Ngày 16 tháng 07, lịch phụng vụ kính nhớ Đức Mẹ núi Carmêlô. Tước hiệu này gắn liền với Dòng Carmêlô, với những vị thánh nổi tiếng như thánh Têrêxa Avila. Têrêxa Lisieux. Cả hai vị thuộc về Dòng Carmêlô đi-chân-không. Tại sao lại có chuyện Dòng tu không mang giày?
Trước khi trả lời câu hỏi vừa nêu, thiết tưởng nên nhớ là không ai biết chính xác Dòng Carmêlô đã được thành lập từ thuở nào. Vào khoảng cuối thế kỷ XI, vài giáo dân từ Âu châu sang Thánh địa (vì lý do hành hương hay vì lý do chinh chiến đi theo đoàn Thập tự quân) đã tình nguyện ở lại Palestina. Họ đi ẩn tu trên núi Carmêlô, một địa điểm đã được nhắc tới trong Kinh Thánh, trong cuộc đời của ngôn sứ Êlia (sách 1 Các Vua, chương 18, câu 20-45). Cảm hứng từ tấm gương phục vụ Thiên Chúa của ngôn sứ Êlia, họ muốn tận hiến cuộc đời cho Chúa, dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Maria, mà họ đã dựng lên một ngôi nhà nguyện để tôn kính Người. Vào năm 1209, Đức Cha Albertô, Giám mục Giêrusalem đã thảo cho họ một bản quy luật. Có thể nói được rằng đây là gốc tích pháp lý của Dòng Carmêlô.
Vì lý do thời cuộc, vào khoảng năm 1230, các ẩn sĩ núi Carmêlô bị bó buộc phải rời Thánh địa và dời qua châu Âu. Tại đây, họ du nhập hình thức đời sống tu trì của các Dòng hành khất, dung hoà nếp sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Từ thế kỷ XV, trong nội bộ của Dòng đã nảy ra một phong trào cải cách về kỷ luật, đồng thời với việc trở lại với nếp sống ẩn tu của thuở ban đầu. Chính trong bối cảnh ấy mà vào thế kỷ XVI, Thánh Têrêxa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá thúc đẩy cuộc cải tổ, đưa tới việc tách rời Dòng Carmêlô thành ra hai nhánh: nhánh Cổ Truyền và nhánh Cải Tổ cũng gọi là Dòng Carmêlô đi chân không
Nếu muốn cải tổ Dòng tu, thì thiếu gì chuyện phải làm, tại sao chỉ nghĩ tới chuyện đi chân không với đi giày?
Trên đây chỉ là đôi lời giáo đầu, để nhắc lại rằng Dòng Carmêlô đã xuất hiện từ thế kỷ XII. Thánh Têrêxa Avila không phải là vị sáng lập Dòng này, mà chỉ là người góp phần vào công cuộc cải tổ mà thôi. Thánh Têrêxa Lisieux cũng thuộc ngành này.
Dĩ nhiên, khi nói tới công cuộc cải tổ Dòng tu, người ta chú trọng tới nhiều yếu tố kỷ luật. Xét cách đại cương, các Dòng cải cách muốn trở về nếp sống khắc khổ nhiệm nhặt hơn. Vì thế, người ta quen gọi các Dòng cải tổ là Dòng “nhiệm nhặt” (hay còn gọi là ngặt phép, Stricta Observantia), đối lại với Dòng rộng phép (Communis Observantia), tựa như trường hợp của Dòng Trappist và Dòng Xitô. Dòng Trappist là Dòng Xitô nhiệm nhặt. Sự nhiệm nhặt bao hàm việc chay tịnh, khổ chế cũng như nếp sống khó nghèo kể cả trong cách kiến trúc tu viện.
Còn chuyện đi chân không hay đi giày dép có ảnh hưởng gì đến nếp sống khổ chế?
Chuyện đi chân không có một lịch sử khá lâu dài và không chỉ liên quan tới nếp sống khổ chế. Tiên vàn nó có một ý nghĩa tôn giáo, bày tỏ thái độ cung kính của con người trước “Đấng Uy Linh”. Khi ông Môsê thấy Đức Chúa hiện ra trên núi Hôreb dưới hình dáng của một bụi gai lửa, ông tiến đến gần để quan sát, và ông đã nghe tiếng phán: “Môsê, cởi dép ra, vì nơi người đang đứng là nơi thánh!” (Xh 3,5). Từ đó, ta hiểu được tại sao có nhiều tôn giáo đòi hỏi các thiện nam tín nữ phải đi chân không khi bước vào đền thánh. Chắc hẳn không phải vì lý do giữ gìn vệ sinh khỏi mang bùn đất vào đền, nhưng vì muốn tỏ lòng tôn kính. Tục này cũng được duy trì tại các dinh vua chúa trước đây: các thần dân phải bỏ guốc dép khi đi hầu vua quan.
