ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG KHÔN NGOAN
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
WHĐ (02.8.2022) – Trong tiếng Do-thái, חָכְמָה (hokmah/ wisdom) có nghĩa là khôn ngoan. Từ tương đương với חָכְמָה của tiếng Do-thái trong tiếng Hy-lạp là σοφία (sophía/ sapientia/ wisdom). Đối với dân Do-thái, ba nhóm người sau đây được xem là khôn ngoan đặc biệt: (1) các tư tế, (2) các hiền nhân và (3) các ngôn sứ. Theo nghĩa khái quát, khôn ngoan được hiểu như là phẩm chất kiến thức, kinh nghiệm hay khả năng phán đoán, phân định, quyết định liên quan đến mọi công việc của con người trong đời sống hằng ngày. Khôn ngoan của một người được diễn tả qua sự hiểu biết chính mình, người khác hay sự vật, hiện tượng, biến cố hầu có thể thiết lập các tương quan cách phù hợp nhất. Hơn nữa, khôn ngoan không chỉ thuộc về cá nhân mà còn thuộc về các hình thức tập thể, chẳng hạn như sự khôn ngoan của dân Do-thái hay của người Ai-cập, Hy-lạp, Rô-ma. Đặc biệt, những tư tưởng, lời nói, hành động khôn ngoan của cá nhân được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở nên gia sản chung của mọi người.
Đối với Ki-tô Giáo, theo thánh Tô-ma A-qui-nô, khôn ngoan được diễn tả nơi khả năng của lý trí cũng như nơi sự kết hợp giữa lý trí và đức tin. Chẳng hạn, theo ngài, lý trí lành mạnh giúp con người nhận biết Thiên Chúa là nguyên lý và cùng đích của vạn vật. Với lý trí và đức tin, con người có thể cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa đối với bản thân cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Tình yêu đó được diễn tả trong công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa của Thiên Chúa. Thánh Tô-ma cho rằng sự hoàn thiện cao cả nhất của lý trí con người là chiêm ngưỡng chân lý Thiên Chúa; các hình thức chân lý khác giúp kiện toàn lý trí hướng về chân lý Thiên Chúa (ST 2a2ae, 180. 4. 4). Hơn nữa, theo thánh nhân, khôn ngoan chính là món quà của Chúa Thánh Thần cho con người. Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, con người có được sự khôn ngoan cần thiết để phân định các thực tại, biết chiêm ngưỡng Thiên Chúa và thực thi thánh ý Người trong hành trình trần thế này.
Kinh Thánh Ki-tô Giáo có nhiều hình thức văn chương, trong đó, văn chương khôn ngoan (the sapiential literature) phát triển mạnh khoảng từ năm 400 trước Công Nguyên đến năm 100 sau Công Nguyên. Hình thức văn chương này đề cập nhiều lĩnh vực trong đời sống con người cũng như tương quan giữa con người với Thiên Chúa và vạn vật. Người khôn ngoan biết duy trì trật tự và hòa hợp với thế giới khả giác cũng như thế giới linh thiêng, với những thực thể chóng qua cũng như những thực thể bền vững, với những gì thuộc về thế gian cũng như những gì thuộc về Thiên Chúa. Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận 46 cuốn sách thánh Cựu Ước, trong đó 7 cuốn được gọi là ‘các sách khôn ngoan’ hay ‘các sách giáo huấn’, bao gồm: Gióp, Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Giảng Viên, Diễm Ca, Khôn Ngoan, Huấn Ca. Tuy nhiên, một số học giả Kinh Thánh cho rằng sách Thánh Vịnh và Diễm Ca thuộc loại thi phú hơn là khôn ngoan, đồng thời, sách Ba-rúc có thể được xếp vào loại các sách khôn ngoan. Về mặt tư tưởng, các sách khôn ngoan có 4 điểm nổi bật: (1) phổ quát, (2) lạc quan, (3) quy nhân, (4) trừu tượng. Những chủ đề thần học căn bản của các sách này là: Quy hướng về Thiên Chúa, sáng tạo, luân lý, lề luật. Trong khi đó các chủ đề như lời hứa, tuyển chọn, giao ước, xuất hành, lịch sử, các vua hay vai trò của Mô-sê lại ít được quan tâm hơn.
Chúng ta biết rằng văn chương khôn ngoan không chỉ thuộc về truyền thống Do-thái Giáo hay Ki-tô Giáo. Quả thật, văn chương khôn ngoan hiện diện nơi các truyền thống khác trước khi Do-thái Giáo và Ki-tô Giáo ra đời. Cụ thể là văn chương khôn ngoan Cựu Ước và Tân Ước chịu ảnh hưởng bởi các nền văn hóa và truyền thống quanh vùng Địa Trung Hải và Lưỡng Hà (Mesopotamia). Các tác giả Kinh Thánh đã dùng những hình ảnh, biểu tượng hay ngôn ngữ khôn ngoan của các dân tộc lân bang để tiếp cận, đúc kết và diễn tả khôn ngoan được Thiên Chúa mặc khải trong các tác phẩm của mình. Do đó, một mặt, chúng ta nhận thức rằng văn chương khôn ngoan trong Kinh Thánh hấp thụ gia sản khôn ngoan từ văn hóa và truyền thống của các dân tộc lân bang. Mặt khác, chúng ta cũng nhận thức được tính đặc thù của văn chương khôn ngoan trong Kinh Thánh. Nói cách khác, văn chương khôn ngoan trong Kinh Thánh có một lịch sử phát triển lâu dài và mang đậm tính ‘hội nhập văn hóa’ hầu diễn tả nội dung đức tin, nhất là diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với con người và muôn vật muôn loài.
Theo các tác giả thuộc trường phái văn chương khôn ngoan Cựu Ước, sự khôn ngoan của con người được hiểu như là khả năng trí tuệ được diễn tả trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội qua những lời nói, câu hỏi, châm ngôn tinh tế và mang tính xây dựng. Khôn ngoan cũng được diễn tả qua tài khéo của những người chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong mọi hoàn cảnh, khôn ngoan thuộc về Thiên Chúa và sự khôn ngoan của con người là ân huệ Thiên Chúa tặng ban. Những suy tư, tìm kiếm, học hỏi của con người để gia tăng khả năng trí tuệ hay kinh nghiệm sống cần phải đặt nền tảng trên sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Sb 22,12; Gv 2,26; Kn 9,4). Tuy nhiên, quan trọng nhất của khôn ngoan là ‘kính sợ Đức Chúa’: “Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của tri thức. Kẻ ngu si khinh thường khôn ngoan và lời nghiêm huấn” (Cn 1,7); "Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của khôn ngoan; biết Đấng Chí Thánh mới là hiểu biết thật" (Cn 9,10). Kính sợ ở đây không có nghĩa là sợ hãi, khủng khiếp, tìm cách chạy trốn sự hiện diện nhiệm mầu của Người trong đời sống mình. Kính sợ Thiên Chúa đồng nghĩa với việc tri ân, cảm tạ và tôn vinh Người. Về căn bản, người kính sợ Thiên Chúa là người biết quy hướng mọi tư tưởng, lời nói hay hành động của mình về Người bởi vì Người là Đấng toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ: “Sự viên mãn của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa” (Hc 1,16); “Đường nẻo của khôn ngoan một mình Thiên Chúa tỏ, chính Người biết nơi ở của khôn ngoan… kính sợ Chúa Thượng, đó là khôn ngoan, tránh xa điều ác, đó là trí hiểu" (G 28,23-28). Theo sách Khôn Ngoan: “Bước đầu để đạt tới Đức Khôn Ngoan là thật lòng ham muốn học hỏi. Chăm lo học hỏi là yêu mến Đức Khôn Ngoan. Mà yêu mến là tuân giữ lề luật” (Kn 6,17-18).
