TẾT BÍNH THÂN,
TẢN MẠN KHỈ “BA KHÔNG”
Người ta tặng cho tôi 3 con khỉ nhỏ bằng sứ: con bịt mắt, con bịt tai và con bịt miệng. Thấy ngồ ngộ, tôi để chúng nơi phòng khách, ai vào thăm cũng sôi nổi bình luận. Mắt để thấy, tai để nghe, miệng lưỡi để ăn nói. Đó là những khả năng tự nhiên, chẳng ai lại muốn khiếm khuyết. Ai cũng muốn mình được thông minh, lanh lợi, tại sao phải bịt cả mắt lẫn tai và miệng lại giống như người mù, câm, điếc?.Tết Con Khỉ sắp đến nên xin được tản mạn về khỉ “ba không” ấy.
- Nguồn gốc.
Nguồn gốc về ý niệm ba con khỉ có thể bắt nguồn từ Ấn Độ cả ngàn năm trước.Thần Vajrakilaya là vị thần có 6 tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng nhằm để răn dạy con người mà dân chúng Ấn Độ đa số là Phật tử, với ý khuyên là không nhìn bậy, không nghe bậy, không nói bậy. Tư tưởng 3 không theo các nhà tu Phật giáo đi qua nước Tàu không rõ vào thời kỳ nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ VIII đời nhà Đường, một thiền sư Phật giáo trong chuyến Phật sự ở Trung hoa, đã mang theo về Nhật tư tưởng này.
Tại Nhật, vùng Nikko cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc, trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng 8 bức khác nhau) có tượng 3 con khỉ tên Mizaru, Kikazaru và Iwazaru (bịt tai, bịt mắt, bịt miệng) bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro (1594-1634), rất nổi tiếng từ thế kỷ XVII. Tại sao lại là 3 con khỉ? Trong tiếng Nhật chữ “zaru” nghĩa là không, “saru” nghĩa là con khỉ. Một con lấy tay che mắt tên là mizaru, tiếng Nhật là mizaru có ý nghĩa "tôi không thấy điều xấu". Con giữa lấy tay bịt tai tên là kikazaru có ý nghĩa "tôi không nghe điều xấu". Còn con thứ 3 lấy tay bịt miệng tên là iwazaru với ý nghĩa là "tôi không nói điều xấu". Không hiểu rõ nguyên nhân là người Nhật họ muốn chơi chữ hay là phát âm không rõ ràng, mà ngày nay các sách đều viết là “mi-zaru, kika-zaru, iwa-zaru”. Nhưng có một điều chắc chắn là người Nhật tu Thiền dùng 3 con khỉ để nói lên sự quan trọng và sự kiểm soát ba giác quan từ cơ thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài là mắt, tai, miệng. Nhiều vùng ở Nhật, người ta cũng tin rằng con khỉ là trung gian giữa thần thánh và con người. Không nhìn, không nghe, không thấy là khuôn vàng thước ngọc của nhiều thế hệ người Nhật, ngày nay tư tưởng này được chấp nhận như là một nguyên tắc chỉ đạo.
Nguồn gốc ba ý niệm không nhìn, không nghe, không nói cũng có thể bắt nguồn từ tư tưởng của Khổng Phu Tử cách đây mấy ngàn năm, vì trong Luận Ngữ có câu: “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn”. Nghe dẫn giải từ người biết chiết tự chữ Hán thì chữ “thông” có bộ “nhĩ” là tai, chữ “minh” có bộ “nhật” và bộ “nguyệt” tượng trưng cho hai con mắt. Như vậy, người có tai thính mắt sáng là người nghe thấy được nhiều điều hay đẹp mà nảy ra trí tuệ, là người thông minh.Trong xã hội Việt Nam, đâu dễ dàng gì là người có được tai mắt trong vùng, có tai mắt trong vùng đồng nghĩa với có thân thế địa vị, quyền cao chức trọng, và dĩ nhiên có được tai mắt thì miệng được …ăn thoải mái!