Như vậy Dòng đi chân không muốn biểu lộ tâm tình tôn giáo sâu đậm hơn, có đúng thế không?
Không phải thế.Các tín đồ Kitô giáo không buộc phải bỏ guốc dép khi đi vào nhà thờ. Các tu sĩ của các Dòng nhiệm nhặt tuy chủ trương đi chân không, nhưng lại xỏ dép khi cử hành phụng vụ. Việc đi chân không của họ mang một ý nghĩa khác.
Các đan sĩ đầu tiên của Kitô giáo đã lấy nguồn hứng từ những đoạn văn của Tin mừng. Khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo, Ngài nói với họ: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép” (Lc 10,4; 22,35). Đừng mang giày dép có nghĩa đi chân không chứ gì? Nó là dấu hiệu của sự siêu thoát, khó nghèo. Các đan sĩ đầu tiên không những chỉ muốn đem ra thực hành những huấn thị của Chúa Giêsu đã ra cho những ai muốn đi theo Ngài, nhưng họ còn muốn phản ứng lại tập tục xa hoa thời đó. Đối với họ, việc từ bỏ giày dép có nghĩa là khước từ tiện nghi của nếp sống văn minh. Họ muốn trở về với nếp sống đạm bạc, sát với thiên nhiên.
Tiếc rằng sức con người có hạn! Khi đi tắm biển mùa hè mà đi chân không thì anh chị thấy thoải mái; nhưng mà giữa mùa đông giá rét mà đi chân không, thì nếu không bị tê liệt ít là cũng sẽ bị cảm lạnh như chơi. Vì thế không lạ gì mà tu luật của Thánh Basiliô châm chế cho phép các đan sĩ được mang giày, guốc, theo như phong tục của dân quê trong vùng. Các đan sĩ chỉ cần phải tránh những thứ giày dép đắt tiền, thuộc loại xa xỉ mà thôi. Tu luật Thánh Benedictô lại còn nói rõ hơn. Trong cách ăn mặc, các đan sĩ phải thích nghi với điều kiện thủy thổ địa phương; vấn đề giày dép cũng vậy. Điều đáng ghi nhận là nếu trong các tôn giáo khác và thậm chí trong các truyền thống đan tu cổ truyền, người ta cởi giày dép khi cầu nguyện (noi theo gương của ông Môsê), thì Thánh Benedictô lại chủ trương xỏ giày trong các buổi cử hành phụng vụ để tăng thêm vẻ long trọng tôn nghiêm.
Như thế, tuy với một mục tiêu như nhau là bày tỏ lòng tôn kính với Thiên Chúa, nhưng có nơi chủ trương lột giày và có nơi chủ trương xỏ giày. Điều này không có gì là lạ. Khi đi vào nhà thờ, chúng ta cất mũ để tỏ lòng cung kính; còn bên đạo Do Thái, thì phải trùm lên đầu một cái nón nhỏ, cũng vì muốn tỏ lòng cung kính.
Như vậy từ Thánh Benedictô trở đi, các đan sĩ đi giày dép. Có phải các phong trào cải tổ muốn trở lại với nguồn gốc khó nghèo nguyên thủy của đời tu cho nên chủ trương đi chân không, không mang giày dép?
Đại khái là như vậy, nhưng khi đi vào chi tiết thì câu chuyện phức tạp hơn nhiều. Nên biết là Thánh Benedictô sống vào thế kỷ VI. Ảnh hưởng của Người đối với phong trào tu trì bên Âu châu rất lớn, ít là trong vấn đề giày dép. Trong suốt thời Trung cổ, tuy có nhiều phong trào cải tổ đời đan tu, nhưng mà không ai nghĩ đến chuyện giày dép; vàcũng đừng quên là tại Âu châu, khí hậu rất lạnh vào mùa Đông, vì thế người nào đi chân không giữa trời băng tuyết thì không chứng tỏ tinh thần khổ hạnh cho bằng thần kinh thiếu thăng bằng. Thánh Phanxicô Assisi là một luật trừ trong tiến trình đó. Thánh Phanxicô và nhiều nhóm nghèo của thời đại đã muốn trở về với bản văn của soạn giả Tin Mừng Luca về phương pháp rao truyền Tin mừng: không mang túi tiền, bao bị, giày dép. Tuy nhiên luật của Thánh Phanxicô cũng như của Thánh Clara đã dự liệu nhiều chước chuẩn cho những anh em chị em nào đau yếu: họ được phép đi giày, xỏ vớ và đắp mền.
