Ông Táo về chầu Trời
Hoài Mỹ
Bộ lễ cúng Táo quân
Ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch tục gọi là ngày Ông Táo về chầu trời. Vào giờ này, ở Việt Nam, có nhà cũng đã cúng bái xong xuôi rồi và có thể đang cùng ngồi đánh chén (nhậu) với nhau; có nhà vẫn tiếp tục xì xụp lậy trước bàn thờ nghi ngút khói hương. Trong khi đó ở ngoại quốc, vì múi giờ khác nhau nên sinh hoạt xã hội tại mỗi lục địa mỗi khác. Cứ như ở Cali này chẳng hạn, một số gia đình vẫn còn đang đi chợ mua sắm đồ cúng, trong khi đa số đã chuẩn bị xong những lễ vật cần thiết để “tiễn đưa Ông Táo về chầu Trời.”
Ấy là nói tổng quát vậy thôi, chứ thật sự không phải gia đình người Việt nào, kể cả ở trong nước, cũng đều cúng Ông Táo, tuy nhiên chỉ phần đông gồm những người tạm gọi là theo “đạo Ông Bà” hay “đạo Tổ Tiên” hoặc cùng lắm theo Phật Giáo. Thế nhưng vào dịp “năm hết, Tết đến,” dường như người Việt nào - dù muốn dù không - cũng nhớ ít nhiều đến ngày này, bởi đi đâu cũng nghe thiên hạ nhắc đến, nếu không do bạn bè, thân nhân, đồng nghiệp thì cũng do các cơ quan truyền thông quần chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình vốn từ hôm trước đã ra rả như “quốc kêu mùa hè....” Đó là chưa kể vào thời điểm này, hễ có dịp ra chợ hoặc vào các trung tâm thương mại của đồng hương, người ta lại thầy sờ sờ trước mắt các lễ vật cúng Ông Táo hoặc các tranh ảnh vẽ “nhân vật chính” ấy.
Mục đích của nghi thức này đã được minh xác sẵn trong tên gọi, “Tiễn đưa Ông Táo” - tuy nhiên “tiễn đưa” ở đây không có nghĩa là để chúc Ông Táo “thượng lộ bình an” trong chuyến lên chầu Trời như thể người ta vẫn chúc khi tiễn đưa thân nhân hay bạn bè nhân một chuyến đi xa nào đó, thí dụ về Việt Nam hoặc du lịch - nhưng nhằm “cầu xin”; thật ra đúng hơn là để “điếu đóm” hay “đút lót” hoặc “hối lộ” Ông Táo, bởi ai cũng biết Ông Táo mỗi khi năm hết Tết đến về chầu Trời để trình lên Ngọc Hoàng tất cả những gì đã diễn biến trong suốt năm vừa qua của gia đình mà Ông Táo đã quan sát và ghi chép được vì Ông Táo vẫn “tử thủ” dưới hình thức “đầu rau” ở bếp. Người bình dân tin rằng, một khi “hối lộ” cho Ông Táo những thứ “ngon lành” thì khi trình bầy với Ngọc Hoàng, Ông sẽ chỉ “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại” cho gia đình ấy; bằng không ngược lại, khi gia chủ không chịu làm “cử chỉ đẹp” đối với Ông Táo trước ngày Ông lên đường thì bảo đảm Ông sẽ “vạch áo” của gia đình cho Ngọc Hoàng “xem lưng.” Tóm lại thì sang năm mới gia đình được Ngọc Hoàng ban nhiều ân huệ hay chỉ “thí” cho toàn những vận xui... ấy cũng tùy thuộc vào lời tường thuật của Ông Táo. Nói xa, nói gần hay nói ngược, xuôi thì qua việc “cúng tiễn chân Ông Táo,” nhân gian đã vô tình hạ bệ Ông Táo xuống tận bùn đen, một nhân vật tuy linh thiêng nhưng vẫn có tâm địa xấu xa, khoái trả thù, thích thiên vị và ưa “bóp méo, vo tròn” mọi việc, chuyên “đổi trắng thay đen” các “sự cố.” Vậy mà người ta vẫn gọi là Ông, là Thần đấy!
