--------------------------------------
Chúa Giêsu ở trần gian bao nhiêu năm ?
- 33 năm.
- Tại sao Bạn nói thế ?
- Tôi được học như vậy.
- Bạn học được từ đâu ?
- Từ nhiều sách vở, các Thánh , các Cha, các nhà nghiên cứu cũng viết như vậy.
- Như vậy họ dựa vào đâu để nói thế.
- Tôi không biết nhưng từ xa xưa các kinh tôi đọc đã nói vậy.
- Các kinh dựa vào đâu để nói thế ?
- Ơ, cái đó thì tôi cũng không biết.
Phía trên là đoạn đối thoại của hai người bạn sinh viên, một trong hai bạn là người Công Giáo, mà vô tình tôi nghe được. Nó bộc lộ một phần quan trọng mà nhiều bạn trẻ Công Giáo còn thiếu và ít khi chịu sử dụng : Kinh Thánh. Bản thân Kinh Thánh là Lời Chúa, có một giá trị vô cùng to lớn với đời sống đức tin, mà trên nền tảng đó niềm tin của người Công Giáo được xây dựng. Tất cả những gì người Công Giáo tin và hiểu về Thiên Chúa đều dựa trên nền tảng cơ bản là Kinh Thánh, không ngoài câu hỏi phía trên kia. Ấy vậy mà không phải ai cũng biết câu trả lời đó. Vì lẽ ấy mà hôm nay tôi phải viết lại một vấn đề rất cơ bản cho chính bản thân có cơ hội lần nữa kiểm chứng lại niềm tin của mình : có cơ sở, vô cùng hợp lý và không phản khoa học.
Ai cũng biết 4 sách Tin Mừng được viết biệt lập với nhau nhưng lại bổ sung lẫn nhau. Trong vấn đề nêu trên, không sách Tin Mừng nào, kể cả các sách Tân Ước khác, nói rõ Chuá ở trần gian 33 năm nhưng theo nguyên tắc 4 sách Tin Mừng bổ sung lẫn nhau thì đối chiếu giữa các sách với nhau lại suy ra được điều đó.
Điểm mốc đầu tiên, Chúa Giêsu khởi sự sứ vụ rao giảng tin Mừng năm 30 tuổi :
- Khi Ðức Giêsu khởi sự rao giảng, Người trạc ba mươi tuổi. (Lc 3, 23)
Người ta sẽ thắc mắc Chúa khởi sự vào đầu năm Chúa 30 tuổi hay cuối năm 30 tuổi ? Vì thắc mắc đó nên ta sẽ tìm đến các điểm lưu ý khác và biết thêm về cách tính niên lịch của người Do Thái để xác định một năm bắt đầu như thế nào. Ở đây chỉ nói trên Kinh Thánh, chưa bàn thêm về thực tế, nên sẽ lấy tháng đầu năm theo lịch đạo Do Thái làm tháng đầu năm, đó là tháng Nisan-tháng mừng lễ Vượt Qua:
- "Ðức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập: "Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng. Các ngươi không được ăn sống hay luộc, nhưng chỉ được ăn nướng, với cả đầu, chân và lòng. Không được để lại gì đến sáng; cái gì còn lại đến sáng, phải đốt đi. Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Ðức Chúa. Ðêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Ðức Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Ðức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời." (Xh 12, 1-14)
Biết tháng đầu năm của lịch đạo Do Thái là tháng Nisan rồi, giờ ta mới xem thử xem Chúa Giêsu khi chịu rửa là trước hay sau lễ Vượt Qua và Chúa đã dự bao nhiêu lễ Vượt Qua sau khi chịu rửa (lúc 30 tuổi) và từ đó tính ra số tuổi của Chúa.
