Friday, May 31, 2024

THÁNH TÂM và LÒNG THƯƠNG XÓT

 


Tôi không biết nên bắt đầu bằng cách nêu bật những điểm giống nhau hay là những điểm khác nhau trước. Thật ra thì nhiều điểm khác nhau không có nghĩa là đối nghịch nhau, nhưng bổ túc cho nhau mà thôi. Chúng ta có thể bắt đầu bằng những điều tổng quát giống nhau, rồi sẽ dần dần bước sang những điểm khác nhau.

 Nói một cách tổng quát, chúng ta cần phải nhấn mạnh đó là: “Không có gì khác nhau hết”, bởi vì cả hai đều quy về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã mạc khải tình thương Thiên Chúa đối với loài người chúng ta, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính việc hiến mạng sống vì chúng ta; cả hai đều đề cao tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thật vậy, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu và việc tôn sùng lòng Thương xót Chúa đều dành cho cũng một Chúa Giêsu (chứ không phải là hai Chúa khác nhau), và cả hai đều nói đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thánh Tâm (tức là trái tim) là biểu hiệu của tình yêu; và lòng thương xót hẳn nhiên là nói đến tình yêu rồi.

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, tất cả các việc tôn kính đều nhắm đến một Ngôi Vị, một Chủ Thể, chứ không bao giờ dừng lại ở hình thức hoặc tước hiệu bên ngoài. Chẳng hạn như khi tôn kính Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Carmel, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lavang, Trái Tim Đức Mẹ,.v.v… thì tất cả đều nhắm đến bản thân của Đức Maria, thân mẫu của Chúa Cứu Thế và của Hội Thánh. Chúng ta đừng nên dừng lại ở tước hiệu, nhưng hãy nhìn đến Đức Mẹ, để bày tỏ lòng kính mến cũng như bắt chước gương các nhân đức.

Trở lại với đề tài mà chúng ta đang bàn, việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và việc tôn kính lòng thương xót của Chúa đều hướng đến Chúa Giêsu. Thế nhưng, chính trong sự đồng nhất này mà ta thấy có đôi nét khác biệt

Những khác biệt đó là gì?

Sự khác biệt thứ nhất đó là về thời gian. Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đã bắt nguồn từ thời các Giáo phụ, nghĩa là từ ngàn năm thứ nhất của Kitô giáo. Nổi bật là các Giáo phụ như: Origène, Augustino,…

Sang thế kỷ XII, lòng sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu được các thần học gia bàn đến trong những tác phẩm thần học, chẳng hạn như: Thánh Alberto Cả, chân phúc Henri Suso Dòng Đaminh,... Trong số những nhà thần bí nói đến Thánh Tâm vào thời kỳ ấy, nổi tiếng nhất là thánh nữ Gertrude, sinh năm 1256 và qua đời năm 1301, là đan sĩ Dòng Xitô thuộc đan viện Hefta bên Đức, với tác phẩm “Sứ giả của lòng thương xót Chúa”.

Sang thế kỷ XIV, chúng ta thấy thánh nữ Catarina Siena đã viết rất nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng thánh nữ không gắn với việc tôn sùng Trái Tim; có chăng là thánh nữ nhận thấy biểu tượng của lòng thương xót ở nơi bửu huyết của Chúa.
Thế nhưng, việc sùng kính Trái Tim Chúa Giêsu chỉ thực sự phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ XVII do ảnh hưởng của thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1647-1690). Hầu hết những bức ảnh vẽ Thánh Tâm Chúa Giêsu được trưng bày trong các nhà thờ, nhà nguyện Công Giáo đều dựa theo phong trào mà thánh nữ Margarita Margarita Alacoque cổ động. Thánh nữ là một tu sĩ Dòng Thăm Viếng. Vào thời thánh nữ Margarita, Giáo Hội bị đe doạ bởi chủ nghĩa Giansenit, trình bày Thiên Chúa như là một Đấng Công thẳng đáng sợ; Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở con người rằng Thiên Chúa là tình yêu, chứ không chỉ là Đấng thẩm phán.
Tóm lại, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa được phổ biến kể từ thế kỷ XVII là nhờ bởi hai vị thánh nổi tiếng, đó là:

