Hiểu Sống Đức Tin
Đi Tu Là Bỏ Đời Hay Vào Đời?
Trong quan niệm cổ truyền tại Việt Nam, đi tu có nghĩa là từ bỏ đời. Thế nhưng người ta thấy từ công đồng Vaticanô II ra như giới tu sĩ đi ngược lại: thay vì bỏ đời, lánh đời, họ lại chủ trương “vào đời”. Tại sao lại có sự thay đổi ấy?Có lẽ phải thêm rằng không những có người chủ trương “vào đời”, mà lại còn phải “yêu đời” nữa! Để hiểu sự thay đổi ấy, thiết tưởng không những chúng ta phải xem lại sự tiến triển của thần học tại Âu Tây về những giá trị trần thế, nhưng cần phải xét lại cái quan niệm đi tu tại Á đông của mình. Chúng ta phải nhìn nhận rằng ngôn ngữ và tư tưởng của chúng ta chịu ảnh hưởng của Phật giáo không nhỏ: tỉ như chính cái chữ “tu”: phàm ai bỏ gia đình để dâng mình cho Chúa đều gọi là đi tu, không phân biệt là tu làm linh mục hay làm tu sĩ; trong khi mà thần học Kitô giáo phân biệt hai ơn gọi ấy: ơn gọi làm linh mục nhắm đến việc phục vụ cộng đoàn qua các tác vụ; còn ơn gọi làm tu sĩ nhằm đến sự trọn lành đức ái. Chính vì không hiểu sự khác biệt ấy nên nhiều người không hiểu được tại sao có chuyện đòi xét lại luật độc thân của linh mục: ở Việt Nam mình coi các linh mục cũng là thầy tu, nên đương nhiên là phải giữ độc thân rồi. Thế nhưng, theo quan điểm thần học, các linh mục “triều”, hay muốn dịch sát nghĩa hơn – linh mục “đời” (saecularis) – không phải là tu sĩ. Theo tôi nghĩ thì sở dĩ người Việt mình không hiểu được sự khác biệt về hai ơn gọi như vậy là tại vì trong Phật giáo không có sự khác biệt về đường tu. Đã tu thì phải bỏ gia đình, bỏ đời. Đến đây, chúng ta lại vấp phải một cái khó khăn nữa, về quan niệm “đời” giữa Phật giáo và Công giáo.
Khác nhau như thế nào?
Tôi nghĩ rằng tiếng “đời” có thể hiểu theo hai nghĩa: một là theo nghĩa những cái gì tội lỗi nhơ nhớp, trần tục; hai là chính kiếp sống, đời sống, cuộc đời này. Khi nói rằng đi tu bỏ đời, chắc chắn là người công giáo hiểu là bỏ cái đam mê của đời, tựa như tội lỗi, gian tham, danh vọng, xa hoa, chứ không có nghĩa là từ bỏ cái đời sống này. Đối lại, Phật giáo hiểu cả việc từ bỏ cả cái đời sống này nữa. Chúng ta đừng quên rằng theo đức tin công giáo, chúng ta chỉ sinh ra có một lần, và chỉ sống có một đời ở trần gian này, còn theo Phật giáo, thì kiếp sống là một chuỗi đời sống nối tiếp nhau theo vòng luân hồi và định luật nhân quả. Và chuyện đi tu nằm trong phương thế để thoát khỏi vòng luân hối ấy. Tuy nhiên, chúng ta tạm gác lại vấn đề đi tu và bỏ đời theo quan điểm Phật giáo, để trở lại vấn đề đi tu theo công giáo.
Theo công giáo thì đi tu là bỏ đời vì đời xấu xa tội lỗi, phải không?