Trong bối cảnh Cựu Ước, khôn ngoan và lề luật liên hệ chặt chẽ với nhau, chẳng hạn, theo sách Huấn Ca: “Khôn ngoan nào cũng là kính sợ Đức Chúa, trong mọi khôn ngoan đều có việc thi hành Lề Luật” (Hc 19,20); “Lề Luật làm cho khôn ngoan dâng trào như sông Pi-sôn, như sông Tích-ra vào mùa hái quả, cho hiểu biết đầy tràn như sông Êu-phơ-rát, như sông Gio-đan vào mùa gặt; cho lời dạy bảo chan hòa như sông Nin, như suối Ghê-khôn vào mùa nho chín” (Hc 24,25-27) hay: “Hãy đưa chân cho khôn ngoan xích lại, và cúi đầu cho khôn ngoan đặt dây cương. Hãy ghé vai mang lấy, và đừng bất mãn vì bị khôn ngoan ràng buộc” (Hc 6,24-25). Khi con người tuân giữ hay trung tín với lề luật của Thiên Chúa, con người trở nên khôn ngoan trên bình diện cá nhân cũng như tập thể, chẳng hạn như trên bình diện cá nhân: “Này con, nếu thôi không nghe lời nghiêm huấn, con sẽ lạc xa những lời lẽ khôn ngoan” (Cn 19,27) hay: “Ai tuân giữ Lề Luật sẽ điều khiển được tâm tư, khôn ngoan là hết lòng kính sợ Đức Chúa” (Hc 21,11). Trên bình diện tập thể, Mô-sê nói với dân Do-thái: “Anh em phải giữ và đem ra thực hành [thánh chỉ và quyết định của Đức Chúa], vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!” (Đnl 4,6). Sách Ba-rúc cũng cho chúng ta biết rằng Đức Khôn Ngoan được diễn tả nơi huấn giới của Thiên Chúa trong Sách Luật, Luật vĩnh cửu và đem lại sự sống (Br 4,1). Đặc biệt, ai làm bạn với Đức Khôn Ngoan thì được hưởng sự sống muôn đời (Kn 8,17).
Khi nói về các nhân vật khôn ngoan trong Cựu Ước, người ta thường nhắc Sa-lô-môn. Sách Các Vua trình thuật rằng, một hôm, trong giấc mộng, Đức Chúa hứa với vua sẽ ban điều vua mong ước. Sa-lô-môn đã không xin cho được sống lâu, được vinh quang, giàu sang, phú quý hay kẻ thù phải chết mà xin cho được ơn khôn ngoan để có thể hướng dẫn, phân định và xét xử dân Do-thái (1 V 3,4-9). Ý muốn của vua đẹp lòng Đức Chúa, Người nói: “Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3,12). Hơn nữa, Đức Chúa còn nói với vua: “Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: Giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi. Và nếu ngươi bước theo các đường lối của Ta, là tuân giữ các giới răn và mệnh lệnh của Ta, như Đa-vít thân phụ ngươi, thì Ta sẽ kéo dài ngày đời của ngươi” (1 V 3,13-14). Sách Các Vua còn cho chúng ta biết rằng Sa-lô-môn khôn ngoan hơn tất cả những người khôn ngoan ở Phương Đông và Ai-cập (1 V 5,9-10). Tuy nhiên, vua đã không sử dụng khôn ngoan được Đức Chúa phú ban cách xứng hợp. Càng ngày, vua càng xa rời Đức Chúa, theo các thần ngoại và qua đời trong cảnh đất nước trên đường bạo loạn, chia rẽ (1 V 11,26-43).
Sách Huấn Ca giúp chúng ta nhận thức về nguồn gốc và sự huyền diệu của khôn ngoan: “Khôn ngoan đã được tác thành trước vạn vật, sự hiểu biết anh minh đã có tự muôn đời” (Hc 1,4); “Đức Khôn Ngoan tự biểu dương và hãnh diện ở giữa dân mình… Ta phát xuất từ miệng Đấng Tối Cao và như mây mù, Ta bao phủ cõi đất” (Hc 24,1-3). Tương tự như vậy, tác giả sách Khôn Ngoan viết: “Chúa dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật, dùng sự khôn ngoan Chúa mà cấu tạo con người, để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên” (Kn 9,1-2) hay: “Đức Khôn Ngoan ở kề bên Chúa, biết những việc Chúa làm, hiện diện khi Ngài tạo thành vũ trụ, biết rõ những gì đẹp mắt Chúa và phù hợp với huấn lệnh của Ngài” (Kn 9,9). Nhìn chung, theo các trình thuật của Cựu Ước, nhất là sách Châm Ngôn và sách Khôn Ngoan, sự khôn ngoan của Thiên Chúa có trước con người cũng như muôn vật muôn loài. Chính Thiên Chúa dùng sự khôn ngoan của Người mà dựng nên muôn vật muôn loài, khôn ngoan như ‘tay thợ cả’ hay ‘tay thợ đã làm nên tất cả’ (Cn 8,30; Kn 8,6). Do đó, muôn vật muôn loài được in dấu sự khôn ngoan của Thiên Chúa và phản ánh sự khôn ngoan của Người (Rm 1,19-20).
