Tuesday, February 19, 2013

Cuộc đời Giáo hoàng Benedict XVI


Cuộc đời Giáo hoàng Benedict XVI

Đức Giáo hoàng Benedict XVI bất ngờ tuyên bố từ chức

Trong một tuyên bố gây sốc hôm thứ Hai, Vatican nói Đức Giáo hoàng Benedict XVI sẽ rời khỏi chức vụ người đứng đầu Giáo hội La Mã vào ngày 28/2 tới đây. Các lý do khiến Ngài từ chức vẫn chưa được nêu rõ.
Đức Giáo hoàng đã trải qua những thách thức đáng kể trong sự nghiệp của mình.
Ở tuổi 78, Ngài là một trong những vị giáo hoàng cao tuổi nhất trong lịch sử khi được bầu chọn hồi 2005.
Là một giáo sư biết chơi đàn piano, Đức Hồng y Joseph Ratzinger đang định nghỉ hưu khi Đức Giáo hoàng John Paul II qua đời hồi 2005. Ngài nói Ngài chưa bao giờ muốn trở thành Giáo hoàng.
Nếu như Ngài hay bất kỳ ai trong số các vị hồng y đã bầu chọn Ngài nghĩ rằng sau đó sẽ là một thời bình lặng, mở đường tới một kỷ nguyên mới, thì hẳn người đó đã sai.

Đức Giáo hoàng Benedict lên trị vì đúng lúc có một trong những cơn bão tố dữ dội nhất mà Giáo hội La Mã phải đương đầu trong những thập niên qua bùng ra - vụ bê bối các tu sỹ lạm dụng tình dục trẻ em.
Các vụ bê bối khác cũng khiến cho Giáo hội bị hứng chịu những chỉ trích từ trong và ngoài Tòa Thánh.
Trên thực tế, Ngài đã cai quản trong một thời kỳ rất khó khăn, khi một thế giới với những thay đổi nhanh chóng đã đem đến những thách thức liên tục cho Giáo hội vốn có những truyền thống để lại từ 2.000 năm trước.

"Tội lỗi từ bên trong"

Benedict đã khởi đầu tình yêu với Giáo hội từ tình yêu với bộ áo choàng giám mục màu đỏ

Hàng loạt những cáo buộc, những vụ kiện tụng và các tường thuật chính thức về tình trạng lạm dụng của các giáo sỹ, cao điểm lên vào năm 2009 và 2010, xảy ra trong triều đại của Giáo hoàng Benedict XVI.

Những cáo buộc gây hại nhiều nhất cho Giáo hội là vụ các giáo phận địa phương - ngay cả ở Vatican - đã tìm cách đồng lõa hoặc che giấu nhiều vụ việc, tránh trừng phạt các tu sỹ phạm tội ấu dâm và có khi còn di chuyển các tu sỹ này sang vị trí mới, để họ tiếp tục lạm dụng.
Trong lúc có một số nhân vật cao cấp trong Vatican ban đầu đã buộc tội truyền thông hoặc nói các cáo buộc đó là một âm mưu chống lại Giáo hội, thì Giáo hoàng đã thừa nhận rằng Giáo hội chấp nhận trách nhiệm, và nói thẳng về "tội lỗi từ bên trong Giáo hội".

Ngài đã gặp gỡ và có một lời xin lỗi chưa từng có đối với các nạn nhân, nói rõ các giám mục phải báo cáo về tình trạng lạm dụng, và phải áp dụng các nguyên tắc nhanh chóng nhằm cho hoàn tục các giáo sỹ phạm tội lạm dụng.


