Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo (# 1175) tuyên bố rằng: “Các Giờ Kinh phụng vụ phải trở thành kinh nguyện của toàn thể Dân Chúa. Trong các giờ kinh đó, chính Đức Kitô tiếp tục thực thi phận vụ tư tế qua Hội Thánh của Người; mỗi người, theo phân vụ riêng biệt của mình trong Hội Thánh và theo hoàn cảnh sống, đều tham dự vào các giờ kinh này: các linh mục, bởi vì, là những người chuyên lo việc mục vụ, họ được kêu gọi chuyên cần cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa; các tu sĩ nam nữ vì đặc sủng của đời sống thánh hiến; mọi tín hữu theo khả năng của mình.”


Các Giờ Kinh Phụng Vụ được chia thành bảy giờ hoặc như sau: Kinh Sách, Kinh Sáng, Kinh Giữa Buổi Sáng, Kinh Trưa – Giờ Ba, Kinh Trưa – Giờ Sáu, Kinh Trưa – Giờ Chín, Kinh Chiều và Kinh Tối. Các giờ kinh tuy khác nhau nhưng đều có những phần chung như: Giáo đầu, Thánh thi, Ca vịnh, Lời Chúa, Xướng đáp, Lời cầu, Kinh Lạy Cha, Lời nguyện và Kết thúc. Trong Kinh Sáng, sau phần Xướng đáp, ta đọc Thánh ca Tin Mừng của ông Dacaria. Còn trong Kinh Chiều, sau phần Xướng đáp, ta đọc Thánh ca Tin Mừng của Đức Mẹ Maria, và vào giờ Kinh Tối thì đọc Thánh ca Tin Mừng của ông Simêon.


Kinh Thần Vụ bao gồm trọn một năm. Ngoài các Thánh vịnh và các bài đọc Kinh Thánh, Kinh Thần Vụ cũng đi theo các mùa phụng vụ trong năm: mùa Vọng-Giáng Sinh, mùa Chay-Phục Sinh và mùa Thường Niên. Trong suốt năm, ngày lễ kính các thánh và các vị tử đạo, cũng như các ngày lễ của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cũng được cử hành.


Kinh Nhật Tụng kính Đức Mẹ (Little Office of the Blessed Virgin Mary), được Thánh Phêrô Đamianô phổ biến vào thế kỷ XI, là một phiên bản ngắn hơn của Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Theo truyền thống, kinh này được nhiều cộng đoàn tu trì và thành viên của các hiệp hội sử dụng.

------------------------------------------
Nhóm Majorica Học viện Dòng Tên, chuyển ngữ
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).