Có thể hình điêu khắc ba con khỉ này chịu ảnh hưởng Thiền của Phật giáo. Đọc kinh Phật thỉnh thoảng, người ta gặp câu “Tâm viên ý mã”. Nhà Phật cho rằng “Tâm” và “Ý” của con người luôn luôn biến chuyển, nhảy nhót, chọt chẹt, phá phách không ngừng như con khỉ và con ngựa không bao giờ chịu đứng yên một chỗ, nếu không kềm chế chúng nó lại, nó suy nghĩ lung tung hết chuyện này đến chuyện kia thì sẽ sinh ra phiền não. Tìm hiểu xa hơn thêm một chút thì nhà Phật cho rằng lục căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý tiếp xúc với lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, rồi sinh ra lục thức. Nếu những thức này không bị ô nhiễm thì hành giả được tâm thanh tịnh mà đạt đến lục thông. Còn nếu mắt ham nhìn cái đẹp, tai muốn nghe lời ngon ngọt, mũi thích ngửi mùi thơm tho, lưỡi ưa nếm vị thức ăn ngon, thân tiếp xúc với đồ dơ, và ý nghĩ điều bậy để tâm bị mê loạn thì lục thức sẽ biến thành lục tặc là 6 tên giặc phá hại sự thanh tịnh cho việc tu hành.Phật giáo không chỉ đề cập đến mắt, tai, miệng (lưỡi) mà còn thêm mũi, thân và ý[1].
- Con Khỉ Bịt Mắt
Đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, là cửa ngỏ tâm hồn. Nếu không thấy ánh sáng, hình ảnh, màu sắc, vẻ đẹp thì ấy là đôi mắt mù.Tại sao lại bịt mắt? Để đừng nhìn những chỗ không nên nhìn, đừng nhìn đời bằng nửa con mắt, đừng thiển cận thành kiến dễ dẫn đến cái nhìn không đúng sự thật, vội vàng đánh giá sai vấn đề. Thói thường ở đời là “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, thành ra khi người ta có thành kiến thì nhãn quan cá nhân cũng lệch chuẩn. Con khỉ che mắt có ý khuyên người ta chớ nên vội nhìn vào hiện tượng mà đánh giá bản chất sự việc, nên suy xét mọi việc bằng con mắt nhân văn, bằng sự suy ngẫm thấu đáo[2].
Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc “Đôi mắt” với ca từ dễ thương.
Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời; Để nhìn đời và để làm duyên.
Mẹ cho em đôi mắt màu đen; Để thương để nhớ, để ghen để hờn.
Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn; Là bài thơ hay nhất,
Là lời ca không dứt; Là tuyệt tác của thiên nhiên.
Thi sĩ Lưu Trọng Lư đã viết hai câu thơ thật đẹp về tình yêu trong đôi mắt:
Mắt em là một dòng sông,
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.
Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp.Thế nhưng, khi Thánh Kinh nói về mắt lại nói về đôi mắt mù. Từ những trang đầu của sách Sách Sáng thế đã nói về mắt: “Rắn đã nói với người đàn bà: chẳng chết chóc gì đâu ! Quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, biết cả tốt xấu. Và người đàn bà đã nhìn; quả là cây ăn phải ngon... mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy để được tinh khôn. Và bà đã ăn... Và mắt cả hai người đã mở ra. Và chúng biết là chúng trần truồng” (St 3, 4–7).
Đoạn Thánh Kinh nói về lịch sử sa ngã của loài người đã đề cập đến đôi mắt qua 3 tiến trình:
- Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra.
- E-và nhìn trái táo và thấy sướng mắt.
- Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng.