- Thánh Jean Eudes, linh mục, sinh năm 1601 và qua đời năm 1680, đã thành lập hai Dòng tu, một nam một nữ, mang tên là Hai Trái tim (nghĩa là: Trái tim Chúa Giêsu và Trái tim Đức Mẹ), cũng như cổ động việc thiết lập một lễ phụng vụ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nên biết là, theo thánh Jean Eudes, trái tim là trung tâm điểm của con người, vì thế tượng trưng cho chính bản thân Chúa Giêsu, nơi gặp gỡ tình yêu với Chúa Cha, với nhân loại, với vũ trụ.

- Vị thánh thứ hai của thế kỷ XVII là thánh nữ Margherita Maria Alacoque thuộc Dòng Thăm Viếng, nhưng các văn phẩm được phổ biến nhờ vị linh hướng là thánh Claude de la Colombière. Người ta thường coi hai vị thánh này là những cổ động viên cho lòng tôn kính Thánh Tâm trong toàn thể Hội Thánh, được các Đức Giáo Hoàng ủng hộ, không những qua việc thiết lập lễ phụng vụ, mà còn qua nhiều văn kiện, quan trọng nhất là Đức Giáo Hoàng Piô XII với Thông điệp Haurietis aquas năm 1956.

 

Còn lòng sùng kính Lòng Thương Xót Chúa bắt nguồn từ khi nào?

Lòng thương xót của Chúa tuy đã được các nhà thần học bàn đến từ lâu, nhưng trở thành phổ cập vào giữa thế kỷ thứ XX, do ảnh hưởng của thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938). Vào thời thánh nữ Faustina, nhân loại đang trải qua những cuộc tàn phá do những khủng hoảng chính trị gây ra bởi những cuộc chiến tranh và những chủ nghĩa độc tài; lòng thương xót Chúa nhắc nhở con người hãy tín thác vào Thiên Chúa, đừng sợ hãi, đừng thất vọng.
Thế nên, khi nói đến việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót, là chúng ta muốn nói đến hình thức tôn sùng được quảng bá do bởi thánh nữ Faustina Kowalska. Vị thánh này sống vào tiền bán thế kỷ XX, sinh năm 1905 và qua đời năm 1938. Chị cũng là một người tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu. 

Trong quyển Nhật ký, chị ghi lại lời tâm sự của Chúa như thế này: “Này con của Ta, hãy biết rằng, trái tim của Ta là lòng thương xót. Từ biển thương xót này mà các ân sủng trào ra khắp thế giới. Không linh hồn đến gần Ta mà không được an ủi đi ra về. Mọi nỗi lầm than đều được chôn vùi trong đáy của lòng thương xót của Ta, và mọi ơn huệ thánh hóa đều trào ra từ suối này”. Trong một đoạn khác của quyển Nhật ký, thánh nữ đã bộc lộ tâm tình thờ lạy Trái tim Chúa Giêsu ở trong bí tích Thánh Thể với những lời như sau: “Ôi bánh thánh hằng sống, là sức mạnh duy nhất của con, nguồn mạch của tình yêu và lòng thương xót, xin hãy ôm ấp thế giới và nâng đỡ các linh hồn yếu đuối. Ôi, thật là giây phút diễm phúc khi Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta quả tim đầy lòng thương xót của Người”.

Như vậy, đối tượng của việc tôn kính Thánh Tâm và của việc tôn kính Lòng Chúa Thương Xót cũng là một, đó là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho nhân loại.

Trên đây là những sự giống nhau và khác nhau nhìn cách tổng quát; vậy những gì còn lại chỉ là điều nhỏ nhặt hay sao?

