem vào khoảng năm 931 TCN. Ông là nhà chính trị gia, nhà
cầm binh lỗi lạc đồng thời ông cũng là một vị quân vương xuất sắc của Vương
quốc Ítraen thống nhất. Vương quốc Ítraen của ông, lúc đó, trải dài từ ven sông
Êu-phơ-rát trên miền Bắc, vùng Lưỡng Hà, xuống đến tận vùng cực Bắc của Ai Cập,
phía Nam.
Lên ngôi
Salomon không phải là con trưởng của
vua Đavít. Ông là con thứ mười. Nhưng Đavít hứa với Bát Seba rằng Salomon sẽ kế
vị mình.
Khi Ađônigia tự tuyên bố mình là vua:
“Còn hoàng tử A-đô-ni-gia, con của bà Khác-ghít, thì tự xưng vương mà rằng:
“Ta sẽ làm vua!” Chàng sắm xe, ngựa, và kiếm được năm mươi người chạy đàng
trước mình.” (1 Vua 1:5) bà Bát Seba và tiên tri Nathan lập kế hoạch để đưa
Salomon lên ngôi báu (x. 1Vua 1, 11-27)
Tên Ađônigia có nghĩa là “Chúa của
tôi là Adonai”. Ông là người con thứ tư của Đavít (x. 2 Sam 3,4), nhưng sau
khi Amnon và Ápsalom chết, thì xem ra ông là người kế vị.
Nghe tin Ađônigia đang rình rang tiếm
quyền, Đavít truyền cho gia nhân mang cậu Salomon, lúc đó đang rất trẻ tuổi,
tới suối Ghikhôn để các tư tế phong vương cho cậu. Sau đó dưới sự xếp đặt của “tư
tế Xa-đốc, ngôn sứ Na-than, ông Bơ-na-gia-hu con ông Giơ-hô-gia-đa, cùng với
quân Cơ-rê-thi và Pơ-lê-thi đi xuống, họ để hoàng tử Sa-lô-môn cỡi con la cái
của vua Đa-vít và đưa hoàng tử xuống Ghi-khôn. Tư tế Xa-đốc lấy sừng đựng dầu
từ Nhà Lều và xức cho Sa-lô-môn. Người ta đã rúc tù và; toàn dân hô: “Vua
Sa-lô-môn muôn năm!” Toàn dân tiến lên theo sau vua. Dân chúng thổi sáo và reo
vui đến nỗi đất cũng chuyển động vì tiếng hò la của họ.” ( 1Vua 1,38-40)
Vua Salomon lên ngôi trị vì khoảng năm
970 TCN đến 931 TCN. Một triều đại huy hoàng trong lịch sử dân Ítraen, trước đó
và sau này không một triều đại nào bằng.
Sự khôn ngoan của vua Salomon
Một lần lên Ghíp-ôn tế lễ cho Đức
Chúa, trong giấc ngủ, Đức Chúa đến với vua Salomon và đề nghị ông xin Ngài một
hồng ân. Salomon trả lời: “Con chỉ là một đứa trẻ nít... Vậy xin Ngài ban
cho tôi tớ Ngài khôn ngoan hiểu biết để phân xử Dân Ngài ...”.
Lời yêu cầu đó đẹp lòng Đức Chúa. Đức
Chúa phán với cậu thanh niên Salomon : “Vì con không xin được giầu có hay
vinh quang, nhưng chỉ xin điều ích lợi cho toàn dân, vậy Ta sẽ ban cho con
không những một trí khôn linh tuệ vô tiền khoáng hậu ... mà còn cho con giầu có
và vinh quang chưa có vua chúa nào sánh bằng.” (1 Vua 3,7-13) Nhưng kèm một
điều kiện: “Và nếu ngươi bước theo các đường lối của Ta, là tuân giữ các
giới răn và mệnh lệnh của Ta, như Đa-vít thân phụ ngươi, thì Ta sẽ kéo dài ngày
đời của ngươi.” (1 Vua 3,14)
Thánh Kinh trình thuật Giấc mộng ở
Ghíp-ôn:
“Vua đi Ghíp-ôn để tế lễ vì chỗ ấy là
nơi cao quan trọng nhất; Sa-lô-môn dâng một ngàn lễ vật toàn thiêu trên bàn thờ
ấy. Tại Ghíp-ôn, đang đêm Đức Chúa hiện ra báo mộng cho vua Sa-lô-môn, Thiên
Chúa phán: “Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho.” Vua Sa-lô-môn thưa: “Chính Ngài đã
lấy lòng nhân hậu lớn lao mà xử với tôi tớ Chúa là Đa-vít thân phụ con, như
người đã bước đi trước nhan Chúa cách trung thực, công chính, với tâm hồn ngay
thẳng. Chúa đã duy trì lòng nhân hậu lớn lao ấy đối với người, khi ban cho người
có một đứa con ngồi trên ngai của người hôm nay. Và bây giờ, lạy Đức Chúa là
Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít,
thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền
trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể
xiết, cũng không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng
nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức
cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn
đã xin điều đó. Thiên Chúa phán với vua: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã
không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi
phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo
như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước
ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp. Cả điều
ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt
đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi. Và nếu ngươi bước theo các
đường lối của Ta, là tuân giữ các giới răn và mệnh lệnh của Ta, như Đa-vít thân
phụ ngươi, thì Ta sẽ kéo dài ngày đời của ngươi.” Sa-lô-môn tỉnh dậy, thì ra đó
là một giấc mộng.” (1V 3,4-15)
Sự khôn ngoan của vua Salomon được thể
hiện qua câu chuyện xử kiện sau đây:
“Bấy
giờ có hai người gái điếm vào chầu vua. Khi đứng trước mặt vua, thì một người
nói: “Ôi, thưa chúa thượng tôi, tôi và người đàn bà này cùng ở một nhà; và tôi
sinh một đứa con, trong lúc chị này cùng ở đó với tôi. Tôi sinh được ba ngày,
thì người đàn bà này cũng sinh. Chúng tôi ở chung với nhau; ngoài hai chúng tôi
ra, không có ai khác trong nhà. Đêm nọ, đứa con của chị này chết, vì chị đè lên
nó; giữa đêm chị thức dậy, và trong khi nữ tỳ của ngài vẫn ngủ, thì chị bế đứa
con của tôi đang nằm cạnh tôi, và đặt trong lòng mình, còn đứa con đã chết của
chị, chị đặt vào lòng tôi. Đến sáng khi tôi thức dậy cho con bú, thì này đứa bé
đã chết. Nhưng khi tôi nhìn kỹ nhờ ánh sáng ban ngày, thì ra nó không phải là
đứa con tôi đã sinh ra.” Người đàn bà kia trả lời: “Không phải thế, vì con tôi
còn sống, con chị mới là đứa chết.” Nhưng người này lại nói: “Không phải, con
chị mới là đứa chết, đứa sống là con tôi.” Và họ cãi nhau trước mặt vua. Bấy
giờ vua nói: “Chị này bảo: “Đứa sống này là con tôi, con chị mới là đứa chết.
Chị kia đáp lại: “Không phải thế, con chị mới là đứa chết, nhưng con tôi còn
sống.” Rồi vua ra lệnh: “Đưa cho ta chiếc gươm.” Người ta đưa tới trước mặt vua
một chiếc gươm. Và vua quyết định: “Phân đứa trẻ còn sống ra làm hai, và cho
mỗi người một nửa!” Bấy giờ người mẹ của đứa trẻ còn sống, động lòng thương con
mình, liền thưa với vua: “Ôi! thưa chúa thượng tôi, xin ngài cho chị ấy đứa trẻ
còn sống; còn giết chết nó, thì xin đừng!”Người kia nói: “Chẳng phải con tôi,
cũng chẳng phải con chị, cứ chia ra!” Bấy giờ vua lên tiếng nói: “Trao đứa trẻ
còn sống cho người nói trước, và đừng giết nó, chính nàng mới là mẹ nó.” Toàn
thể Ít-ra-en nghe biết vụ án vua đã xử, đều kính sợ vua, vì thấy rằng Thiên
Chúa đã phú bẩm cho vua một sự khôn ngoan lạ lùng để người xét xử.” (1V 3,16-28)
Sự khôn ngoan của vua Salomon cũng
được Đức Giêsu nhắc tới khi những người kinh sư và Pharisêu đòi dấu lạ: “Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương
Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận
cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua
Sa-lô-môn nữa.” (Mt 12,42) Truyền thống Do thái rất thán phục trí tuệ sắc sảo, các phán đoán độc đáo
và sự khôn ngoan của vua Salomon, cho nên người ta tin rằng phần lớn sách Châm
Ngôn, Giảng Viên, Khôn Ngoan và Diễm Ca là của vua Salomon.
Vài câu trích dẫn từ sách Châm Ngôn
để cùng chiêm nghiệm và rút ra những bài học khôn ngoan trong từng lời khuyên
cho cuộc sống.
“Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của tri
thức.