Rắn hứa là mắt hai người sẽ mở ra để nhìn thấy mọi sự như Thiên Chúa, nhưng mắt đức tin đã nhắm lại nên không nhìn thấy điều mình muốn thấy. Họ không thấy mùa hoa nở rộ, những đồi cỏ bình yên, những dãi nắng hiền, những dòng suối êm ả. “Mà nhìn thì đã sướng mắt”, cái nhìn ấy phải là đắm đuối, bằng cái nhìn đam mê đó, tội lỗi, khổ đau và sự chết đã vào trần thế.Lời hứa của con rắn đã hiệu nghiệm: “mắt cả hai người đã mở ra”. Không phải mở ra để nhìn thấy vẻ đẹp mà nhìn thấy mình trần truồng. “Mắt hai người đã mở ra”. Câu Thánh kinh thật ngắn ngũi diễn tả cách tinh tế sự đau thương: mở ra cũng là lúc đóng lại. Ađam – Evà đã mở mắt, nhưng họ lẫn trốn không dám nhìn Thiên Chúa. Cả hai đã mở mắt nhưng để tìm lá che thân, không dám nhìn nhau. Khởi đầu lịch sử nhân loại là đôi mắt mù và sự mù loà chảy dọc theo thời gian mang tối tăm vào trong trần thế[3]. Chúa Kitô đã đến chữa lành sự mù loà ấy, hàn gắn lại vết thương thưở sa ngã của Nguyên Tổ. Khi liên kết phép lạ Chúa Giêsu chữa người mù từ thưở mới sinh (Mc 10, 46-52 ; Mt 20,29-34 ; Lc 18,35-43) với sự mù loà của Nguyên tổ, ta mới thấy ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trong thế gian. “Mù từ thưở mới sinh” là mù từ xa xưa, thưở địa đàng. Chúa Kitô đã mang ánh sáng cho thế gian. Ngài ban cho nhân loại đôi mắt mới: Mắt Đức Tin. Ðôi mắt đức tin giúp con người nhìn thấy Thiên Chúa và yêu mọi người, mọi sự trong Chúa và yêu như Chúa đã yêu. Nhiều Thánh vịnh giúp ta tập nhìn cuộc đời và con người bằng đôi mắt tin yêu, như Thánh vịnh 104, các Thánh vịnh Job 38-39. Chúa Giêsu cũng chữa nhiều người mù loà tâm hồn. Ngài mở mắt cho Giakêu thấy được sự nguy hiểm của tiền tài đối với phần rỗi (Lc 9, 1-10). Ngài mở mắt cho người đàn bà ngoại tình, giúp chị từ bỏ quá khứ lỗi lầm (Lc 7, 36-50). Ngài mở mắt cho người trộm lành giúp nhận ra lòng Chúa xót thương (Lc 23, 32-43)...
Chúa Giêsu dạy: “ Nếu mắt của con làm cớ cho con sa ngã thì hãy móc mà ném nó đi” (Mt 5,29);
- Con Khỉ Bịt Mồm
Miệng để nói để cười để khóc. Nếu không nói được là câm, nói ú ớ là ngọng, nói lắp bắp là cà lăm. Có ai muốn vậy đâu! Tại sao phải bịt miệng? Người xưa nói: “Khẩu thiệt giả họa chi môn, diệt thân chi phủ dã”: miệng lưỡi là cửa vào tai họa, là búa rìu diệt thân. Người đời thường nhắc nhở nhau: “Người ít nói không phải là người nói ít mà đừng nên nói những gì vô ích”.
Chu Văn An (1292-1370) là một bậc hiền Nho, một vị đại quan đáng kính và là một người thầy mẫu mực được suy tôn là “Vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời). Ông được thờ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, sinh thời ông từng dâng “thất trảm sớ” chém 7 tên nịnh thần, nhưng vua không nghe. Ông đã gửi trả mũ áo quan cho vua rồi về ở ẩn tại Côn Sơn, Kiếp Bạc. Ông được các học giả thời phong kiến xưa ví như sao đẩu, sao khuê… Cao Bá Quát đã từng viết về ông: “Thất trảm yêu ma phải rợn lòng.Trời đất soi chung vầng hào khí.Nước non còn mãi nếp cao phong”.