Tôi không dám nói rằng, những gì còn lại đều là tiểu tiết, bởi vì khó mà lượng giá tầm quan trọng; nhưng mà chúng ta hãy tiếp tục theo dõi những tương đồng và khác biệt.
Một điểm tương đồng đáng chúng ta lưu ý, là hai người cổ động của hai việc tôn sùng này đều là nữ tu,và tương đối trẻ: thánh nữ Margarita qua đời lúc 43 tuổi, thánh nữ Faustina qua đời lúc 33 tuổi. Dĩ nhiên, cả hai trường hợp này đều là mặc khải tư, nghĩa là không mang lại chân lý nào mới cho kho tàng đức tin của Giáo Hội, nhưng chỉ đào sâu thêm vài khía cạnh của đức tin, theo như sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã khẳng định ở số 67.

Như vừa nói trên đây, cả hai nữ tu này đều trùng hợp ở chỗ tôn kính tình yêu của Chúa Giêsu được biểu lộ qua Thánh Tâm. Tuy nhiên, việc tôn kính được biểu lộ qua những tấm ảnh mà các vị muốn cổ động. Đến đây, ta thấy có sự khác biệt trong cách diễn tả những hình ảnh đó:
- Hình ảnh Trái Tim Chúa theo thánh nữ Margarita chỉ cho ta thấy, một trái tim bừng rực lửa mến chứ không có toàn thể chân dung của Chúa. Trái Tim ấy có một vòng gai quấn chung quanh, nhắc đến cuộc khổ nạn của Chúa. Nói cách khác, Trái Tim Chúa Giêsu gợi ra cuộc khổ nạn của Chúa: vì yêu thương chúng ta, Ngài đã đổ máu mình ra cho chúng ta.

- Đang khi đó, bức tranh mà thánh nữ Faustina được lệnh quảng bá thì trình bày toàn thân Chúa Giêsu, và là Chúa Giêsu Phục Sinh. Thật vậy, Chúa Giêsu mặc áo dài trắng (có lẽ vừa tượng trưng cho phẩm phục tư tế, vừa tượng trưng cho y phục của thân thể vinh hiển rạng ngời), và trong tư thế đứng, giống như khi hiện ra cho các môn đệ sau khi sống lại.

Như vậy, khi tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là chúng ta tôn kính tình yêu của Thiên Chúa phải không?

Chắc chắn rồi. Điều này đã được giải thích bởi các nhà thần học từ thời Trung cổ cũng như trong các văn kiện của các Giáo Hoàng thời cận đại. Chúng ta có thể trưng dẫn một đoạn văn điển hình của Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo viết như sau: “Thánh Tâm Chúa Giêsu, chịu đâm thâu bởi tội lỗi của chúng ta và vì ơn cứu độ cho chúng ta, được coi như là dấu chỉ chính yếu và biểu tượng của tình yêu mà Chúa Cứu chuộc không ngừng yêu thương Thiên Phụ và tất cả mọi chúng sinh”.[1] Trong lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, các bản văn Kinh Thánh thường được trích dẫn hơn cả là cảnh Chúa Giêsu chết trên thập giá, đã bị một tên lính đâm thâu, từ đó vọt ra máu và nước (x. Ga 19,34).

Nói như vậy, thì việc tôn kính lòng Chúa Thương Xót không thêm điều gì mới hay sao?

Lúc nãy, tôi đã lược qua lịch sử lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, từ các nhà thần học và thần bí thế kỷ XIII, đến các hai vị thánh thế kỷ XVII, và các văn kiện Giáo Hoàng trong thế kỷ XX. Các tác phẩm ấy không lặp đi lặp lại những điều đã biết, nhưng đào sâu hơn các khía cạnh súc tích của tình yêu Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, chúng ta phải nhìn nhận rằng, thánh nữ Faustina cũng góp phần vào việc giải thích sâu xa hơn về lòng thương xót của Chúa. Chúng ta không có giờ để đi sâu vào việc nghiên cứu tác phẩm của thánh nữ, và chỉ cần nhìn ngắm bức tranh về lòng Chúa thương xót thì đủ rõ.