Nhiều đặc tính và hành động của khôn ngoan (khôn ngoan ‘là/ being’ và khôn ngoan ‘làm/ doing’) trong Cựu Ước đáng được chúng ta quan tâm, chẳng hạn như khôn ngoan là vĩnh cửu, tiền hữu, siêu việt, nhiệm mầu, toàn năng, vô tận, bất biến, đa dạng, rực rỡ, sáng láng, hợp nhất, cư ngụ, sống động, trổi vượt, sáng tạo, nhanh nhạy, đổi mới, hiểu biết, cộng tác, gìn giữ, thúc đẩy, chỉ dẫn, dạy dỗ, lành thánh (G 28,1-28; Cn 3,3-15; Cn 3,17-18; Cn 8,4-6; Cn 8,22; Cn 8,27-29; Hc 1,9-10.26; Hc 24,7.12.19-22, Kn 6,18; Kn 1,7; Kn 7,14; Kn 8,4, Kn 9,9; Br 3,9–4,4). Đặc biệt, khôn ngoan được nhân cách hóa hay ngôi vị hóa (personification), nghĩa là khôn ngoan không chỉ là một đặc tính của Thiên Chúa, không chỉ là khôn ngoan (viết thường) mà còn là Khôn Ngoan hay Đức Khôn Ngoan (viết hoa). Chẳng hạn: “Trên đỉnh cao bên đường phố, tại các giao lộ, Đức Khôn Ngoan đứng đó; bên cổng dẫn vào thành, nơi lối đi tới cửa thành, Đức Khôn Ngoan kêu to: Phàm nhân hỡi, ta mời gọi các ngươi đó, ta ngỏ lời với các ngươi, hỡi con cái loài người” (Cn 8,2-4); “Đức Khôn Ngoan tỏa ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngần từ vinh hiển Đấng Toàn Năng, nên không thể vương một tì ố” (Kn 7,25); “Đức Khôn Ngoan phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương trong phản ánh hoạt động của Thiên Chúa, là hình ảnh lòng nhân hậu của Người” (Kn 7,26). Theo mặc khải Thiên Chúa từ Cựu Ước tới Tân Ước, chúng ta có thể nhận thức rằng khôn ngoan là thuộc tính của Ba Ngôi Thiên Chúa. Đặc biệt, khôn ngoan gắn liền với căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su. Nhờ Người hướng dẫn, con người mới có thể hiểu biết Thiên Chúa, hiểu biết chính mình, hiểu biết thế giới thụ tạo và các tương quan trong đó cách rõ ràng hơn.
Đối với văn hóa Do-thái, ‘lời’ (דָּבָר/ dabar/ word) có nghĩa sâu rộng hơn ‘lời’ (λoγος/ logos/ word) trong văn hóa Hy-lạp hay các nền văn hóa khác trên thế giới bởi vì ‘lời’ trong văn hóa Do-thái gắn liền với sự vật, hiện tượng, hành động hay biến cố. Quả thật, một lời Chúa phán thì có sự vật, tạo nên các hiện tượng, biến cố tiếp diễn trong trật tự và hòa hợp (St 1,1-2,4a). Theo tác giả Thánh Vịnh 33: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). Lời quyền năng của Thiên Chúa trong Cựu Ước hướng tới và được tỏ bày cách trọn hảo nơi Ngôi Lời của Tân Ước. Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su là Lời Nhập Thể của Thiên Chúa: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Sách Huấn Ca và sách Ba-rúc của Cựu Ước cũng cho chúng ta nhận thức tương tự về khôn ngoan: “Hãy cắm lều ở Gia-cóp, hãy hưởng phần sản nghiệp ở Ít-ra-en” (Hc 24,8); “Đức Khôn Ngoan xuất hiện trên mặt đất và đã sống giữa loài người” (Br 3,38). Như vậy, theo mặc khải Ki-tô Giáo, Đức Giê-su vừa là Lời của Thiên Chúa vừa là Khôn Ngoan của Người. Thánh A-tha-na-xi-ô khẳng định rằng Đức Giê-su là Khôn Ngoan của Thiên Chúa, được sinh ra từ trước muôn đời. Đồng thời, Người cũng là Lời duy nhất của Thiên Chúa. Theo thánh nhân, Chúa Cha là Đấng vĩnh cửu, do đó, Lời và Khôn Ngoan của Người cũng là vĩnh cửu (Discourse 1, Against the Arians, Chapter 3,9). Những gì thánh Gio-an trình bày về Đức Giê-su là Lời của Thiên Chúa cũng cho phép chúng ta trình bày tương tự đối với Khôn Ngoan của Người. Chẳng hạn, trong thư thứ nhất, thánh Gio-an trình bày về sự gần gũi của Ngôi Lời Thiên Chúa đối với con người (1 Ga 1,1). Chúng ta cũng có thể diễn tả Khôn Ngoan của Thiên Chúa như vậy, nghĩa là: Khôn Ngoan của Thiên Chúa ‘được sinh ra từ trước muôn đời’ hay ‘được sinh ra mà không phải được tạo thành’ và với biến cố Nhập Thể, con người đã nghe, đã thấy, đã chiêm ngưỡng, đã chạm đến Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Nói cách khác, với biến cố Nhập Thể, sự khôn ngoan của Thiên Chúa không còn là thực thể hay điều gì đó trừu tượng nhưng đã hiện diện ‘bằng xương bằng thịt’ giữa gia đình nhân loại.
Để chuẩn bị cho Đức Giê-su, Khôn Ngoan của Thiên Chúa, xuất hiện giữa lòng nhân loại, Thiên Chúa đã tuyển chọn thánh Gio-an Tẩy Giả, vị ngôn sứ được Đức Giê-su giới thiệu rằng: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả” (Mt 11,11). Lời sứ thần truyền tin cho Da-ca-ri-a có đoạn về Gio-an Tẩy Giả như sau: “Ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1,15-17). Sau này, khi thi hành sứ mệnh, Đức Giê-su và Gio-an Tẩy Giả diễn tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa, tuy nhiên, nhiều người đã không nhận ra điều đó. Đối với họ, khôn ngoan phải theo tiêu chuẩn truyền thống, tiêu chuẩn mà họ nghĩ là đúng với ý định của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Đức Giê-su minh chứng rằng họ đã lầm lẫn khi không nhận ra Người cũng như Gio-an Tẩy Giả. Đức Giê-su nói: “Ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: Ông ta bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Nhưng Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” (Mt 11,18-19). Những lời này của Đức Giê-su thúc giục chúng ta tìm hiểu Kinh Thánh để có được nhận thức rõ hơn về Đức Khôn Ngoan mà Người đề cập.
Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Lu-ca cho chúng ta biết rằng, thời thơ ấu, khi Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se đem Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Thiên Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông Si-mê-ôn đã gặp Đức Giê-su và nói tiên tri về Người (Lc 2,22-35). Nữ ngôn sứ đạo hạnh tên là An-na đêm ngày ăn chay cầu nguyện trong Đền Thờ cũng nói tiên tri về đứa trẻ (Lc 2,36-38). Sau đó, mọi người trong gia đình Đức Giê-su trở về Na-da-rét: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). Thánh Lu-ca cũng trình thuật rằng hằng năm, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se trẩy hội lên Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Khi Đức Giê-su được mười hai tuổi, mọi người trong gia đình cùng tới đó. Xong việc, Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se lên đường trở về mà không biết rằng Đức Giê-su đang ở lại Giê-ru-sa-lem. Các ngài quay lại và sau ba ngày tìm kiếm, các ngài thấy Đức Giê-su trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa lắng nghe vừa đặt câu hỏi cho họ. Mọi người thán phục về sự khôn ngoan và thông minh của Người (Lc 2,43-47). Thánh Lu-ca trình thuật rằng: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,51-52). Điều này có nghĩa rằng Đức Giê-su là con người thật vì đã thông dự trọn vẹn bản tính nhân loại.
