----------------------------
Đặc ân Phaolô có nguồn gốc từ giáo huấn của Thánh Phaolô, được ghi lại trong thứ nhất gửi tín hữu Corinto: “Còn với những kẻ khác thì tôi nói – chính tôi, chứ không phải Chúa – nếu anh em nào có vợ ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy thì người ấy đừng rẫy vợ. Người nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy thì đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại được thánh hóa nhờ vợ, và vợ ngoại thì được thánh hóa nhờ chồng … Nếu người ngoại đạo muốn bỏ người kia thì cứ bỏ. Trong trường hợp đó, chồng hay vợ có đạo không bị luật hôn nhân ràng buộc. Thiên Chúa đã kêu gọi anh em sống bình an với nhau.” (1 Cr 7,12-15)
Dựa trên nền tảng này, xuất phát vì lợi ích đức tin của tín hữu, Giáo Hội đã quy định trong Giáo Luật số 1143 cho phép giải gỡ hôn phối của hai người chưa rửa tội khi cưới nhau, mà nay, một trong hai người này xin Rửa Tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo và/để kết lập một hôn phối mới, khi người phối ngẫu không rửa tội kia đã đoạn tuyệt với người này.
Ví dụ 1: Anh A và chị B, cả hai đều không Công Giáo, cưới nhau. Sau một khoảng thời gian chung sống, anh A lãnh Bí Tích Rửa Tội và trở thành người Công Giáo. Chị B vẫn là người ngoài Công Giáo. Sau đó, vì lý do này mà hai người không thể sống chung hòa thuận với nhau, chị B nhất quyết đòi chia tay. Trong trường hợp này, anh A và một người Công Giáo hoặc không Công Giáo khác có thể cưới nhau với phép của Bản Quyền địa phương [Đức Giám Mục Giáo Phận].
Nhưng hiểu thế nào về từ “đoạn tuyệt” trong quy định trên?
Giáo Luật 1143 trả lời rằng: Hiểu là đoạn tuyệt khi:
- Người không rửa tội không muốn chung sống với người đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội
Ví dụ 2: Anh A và chị B, cả hai đều không Công Giáo, cưới nhau. Sau một
khoảng thời gian chung sống, anh A được ơn hoán cải và muốn chịu Phép
Rửa để gia nhập Công Giáo. Nhưng chị B không đồng ý khiến đời sống vợ
chồng lục đục. Anh A chịu Phép Rửa và chị B quyết định ly hôn. Trong
trường hợp này, anh A và một người Công Giáo hoặc không Công Giáo khác
có thể cưới nhau với phép của Bản Quyền địa phương [Đức Giám Mục Giáo
Phận].
- Người không rửa tội không muốn chung sống thuận hòa mà không xúc phạm đến Đấng Tạo Hóa.
Ví dụ 3: Anh A và chị B, cả hai đều không Công Giáo, cưới nhau. Sau một
khoảng thời gian chung sống, anh A được ơn hoán cải và muốn chịu Phép
Rửa để gia nhập Công Giáo. Chị B không đồng ý. Dù không ly hôn nhưng sau
khi anh A chịu Phép Rửa, chị B luôn lớn tiếng xúc phạm đến Chúa khiến
cho đời sống của hai vợ chồng không thể tốt đẹp được. Họ quyết định ly
hôn. Trong trường hợp này, anh A và một người Công Giáo hoặc không Công
Giáo khác có thể cưới nhau với phép của Bản Quyền địa phương [Đức Giám
Mục Giáo Phận].
Nhưng Giáo Luật cũng nói thêm rằng “việc đoạn
tuyệt này không phải do người chịu phép Rửa Tội gây ra để kiếm cớ mà
đoạn tuyệt với người đó.”
Ví dụ 4: Anh A và chị B, cả hai đều
không Công Giáo, cưới nhau. Sau một khoảng thời gian chung sống, anh A,
vì muốn cưới cô C là người Công Giáo, nên đã xin gia nhập Công Giáo, rồi
về kiếm cớ gây gỗ, khiến cô B phải ly hôn anh để anh có thể cưới cô C,
hoặc kiếm cớ gây gỗ khiến cô B phải ly hôn mình, rồi sau đó xin Rửa Tội
để gia nhập Công Giáo. Đây là điều không được phép và đặc ân Phaolô
không áp dụng trong trường hợp này.
Hoặc:
Ví dụ 5: Anh A và chị
B, cả hai đều không Công Giáo, cưới nhau. Sau một khoảng thời gian chung
sống, anh A muốn chịu Phép Rửa để gia nhập Công Giáo. Chị B không có ý
kiến gì và đời sống của họ không có gì trục trặc. Nhưng không lâu sau
đó, anh A, vì muốn cưới chị C là người Công Giáo, nên về nhà kiếm cớ gây
chuyện để ép chị B phải ly hôn. Đây là điều không được phép và đặc ân
Phaolô không áp dụng trong trường hợp này.
Bản quyền địa phương
là người có thẩm quyền ban đặc ân này. Thường, ngài sẽ cử người điều
tra để xác minh những điều kiện vừa nói ở trên. Cụ thể, sẽ phải có một
cuộc chất vấn dành cho người không rửa tội (chị B trong các ví dụ trên),
hỏi xem chị ta có muốn chịu phép rửa giống người kia (anh A) không hoặc
ít ra là có muốn sống hòa thuận với anh A mà không xúc phạm đến Đấng
Tạo Hóa không. Giáo Luật 1144 còn nói rõ: “Sự chất vấn như vậy được thực
hiện sau khi [anh A] rửa tội. Vì lý do quan trọng, Bản Quyền sở tại
[Đức Giám Mục] có thể cho phép thực hiện sự chất vấn trước khi rửa tội,
hay kể cả miễn chuẩn việc chất vấn hoặc trước hoặc sau khi rửa tội, miễn
là ngài thấy rõ ràng, ít là sau một thủ tục đơn giản ngoài tố tụng,
rằng việc chất vấn không thể thực hiện được, hay sẽ vô ích.”
--------------------------------
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ
No comments:
Post a Comment