Qua bức tranh đó, chúng ta có cảm tưởng là việc tôn kính này đi với mầu nhiệm Phục Sinh. Trên thực tế, lễ kính lòng thương xót Chúa được mừng vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh. Đang khi đó, những bức tranh cổ điển trưng bày Thánh Tâm Chúa thì vẽ bức tranh một trái tim bừng cháy lửa, và chung quanh có quấn vòng gai. Điều này đưa chúng ta đến cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Như vậy, ta có thể nói rằng, hai việc tôn kính trình bày hai khía cạnh của mầu nhiệm Vượt qua: một bên là thập giá, bên kia là cuộc phục sinh.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, việc tôn kính lòng Chúa thương xót bổ khuyết cho vài điểm xem ra hơi tiêu cực của việc tôn kính Thánh Tâm Chúa. Thật vậy, trong lòng đạo đức bình dân, người ta cổ động lòng tôn kính Thánh Tâm với những lời kêu gọi của Chúa rất thảm thiết: “Này đây trái tim đã quá yêu thương loài người, nhưng luôn luôn bị phụ bạc”; vì thế, các tín hữu hãy đền đáp lại tình yêu của Chúa qua việc đền tạ. Cách hình dung như vậy có vẻ hạ giá tình yêu của Chúa, ra như tình yêu này còn tính toán: yêu để được yêu lại; nếu không thì tủi! Tình yêu của Chúa đâu phải như thế! Đang khi đó, bức tranh về lòng thương xót của Chúa cho thấy những dòng suối hồng ân tuôn ra tràn trề từ cạnh sườn của Chúa Giêsu. Ở đây, con người được kêu gọi hãy mở rộng cửa để đón nhận những hồng ân của Chúa. Dĩ nhiên, nếu ta không đón nhận thì ta chịu thiệt thòi mà thôi, nhưng Thiên Chúa không ngừng ban phát ân sủng. Vì thế, ở đây, lời kêu gọi không nhấn mạnh đến việc con người hãy đáp trả tình yêu của Chúa, cho bằng hãy tin tưởng đến gần Chúa, dù mình tội lỗi đến mấy đi chăng nữa.

Như vậy, có phải là trong việc tôn sùng Thánh Tâm, Chúa Giêsu đòi hỏi con người phải thi hành một nghĩa vụ, còn trong việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, con người chỉ cần mở cửa lòng để đón nhận ân huệ của Chúa không?

Tôi nghĩ rằng sự so sánh như vậy cũng có lý phần nào. Tuy nhiên, không phải là việc tôn sùng lòng thương xót Chúa không đặt ra một nghĩa vụ nào.

- Nghĩa vụ thứ nhất là hãy tín thác vào Chúa; điều này xem ra không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là vào thời buổi hôm nay, con người tự hào về khả năng của mình, vào những thành tựu của khoa học kỹ thuật, để rồi rơi vào tuyệt vọng khi khoa học không mang lại kết quả mong muốn.
- Nghĩa vụ thứ hai cũng không đơn giản, là hãy tỏ lòng thương xót đối với đồng loại.
Như vậy, thiết tưởng, thay vì sử dụng hai khái niệm “nghĩa vụ” và “ân huệ” để đối chiếu hai hình thức tôn sùng, chúng ta hãy dùng hai khái niệm khác: việc tôn sùng Thánh Tâm nhắc nhở những bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa; còn việc tôn sùng Lòng Chúa Thương xót nhắc nhở những bổn phận của chúng ta đối với tha nhân.

Trên đây, Cha đã nhắc đến bức tranh cổ võ lòng sùng kính Chúa Thương Xót của thánh nữ Faustina, vậy Cha cho biết thêm ý nghĩa về bức tranh này thế nào?

Trước hết, tôi cần lưu ý một lần nữa rằng: Việc tôn kính Thánh Tâm đã là tôn kính Lòng Chúa Thương Xót rồi. Vì thế, trong bức ảnh nguyên bản trình bày về Lòng Chúa Thương Xót, thì không vẽ hình Trái Tim; nhưng ở vài nơi, một số những họa sĩ đã thêm vào.