Trong hành trình trần thế sự hiện diện của Đức Giê-su là Khôn Ngoan của Thiên Chúa luôn gắn liền với sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa. Sách ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta biết rằng: “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11,1-2). Chúng ta cũng đọc được những điều tương tự nói về Đức Giê-su trong sách Khôn Ngoan, chẳng hạn: “Nơi Đức Khôn Ngoan, có một thần khí tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ, minh mẫn và tinh tuyền, trong sáng và thản nhiên, lanh lợi và chuộng điều lành, bất khuất, từ bi và nhân ái, cương quyết, vững vàng và điềm tĩnh, làm được mọi sự và quan tâm đến mọi điều, thấu suốt mọi tâm can, kể cả tâm can của những người trong sạch, thông minh, tinh tế nhất” (Kn 7,22-23) hay: “Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh?” (Kn 9,17). Như vậy, chúng ta có thể xác tín rằng Đức Giê-su là Khôn Ngoan của Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần là Thần Khí Khôn Ngoan của Thiên Chúa. Nhờ Đức Giê-su và trong Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi càng ngày càng được sáng tỏ. Đặc biệt, những giáo huấn của Đức Giê-su kiện toàn lề luật và lời các ngôn sứ trong Cựu Ước (Mt 5,17).
Chính Đức Giê-su đã tóm lược, khai triển và trình bày cách thức áp dụng hầu giúp mọi người hiểu biết hơn về sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong bài giảng Tám Mối Phúc (Mt 5,1 - 7,29). Tuy nhiên, thật trớ trêu, đây là sự khôn ngoan mà nhiều người thuộc dân tộc Do-thái cũng như các dân khác trong gia đình nhân loại xem ra ‘không quen tai lắm’, chẳng hạn như những người nghèo khó, sầu khổ, bị bách hại là những người được chúc phúc. Đức Giê-su cũng dạy rằng ai vả má bên phải của mình thì giơ cả má bên trái cho họ vả nữa; hay yêu kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ thù (Mt 5,39; Mt 5,44). Với Đức Giê-su, người khôn ngoan là người đem lại bình an, hòa thuận cho anh chị em mình chứ không phải là người gây hiểu nhầm, lập bè phái hay ẩn danh hoặc nặc danh làm hại người khác (Mt 12,33-37). Sự khôn ngoan mà Đức Giê-su diễn tả trong Tám Mối Phúc có thể làm cho một số người thất vọng. Tuy nhiên, đây là sự khôn ngoan đích thực mà Đức Giê-su muốn mọi người thực thi để mưu cầu hạnh phúc đích thực cho mình và anh chị em đồng loại hôm nay và mãi tới muôn đời.
Khi những người Pha-ri-sêu xin Đức Giê-su thực hiện một dấu lạ, Người đã nhắc lại dấu lạ ngôn sứ Giô-na: Ông đã ở trong bụng cá ba đêm ngày. Qua đó, Đức Giê-su cho họ biết chính Người cũng ở trong lòng đất như vậy hầu thông dự vào sự chết của con người và đem lại sự sống vĩnh cửu cho những ai gắn kết và trung tín thực thi giáo huấn của Người trong cuộc sống mình. Sau đó, Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu: “Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa” (Mt 12,42). Dân Do-thái (nhất là các kinh sư và những người Pha-ri-sêu quen với truyền thống trong đó Sa-lô-môn được xem là người khôn ngoan nhất gia đình nhân loại) rất ngạc nhiên về những lời của Đức Giê-su. Khi gợi lại hình ảnh Sa-lô-môn, Đức Giê-su cho những người Pha-ri-sêu biết rằng họ đang theo lối mòn của Sa-lô-môn. Đức Giê-su ‘nhắc nhở’ họ rằng Sa-lô-môn đã không sử dụng sự khôn ngoan Thiên Chúa ban tặng cách xứng hợp. Còn Người đã diễn tả khôn ngoan Thiên Chúa cách tuyệt hảo bằng cả lời nói và hành động.
Đức Giê-su đã dùng nhiều dụ ngôn để giúp mọi người hiểu hơn về khôn ngoan của Thiên Chúa. Chẳng hạn, dụ ngôn người mục tử có một trăm con chiên nhưng mất một con, người ấy đã bỏ chín mươi chín con còn lại trên đồng hoang để tìm cho bằng được con chiên bị mất. Khi tìm được, người ấy vác chiên lên vai. Về tới nhà, người ấy mời bạn bè đến chia vui với mình (Lc 15,4-7). Tương tự như vậy, người phụ nữ có mười đồng quan nhưng mất một đồng, bà đốt đèn, quét nhà tìm cho bằng được. Khi tìm được đồng quan, bà mời bạn bè đến chia vui (Lc 15,8-10). Người chăn chiên thật mạo hiểm khi bỏ lại chín mươi chín con để đi tìm một con. Khi tìm được lại còn mời bạn bè chung vui. Người phụ nữ mất đồng quan cũng làm tương tự. Xét về mặt kinh tế, người mục tử cũng như người phụ nữ ‘bị lỗ nặng’ bởi vì mở tiệc đãi khách tốn kém hơn giá trị của con chiên hay đồng quan. Tuy nhiên, Đức Giê-su cho mọi người thấy rằng đối với Thiên Chúa, không phải mọi thứ đều ‘quy ra thóc’ hay nhìn nhận dưới lăng kính kinh tế hoặc tiêu chuẩn trần thế nào đó. Với Đức Giê-su, khôn ngoan của Thiên Chúa được diễn tả nơi tình yêu và lòng thương xót vô điều kiện của Người đối với mọi người, nhất là những người tội lỗi hay ‘thấp cổ bé họng’ dưới nhãn quan của khôn ngoan trần thế.