Kẻ ngu si khinh thường khôn ngoan và
lời nghiêm huấn.” (Cn 1,7)
“Đừng tự coi mình là khôn ngoan, hãy
kính sợ Đức Chúa và tránh xa sự dữ.” (Cn 3,7)
“Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của khôn
ngoan;
biết Đấng Chí Thánh mới là hiểu biết
thật.” (Cn 9,10)
“Nếu con khôn thì chính con được
hưởng,
còn con ngoan cố thì gánh chịu một
mình.” (Cn 9,12)
“Kẻ biếng nhác phải chịu cảnh nghèo hèn,
người siêng năng được giàu sang phú quý.” (Cn 10,4)
“Kiêu hãnh đi liền với ô nhục,
khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường.” (Cn 11,2)
“Người tìm kiếm điều thiện thì gặp được
ân phúc,
kẻ chạy theo điều ác, điều ác đến bên mình.” (Cn 11,27)
“Coi khinh lời nghiêm huấn ắt phải nghèo phải
nhục,
tuân giữ lời sửa dạy hẳn sẽ được hiển vinh.” (Cn 13,18)
“Người chẳng có chi thì khoe mình giàu
có,
kẻ nhiều của cải lại làm bộ túng nghèo.” (Cn 13,7)
“Tự mãn tự kiêu chỉ gây ra cãi cọ,
nghe lời khuyên nhủ thì sẽ được khôn ngoan.” (Cn 13,10)
“Tìm được vợ hiền là tìm thấy hạnh phúc,
và nhận được ơn Đức Chúa ban cho.” (Cn 18,22)
“Hãy lắng nghe lời khuyên, đón nhận lời
nghiêm huấn,
để sau này bạn được nên khôn.” (Cn 19,20)
“Thương xót kẻ khó nghèo là cho Đức Chúa vay
mượn,
Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm.” (Cn 19,17)
“Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng
tốt,
vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương.” (Cn 22,1)
“Thà nghèo mà ăn ở vẹn toàn
còn hơn giàu mà sống quanh co.” (Cn 28,6)
“Ai bố thí cho người nghèo
sẽ chẳng hề túng thiếu.
Còn ai cứ nhắm mắt làm ngơ
sẽ phải chịu bao lời nguyền rủa.” (Cn 28,27)
Xây dựng Đền Thờ Giêrusalem
Vua Salomon xây dựng rất nhiều công
trình như xây hoàng cung với nhiều dinh thự nguy nga tráng lệ (1V 7,1-8), xây
Cung cấm ở Milô, xây cung điện cho các cung tần mỹ nữ. Sách Các Vua quyển thứ
nhất ghi lại vua có 700 bà vợ, hơn 300 phi tần (1Vua 11,3). Công trình xây dựng
Đền Thờ Giêrusalem là công trình huy hoàng nhất mà vua Salomon đã xây dựng kính
Đức Chúa, Đền Thờ mà vua Đavít đã ao ước mà không xây dựng được.
Thánh Kinh cho biết, vua Đavít đã rước
Hòm Bia đựng Thập Điều lên ngọn đồi Môrigia, là đồi Giêrusalem. Nhưng vì vua là
dân chinh chiến, tay đã nhuốm máu quân thù, nên Thiên Chúa không cho phép ông
xây Đền Thờ. Ông đã trối công trình này lại cho con ông.
Tiên tri Nathan gọi Salomon dưới tên
Jedidiah, có nghĩa là “được YHWH yêu thương”. Còn ở sách Sử Biên Niên,
cuốn Một, chương 22 , câu 8-9: “Nhưng có lời Đức Chúa phán với cha rằng:
“Ngươi đã đổ máu quá nhiều và đã nhiều phen giao chiến, nên sẽ không được xây
nhà kính danh Ta. Trước mặt Ta, ngươi quả đã làm cho đất thấm đầy những máu.
Này, đứa con ngươi đã sinh ra đó, nó sẽ là người của bình an, và Ta sẽ cho nó
được bình an tư bề, không bị thù địch quấy nhiễu. Vì thế nó mới mang tên là
Sa-lô-môn. Suốt cuộc đời nó, Ta sẽ ban cho Ít-ra-en được an cư lạc nghiệp.”
hàm ý rằng YHWH tỏ cho Đavít biết tên của con mình sẽ là Salomon, nghĩa là “hoà
bình”. Hai điều này dường như ngụ ý cho thấy triều đại của Salomon sẽ là triều
đại hoà bình và thuận lợi dưới mắt Thiên Chúa.