Trước khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Hồng y Ratzinger đã có 24 năm giữ vai trò cao cấp tại Vatican, là Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin.
Giữ vị trí cao trong Giáo Hội khiến Ngài có thể nắm bắt được một số các vụ tu sỹ lạm dụng.
Các nhà bình luận nói Ngài đã không nằm sâu sát được tình hình, khiến cho các vụ lạm dụng kéo dài qua nhiều năm mà không được xử lý thỏa đáng - thậm chí họ còn nói Ngài đã cố ý lợi dụng quyền lợi của các nạn nhân để làm lợi cho Giáo hội.
Ngài chưa từng công khai nói lên ý kiến của mình về các sự kiện này.
Những người ủng hộ Ngài thì nói Ngài đã làm nhiều hơn bất kỳ vị giáo hoàng nào khác khi phải đối đầu với tình trạng lạm dụng.

Ngay trước khi được bầu hồi 2005, Ngài nói: "Thật sự là có nhiều sự bẩn thỉu trong Giáo hội này, và thậm chí trong cả trong những người... giữ vị trí tu sỹ."
Một trong những việc đầu tiên Ngài làm sau khi trở thành Giáo hoàng là trục xuất một gương mặt từng được Vatican ưu ái, Cha Marcial Marciel, người bị đưa ra ánh sáng về các hành động lạm dụng tình dục và tội hình sự.

Dày dạn kinh nghiệm

Hồng y Joseph Ratzinger từng là một nhân vật nổi bật dưới thời Giáo hoàng John Paul II

Joseph Ratzinger sinh ra trong một gia đình nông dân Bavaria năm 1927, tuy có cha là cảnh sát.
Ngài được cho là khi mới năm tuổi đã say mê bộ trang phục màu đỏ của vị Tổng giám mục Munich tới thăm.
Khi 14 tuổi, Ngài gia nhập Đoàn Thanh niên Phát xít, giống như các thanh niên Đức bị yêu cầu phải làm khi đó.

Trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai, việc học tại Chủng viện Traunstein của Ngài đã bị gián đoạn do bị gọi vào một đơn vị phòng không tại Munich.
Ngài rời bỏ quân đội Đức trước khi kết thúc chiến tranh và có một thời gian ngắn bị Liên quân bắt giữ làm tù binh chiến tranh hồi 1945.

Quan điểm truyền thống, bảo thủ của Giáo hoàng được củng cố thêm từ những kinh nghiệm Ngài trải qua trong thời thập niên 1960.
Ngài dạy học tại Đại học Bonn từ 1959 và đến 1966 giữ một chân trong khoa thần học lý tín tại Đại học Tuebingen.
Nhưng Ngài cũng hoảng sợ trước tình cảm thân Marxist rất phổ biến trong giới sinh viên mà Ngài giảng dạy.

Theo Giáo sư Ratzinger, tôn giáo đã bị đẩy xuống vị thế phục tùng một ý thức hệ chính trị mà Ngài gọi là “độc tài, độc đoán và độc ác”.
Sau đó Ngài trở thành nhà vận động hạng đầu chống lại thần học tự do, là phong trào nhằm đưa Giáo hội tới với chủ nghĩa hoạt động xã hội, điều mà Ngài cho là quá gần với chủ nghĩa Marx.

Nhẹ nhàng và khiêm nhường


Năm 1969, Ngài tới Đại học Regensburg ở quê hương Bavaria và vươn lên chức hiệu trưởng, phó chủ tịch trường.
Ngài được Đức Giáo hoàng Paul VI phong làm Hồng y Munich vào năm 1977.
Ở tuổi 78, Joseph Ratzinger là giáo hoàng cao tuổi nhất trở thành Giáo hoàng kể từ khi Clement XII được bầu hồi 1730.
"Nếu như không trở thành Giáo hoàng, thì rất có thể John Paul II đã trở thành một ngôi sao điện ảnh. Nếu không trở thành Giáo hoàng, thì rất có thể Benedict đã trở thành một giáo sư đại học," chuyên gia về Vatican người Mỹ, John L Allen nhận xét.
Ngài nổi tiếng là một nhà thần học bảo thủ, có quan điểm không khoan nhượng về tình dục đồng giới, về việc phụ nữ làm linh mục, và về vấn đề phòng ngừa thai.
Ngài lớn tiếng bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống đói nghèo, chống bất công xã hội.