Phải chăng, hình tượng con khỉ bịt mồm có ý nhắc nhở người nói phải có người nghe, người không biết nghe thì ta có nói cũng phí lời?
Người xưa có câu: Học nói chỉ mất 3 năm nhưng học im lặng mất 60 năm chưa chắc đã học được. Lại có câu “Câm hay ngóng, ngọng hay nói” nghĩa là, thường những người biết ít lại hay nói nhiều hoặc đã không biết lại tỏ ra biết nhiều. Nhà bác học Albert Ein-Stein có nói, cái ta biết chỉ bằng một giọt nước, còn cái ta không biết bằng cả một đại dương, ấy thế mà có nhiều anh chàng, cô nàng cái gì cũng tỏ ra “biết tuốt”. Và nữa, khi không vừa lòng ai (do định kiến riêng) người ta thường nói hơn, nói kém mặc lòng. Ca dao có câu: “Yêu ai thì nói quá ưa. Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”. Vẫn biết họa từ mồm mà ra, bệnh từ mồm mà vào (họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập) nhưng mấy ai giữ được cho toàn vẹn?[4]
Cổ nhân có câu: “Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp). Lời nói của con người có thể có hậu quả rất lớn và rất phức tạp; có thể ích lợi hay tai hại, xây dựng hay phá đổ. Chính vì thế, bác ái rất cần trong lời nói.Muốn bác ái trong lời nói, trước hết phải tế nhị, tránh những lời nói làm thiệt hại hoặc gây buồn phiền. Có thể đó là những lời nói hữu ý hay vô tình.
Nói hành, nói xấu, làm thiệt hại uy tín và danh dự người khác, là điều lỗi đức ái nặng. Ganh tị là nguyên nhân chính gây ra nói hành nói xấu. Người ta lỗi đức ái nặng nề nhất, khi lời nói sau lưng hoàn toàn đi ngược với lời nói trước mặt. Khuynh hướng này biểu lộ sự hèn nhát, không xứng với người kitô hữu là con cái sự thật.
Người ta thường lỗi đức ái trong lời nói nhiều hơn cả, ngược lại cũng có thể xây dựng tình bác ái bằng lời nói nhiều hơn cả. Điều này đòi hỏi một ý thức mãnh liệt và thường xuyên. Nhờ ý thức mà chúng ta khám phá cơ hội thi hành bác ái bằng lời nói.
Bác ái trong lời nói không là ăn nói đưa đẩy hay tìm cách lấy lòng người khác bằng lời xu nịnh, cũng không là lời nói suông trên môi miệng, miễn trừ hành động thực tế. Nhưng là dùng lời nói như một yếu tố quan trọng để biểu lộ và xây dựng điều cốt yếu mà Đức Kitô dạy là tình yêu không giả dối.
Việc xây dựng tình bác ái bằng lời nói rất đa dạng, tùy người và tùy môi trường, nhưng cũng có những nét lớn căn bản: lời khích lệ, lời an ủi, lời thông cảm hay chia sẻ, lời nói làm vui lòng người khác, lời nói xây dựng.
Thánh Giacôbê khuyên “Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau” (Gcb 4,11).
- Con Khỉ Bịt Tai
Tai là cửa ngõ dẫn âm thanh vào tâm trí. Tai không nghe được tiếng nói âm thanh là tai điếc. Sao lại bịt tai? Chắc hẳn là người ta tránh nghe những chuyện thị phi.
Khi nghe điều gì, thiết nghĩ người nghe nên sàng lọc, phân tích kỹ càng. Lại phải nghe hai tai, nghe ý kiến nhiều chiều. Không phải lời khuyên bảo nào cũng xuất phát từ sự thành tâm. Thông thường ai cũng thích nghe những lời ngọt ngào, ngợi khen, nịnh nọt chứ mấy ai thích nghe những ý kiến phê bình? Kể cả những lời phê bình ấy là rất thành thực. Nhiều khi người ta đâu biết những ai có lời chê đúng thì người đó chính là thầy của ta. Người hiểu biết là người biết nghe những lời nói thẳng thắn bộc trực. “Trung ngôn nghịch nhĩ” là vậy! Hình tượng con khỉ bịt tai có ý khuyên người ta hãy cảnh giác với những lời đường mật.