- Bấy giờ Ðức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. (Mt 4, 1-2)
- Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. (Mc 1, 12-13)
- Ðức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ. (Lc 4, 1-2)
Tin Mừng 4 không kể lại việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, chỉ kể lại lời chứng của ông Gioan nên mới viết :
- Ông Gioan còn làm chứng: "Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Ðấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Ðấng làm phép rửa trong Thánh Thần". Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Ðấng Thiên Chúa tuyển chọn". (Ga 1, 32-34)
Cho thấy Chúa chịu rửa rồi nên Gioan mới nói thế, và hôm sau Chúa gọi những môn đệ đầu tiên (Ga 1, 35-51), đối chiếu với Tin Mừng Nhất Lãm thì việc Chúa gọi các môn đệ này xảy ra sau khi Chúa đã vào hoang địa 40 ngày : (Mt 4, 18-22) (Mc 1, 16-20) (Lc 5, 1-11). Đi tiếp tục ta sẽ bắt gặp nơi Tin Mừng 4 là 3 ngày sau đó Chúa sẽ làm phép lạ đầu tiên tại Cana:
- Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Ðức Giêsu. Ðức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Ðức Giêsu nói với Người: "Họ hết rượu rồi". Ðức Giêsu đáp: "Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến". Thân mẫu Người nói với gia nhân: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo".(Ga 2, 1-5)
Sau tiệc cưới Cana một thời gian Chúa Giêsu lên Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua đầu tiên sau khi khời đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, vậy là Chúa bắt đầu bước vào năm 31 tuổi:
- Gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái, Ðức Giêsu lên thành Giêrusalem. (Ga 2, 13)
Vậy là Chúa Giêsu chịu phép rửa năm 30 tuổi khi chưa mừng lễ Vượt Qua, ít nhất là trước lễ 40 ngày (vào hoang địa), thiết nghĩ Hội Thánh mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào ngày 6-1 hằng năm cũng không xa thực tế là mấy và cũng là hợp lý với thời gian Tin Mừng viết. Tuy nhiên đọc Tin Mừng Nhất Lãm lại có cảm tưởng Chúa chỉ dự 1 lễ Vượt Qua là lần chịu nạn thôi, nhưng kỳ thực đọc Tin Mừng 4 thì thấy rõ là 3 lần. Tin Mừng Nhất Lãm tuy không nói rõ 3 lần nhưng xét các mô tả hoàn cảnh những sự kiện và so sánh với phong tục, địa lý nước Do Thái thì cũng có thể suy ra Chúa dự nhiều hơn 1 lần Lễ Vượt Qua.
Lễ Vượt Qua thứ 2 Chúa dự sau chịu rửa là lúc làm phép lạ hoá bánh ra nhiều (Ga 6, 1-15), đây là lễ Chúa dự khi bắt đầu vào năm 32 tuổi:
- Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do Thái. (Ga 6, 4)
Và lễ vượt Qua cuối cùng chính là lễ Vượt Qua mà Chúa chịu Thương Khó để hoàn tất công trình cứu độ, và cũng là lúc Chúa bước vào năm 33 tuổi :
- Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Ðức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. (Ga 12, 1)
Như thế, chính Kinh Thánh đã cho biết rõ thời gian Chúa ở trần gian là 33 năm, đó là bằng chứng xác đáng nhất được trả lời trên đức tin thay vì phải dựa vào câu trả lời của một ai đó. Tuy nhiên cũng có một điều lý thú là : nếu một ai đó nói Chúa Giêsu ở trần gian 32 năm thì cũng vẫn đúng như thường. Lý do là như sau :
+ Cách nói đó không dựa trên lịch đạo của người Do Thái, nhưng dựa trên lịch dân sự. Lịch đạo lấy tháng Nisan làm tháng đầu, nhưng lịch dân sự lại lấy tháng Tishri làm tháng đầu năm. Với tên gọi các tháng như sau : Nisan, Iyar, Sivan, Tammouz, Ab, Eloul, Tishri, Marheshevan, Kisleu, Tebeth, Shebat, Adar. Tháng Nisan vào khoảng tháng 3-4 dương lịch, còn tháng Tishri thì vào khoảng tháng 8-9 dương lịch. Cho nên ta thấy nếu tính theo lịch dân sự thì Chúa chịu thương khó vào tháng 3-4 dương lịch thôi, tức năm 32 tuổi, chưa bứơc sang năm 33 tuổi.
Một vài dẫn chứng lan man để thấy Lời Chúa quan trọng biết bao trong niềm tin của người Kitô hữu và lời của thánh Tông đồ thật chẳng sai : "Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin" (Gđ 1, 20)
18-06-2011, Dom.NTP
https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=46698
No comments:
Post a Comment