Mâm cỗ cúng táo quân
Sự tích Ông Táo
Ngày xửa ngày xưa, tại một làng kia có một cặp vợ chồng nọ yêu nhau thì cũng không ai sánh bằng, mà nghèo thì cũng chẳng ma nào có thể “qua mặt.” Hàng ngày từ sáng sớm đến tối mịt, họ đi mò cua bắt ốc, mót lúa nhặt khoai... nhưng chưa bao giờ họ được một bữa lửng dạ chứ chẳng dám mơ ước no bụng. Biết không thể kéo dài mãi tình trạng “đen như cột nhà cháy” này, bằng không cả hai vợ chồng sẽ chết đói hết, họ đành chọn giải pháp “anh đường anh, tôi đường tôi,” chẳng phải vì “tình nghĩa đôi ta có thế thôi” nhưng bởi lý luận rằng “tay làm hàm nhai” đối với một người thì mới hy vọng sống còn, chứ “chậy ăn từng bữa toát mố hôi” cho những hai miệng ăn thì sớm muộn gì cũng đưa nhau ra “ngủ với giun dế” ở ngoài đồng.
Ngày chia tay, vợ chồng khóc lóc rất thảm thiết, còn hơn mưa gió, nhưng chỉ có trời chứng giám chứ dân làng không ai có thể “cứu nhân độ thế,” bởi chính họ cũng thường xuyên “đêm về vỗ bụng rau bình bịch.”
Một thời gian sau, người chồng cũng bỏ “túp lều lý tưởng” thuở xa xưa mà đi ăn xin ở một “chân trời tím” nào đó.
Trong khi ấy, người vợ “tuổi vừa hai bảy, dung nhan mặn mà” - nhưng trước kia vẻ đẹp này đã bị bụi bậm, bùn đất đắp lên khiến đến chính chủ nhân cũng không biết huống chi người ngoài - sau ngày vĩnh biệt người chồng vốn nghèo “can không nổi” ấy thì những nét “chim sa cá lặn” của nàng chẳng bao lâu đã lọt vào cặp mắt tinh đời của một phú hộ khi nàng đến xin ông ta làm phúc bố thí cho tí cơm thừa, chút canh cạn. Ông này chỉ lẳng lặng bảo nàng lội xuống ao rồi ngụp đầu dưới nước chừng dăm ba phút. Khi nàng ngẩng mặt lên, ông phú hộ lập tức rơi bõm vào tình trạng “tình càng thấm thiết, dạ càng ngẩn ngơ.” Ông ta lập tức “khấp con ngựa... ngựa ô,” đoạn “rước nàng về dinh.”
Nào ngờ, một hôm người chồng cũ đến xin ăn đúng nhà ông phú hộ. Bà chủ vốn là người từ tâm bởi chính bà cũng đã xuất xứ từ giới “khố rách áo ôm” nên bất cứ hành khất nào đến xin, bà cũng cho ăn uống no nê rồi còn bố thí chút gạo, ít ngô... Hai vợ chồng cũ nhận ra nhau; nước mắt hai người tuôn rơi không ngừng. Bà vợ mời người chồng cũ vào nhà, định bụng mời ông ăn một bữa cơm nóng với cá, thịt. Bỗng có tiếng chó sủa. Người vợ biết ông chồng mới sắp về đến nhà. Bà sợ “tình ngay lẫn ý ngay” của bà bị hiểu lầm nên quýnh quáng bảo người chồng cũ chui vào ẩn trong đống rơm ở gần bếp. Sau đó bà ra cổng đón người chồng hiện tại với dáng điệu thật tự nhiên thường ngày. Đúng lúc đó, không hiểu vì nguyên nhân nào mà lửa từ trong bếp đang ninh nồi cám lợn lại lan được sang đống rơm, bốc cháy. Người vợ hoảng hốt, hối hận đã xúi chồng cũ trốn trong đống rơm, nhưng bà lại không dám cho chồng hiện tại biết. Vừa đau lòng, vừa ân hận, bà nhẩy vào đống rơm đang cháy. Trước hành động quá bất ngờ của vợ, người chồng không hiểu nguyên nhân gì, nhưng thương vợ nên ông cũng bay mình vào đám lửa.
