Friday, September 8, 2023

Tìm hiểu Các THIÊN THẦN trong LINH ẢNH MẸ HẰNG CỨU GIÚP

     Các Thiên Thần có một vai trò quan trọng trong truyền thống Kinh Thánh. Thiên Thần, tiếng Hy Lạp là Angelos, tiếng Latin là Angelus, là một hữu thể thiêng liêng do Thiên Chúa dựng nên để làm sứ giả (đặc sứ) của Người. Trong tư cách là sứ giả, các Thiên Thần đại diện cho Thiên Chúa và ý nghĩa này nhấn mạnh khoảng cách hiện hữu giữa Thiên Chúa và con người về bản chất của các ngài. Mặt khác, khi các sứ giả loan báo ý định cứu độ của Thiên Chúa, các ngài làm cho Người gần gũi con người hơn và làm chứng cho sự thật là Người thực sự quan tâm đến đời sống con người.
 

     Trong Cựu Ước, các Thiên Thần canh giữ ‘triều đình’ của Thiên Chúa và ‘đạo binh’ của Người, nhưng hầu như họ được xem là đấng bảo vệ con người do ý Chúa. Các Thiên Thần loan báo và thực hiện thánh ý của Thiên Chúa, như một số nơi trong Kinh Thánh mô tả. Trong Tân Ước, những hoạt động của các Thiên Thần tập trung chủ yếu vào Đức Kitô và sứ mạng cứu độ mà các Thiên Thần loan báo. Các ngài cũng có nhiệm vụ bảo vệ cho con người, khi các ngài gìn giữ và giúp con người hoàn thành sứ mạng cứu độ mà Đức Kitô giao phó. Trong sách Khải Huyền, các ngài tham dự cách tích cực vào Phụng Vụ Thiên Quốc là thờ lạy và suy tôn Con Chiên.
 
     Trong ảnh i-côn, các Thiên Thần là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa, chẳng hạn trong những tranh i-côn các ngài thờ lạy Chúa Kitô. Truyền thống tranh i-côn cũng trình bày ca đoàn các Thiên Thần và các đẳng trật khác nhau như: các Tổng Lãnh Thiên Thần, thường mặc áo trắng; Luyến Thần (Sêraphim) mặc áo đỏ, Minh Thần (Kêrubim) mặc áo xanh và màu áo vàng của các Thiên Thần ám chỉ đến vương miện.
 
     Cũng vậy, Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp miêu tả hai Tổng Lãnh Thiên thần; như các chữ viết tắt, đó là Tổng Lãnh Thiên thần Micaen bên trái người xem và Tổng Lãnh Thiên thần Gáprien bên phải người xem. Sự hiện diện của các Thiên Thần làm nổi lên yếu tố thần thiêng của tranh i-côn, chiều kích mà các ngài là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa vô hình và sứ điệp của Người. (Ảnh vẽ Tổng Lãnh Thiên thần Micaen)
Tổng Lãnh Thiên thần Micaen, vị Thiên Thần nổi tiếng và được cả hai trường phái i-côn Đông và Tây phương mô tả, là vị thủ lãnh các Thiên Thần. Tên của ngài trong tiếng Do Thái có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”. Trong Cựu Ước, ngài chủ yếu được xem là đấng bảo vệ dân Chúa chọn; ngài bào chữa dân Chúa cách đặc biệt vào thời điểm quan trọng trong ngày phán xét của Thiên Chúa diễn ra trong khung cảnh của sự phục sinh hoàn vũ. Tân Ước gọi ngài là Tổng Lãnh Thiên thần và cho thấy ngài là đấng chiến đấu chống lại con Mãng Xà (Kh 12, 7) và tham gia vào Phụng Vụ Thiên Quốc. Ngài cũng loan báo thời điểm của cuộc Phán Xét Cuối Cùng và ngày Phục Sinh (1Tx 4, 16). 
 
     Tổng Lãnh Thiên thần Gáprien, phía bên phải, loan báo trong Cựu Ước về việc Đấng Mêsia đến và giải thích các thị kiến tiên tri về lệnh truyền của Thiên Chúa ( Đn 8, 16 ). Tên của ngài có nghĩa là “người của Thiên Chúa” hay “người Thiên Chúa tín nhiệm”. Trong Tân Ước, ngài chủ yếu đóng vai trò của một sứ giả, loan tin sự ra đời của Gioan Tẩy Giả và công bố phẩm giá của ông trong dịp này: “Tôi là Gáprien, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 1, 19). Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, không thể tách Tổng Lãnh Thiên Thần Gáprien khỏi biến cố Truyền tin: nhân danh Thiên Chúa, ngài loan tin Con Thiên Chúa ra đời, qua cuộc đối thoại với Đức Thánh Trinh Nữ (Lc 1, 26-38).
Trong Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, các Thiên Thần được mô tả trong tư thế thờ lạy: cúi đầu trang trọng, quay về phía Chúa Giêsu và Mẹ Người. Các ngài xuất hiện ở đó như những người “bảo vệ danh dự” của Đấng Cứu Thế và Mẹ Thiên Chúa. Cử chỉ của các ngài diễn tả sự trân trọng và tôn kính sâu xa nhất đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, Đấng các ngài tôn vinh trong tư cách là Nữ Vương các Thiên Thần.
 
Nếu nghiên cứu Linh Ảnh này cách cẩn thận, chúng ta sẽ chú ý thấy các ngài cầm trên tay những dụng cụ khác nhau của cuộc thương khó, với sự trân trọng tột bậc: Tổng Lãnh Thiên Thần Gáprien cầm thánh giá và bốn cây đinh; Tổng Lãnh Thiên thần Micaen cầm bình giấm, ngọn giáo và cây thương cùng với miếng bọt biển. Những dụng cụ ấy rất phù hợp với mô tả của Phúc Âm về cuộc thương khó.
 