Để sống tinh thần Tin Mừng, điều cần thiết nhất là phải biết lắng nghe. Người nghe tai bên này lọt qua tai bên kia nên không còn gì để suy nghĩ, vì thế nên rất nông cạn. Họ được Chúa Giêsu ví như hạt giống “rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” (Mt 13,4). Người nghe nhưng vội nói nên thiếu gạn lọc khơi trong. Họ giống như “hạt rơi trên sỏi đá, chỗ đất không nhiều, nó mọc ngay, vì đất không sâu, nhưng khi nắng lên nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô”(Mt 13,5). Người biết lắng nghe và biết gìn giữ trong trí khôn để suy nghĩ, biết lưu lại trong tâm hồn để suy niệm nên nội tâm phong phú, họ như “hạt gieo vào đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gắp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13,8).
Cha Mark Link, S.J nói rằng: "Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng 3 lỗ tai: lỗ tai của tâm trí, lỗ tai của trái tim và lỗ tai của linh hồn". Lắng nghe bằng lỗ tai tâm trí. Đó là cố gắng tìm hiểu Lời Chúa, và hơn nữa, làm cho lời ấy sống động y như chúng ta đang nghe chính Chúa nói. Thánh Ignatiô Loyola thường nghe Lời Chúa theo kiểu này, bằng cách nhắm mắt lại và tưởng tượng mình đang có mặt trong hội đường Do Thái để nghe Chúa Giêsu nói. Ngài tưởng tượng ra niềm xúc động khiến giọng nói Chúa Giêsu nghẹn ngào khi đọc đến câu : "Thần khí Chúa ngự trên tôi". Ngài còn tưởng tượng ra nỗi phấn khích như điện giật lan chuyền nơi cộng đoàn tham dự khi Chúa Giêsu tuyên bố : "Hôm nay, lời Kinh Thánh trên đã ứng nghiệm khi anh chị em nghe đọc nó". Như thế, nghe bằng tâm trí là không những chỉ hiểu Lời Chúa, mà còn làm cho Lời ấy trở nên sống động như thể nghe từ miệng Chúa nói ra.
Lắng nghe bằng lỗ tai của trái tim. Đó là ghi tạc Lời Chúa vào trái tim và cố gắng tìm cách áp dụng Lời ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Phanxicô Xaviê lên Paris theo đuổi khoa bảng dùi mài kinh sử để cuối cùng trở thành giáo sư môn Triết học. Nhưng trên đỉnh cao danh vọng ấy, một lần tiếp cận Tin Mừng, gặp được câu: “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn liệu ích gì?” (Lc 9,25), Phanxicô Xaviê nghe lời này như nói trực tiếp với mình. Lời đã đi vào trái tim đã giúp ngài lựa chọn định hướng đời mình sao có lợi cho đời sống Thiên Chúa. Nghe bằng trái tim là ghi khắc Lời Chúa vào nội tâm và vận dụng lời ấy vào cuộc sống hàng ngày.
Lắng nghe bằng lỗ tai của linh hồn. Đó là cầu nguyện với Chúa về Lời đã nghe trong trái tim, như thánh Phanxicô Xaviê đã làm. Ngài từ bỏ tất cả công danh sự nghiệp, nhận chức Linh mục, rồi sau đó cùng với Ignatiô thành lập Dòng Tên với khẩu hiệu “cho vinh danh Chúa hơn”. Phanxicô Xaviê vẫn khát vọng xa hơn là hiến thân loan báo Tin Mừng tận miền sâu miền xa của địa cầu. Trong nhiều năm truyền giáo, ngài đã đi bộ tới trăm ngàn cây số, và đã rửa tội với con số kỷ lục phỏng độ ba vạn người.
Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận khuyên : “Chính lúc rao giảng Tin Mừng, con phải giữ sự thinh lặng bên trong, con phải để cho Chúa Thánh Thần nói với con, và nói qua miệng lưỡi con.Thinh lặng là thời gian để cầu nguyện, để chuẩn bị, để suy nghĩ, để chín mùi, để có năng lực mà loan báo Tin Mừng” (Cầu nguyện, trang 109). Cuộc đời người tín hữu luôn lắng nghe Lời Chúa. Đó là hành trình của Lời đã nghe, được diễn lại sống động nơi tâm trí, ghi khắc vào trái tim và cầu nguyện trao đổi với Chúa, từ đó lắng nghe điều Chúa muốn nhắn nhủ với bản thân qua Lời ấy.
Trong phúc âm Chúa Giêsu dạy: “Hãy để ý tới điều anh em nghe” (Mc 4,24); “Hãy để ý tới cách anh em nghe” (Lc 8,18).
- Tạm kết.
Tôn Ngộ Không đã từng khuyên can Đường Tăng nhiều điều mắt thấy tai nghe, những âm mưu của yêu ma quỷ quái dọc đường thỉnh kinh, nhưng Đường Tam Tạng đã không nghe lại còn niệm chú xiết vòng kim cô, đuổi về hoa quả sơn nên có rất nhiều hậu quả tại hại.
Trong nghệ thuật điêu khắc dân gian, hình tượng con khỉ được mô tả mỗi con một tư thế: một con bịt mắt, một con bịt tai và một con bịt miệng. Không phải ai bịt con khỉ mà chính nó tự bịt miệng tai mắt của mình. Ba trạng thái đó của khỉ, có thể hiểu là biểu hiện của thái độ “mũ ni che tai hưởng thái bình”. Thực tế trong cuộc sống, không ít người quan niệm, trước mọi vấn đề chướng tai gai mắt, tốt nhất là “có mắt không nhìn, có miệng không nói, có tai không nghe” để giữ mình bình yên, an lạc. có thể quan niệm trên cũng có phần nào đúng nhưng nếu hiểu hoàn toàn như vậy có lẽ hơi phiến diện[5]. Với 3 hình tượng đó có không ít người suy ra rằng : hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì đang xảy ra xung quanh và họ mặc nhiên bàng quan theo thuyết “Mackeno”(mặc kệ nó!). Nhưng giữa cuộc đời đầy những điều thị phi và nhiễu nhương này, nếu cứ an phận như vậy thì xã hội sẽ đi đến đâu, tình người sẽ về đâu? Và nếu cứ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng như thế cả cuộc đời thì thử hỏi cuộc sống có gì là thi vị nữa không?
Ý nghĩa hình tượng khỉ “ba không” là đừng nhìn đừng nghe đừng nói những điều trái lẽ, bịt mắt để dùng Tâm mà nhìn, bịt tai để dùng Tâm mà nghe, bịt miệng để dùng Tâm mà nói. Khi Tâm ở trạng thái "Tịnh" không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ Tâm mới phát sinh những điều "Thiện". Ý nghĩa tích cực của khỉ “ba không” là khuyên con người ta hãy có một cách hành xử đúng. Muốn thính tai, sáng mắt, sách miệng thì phải tập luyện hàng ngày, gìn giữ đôi mắt, đôi tai biết lắng nghe và kiềm chế miệng lưỡi.
Tết Bính Thân đã cận kề. Hình tượng khỉ “ba không” là một sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa, bản thân tự nhắc nhở mình luôn giữ gìn tai mắt miệng lưỡi cho đúng phẩm hạnh cốt cách. Mong rằng những ai đang có món quà này trên bàn làm việc sẽ càng nhìn ngắm suy tư và áp dụng vào cuộc sống.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Nguồn: Mạng lưới cầu nguyện
No comments:
Post a Comment