Đặc trưng của bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót nằm ở chỗ hai tia sáng màu đỏ và trắng nhạt, phát ra từ cạnh sườn bên trái của Chúa Giêsu. Như tôi đã nói ở trên, ý tưởng này được gợi lên từ đoạn văn Tin mừng thánh Gioan (Ga 19,34): một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn của Đức Giêsu, tức thì, máu cùng nước chảy ra. Bản văn của Tin mừng chỉ nói là máu cùng nước chảy ra, nhưng bức tranh của thánh nữ Faustina đã tô màu thành hai tia sáng màu đỏ và trắng.
Thực ra, từ thời các Giáo phụ, quang cảnh này đã được giải thích theo nhiều nghĩa.

- Một nghĩa trực tiếp hơn cả là máu và nước là biểu tượng của hai Bí tích Thánh Thể và Thánh Tẩy.
- Một nghĩa xa hơn nữa là quang cảnh này được liên kết với việc thành lập Hội Thánh. Cũng như xưa kia, bà Eva được dựng nên từ cạnh sườn ông Adam thiếp ngủ, thì nay Hội Thánh là bà Eva mới cũng được dựng nên từ cạnh sườn của Đức Giêsu là Adam mới thiếp ngủ trên thập giá.

Nói như vậy, bức tranh của thánh nữ Faustina gợi lên việc Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá hay việc Chúa Phục Sinh?

Cả hai. Đoạn văn vừa trích dẫn thuật lại cảnh Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá. Nhưng khi thuật lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ, tám ngày sau khi sống lại, thì thánh Gioan cũng nói đến việc Chúa bảo ông Tôma: “Hãy đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Ta có thể nói được, là việc mời gọi thánh Tôma cũng là lời mời gọi tất cả chúng ta hãy tiến lại gần Chúa, và hãy tín thác vào Chúa. Như vậy bức họa của thánh nữ Faustina vừa gợi lên ý tưởng Tử Nạn, vừa gợi lên ý tưởng Phục Sinh; nói tắt là gợi lên mầu nhiệm Vượt Qua. Lễ kính Lòng Chúa Thương Xót được mừng vào Chúa Nhật Bát Nhật Phục Sinh, còn lễ Thánh Tâm được mừng vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Thánh Chúa.
Và bức họa Lòng Chúa Thương Xót cũng gợi lên Bí tích Thánh Thể nữa đúng không?

Đúng vậy! như tôi vừa nói ở trên. Tuy nhiên, đến đây, chúng ta lại gặp một điểm vừa tạo nên sự trùng hợp vừa tạo nên sự khác biệt giữa hai việc tôn kính. Thật vậy, việc tôn kính Thánh Tâm Chúa Giêsu gắn liền với việc tôn kính Thánh Thể; đặc biệt qua việc làm giờ thánh trước Mình Thánh Chúa và việc rước lễ ngày Thứ Sáu đầu tháng. Mặt khác, bức họa Lòng Chúa Thương Xót nhắc đến Bí tích Thánh Thể qua tia sáng màu đỏ phát ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu, mà các Giáo phụ đã giải thích như là máu (biểu tượng của Bí tích Thánh Thể), đang khi tia sáng màu trắng như là nước (biểu tượng cho Bí tích Rửa Tội)


Ngoài ra, điểm khác biệt nằm ở chỗ: Thánh nữ Margarita kêu gọi chúng ta đến gần Thánh Tâm để làm việc đền tạ vì những tội vô ân lạnh nhạt, đứng trước tình yêu của Chúa Giêsu, cách riêng những lần xúc phạm đến Bí tích Thánh Thể. Những ý tưởng thường được nhắc đến là: đền bồi, phạt tạ, an ủi, hối lỗi,... Đang khi đó, thánh nữ Faustina mời gọi chúng ta hãy đến gần Lòng Chúa Thương Xót để lãnh nhận hồng ân của Chúa, ra như để hứng lấy những dòng nước trào ra từ cạnh sườn của Chúa.

Nhân nói về việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, có phải Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp về Lòng Chúa Thương Xót phải không?

