Hiểu Sống Đức Tin
Đi Tu Là Bỏ Đời Hay Vào Đời?
Trong quan niệm cổ truyền tại Việt Nam, đi tu có nghĩa là từ bỏ đời. Thế nhưng người ta thấy từ công đồng Vaticanô II ra như giới tu sĩ đi ngược lại: thay vì bỏ đời, lánh đời, họ lại chủ trương “vào đời”. Tại sao lại có sự thay đổi ấy?Có lẽ phải thêm rằng không những có người chủ trương “vào đời”, mà lại còn phải “yêu đời” nữa! Để hiểu sự thay đổi ấy, thiết tưởng không những chúng ta phải xem lại sự tiến triển của thần học tại Âu Tây về những giá trị trần thế, nhưng cần phải xét lại cái quan niệm đi tu tại Á đông của mình. Chúng ta phải nhìn nhận rằng ngôn ngữ và tư tưởng của chúng ta chịu ảnh hưởng của Phật giáo không nhỏ: tỉ như chính cái chữ “tu”: phàm ai bỏ gia đình để dâng mình cho Chúa đều gọi là đi tu, không phân biệt là tu làm linh mục hay làm tu sĩ; trong khi mà thần học Kitô giáo phân biệt hai ơn gọi ấy: ơn gọi làm linh mục nhắm đến việc phục vụ cộng đoàn qua các tác vụ; còn ơn gọi làm tu sĩ nhằm đến sự trọn lành đức ái. Chính vì không hiểu sự khác biệt ấy nên nhiều người không hiểu được tại sao có chuyện đòi xét lại luật độc thân của linh mục: ở Việt Nam mình coi các linh mục cũng là thầy tu, nên đương nhiên là phải giữ độc thân rồi. Thế nhưng, theo quan điểm thần học, các linh mục “triều”, hay muốn dịch sát nghĩa hơn – linh mục “đời” (saecularis) – không phải là tu sĩ. Theo tôi nghĩ thì sở dĩ người Việt mình không hiểu được sự khác biệt về hai ơn gọi như vậy là tại vì trong Phật giáo không có sự khác biệt về đường tu. Đã tu thì phải bỏ gia đình, bỏ đời. Đến đây, chúng ta lại vấp phải một cái khó khăn nữa, về quan niệm “đời” giữa Phật giáo và Công giáo.