Trong lịch sử nhân loại, không ai có nhiều danh hiệu hay hình ảnh như Đức Giê-su. Kinh Thánh gợi cho chúng ta hơn 200 danh hiệu hay hình ảnh của Người. Một trong những danh hiệu đáng để chúng ta quan tâm: Đức Giê-su là Thầy Dạy khôn ngoan (Wisdom Teacher). Không chỉ dân thường mà thôi, các bậc vị vọng đạo đời đương thời đều nhận ra Đức Giê-su là Thầy Dạy khôn ngoan. Thánh Mác-cô trình thuật rằng ngay trong buổi đầu loan báo Tin Mừng tại Ca-phác-na-um: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22). Thánh Gio-an Tông Đồ cũng trình thuật: “Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? Các vệ binh trả lời: Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7,45-46). Quả thật, lời giảng dạy của Đức Giê-su đã đi vào tâm can và biến đổi mọi người, ngoại trừ những người bám víu truyền thống cố hữu hay nệ luật, không muốn biến đổi. Lời giảng dạy của Người không chỉ đụng chạm đến các vấn đề tôn giáo mà còn các vấn đề khác trong xã hội loài người. Đức Giê-su nói chuyện với những người lãnh đạo Do-thái, với những người đại diện hoàng đế Rô-ma, với các tầng lớp dân chúng khác nhau trong hành trình loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Mát-thêu, thánh nhân trình thuật việc Đức Giê-su nói về sự cứng lòng của dân chúng ở các thành ven Biển Hồ Ga-li-lê như Kho-ra-din, Bết-xai-đa, Ca-phác-na-um (Mt 11,20-24). Đức Giê-su cho họ biết rằng nếu dân các thành lân bang như Tia, Xy-đôn, Xơ-đôm được chứng kiến những phép lạ Người thực hiện như ở Kho-ra-din, Bết-xai-đa và Ca-phác-na-um thì dân ở các thành đó đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng ăn năn sám hối. Những người Do-thái cho rằng họ là ‘dân khôn’, còn những người ở các thành lân bang là ‘dân ngoại’, là ‘dân dại’. Đức Giê-su đã đảo lộn trật tự để cho những người Do-thái biết rằng khôn hay dại không lệ thuộc vào bất cứ tiêu chuẩn nào mà con người thiết đặt nhưng dựa vào tâm hồn luôn rộng mở đón nhận các dấu chỉ của Thiên Chúa, đọc được ý nghĩa của các dấu chỉ đó và thực thi thánh ý của Thiên Chúa qua các dấu chỉ đó cách trung tín nhất. Thánh Mát-thêu tiếp tục trình thuật lời của Đức Giê-su thân thưa cùng Chúa Cha: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,25-26). Quả thật, khôn ngoan thông thái của ‘dân được chọn’ hay của ‘các đấng bậc’ trong xã hội Do-thái lạc nhịp với khôn ngoan của Thiên Chúa mà Đức Giê-su giảng dạy và minh chứng bằng hành động.
Khi dẫn một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đến trước Đức Giê-su, các kinh sư và những người Pha-ri-sêu hỏi Người: “Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8,5). Họ hỏi Đức Giê-su như vậy nhằm tìm cách tố cáo Người. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã không hành xử theo bất cứ cách thức nào mà các kinh sư và người Pha-ri-sêu dự tính. Người đã dùng ‘lời khôn ngoan’ của Thiên Chúa hầu giúp những người có ý xấu phải tự vấn lương tâm mình khi kết tội người khác. Đức Giê-su nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Thánh Gio-an cho chúng ta biết rằng những người lên án người phụ nữ và gài bẫy Đức Giê-su bỏ đi hết, bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất. Họ là những người ‘khôn ngoan nhất’, ‘nhiều kinh nghiệm nhất’ và có lẽ cũng là những người ‘tội lỗi nhiều nhất’. Quả thật, sự khôn ngoan của họ là sự khôn ngoan dưới đất, sự khôn ngoan trần thế, sự khôn ngoan dẫn xuất từ ác thần. Qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng ưu tiên của luật Đức Giê-su là yêu thương, tha thứ, biến đổi, đem lại sự sống chứ không phải là thù hằn, trừng phạt, cố chấp, dẫn đến sự chết.
Đức Giê-su còn diễn tả sự khôn ngoan của Người qua những câu hỏi khiến những ai cứng lòng hay chất vấn Người cảm nhận được những giới hạn hay yếu thế của mình. Chẳng hạn, khi các thượng tế chất vấn về quyền bính của Đức Giê-su, Người hỏi họ: “Phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21,25); trong tương quan giữa Đấng Ki-tô và vua Đa-vít, Đức Giê-su hỏi những người Pha-ri-sêu: “Nếu vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì làm sao Đấng Ki-tô lại là con vua ấy được? Không ai đáp lại Người được một tiếng. Và từ ngày ấy, chẳng ai còn dám chất vấn Người nữa” (Mt 22,45-46); khi các kinh sư và người Pha-ri-sêu lẫn lộn tôn ti trật tự các giá trị liên quan đến việc phụng thờ, Đức Giê-su nói với họ: “Vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? Các người còn nói: Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc. Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề” (Mt 23,17-21). Một số câu hỏi gợi ý khác của Đức Giê-su làm cho mọi người trong gia đình nhân loại luôn suy gẫm, chẳng hạn như khi những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa bệnh trong ngày sa-bát không, Người hỏi họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” (Mc 3,4) hay: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 16,26).
Với thánh Phao-lô, khôn ngoan của mặc khải Kinh Thánh là khôn ngoan quy Ki-tô (Christocentric wisdom). Khi so sánh nhãn quan cố hữu của những người Do-thái cũng như Hy-lạp về biến cố Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá, trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô khẳng định rằng Đức Giê-su là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (Θεού δύναμις και Θεού σοφία, 1 Cr 1,24). Tiếp tục diễn tả khôn ngoan của Thiên Chúa qua biến cố này, thánh nhân bộc lộ tâm tình sâu đậm của ngài với họ: “Khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá” (1 Cr 2,1-2). Đối với thánh nhân: “Sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng” (1 Cr 3,19). Các giáo phụ như Giút-ti-nô (100-165), Ô-ri-gen (185-253), A-tha-na-xi-ô (298-373) tiếp tục khẳng định và khai triển tư tưởng này của thánh Phao-lô. Đặc biệt, theo thánh Au-gút-ti-nô (354-430): “Chính Thiên Chúa là sự khôn ngoan cao cả nhất; phụng thờ Thiên Chúa là sự khôn ngoan của con người” (On the Trinity, Book XIV, 1, 1). Cùng với thánh Phao-lô và A-tha-na-xi-ô, thánh Au-gút-ti-nô nhấn mạnh rằng Đức Giê-su là Con Một Thiên Chúa và là Khôn Ngoan của Người (On the Trinity, Book XIV, 1, 1). Cũng theo thánh nhân, sự khôn ngoan đích thực của con người đặt nền tảng trên sự khôn ngoan của Thiên Chúa (On the Trinity, Book XIV, 12, 15).