Đúng thế, nhưng nên cẩn thận để tránh hiểu lầm. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã biết đến chị Faustina Kowalska từ khi còn là giám mục Cracovia. Ngài đã tuyên chân phước và hiển thánh cho chị, cũng như đã ấn định lễ kính Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật thứ II Phục Sinh. Đây là điều mà ai cũng biết rồi.

Mặt khác, ngài đã viết nhiều Thông điệp, Tông huấn, Tông thư, Sứ điệp, Huấn giáo về Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đặc biệt là Sứ điệp nhân dịp 100 năm dâng hiến loài người cho Thánh Tâm, ký tại Varsavia ngày 11 tháng 6 năm 1999, tóm tắt những lần ngài đã can thiệp về đề tài Thánh Tâm. Thông điệp Dives in misericordia được ban hành ngày 30 tháng 11 năm 1980, bàn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đây, đối tượng suy niệm của Thông điệp không phải là Đức Kitô, nhưng là Đức Chúa Cha, Đấng đã mặc khải Lòng Thương Xót qua Đức Kitô. Thông điệp cũng đề cập đến Thánh Tâm Chúa Giêsu ở số 13. Từ đó, người ta cũng vạch ra một điểm mới trong việc tôn kính Lòng Thương Xót của Chúa, đó là: tuy hướng đến Chúa Giêsu Phục Sinh, nhưng mở rộng đến cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Dù nói gì đi nữa, điều quan trọng là chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa.

Trên đây, Cha nói đến cả hai lòng tôn sùng đều dành cho Chúa Giêsu. Thế nhưng, Thông điệp của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về Lòng Chúa Thương Xót lại hiểu về Chúa Cha. Tại sao có sự khác biệt như vậy?

Không có gì khác biệt quan trọng. Cụm từ “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” được trích từ thư thánh Phaolô gửi cộng đoàn Epheso (Ep 2,4). Thông điệp cũng trưng dẫn dụ ngôn của người cha nhân lành đón tiếp đứa con hoang đàng. Đức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại: Đức Giêsu mạc khải chân lý này không những bằng lời giảng mà còn bằng hành động, khi trao hiến mạng sống cho chúng ta: qua cuộc đời của Đức Giêsu, chúng ta có dịp cảm nghiệm Thiên Chúa Cha yêu thương chúng ta như thế nào: Ngài yêu thương đến nỗi đã ban chính Con Một của mình cho chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ Ngài vì lòng thương xót ấy, và chúng ta xin Cha đổ tràn Thánh Linh xuống tâm hồn chúng ta để chúng ta có khả năng tin tưởng vào Ngài và cảm thông với tha nhân.

-----------------------------------
[1] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 478.

Lm. Giuse Phan Tấn Th​ành, OP

Nguồn tin: daminhvn.net


 

 

Wednesday, May 29, 2024

TRIỀU THIÊN HOA HỒNG

 


 PHI LỘ – Tháng Năm là Tháng Hoa Đức Mẹ – Mẹ Muôn Hoa.  Ngày sẽ hết, tháng sẽ qua, năm cũng sẽ chấm dứt, và rồi đời người cũng kết thúc.  Cuối Tháng Hoa này cũng là cuối tháng Năm của thời gian, nhưng Tháng Hoa tâm linh không chấm dứt, và mỗi giây phút của cuộc sống Kitô hữu vẫn mãi là Mùa Hoa bất tử dâng kính Mẹ Muôn Hoa.  Đó là hãy siêng năng lần Chuỗi Mai Côi dâng kính Đức Mẹ: mỗi Kinh Kính Mừng là một Đóa Hoa Hồng, một Chuỗi Mai Côi là một Triều Thiên Hoa Hồng.

 Trong vương quốc của con người, triều thiên (vương miện) được làm bằng kim loại quý, là biểu tượng của uy quyền và thế lực.  Trong Vương quốc của Thiên Chúa, triều thiên hoàn toàn khác.  Triều thiên Nước Trời làm bằng cây và cành nho sống động mà Thiên Chúa chọn để bày tỏ quyền lực đích thực có cội rễ trên thế gian.  Nói cách khác, đó là sự khiêm nhường – có từ nguyên từ La ngữ là “humus,” nghĩa là “từ trái đất.