     Cây Thánh Giá ba thanh ngang kiểu Byzantine mà Tổng Lãnh Thiên Thần Gáprien cho Chúa Giêsu thấy có ý nghĩa rất sâu xa. Thanh dọc của Thánh Giá tượng trưng cho chiều đi xuống của Lời Thiên Chúa đến trần gian và trở về lại với Người. Nó biểu tượng cho sứ điệp của Ngôi Lời, qua việc nhập thể, đã từ Trời xuống cứu độ chúng ta, nơi mà sau khi hoàn tất sứ vụ của mình, Lời Thiên Chúa trở lại với vinh quang trên Trời.
 
     Thánh Giá cũng còn tượng trưng cho chiếc thang bắc lên trời xuất hiện đôi lần trong Kinh Thánh cũng như trong tranh i-côn. Trong truyền thống Đông Phương, các thanh ngang của Thánh Giá tượng trưng cho những nấc thang mà Thiên Chúa đi xuống để làm người, và cũng là những nấc thang mà Người dùng để đi lên Trời, vì qua cuộc thương khó và cái chết, Ngôi Lời đã đi lên đến vinh quang của Chúa Cha. Thánh Giá cũng là chiếc thang mà, cũng như Đức Kitô, chúng ta leo từ đất lên Trời. Hơn nữa, những thanh ngang của Thánh Giá, giống như cánh tay người giang ngang, diễn tả tính phổ quát của Ơn Cứu Độ, bao trùm lên mọi người và mọi vật.
 
     Tổng Lãnh Thiên thần Gáprien, Đấng đã truyền tin cho Đức Maria về sự ra đời của Con Thiên Chúa, niềm vui và hy vọng của dân mang lời hứa, trong linh ảnh này đã loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Tổng Lãnh Thiên thần Micaen, đấng thống lĩnh đội quân trên trời và là đấng bảo vệ dân Chúa chọn, đấng chiến thắng trong cuộc chiến với Xatan, giới thiệu các dụng cụ của cuộc thương khó: ngọn giáo và cây thương. (Ảnh vẽ Tổng Lãnh Thiên thần Gáprien).
 
     Tuy nhiên, mặc dù Đức Giêsu đang nhìn về hướng Tổng Lãnh Thiên Thần Gáprien loan báo cuộc khổ nạn, nhưng Người không nhìn vào Thiên Thần. Ánh mắt của Người hướng về cõi xa xăm, vào cõi vô hạn của ánh sáng, từ nơi mà thông điệp của Chúa Cha được Thiên Thần mang đến. Vì thế, Linh Ảnh trình bày Đức Kitô là Đấng chấp nhận sứ mạng cứu độ từ Chúa Cha bằng tình yêu, và trong tư thế một con người, với sự cộng tác của Đức Maria, Đức Giêsu đã ký kết với Chúa Cha một Giao Ước Mới nhân danh loài người. 
 
     Khi làm Mẹ Đức Kitô, Đức Maria giữ một vai trò quan trọng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế và tham dự vào cuộc thương khó và cái chết của Con Mẹ dưới chân Thánh Giá, Mẹ đã hiến thân cho Người đến tận cùng, trở thành Mẹ của tất cả mọi tín hữu.
 
     Vì thế, các dụng cụ của cuộc thương khó mà Thiên Thần cầm trong Linh Ảnh không hoàn toàn là những biểu tượng của sự hành quyết như chiến lợi phẩm của sự chiến thắng, tức là ơn cứu độ, vì cuộc thương khó của Đấng Cứu Độ kết thúc trong chiến thắng của sự phục sinh. 
 
     Được vẽ trong tư thế bán thân, các Thiên Thần tượng trưng cho những trợ tá của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu độ, các ngài loan báo vinh quang của thập giá, và vì thế mang lại sự an ủi cho những tín hữu được các ngài bảo vệ. Thực ra, các sứ giả của Thiên Chúa Cha đang cầm các dụng cụ của cuộc Thương Khó trong tay, được gói trong một chiếc khăn diễn tả sự tôn kính và trân trọng đặc biệt đối với các dụng cụ này: từ những biểu tượng của sự tử đạo đã trở nên những biểu tượng của chiến thắng và vinh quang.
 
     Do đó, thông điệp quan trọng của Linh Ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chính là mầu nhiệm cứu độ, được diễn tả qua hình ảnh và đồng thời trình bày mầu nhiệm ấy cách thiêng liêng. Những tín hữu cầu nguyện trước Ảnh Thánh này có thể chiêm niệm về mầu nhiệm ấy, kinh nghiệm về mầu nhiệm cứu độ được thực hiện nơi Đức Kitô nhờ sự nhập thể, thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người. 
 
     Đức Thánh Trinh Nữ, Mẹ của Con Thiên Chúa, vốn được giới thiệu trong mầu nhiệm này. Mầu nhiệm ấy được tôn vinh bằng một chiến thắng lớn lao: sự sống lại và đưa vào vinh quang Chúa Cha của Chúa Giêsu; đó là lý do tại sao những người tin có thể tham dự vào mầu nhiệm ấy cùng với Đức Maria để đi vào vinh quang của sự phục sinh cùng với Đấng Cứu Thế.
---------------------------------------
Lm. MAREK KOTYNSKI, DCCT,
Bản dịch của Lm. ĐINH HỮU THOẠI, DCCT

No comments:

Post a Comment

WORLD WORLD