Thánh Kinh nói rất nhiều về việc xây
dựng Đền Thờ Giêrusalem nguy nga tráng lệ. Đền Thờ bắt đầu xây dựng vào khoảng
năm 960 TCN, và hoàn thành trong vòng 7 năm. Việc xây dựng Đền Thờ Giêrusalem
được Thánh Kinh kể chi tiết tại quyển thứ nhất sách Các Vua từ chương 5 và
chương 6, nhưng Đền Thờ này chỉ tồn tại khoảng 400 năm. Năm 587 TCN, Đền thờ đã
bị vua Nabucôđônôxô phá hủy. Người ta gọi đây là Đền Thờ thứ nhất. 50 năm sau
cuộc lưu đầy, người Do thái được hồi hương dưới triều đại vua Đariô, và việc
tái thiết Đền Thờ Giêrusalem hoàn thành vào khoảng năm 515 TCN. (x. Ezra
3,8-13; Ezra 5,1-6,22) Đây là Đền Thờ thứ hai. Khoảng năm 20 TCN, vua Hêrôđê
đại đế, trùng tu lại ngôi Đền Thờ Giêrusalem, trở nên huy hoàng và tráng lệ cho
tới thời Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu nhìn Đền Thờ và khóc: “Khi Đức Giê-su
từ trong Đền Thờ đi ra, thì các môn đệ của Người lại gần chỉ cho Người xem công
trình kiến trúc Đền Thờ. Nhưng Người nói: “Anh em nhìn thấy tất cả những cái
đó, phải không? Thầy bảo thật anh em: tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên
tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ.” (Mt 24,2-2) Ngôi Đền Thờ Giêrusalem,
một lần nữa lại bị phá hủy hoàn toàn như lời Chúa Giêsu nói vào năm 70 SCN bởi
quân đội La mã.
Hậu cung Salomon
Cuộc đời vua Salomon có thể được chia
làm hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất, khi còn trẻ, vua là một người đạo đức và
khôn ngoan, biết kính sợ Ðức Chúa và thờ kính Người. Nhờ vậy, ông đã được thành
công trọn vẹn. Dưới vương triều của ông, bờ cõi được mở mang hơn hết so với các
vương triều trước và sau ông; uy tín ông lan rộng bốn phương, sự giàu có của
ông được kể là vô hạn, và hơn nữa ảnh hưởng của sự thịnh vượng đó lan đến cả
toàn Dân. Như lời Đức Chúa nói: “Và nếu ngươi bước theo các đường lối của Ta, là tuân
giữ các giới răn và mệnh lệnh của Ta, như Đa-vít thân phụ ngươi, thì Ta sẽ kéo
dài ngày đời của ngươi.”(1 Vua 3,14)
Nhưng Thánh Kinh cho chúng ta hay:
“Vua Sa-lô-môn yêu nhiều người đàn bà
ngoại bang; ngoài ái nữ của Pha-ra-ô, còn có các bà thuộc dân Mô-áp, Am-mon,
Ê-đôm, Xi-đôn, Khết, những dân mà Đức Chúa đã truyền cho con cái Ít-ra-en là
“các ngươi không được đi lại với chúng, và chúng cũng chẳng được đi lại với các
ngươi; vì chắc chắn chúng sẽ làm cho lòng các ngươi ngả theo các thần của
chúng.” Nhưng vua Sa-lô-môn thì lại mê những người đàn bà ấy; vua có bảy trăm
bà vợ chính thức và ba trăm cung phi. Và các bà ấy làm cho lòng vua ra hư hỏng.