Khi phong trào cải tổ Dòng tu phát sinh vào thế kỷ XV, Dòng Phanxicô đã muốn trở về với gương của Thánh Tổ Phụ. Việc đi chân không được coi như biểu hiệu của tinh thần khó nghèo. Tuy nhiên, người ta không áp dụng luật này chặt chẽ. Có nơi không bắt đi chân không tuyệt đối, nhưng mà chỉ giới hạn vào thời gian ở trong tu viện và khi làm đồng; còn lúc vào nhà thờ hay đi ra phố thì được xỏ giày. Có nơi chủ trương loại bỏ giày nhưng mà được đi dép hay đi sandal. Trong vấn đề giày dép, Dòng Carmêlô cải tổ đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của Dòng Phanxicô. Lúc đầu, ngành nam đã áp dụng kỷ luật rất nghiêm khắc, nghĩa là đi chân không. Nhưng mà vì nhận thấy có những phản ứng bất lợi về phía dư luận và cũng vì lý do sức khỏe, cho nên Thánh Têrêxa Avila đã áp dụng những biện pháp quân bình hơn cho các nữ tu. Các chị được phép mang sandal làm bằng sợi gai; vớ làm bằng xơ–lanh. Như vậy không có chuyện đi chân không, nhưng mà các nữ tu được đi dép, tuy vẫn biểu lộ được tinh thần khó nghèo qua chất liệu thô sơ của nó, cũng như tinh thần hãm mình bởi vì không che ấm đủ khi trời lạnh. Nhưng Dòng Nam Carmêlô cải tổ thì loại bỏ luôn cả vớ, và chỉ còn đi sandal.
Dĩ nhiên là công cuộc cải tổ còn bao hàm những lãnh vực khác nữa chứ không phải chỉ nguyên chuyện giày dép. Như vừa nói, ngành cải tổ của Dòng Carmêlô không loại bỏ tuyệt đối giày dép và đi chân không, nhưng họ muốn áp dụng một hình thức giày dép vừa biểu lộ tinh thần khó nghèo vừa biểu lộ tinh thần hãm mình. Có lẽ nếu muốn dịch cho đúng thì phải nói là “không đi giày” (discalceati) thay vì “đi chân không”. Không đi giày có thể là đi sandal hay đi dép chứ không hẳn là đi chân không. Do ảnh hưởng của Thánh Têrêxa Avila, nhiều Dòng tu cải tổ bên Tây Ban Nha cũng mang tên là “không đi giày”, chẳng hạn như Dòng Chúa Ba Ngôi (Trinitarii), Dòng Đức Bà Chuộc Kẻ Làm Tôi (Mercedarii).
Ngày nay, những sự khác biệt giữa các ngành “nhiệm nhặt” hay “rộng phép” đã mất đi thời gian tính. Từ khi các Dòng tu được lan tràn sang các lục địa khác, với những hoàn cảnh thủy thổ và văn hóa khác nhau, người ta mới nhận thấy cần phải phân biệt đâu là tinh thần và đâu là hình thức. Ở Âu châu vào thời băng tuyết, thì đi chân không quả là một sự hãm mình; tuy rằng sự hãm mình này có thể mang lại những hậu quả tai hại cho sức khỏe. Nhưng ở miền Nam Việt Nam, biết bao nhiêu nông dân đã đi chân không khi cày ruộng: đó là chuyện thường tình của họ chứ không phải là hình thức hãm mình nhiệm nhặt gì cả. Đối lại, chúng ta thấy các tín đồ của các tôn giáo khác đã để giày, guốc, dép khi bước vào đình chùa. Có lẽ đây là một ý nghĩa khác đáng suy nghĩ: chân không vừa biểu lộ tâm tình cung kính vừa biểu lộ tâm tình nghèo nàn của con người khi ra trước nhan Chúa.Chúng ta chỉ có hai bàn tay trắng, và hai bàn chân nhẹ nhõm, không bám víu gì với quyền hành chức tước.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
No comments:
Post a Comment