Phải thú nhận rằng trải qua dòng lịch sử, quan niệm đời là tội lỗi xấu xa ảnh hưởng không ít đến chuyện đi tu. Cần phải đi ngược lại nguồn gốc của phong trào đi tu vào hồi thế kỷ IV. Theo một số sử gia, sau thời kỳ cấm cách, Giáo hội không những được tự do hành đạo nhưng còn được dành những ưu đãi của chính quyền Rôma. Đời sống đạo xem ra lỏng lẻo. Trước đây, Giáo hội đã chiến đấu chống lại đời sống lăng loàn của đế quốc Rôma đến nỗi phải chịu bách hại, bây giờ ra như Giáo hội bắt tay với xã hội trụy lạc ấy. Để phản ứng lại, một số Kitô hữu đã bỏ thành thị lên đồng vắng. Họ bỏ đời hiểu cả theo nghĩa không gian, tìm cách xa tránh không giao tiếp với đời, và nếu cần thì phải chiến đấu chống lại chúng. Cũng theo các sử gia ấy, ơn gọi đi tu là ơn gọi tử đạo: trước đây, những Kitô hữu đã phản đối xã hội đồi trụy, và vì thế họ bị bách hại đến nỗi bị giết. Ngày nay, xã hội không còn đối nghịch với Kitô giáo nữa, nhưng các tu sĩ sẽ tiếp nối cuộc chiến đấu với thế gian, và tình nguyện chịu bách hại không phải bằng gông cùm tra tấn, nhưng là bằng những khổ chế mà họ tình nguyện chấp nhận. Dù sao đi nữa, việc các tu sĩ xa lánh đời được biểu hiện không những qua việc chọn những nơi đồng vắng để tu, nhưng còn qua nhiều hình thức khác nữa nhất là kể cả khi các đan viện nằm giữa khu có dân cư. Tỉ dụ như những bức tường cao, khu nội vi; rồi mỗi lần người tu sĩ ra khỏi tu viện không những là phải xin phép bề trên, mà lại còn phải làm việc đền tội khi trở về, vì đã tiếp xúc với thế gian, tai nghe mắt thấy bao nhiêu điều ô uế.
Nhưng mà đâu phải các tu sĩ đều rút lên đồng vắng đâu, có những tu viện được cất ở giữa thành phố đấy chứ?
Như đã nói ở đầu, trong ngôn ngữ Việt Nam không có sự phân biệt giữa ơn gọi làm giáo sĩ và ơn gọi làm tu sĩ: cả hai đều là đi tu hết. Dĩ nhiên là chỉ có các tu sĩ mới bỏ đời rút lên đồng vắng, còn các giáo sĩ thì vẫn phải ở lại thành thị để lo việc mục vụ. Hơn thế nữa, giữa lòng các tu sĩ, dần dần cũng nảy ra một khuynh hướng mới, đó là bên cạnh những người tìm về đời sống cô tịch, lại có những người cảm thấy cần phải hoạt động giữa đời, quen gọi là làm việc tông đồ. Khuynh hướng này phát triển từ thế kỷ XII-XIII với các Dòng Đaminh, Phanxicô, vân vân, và nhưng dòng này cất nhà giữa đô thị để dễ làm việc. Tại làm sao lại có hai khuynh hướng trái ngược như vậy? Thưa tại vì cái chữ “đời” có hai nghĩa trong Kinh thánh, nhất là các tác phẩm của thánh Gioan và Phaolô. Một đàng nó ám chỉ những lực lượng xấu xa tội lỗi, đối nghịch lại với Thiên Chúa, với tình yêu. Đôi khi chúng ta gọi là “thế gian”, hay “trần gian” và có người tán thêm: gian dối, gian tham, gian xảo. Dưới khía cạnh ấy, cái đời bị Kinh thánh lên án: anh em đừng chạy theo đời (Rm 12, 2); anh em đừng có yêu đời, ai yêu đời thì sẽ không được Chúa yêu (1Ga 2, 15). Mặt khác, tiếng “đời” còn có nghĩa là tất cả những gì mà Chúa đã dựng nên, đặc biệt là thế giới con người, mà chúng ta có thể gọi là trần thế. Đối với cái trần thế ấy, Giáo hội mang một trách nhiệm phải rao giảng Phúc âm, bày tỏ tình thương cứu độ của Thiên Chúa, và để được như vậy thì phải “vào đời”. Chính vì ý nghĩa hàm hồ như thế nên không lạ gì, đứng trước cái mà chúng ta gọi là đời, người Kitô có thể có thái độ trái ngược, kẻ thì tránh đời, người thì yêu nó. Cái đó tùy theo cách chúng ta hiểu đời là gì. Nếu hiểu nó là những lực lượng tội lỗi thù địch với Phúc âm, thì dĩ nhiên chúng ta phải xa tránh; nhưng nếu hiểu như là những con người cần được đón nhận Tình thương của Thiên Chúa, thì chúng ta có nghĩa vụ phải xích lại gần, để mang Chúa đến cho họ và chia sẻ tình thương Chúa cho họ.
