Chuyện một người tử tù được mở án phong chân phước
“Trước mặt Thiên Chúa không ai là kẻ hư mất, ngay cả người đó có bị xã hội kết án đi nữa.” Đức cố hồng y Paris Aron Jean-Marie Lustiger đã nói như thế khi đề cập đến hồ sơ xin phong chân phước cho tử tù Jacques Fesch, do chính tay ngài ký và gởi về Bộ Phong thánh tại Rôma.
Tại các phiên xử, Jacques đã tỏ ra rất lạnh lùng, ngạo mạn và luôn khiêu khích mọi người. Anh chàng được mô tả như là một người trẻ ăn chơi, hoang đàng, lười biếng và là một tên tội phạm ngẫu nhiên đã không hề mảy may tỏ ra hối hận vì tội giết người, trái lại còn vô liêm sỉ một cách trơ trẽn và bình thản chấp nhận bản án tử hình. Thế là chỉ vì để thoả mãn ước muốn có một chiếc du thuyền mà Jacques đã trở thành một tên sát nhân. Chàng thanh niên con nhà giàu ấy giống như một hình nhân múa rối bị các ham muốn không đâu của mình giật dây điều khiển đến độ cầm súng giết người.
Tuy nhiên điều đáng nói ở đây không phải là cái đam mê ngẫu hứng, thói ăn chơi hư đốn, liều lĩnh của Jacques mà là cuộc hoán cải đổi đời của anh chàng. Sau ngày bị kết án tử hình, trong ba năm tám tháng nằm tù để chờ ngày lên đoạn đầu đài, Jacques đã say sưa học Kinh Thánh và đã khám phá ra những chân trời mới mà trong những năm ăn chơi anh đã không bao giờ biết tới.
Ngày 01/5/1955, anh viết vào nhật ký trong tù của mình: “Tôi đã nghe một tiếng nói không xuất phát từ mặt đất, nói với tôi rằng: “Jacques, con nhận được ân sủng để chết!”. Đấy chính là biến cố đã giúp anh hoán cải. Jacques đã được ơn thánh Chúa đánh động tâm hồn, đã hoán cải trở về với Chúa và sống trọn niềm tín thác vào Lòng Thương Xót vô biên của Chúa.
Trong mỗi lá thư Jacques viết cho người vợ trẻ, mẹ ruột và cả mẹ vợ của mình, người ta đều nhận thấy chiều sâu tinh thần toả phát ra từ một tâm hồn đã gặp Chúa. Và tất cả những lá thư ấy đều nói đến những kinh nghiệm thiêng liêng cao vời của anh khi bước vào mối quan hệ thâm sâu hơn với Chúa. Hơn ai hết Jacques ý thức được mình là một tội phạm đang phải đền tội nhưng sung sướng vì cuộc đời đổi mới, và anh chàng cảm thấy ba năm tám tháng biệt giam trong ngục tù chờ chết là khoảng thời gian ý nghĩa duy nhất chưa từng có trong đời anh.
Jacques đã nói thế này: “Những người mà tôi cảm thấy có tội với, không phải là những nhà cầm quyền, nhưng là những con người khác. Khi tới ngày xét xử thật sự (tức là ngày chung thẩm), chính vợ tôi Pierrette và con gái tôi Veronica mới là những người xứng đáng đứng trên bàn cân công lý và hạch hỏi tôi. Họ mới là những người mà tôi đã sống thiếu trách nhiệm, và là những người mà tôi phải trả lẽ”.
Hai năm cuối cùng của cuộc đời mình, Jacques đã như một đan sĩ trong tù, vì anh bị biệt giam nên anh đã dành trọn thời gian của mình để kết hợp với Chúa qua Lời Chúa và bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ. Anh đã viết thư cho mẹ ruột của mình như sau: “Mẹ ơi, trên đời này không có gì đáng giá cả ngoài tình yêu của Đức Giêsu. Mẹ hãy tìm kiếm tình yêu của Người, mẹ nhé!”.
Và anh cũng đã viết cho mẹ vợ: “Nơi đây, chính căn phòng biệt giam này mới là thập giá và màu nhiệm đau khổ của thập giá. Trung tâm của toàn thể đời sống của chúng ta, đều nằm ở chỗ này, nằm ngay tại mảnh gỗ thập giá này mẹ à. Chúng ta không có niềm hy vọng bình an và được cứu thoát đích thực nào khác ngoài chính Người đã chịu đóng đinh trên mảnh gỗ đó – là Đức Giêsu Kitô. Thật phúc cho ai hiểu được điều này!”.
Trong một lá thư viết cho người vợ trẻ, Jacques tâm sự: “Em à, trước kia anh chỉ là một cái xác sống, nhưng nay anh thâm tín rằng đây là lần đầu tiên trong đời anh thực sự sống!”. Và một ngày trước khi thi hành án, Jacques viết trong thư vĩnh biệt vợ những dòng như sau: “Cuộc hành quyết sẽ xảy ra ngày mai lúc 4 giờ sáng. Xin cho ý Chúa được trọn vẹn. Em yêu, trong 5 tiếng đồng hồ nữa anh sẽ được trông thấy Chúa Giêsu!”.
Sau khi chịu Mình Thánh Chúa từ tay Linh mục tuyên úy nhà tù, Jacques hiên ngang bước đi trong hành lang dẫn đến đoạn đầu đài. Năm đó anh vừa tròn 27 tuổi. Cuộc hành quyết được tường thuật lại thế này: “Đội lính canh đứng xung quanh đoạn đầu đài buổi sáng Thứ Ba 01/10/1957 hôm đó đã cho biết họ chưa từng thấy một tội nhân nào đối diện với cái chết với tất cả lòng can đảm và bền vững như Jacques Fesch.”.
Con đường bí nhiệm nào đã khiến cho Jacques từ một kẻ sát nhân biến thành một người sám hối đền tội và có một tâm hồn thánh thiện như vậy? Phải chăng như Lời Đức Giêsu đã nói: “Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải!”.
[Nguồn: Fb Khanh Nguyễn]
No comments:
Post a Comment