Thế là cả ba người, hai ông chồng và một bà vợ, đều chết thiêu, tuy nhiên vì chết đúng giờ linh nên cả ba người đều hóa thành thần. Dân gian thuở ban đầu đua nhau hát diễu, “Thế gian một vợ, một chồng - không như vua bếp, hai ông một bà.” Thế nhưng, Ngọc Hoàng ở thiên đình vì cảm kích trước tình nghĩa vợ chồng của ba người, đã phong cho cả ba thành Táo Quân, nghĩa là Thần Bếp, và giao cho bổn phận theo dõi cuộc sống của gia đình để mỗi ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch thì về báo cáo với Trời - nên có nơi còn gọi ngày này là Tết Ông Công (tức Thần Đất hay “Thổ Công”)
Mâm cỗ cúng Ông Táo
Như trên đã trình bày, vì tin là Thần Táo chỉ ở trong bếp, biết hết mọi chuyện trong nhà nên rất cần phải “lấy lòng” cả ba Vua Bếp để các chư vị này “phù trợ” cho gia đình được nhiều điều may mắn trong năm mới, bởi thế gia chủ thường làm cỗ tiễn đưa Ông Táo về chầu Trời một cách rất trọng thể. Lễ vật cúng Táo Quân phải đúng “bài bản” thì mới... linh, bằng không “mất tiền mà chẳng nên công cán gì.” Này nhé, về y phục, trước hết phải có mũ, áo hia và một số vàng thoi bằng giấy (dĩ nhiên!). Mũ dành cho hai Táo Ông thì có hai cánh chuồn; mũ của Táo Bà thì không cần, tuy nhiên cả ba mũ phải được trang trí “ngoại thất” bằng những giây kim tuyến sặc sỡ với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh. Những đồ “vàng mã” vừa kể sẽ được đốt đi sau lễ cúng tiễn đưa Ông Táo. Sau đó gia chủ lập bài vị mới cho Táo Công.
Nhà có trẻ con, thời xưa người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc; loại gà cồ mới tập gáy (mới lớn) ngụ ý “nhờ vả” Táo Quân nhân chuyến về chầu Trời, nhớ “năn nỉ” Ngọc Hoàng cho đứa trẻ lớn lên có nhiều sinh khí, nghị lực và hiên ngang như... gà cồ vậy!
Để Ông Táo có phương tiện bay về Trời, người ta vẫn thường cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước. Lý do: Cá chép trong cuộc thi làm Rồng, đã vượt qua được hai bậc Vũ Môn, chỉ hụt bậc chót, gần được hóa thành Rồng, nhưng nay vẫn đủ “điều kiện” để chuyên chở Táo Quân. Sau khi cúng, gia chủ nhớ “phóng sinh” cá chép này chứ đừng biến nó thành “cá nướng da dòn” cuốn bánh tráng chấm mắm nêm!
Ngoài các lễ vật “chính quy” kể trên, tùy theo gia cảnh, người ta còn làm lễ mặn với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu măng, bóng, mọc, đĩa giò, đĩa xào thập cẩm, đĩa xôi gấc, đĩa chè kho, bánh chưng, thịt đông, hành muối, ba ly rượu, một quả bưởi, cau trầu...
Bàn thờ cúng Ông Táo phải đặt ở trong bếp, bởi đây là “nhà” chính cống của Thần; khi cúng phải đốt lửa trong bếp hay bật bếp cho cháy rực. Cúng xong, cả nhà quây quần ăn uống no nê, vui vẻ, cũng ở ngay tại bếp. Có thế Táo Quân mới hả lòng, mát dạ!
Hình ảnh Táo Quân trong ký ức tuổi thơ
Từ thưở còn bé tôi chưa bao giờ được tham dự một buổi cúng tiễn chân Ông Táo về chầu Trời, nhưng vị thần này của tín ngưỡng dân gian Việt Nam lại rất gần gũi với tôi qua các bức tranh hí họa. Đó là một nhân vật ốm tong teo, “bao nhiêu xương sống xương sườn phơi ra,” gầy đến độ “qua cầu gió bay;” đầu thì đội chiếc mũ có hai cánh chuồn nhấp nhô lên xuống nhịp nhàng theo nhịp chân chủ nhân di động; thân thì mặc cái áo-dài rộng thùng thình, trong khi hai cái chân chỉ bằng ống sậy, nhìn y chang cẳng gà lại tua tủa lông lá; một bên chân thì xỏ vào một chiếc ủng, bên chân kia xỏ vào chiếc hia, theo đúng tục lệ xưa, “Quan văn đi hia, quan võ đi ủng”; còn “mốt” ngày nay thì gọi là kiểu “trên răng dưới... lựu đạn”!
Trong các màn hài Sớ Táo Quân, các diễn viên muốn nhập vai cũng phải hóa trang như vừa mô tả trên. Tóm lại, hình ảnh lý tưởng của Ông Táo luôn luôn phải là, “Đội mũ, đi hia, chẳng mặc quần!”
-----------------------------------
No comments:
Post a Comment