Hiểu như vậy, cho nên từ nay đi tu không cần phải lánh xa đời, nhưng có thể vẫn cứ sống ở giữa đời, phải không?
Trong những thập niên gần đây, xuất hiện trong Giáo hội những tổ chức gọi là tu hội đời: những thành viên tìm cách thánh hóa bản thân và thánh hóa đời ngay từ giữa lòng đời, chứ không lánh xa đời vào các tu viện như trước đây nữa. Tuy nhiên như thế không có nghĩa là các hình thức tu trì cổ truyền đã hết giá trị. Một đàng chúng ta biết rằng người Kitô còn phải tiếp tục chống lại “đời” hiểu theo nghĩa là các đam mê tội lỗi. Trong bản thân của mỗi người chúng ta, chúng ta phải chiến đấu với các yếu tố đời, tựa như tham lam, kiêu căng, cũng như bao dục vọng đam mê khác. Đó là chưa nói tới các hình thức tội lỗi khác nằm trong các cơ cấu xã hội gây ra cảnh bất công, bóc lột. Ba lời khấn của các tu sĩ nhằm biểu lộ sự chiến đấu chống lại “đời” hiểu theo nghĩa xấu ấy. Và các thành viên của tu hội đời cũng tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm. Tuy nhiên, thần học về đời tận hiến của công đồng Vaticanô II không phải chỉ trình bày các lời khấn như sự từ bỏ các căn nguyên tội lỗi, nhưng còn thêm rằng nhiều điều mà các tu sĩ khước từ tự nó là tốt, tỉ như sự tự do, tình yêu gia đình, nhằm nhắc nhở cho Dân Chúa đến những thực tại còn tốt hơn của Nước Trời mai hậu.
Nói thế thì có nghĩa là trong thế giới mai hậu, tất cả những gì của đời này, dù là xấu dù là tốt cũng sẽ tiêu tan hết hay sao?
Thật khó mà trả lời cách vắn tắt được. Chúng ta tin rằng trong thế giới mai hậu, khi Nước Chúa được thiết lập hoàn toàn, thì sẽ không còn tội lỗi và các vết tích của tội lỗi nữa. Nhưng khi Kinh thánh nói rằng Thiên Chúa sẽ canh tân mọi sư, thì có phải là Ngài sẽ hủy bỏ hết cái thế giới này và xây dựng một thế giới hoàn toàn mới hay không? Ở số 39 của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, Công đồng vaticanô II đã trả lời một cách dè dặt rằng: những thành quả của con người tựa như nhân phẩm, tình huynh đệ, sự tự do, sẽ được duy trì, tuy sẽ được thanh lọc và biến đổi. Nói khác đi, những giá trị của trần thế không bị hủy diệt hoàn toàn, nhưng cũng se không được duy trì nguyên si: chúng sẽ được duy trì và canh tân. Trên thực tế, do kinh nghiệm bản thân, chúng ta biết rằng không có gì thập toàn ở đời này cả. Kẻ cả những tâm tình xem ra cao thượng nhất, tựa như tình phụ mẫu tử, cũng dễ bị vẩn đục bởi những khuynh hướng chiếm hữu ích kỷ. Chính vì vậy, và như đã nói việc các tu sĩ từ bỏ đời không phải chỉ giới hạn vào nhưng đam mê tội lỗi, nhưng còn bao gồm đến cả các giá trị tích cực của đời, nhằm nêu bật sự cần thiết phải tỉnh thức thanh luyện chúng ngõ hầu có thể biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa. Rút cuộc, theo tôi nghĩ, dù bỏ đời dù vào đời hay yêu đời, động lực cuối cùng phải là tình yêu của Thiên Chúa, tiêu chuẩn để xét những gì phải tránh lánh từ bỏ, và những gì cần thực hiện.
------------------------------
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
No comments:
Post a Comment