Những người Hy-lạp ở Cô-rin-tô cho rằng họ thuộc dòng dõi các triết gia lỗi lạc, hậu duệ của các bậc tiền nhân khôn ngoan và thông minh xuất chúng. Do đó, mọi sự cần được nhìn nhận, lượng định, đánh giá qua lăng kính của họ. Đối với họ, Đức Giê-su chịu đóng đinh thập giá không thể so sánh với các vị thần hay thực thể thuộc thế giới linh tượng mà họ luôn hướng tới. Còn đối với những người Do-thái, Đức Giê-su cần phải thực hiện nhiều điềm thiêng dấu lạ cả thể nữa mới có thể minh chứng rằng Người từ Thiên Chúa mà đến. Dĩ nhiên, theo họ, những dấu lạ này phải diễn tả quyền năng bách chiến bách thắng trước mọi quân thù mà cha ông họ đã từng chứng kiến, chẳng hạn như biến cố Thiên Chúa giải phóng tổ tiên họ khỏi ách nô lệ Ai-cập. Nói cách khác, Đức Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá là ô nhục đối với dân Do-thái và điên rồ đối với dân Hy-lạp bởi vì biến cố này nằm ngoài truyền thống minh triết của người Hy-lạp hay não trạng thiên dấu lạ của người Do-thái. Đó là lý do tại sao thánh Phao-lô nhắc nhở các tín hữu Cô-rin-tô rằng: “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật” (1 Cr 3,18).
Tương tự như các tác giả văn chương khôn ngoan Cựu Ước, thánh Phao-lô nhấn mạnh sự khôn ngoan kỳ diệu của Thiên Chúa so với tâm thức hạn hẹp của con người: “Chúng tôi giảng dạy lẽ khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa đã được giữ bí mật, lẽ khôn ngoan mà Thiên Chúa đã tiền định từ trước muôn đời, cho chúng ta được vinh hiển” (1 Cr 2,7) hay: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau?” (Rm 11,33-35). Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô diễn tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa được Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô, đón nhận, sống và loan báo: “Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (Ep 3,9-10). Là người thấm nhuần truyền thống Cựu Ước, thánh Phao-lô cho chúng ta nhận thức rằng nơi Đức Giê-su, sự khôn ngoan của Thiên Chúa trong lịch sử mặc khải được kiện toàn. Chúng ta biết rằng trong 13 thư của thánh nhân, thư gửi tín hữu Rô-ma được xem là sâu sắc nhất. Câu cuối cùng của thư này là: “Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. A-men” (Rm 16,27).
Trong bộ Tân Ước, thư thánh Gia-cô-bê gần với văn chương khôn ngoan Cựu Ước. Ngay trong những câu đầu tiên, thánh nhân đã đề cập chủ đề khôn ngoan. Ngài viết: “Nếu ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách” (Gc 1,5). Lời khuyên dạy của thánh nhân mang âm hưởng của sách Khôn Ngoan trong Cựu Ước: “Đức Khôn Ngoan, tôi không thể có được, nếu Thiên Chúa chẳng ban cho tôi, - biết được ơn này do ai ban tặng, thì cũng đã khôn ngoan phần nào rồi” (Kn 8,21). Với thánh Gia-cô-bê, trong gia đình nhân loại, không ai có thể tự mình tạo nên sự khôn ngoan đích thực, sự khôn ngoan có thể dẫn đưa con người đến nguồn hạnh phúc viên mãn. Đặc biệt, thánh nhân đề cập hai hình thức khôn ngoan, khôn ngoan giả và khôn ngoan thật. Dấu chỉ của khôn ngoan giả là ghen tương, tranh chấp, gây xáo trộn, tự cao, dối trá, giả hình, thiên vị (Gc 3,16). Còn dấu chỉ của khôn ngoan thật là thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, từ bi, chân thật, công chính, bình an (Gc 3,17). Khôn ngoan giả là khôn ngoan trần thế, khôn ngoan xác thịt, khôn ngoan khởi xướng bởi ác thần, khôn ngoan dẫn con người đến sự chết muôn đời, khôn ngoan đã được đề cập đến trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Khốn thay những kẻ coi mình là khôn ngoan, và cho mình là thông minh” (Is 5,21). Trong khi đó, khôn ngoan thật là khôn ngoan thượng giới, khôn ngoan khởi xuất từ Thần Khí Thiên Chúa, khôn ngoan dẫn con người đến sự sống vĩnh cửu. Thánh Gia-cô-bê viết: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Theo tư tưởng của thánh nhân, chúng ta có thể nói tương tự như thế về khôn ngoan. Nghĩa là, khôn ngoan của con người cần được chứng minh bằng hành động, bằng lối sống, bằng sự hy sinh, quên mình theo gương Đức Giê-su, Khôn Ngoan của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại.
Trong Giáo Hội sơ khai, các môn đệ Đức Giê-su đã chọn bảy người đầy tiếng tốt, đầy Thần Khí và đầy khôn ngoan để cộng tác với các ngài trong việc loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người (Cv 6,3). Thánh Tê-pha-nô là người điển hình nhất của nhóm được chọn. Trong diễn từ trước vị thượng tế và dân chúng, thánh nhân đã điểm lại lịch sử dân Do-thái kể từ Áp-ra-ham, nhất là nhân vật Giu-se, con trai Gia-cóp: “Thiên Chúa cứu ông khỏi mọi bước ngặt nghèo, cho ông được cảm tình của Pha-ra-ô, vua Ai-cập, và được khôn ngoan trước mặt nhà vua, khiến nhà vua đặt ông làm tể tướng cai quản nước Ai-cập và toàn thể hoàng cung” (Cv 7,10). Chính nhờ sự khôn ngoan được Thiên Chúa ban tặng, Giu-se đã hòa giải với anh em mình và trở thành người cứu giúp cả dân tộc Do-thái. Hơn nữa, sự khôn ngoan của Giu-se đã tham dự vào chương trình Thiên Chúa cứu độ nhân loại bởi vì Đức Giê-su, Con Thiên Chúa xuống thế làm Người, là con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham (Mt 1,1). Như vậy, mặc khải Ki-tô Giáo về sự khôn ngoan và những suy tư của các thánh nhân trong lịch sử về chủ đề này cho phép chúng ta khái quát rằng sự khôn ngoan của con người là giới hạn, phiến diện, thiếu sức sống, còn sự khôn ngoan của Thiên Chúa là vô hạn, viên mãn và luôn sống động.
Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an cũng như các thư của ngài diễn tả Đức Giê-su là Ngôi Lời của Thiên Chúa với các phẩm tính và sứ mệnh của Đức Khôn Ngoan. Hơn nữa, theo thánh Gio-an, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cho các môn đệ biết rằng Người là Đường (Ga 14,6). Căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su cho chúng ta nhận ra Đường của Người là Đường Khôn Ngoan. Bởi vì, nhờ Người, nhân loại hiểu biết hơn về sự khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa; nhờ Người, nhân loại có thể phân biệt được đâu là khôn ngoan của Thiên Chúa và đâu là khôn ngoan của con người hay ác thần. Đặc biệt, nhờ Người, nhân loại cảm nhận được tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa. Hành trình trần thế của Đức Giê-su giúp chúng ta rút ra bài học rằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa chỉ đến với những ai biết mở rộng tâm trí, đặt niềm tin tưởng vào quyền năng của Người đối với bản thân mình cũng như mọi người trong gia đình nhân loại. Đức Giê-su cũng cho chúng ta biết rằng tri thức và kinh nghiệm thuần túy của con người khó có thể tiếp cận sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Do đó, con người cần biết hạ mình, trút bỏ chính mình theo khuôn mẫu Đức Giê-su để có thể đón nhận, sống và diễn tả sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Dưới nhãn quan Kinh Thánh, con người được Thiên Chúa sáng tạo, được Thiên Chúa phú bẩm sự khôn ngoan để có thể làm lành, lánh dữ hầu luôn sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Tuy nhiên, con người đã vô ơn, đã kiêu ngạo, đã phạm tội. Hậu quả là sự khôn ngoan của con người bị méo mó, biến dạng so với hình thức vốn có ban đầu khi được Thiên Chúa sáng tạo. Do đó, với sự khôn ngoan bị thương tổn của mình, con người khó có thể thực thi thánh ý Thiên Chúa cách phù hợp. Đặc biệt, với sự khôn ngoan bị thương tổn của mình, con người không thể tự giải thoát khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết. Đó là lý do tại sao Đức Giê-su đã đi Đường Khôn Ngoan của Thiên Chúa để đến cùng nhân loại hầu khôi phục phẩm giá và sự khôn ngoan của con người theo chương trình của Thiên Chúa. Như vậy, với sự trợ giúp của Đức Giê-su, Đường Khôn Ngoan của Thiên Chúa, sự khôn ngoan của con người dần được biến đổi và trở nên khí cụ giúp con người vượt qua muôn vàn chướng ngại trong hành trình trần thế.
Qua dòng lịch sử, nhiều người chủ trương khôn ngoan của con người là vô hạn. Họ hy vọng rằng, trong tương lai, con người có thể hiểu biết, phân định, đánh giá và đưa ra những câu trả lời thỏa đáng cho mọi vấn đề liên quan đến bản thân cũng như muôn vật muôn loài. Điều này có nghĩa là không có gì mà khôn ngoan của con người không thể vươn tới. Tuy nhiên, mặc khải Ki-tô Giáo cũng như kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết khôn ngoan của con người đầy khiếm khuyết, lắm bất toàn, nhiều giới hạn. Con người không bao giờ hiểu biết mình ‘như mình là’ hay hiểu biết muôn vật muôn loài ‘như chúng là’. Thánh Phao-lô viết: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán” (1 Cr 2,14). Chỉ có khôn ngoan của Thiên Chúa được diễn tả nơi Đức Giê-su, Đường Khôn Ngoan, mới nâng cấp, giải phóng và trợ giúp khôn ngoan của con người cách xứng hợp. Như vậy, khi con người càng biết tham chiếu Đường Khôn Ngoan của Đức Giê-su bao nhiêu thì con người càng được gần gũi và gắn bó với Thiên Chúa bấy nhiêu.
Như đề cập ở trên, sự khôn ngoan mà con người cần đến không chỉ là sự khôn ngoan tự nhiên mà còn là sự khôn ngoan siêu nhiên, sự khôn ngoan được ban tặng, sự khôn ngoan hay là ơn khôn ngoan, ơn đầu tiên trong ‘Bảy Ơn Cả của Chúa Thánh Thần’. Ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần cho phép con người dõi bước theo Đường Đức Giê-su trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình. Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày… chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1 Cr 12,7-11). Nhờ ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, con người mới có thể ở lại, lắng nghe, tin tưởng và hiệp thông với Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời. Nhờ ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, con người mới có khả năng đón nhận, lĩnh hội và sống theo lời của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô minh định điều này khi viết: “Chúng tôi không dùng những lời lẽ đã học được nơi trí khôn ngoan của loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí; chúng tôi dùng những lời lẽ Thần Khí linh hứng để diễn tả thực tại thuộc về Thần Khí” (1 Cr 2,13).
Như đề cập ở trên, theo mặc khải Ki-tô Giáo, khôn ngoan đích thực là khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa. Người đón nhận khôn ngoan của Thiên Chúa cần biết chiêm ngắm Đức Giê-su, nhất là cách thức Người diễn tả khôn ngoan bằng hành động, bằng lối sống, bằng lời rao giảng. Người khôn ngoan đích thực biết cho đi hơn là lãnh nhận; biết hy sinh hơn là thụ hưởng; biết lắng nghe hơn là giảng dạy; biết thinh lặng hơn là ồn ào; biết xây dựng bình an hơn là gây chia rẽ; biết hướng về người khác hơn là hướng về chính mình; biết cam chịu hơn là phàn nàn; biết dùng thời gian để cảm tạ hơn là than trách số phận; biết nhìn bức tranh lớn của gia đình nhân loại hơn là bức tranh nhỏ của bản thân mình; biết chấp nhận bầm dập hơn là tìm kiếm sự an toàn giả tạo; biết hướng về trời cao hơn là chăm chú nhìn đất thấp; biết để tâm đến kho tàng tình yêu vĩnh cửu hơn là bám víu hoa lợi trần thế chóng qua mau tàn. Tắt một lời, người khôn ngoan đích thực biết tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa và thực thi thánh ý Người cách đầy đủ nhất theo mẫu gương Đức Giê-su.