Chủ đề trọng tâm trong thời gian Ngài trị vì là việc bảo vệ các giá trị Thiên chúa giáo căn bản trong điều mà Ngài coi là sự xuống cấp đạo đức ở hầu hết các nơi trong Châu Âu.
Ngài đã khiến những ai cho rằng Ngài sẽ bổ nhiệm các gương mặt theo đường lối truyền thống, cứng rắn vào các vị trí chủ chốt đã phải ngạc nhiên.
Nhưng hội đồng hồng y, cơ quan sẽ bầu chọn người kế nhiệm Ngài, nay đa phần gồm những người được Benedit chỉ định, với thiên hướng về các giáo sỹ Âu châu, đặc biệt là các tu sỹ người Ý.
Benedict được những người hiểu rõ Ngài mô tả là người có phong thái thoải mái, nhẹ nhàng và khiêm nhường, nhưng có quan điểm đạo đức cứng rắn.
Một vị hồng y nói Ngài là người "rụt rè nhưng bướng bỉnh".

Sự thật tuyệt đối


Hồng y Cormac Murphy O'Connor, người từng đứng đầu Giáo hội tại Anh và xứ Wales, nói Ngài "luôn luôn lịch sự" và có nhiều tài lẻ, nhưng không có tài quản lý.
Một rò rỉ tài liệu đáng xấu hổ từ văn phòng Giáo hoàng cho thấy tình trạng tham nhũng và quản lý yếu kém trong Vatican đã dẫn tới vụ người quản gia của Giáo hoàng bị buộc tội. Vụ việc đã tạo ra ấn tượng xấu về chuyện tranh giành quyền lực trong Biển Thánh.
Cách thức Giáo hoàng xử lý các vụ bê bối giáo sỹ lạm dụng tình dục trẻ em cũng khiến cho giới truyền thông thế tục đưa ra những lời chỉ trích gay gắt.
Ngài cũng từng làm mếch lòng người Hồi giáo, Do Thái giáo và Tân giáo bằng các hành động và các bài diễn văn của mình.

Những người ủng hộ nói các sự kiện đó thể hiện không đúng ý nguyện của Ngài trong việc muốn cải thiện mối quan hệ giữa các loại tôn giáo.
Ngài đã xuất hiện rộng rãi, tới thăm Đền thờ Hồi giáo Xanh ở Istanbul, và Vòm Đá ở Jerusalem, và cầu nguyên hòa bình tại Bức Tường Phía Tây.
Nhưng ngay cả vậy thì người ta vẫn đặt câu hỏi về việc ai đã cố vấn cho Đức Giáo hoàng, và mục đích của họ là gì, trong việc cuối cùng đã dẫn tới việc bổ nhiệm một cựu phóng viên của hãng tin Fox News, Greg Burke, làm người phụ trách chiến lược truyền thông của Vatican.

Với Benedict, những hớ hênh trong quan hệ công chúng chỉ là những mối quan ngại thoáng qua nếu so sánh với những thách thức dài hạn mà Giáo hội phải đối mặt - như việc hàng triệu người rời bỏ Giáo hội La Mã, và sự sụt giảm số tu sỹ được tuyển chọn ở phương Tây.
Benedict dường như không đáp ứng bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong số các thách thức trên, nếu phải nhân nhượng thế giới tự do hiện đại.

Ngài luôn tin rằng sức mạnh của Giáo hội đến từ sự thật tuyệt đối, điều không nghiêng ngả trước phong ba.

 

Cách tiếp cận này gây thất vọng cho những người muốn Giáo hội phải hiện đại hóa và những người không hài lòng về quan điểm cương quyết của Ngài theo đó đòi tu sỹ phải sống đời độc thân, và việc Ngài không chấp nhận cho sử dụng bao cao su.
Nhưng với những người ủng hộ Ngài thì đó chính là lý do khiến Ngài là người dẫn dắt Giáo hội đi qua được những thời điểm đầy thách thức

THE INTERNET 


No comments:

Post a Comment

WORLD WORLD