Quả vậy, khi vua Sa-lô-môn về già, các bà vợ của vua đã làm cho lòng vua ngả
theo các thần ngoại; lòng vua không còn chung thủy với Đức Chúa Thiên Chúa của
vua, như lòng phụ vương Đa-vít nữa. Vua Sa-lô-môn đi theo nữ thần Át-tô-rét của
dân Xi-đôn, theo thần Min-côm ghê tởm của dân Am-mon. Như thế, vua Sa-lô-môn
làm điều dữ trái mắt Đức Chúa, chứ không theo Đức Chúa trọn vẹn như phụ vương
Đa-vít.” (1V 11,1-6) Và
điều này làm Đức Chúa nổi giận. Ngài tuyên bố trừng phạt ông: vương quốc sẽ bị
chia đôi và sự thịnh vượng không còn. Nhưng hình phạt này không xảy ra trong
đời vua Salomon, vì Đức Chúa nhớ tới tôi tớ Chúa là Đavít, thân phụ vua
Salomon. “Đức Chúa nổi giận
với vua Sa-lô-môn, vì lòng vua rời xa Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en, Đấng
đã hiện ra với vua hai lần, và truyền cho vua là đừng đi theo các thần ngoại,
nhưng vua không giữ điều Đức Chúa đã truyền. Đức Chúa phán với vua Sa-lô-môn: “Vì
ngươi đã như vậy và đã không giữ giao ước cũng như các giới răn Ta truyền cho
ngươi, thì chắc chắn Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ
của ngươi. Tuy nhiên, vì thân phụ ngươi, Ta sẽ không làm điều đó trong đời
ngươi, nhưng sẽ giựt vương quốc khỏi tay con của ngươi. Hơn nữa, vì nể Đa-vít
tôi tớ Ta, và vì Giê-ru-sa-lem, thành đô Ta đã chọn, Ta sẽ không giựt lấy cả
vương quốc, nhưng sẽ để lại cho con của ngươi một chi tộc.” (1Vua 11,9-13)
Chuyện những bà vợ của vua Salomon làm
tôi nhớ tới nguyên tổ Ađam. Nghe lời vợ, ông ăn trái cấm bà trao, và như vậy
không tuân giữ những điều mà Thiên Chúa đã cấm: Ngươi không được ăn trái cây
giữa vườn “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.”(St
3,3) Chính việc không tuân giữ những điều Thiên Chúa truyền dạy đã dẫn
con người vào cảnh lao đao vất vả, đau khổ và chết chóc.
Trong hành trình về Đất Hứa, trước bao
sự kiện lạ lùng được Đức Chúa thực hiện nhưng tấm lòng dân Ítraen vẫn mê muội.
Một lần, Môsê lên núi gặp gỡ Chúa hơi lâu, dân chúng không chờ đợi được. Họ đúc
con bê bằng vàng. Thờ lạy và tôn vinh là “thiên chúa” của mình. Chính vì vậy mà
Đức Chúa nổi giận và tiêu diệt những người không trung thành với Đức Chúa. (Xh
32,1…)
Thiên Chúa luôn nhắc đi nhắc lại với
dân Ítraen rằng: chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi.
Bản văn Thập Điều ghi như sau:
“Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi
đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.
Ngươi không được có thần nào
khác đối nghịch với Ta.
Ngươi không được tạc tượng, vẽ
hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước
phía dưới mặt đất, để mà thờ.
Ngươi không được phủ phục trước những
thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen
tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của
cha ông. Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn
niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. (Xh 20,2-6)
Khi một thầy thông luật hỏi Chúa Giêsu
phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Chúa Giêsu nói như sau: “Trong
Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn
ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông
trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.” (Lc 10,26-28)
Chính ma quỷ cũng đã cám dỗ Chúa
Giêsu: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”
Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải
bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà
thôi.” (Mt 4,9-10)
Con người ngày nay nhìn mọi sự việc
một cách tương đối, ngay cả trong việc thờ phượng Thiên Chúa cũng tương đối.
Giữ luật Chúa một cách tương đối, miễn sao có lợi cho mình. Giữ Luật Chúa theo
những điều mình ưa thích. Vì vậy, có nhiều người tội lỗi ‘ẩn thân’ trong thân
phận cao quý và quyền thế. Một Ađam, con Thiên Chúa, không tỉnh táo trước những
lời ngon ngọt đã quay lưng lại với những giới luật của Thiên Chúa, đưa con
người vào vòng tội lụy. Một Salomon khôn ngoan và quyền quý, nhưng không tịnh
tâm trước những yêu cầu của các bà vợ, mà còn chiều theo ý họ, quay lưng lại
với Thiên Chúa và nhận một kết cục thảm sầu.
Ngày nay, khi con người đề cao cái tôi
của mình, một mẫu ‘thiên chúa’ của người thời đại, như lời con rắn xưa cám dỗ
bà Evà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn
trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều
thiện điều ác.” (St 3,4-5), họ đang đánh mất Thiên Chúa chân thật của mình
và những giáo huấn của Người. Chắc chắn một kết cục sẽ không khác gì Ađam đưa
loài người vào vòng tội lỗi, hay như Salomon, dẫu vinh hoa phú quý tột cùng,
cũng bị loại khỏi thánh nhan Đức Chúa.
Còn tôi, với Thiên Chúa, tôi có thái
độ nào?
Còn bạn thì sao?!?
Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội
lỗi.(Lc 10,14)
------------------------------------------------
Nguyễn Thái Hùng
21.3.2023
+++++++
Tham khảo
http://ngonsu.quetroi.net/KHANG/NDKSolomon03.html
https://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/KINHTHAN/CuaCaiTrongKT/CuaCai11.htm
https://vi.wikipedia.org/wiki/Salomon