Người khôn ngoan là người biết quy hướng đời sống luân lý của mình về giáo huấn của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô ca ngợi các tín hữu Rô-ma: “Ai ai cũng biết rằng anh em vâng phục Thiên Chúa; bởi thế tôi lấy làm vui vì anh em. Nhưng tôi muốn cho anh em khôn ngoan làm điều tốt, trong sạch không làm điều xấu” (Rm 16,19). Những lời trong sách Châm Ngôn sau đây đáng để mọi người suy gẫm: “Ai bảo kẻ gian ác rằng ‘anh vô tội!’ thì sẽ bị các dân nguyền rủa, các nước cười chê. Còn ai răn đe nó, ắt sẽ được mừng vui và phúc lành sẽ đến trên người đó” (Cn 24,24-25). Nhờ sự khôn ngoan của Thiên Chúa, con người mới có thể sống công chính, thánh thiện, có tâm hồn ngay thẳng để phân biệt phải trái, biết cộng tác với Thiên Chúa và với nhau trong việc duy trì muôn vật muôn loài trong an bình, trật tự (Kn 9,1-3). Những lời của Đức Khôn Ngoan xa xưa vẫn luôn mang tính thời sự: “Bổng lộc và quà cáp làm mờ mắt bậc khôn ngoan, khiến miệng họ mắc quai, không còn dám khiển trách” (Hc 20,29); “Ai nghe lời Ta sẽ không phải thẹn thùng, ai hoạt động trong Ta sẽ không hề phạm tội” (Hc 24,22). Còn thánh Phao-lô thì khuyên dạy các tín hữu Ê-phê-xô: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối” (Ep 5,15-16). Do đó, chỉ trong Đức Giê-su là Đường Khôn Ngoan của Thiên Chúa, con người mới có thể tin tưởng, đón nhận và thực thi đời sống luân lý của mình cách tốt đẹp, lành thánh.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều người lầm tưởng rằng người khôn ngoan là người thông minh, tài giỏi với nhiều kỹ năng, kỹ xảo trổi vượt. Tuy nhiên, mỗi người cần tập cho mình thái độ dè dặt đối với khả năng trí tuệ, sự thông minh hay ‘khôn ngoan trần thế’ bởi vì nhiều khi chúng đưa đến cho bản thân cũng như anh chị em biết bao gian lao khốn khó (Gv 1,18). Thực tế cho thấy có những người thông giỏi về nhiều lĩnh vực nhưng họ không phải là người khôn ngoan. Theo mặc khải Ki-tô Giáo, người khôn ngoan đích thực là người biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối mọn hèn của mình và biết hướng lòng về Thiên Chúa. Người khôn ngoan đích thực là người ‘nhận ra ý trời’, ‘đọc được ý trời’ và ‘sống theo ý trời’. Điều này có nghĩa rằng người khôn ngoan đích thực luôn hướng tâm trí về trời cao, về sự sống đời đời, về Ánh Sáng rạng ngời, bất biến. Người khôn ngoan đích thực không cho rằng mình hiểu biết mọi sự mà là người chấp nhận những giới hạn của bản thân và cậy dựa vào ‘ơn trên’ trong mọi hoàn cảnh. Theo sách Huấn Ca: “Khôn ngoan xa cách kiêu ngạo, và vắng bóng trong tâm tưởng những người gian dối” (Hc 15,8). Đặc biệt, theo giáo huấn của Đức Giê-su, người khôn ngoan là người biết luôn tìm kiếm sự thật, tôn trọng sự thật và hành động theo sự thật cho dù phải chịu đau khổ, thiệt thòi, thậm chí phải hy sinh tính mạng (Lc 9,23-27).
Đức Giê-su là Sự Thật, là Thiên Chúa thật và con người thật. Do đó, Người vừa là sự khôn ngoan đích thực của Thiên Chúa vừa là sự khôn ngoan trọn hảo của con người. Thánh Phao-lô diễn tả rõ hơn về điều này: “Chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1 Cr 1,30-31). Theo thánh Phao-lô, Đức Giê-su vừa là Đấng Khôn Ngoan, vừa là Nguồn khôn ngoan và là Đấng làm cho mọi người được khôn ngoan hầu có thể sống xứng hợp với ơn gọi Ki-tô hữu của mình. Mọi người được mời gọi đến với Đức Giê-su là Đường Khôn Ngoan và cũng là Đức Khôn Ngoan vĩnh cửu của Thiên Chúa, bởi vì: “Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Ai mến chuộng Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan dễ dàng cho chiêm ngưỡng. Ai tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp. Ai khao khát Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan đi bước trước mà tỏ mình cho biết” (Kn 6,12-13). Như vậy, để khỏi sa vào các hình thức khôn ngoan giả tạo đang hoành hành nơi trần thế, mọi người cần dõi theo Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa trong Cựu Ước được diễn tả nơi Đức Giê-su, Đường Khôn Ngoan của Thiên Chúa trong Tân Ước.
Ai dõi theo Đức Giê-su, là Đường Khôn Ngoan của Thiên Chúa, thì được mời gọi sống theo những tiêu chuẩn và giá trị mà Đức Giê-su truyền dạy, đồng thời, nhiệt tâm loan báo Đức Giê-su cho anh chị em đồng loại bởi vì “trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2,3). Trước khi bước vào cuộc thương khó, Đức Giê-su căn dặn các môn đệ rằng Người sẽ ban ơn khôn ngoan để giúp họ làm chứng cho Người cũng như Tin Mừng của Người giữa những bấp bênh, đau khổ và khó khăn của sứ vụ: “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được” (Lc 21,12-15). Trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Đức Giê-su cho các môn đệ biết rằng Người là Bạn của họ (Ga 15,14-15). Điều này gợi lên trong chúng ta về vai trò của Đức Khôn Ngoan trong Cựu Ước: “Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người” (Kn 7,27). Như vậy, nhờ Đức Khôn Ngoan, nhờ Đức Giê-su là Đường Khôn Ngoan và là Bạn, các tín hữu trở thành bạn hữu của Thiên Chúa cũng như ngôn sứ của Người trong gia đình nhân loại.
Những trình bày trên đây cho phép chúng ta kết luận rằng giữa muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo, con người được Thiên Chúa phú ban sự khôn ngoan để nhận ra và thực thi thánh ý Người. Tuy nhiên, con người đã không sử dụng sự khôn ngoan của mình cách xứng hợp. Chính vì thế, Thiên Chúa đã gửi Đức Giê-su là Khôn Ngoan của Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại để ‘nhờ Đức Giê-su, với Đức Giê-su và trong Đức Giê-su’, sự khôn ngoan của con người được khôi phục, biến đổi và trở nên khí cụ giúp con người tin tưởng và thực thi thánh ý Thiên Chúa hầu được hưởng ơn cứu độ. Giáo huấn Đức Giê-su cho phép chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan, Nguồn Gốc khôn ngoan và chia sẻ khôn ngoan của Người cho nhân loại. Chương trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa diễn tả sự khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa, sự khôn ngoan vượt trên các hình thức cảm nhận, phân định và hiểu biết của con người. Hành trình trần thế của Đức Giê-su cũng là hành trình diễn tả sự khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ai theo Đức Giê-su, Đường Khôn Ngoan của Thiên Chúa cách trung tín và xứng hợp thì phân biệt được khôn ngoan thật và khôn ngoan giả, khôn ngoan Thiên Chúa và khôn ngoan thế gian, khôn ngoan thượng xuất từ tình yêu Thiên Chúa và khôn ngoan hạ khởi từ bóng tối của ác thần, khôn ngoan đem lại sự sống vĩnh cửu và khôn ngoan dẫn tới sự chết muôn đời. Ước gì mọi người trong gia đình nhân loại biết luôn gắn bó và đồng hành với Đức Giê-su là Đường Khôn Ngoan của Thiên Chúa trong hành trình trần thế này, hầu đạt tới bến bờ hạnh phúc muôn đời.
----------------------------
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên
Nguồn:https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-gie-su-ki-to-duong-khon-ngoan-46323
No comments:
Post a Comment