 Triều thiên đầu tiên trong các triều thiên vĩ đại nhất được biểu hiện vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh với sự chịu nhục nhã của Chúa Giêsu.  Triều thiên thứ nhì được Mẹ Thiên Chúa biểu hiện, Thiên Chúa đã sai Đức Mẹ đến cho chúng ta biết cách thức bí mật và uy tín đến với Chúa Con.  Cách này liên quan triều thiên sống động – triều thiên được làm bằng loại hoa hoàn hảo, nhắc chúng ta nhớ tới nghịch lý của Kitô giáo (paradox of Christianity) – qua quá trình có cội rễ trên trái đất – tức là lòng khiêm nhường (humility), và được liên kết với nỗi đau khổ của Đức Kitô, để sinh hoa kết quả.  Loại hoa này là Hoa Hồng – nữ vương của các loài hoa – có những cánh hoa chỉ được nuôi dưỡng bằng thân cây có nhiều gai nhọn.

 Như hoa hồng là nữ chúa của các loài hoa, Kinh Mai Côi (Mân Côi, Rosary nghĩa là Vòng Hoa Hồng) cũng là kinh của các lòng sùng kính.  Đó là kinh nguyện đơn sơ và khiêm nhường, và như lịch sử cho chúng ta biết, Kinh Mai Côi là một trong các kinh nguyện mạnh mẽ nhất mà Giáo Hội sử dụng trong cuộc chiến tâm linh.  Kinh Mai Côi có sức mạnh tạo thành các vị thánh lớn và là sức mạnh chiến thắng kẻ thù của Giáo Hội.  Kinh Mai Côi là kho báu, ngoài Phụng Vụ và các Bí Tích.  Đó là kinh nguyện của Trời được dành riêng cho Giáo Hội khi gian nan, nguy khốn.  Thiên Chúa cần Kinh Mai Côi, và chính Đức Mẹ cũng đã khuyên chúng ta phải cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi để thế giới khả dĩ bình an, khi Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại Fatima năm 1917.  Đó là năm của cuộc Cách Mạng Tâm Linh, vì Đức Mẹ đã tỏ mình là “Đức Mẹ Mai Côi.

 Tại sao lại quan trọng?  Đơn giản thôi, vì Kinh Mai Côi là lòng sùng kính hoàn hảo gồm ba kinh nguyện quan trọng nhất – Kinh Lạy Cha (chính Chúa Giêsu dạy), Kinh Kính Mừng (một nửa là lời Sứ thần Gáp-ri-en, một nửa là lời cầu của cả Giáo Hội), và Kinh Sáng Danh (cơ binh Thiên Thần hát mừng Thiên Chúa, sách Khải Huyền cho biết).  Linh hồn chúng ta được dành cho Thiên Chúa và phải chiến đấu với ma quỷ.  Vì thế, Kinh Mai Côi được Thiên Chúa trao cho chúng ta qua mặc khải của Ngài về Mầu Nhiệm Cứu Độ, như Kinh Thánh đã cho biết, và được Giáo Hội chuyển giao.  Qua Kinh Mai Côi, chúng ta sống Mầu Nhiệm Cứu Độ của Đức Kitô, liên kết với Đức Mẹ và hiệp nhất với Giáo Hội.  Miệng tụng, tay lần, chúng ta cùng nhau “đếm” hồng ân Thiên Chúa dành cho chúng ta.  Tóm lại, chúng ta liên kết trọn vẹn các thành phần của một Kitô hữu: thân thể, trí óc và linh hồn.  Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng Kinh Mai Côi là đường dẫn vào miền chiêm niệm sâu sắc: “Lý do quan trọng nhất để khuyến khích đọc Kinh Mai Côi vì Kinh Mai Côi là phương tiện hữu hiệu để các tín hữu chiêm niệm Mầu nhiệm Kitô giáo mà tôi đã đề xuất trong Tông thư Novo Millennio Ineunte (Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới) là cách tập luyện nên thánh: Điều cần trong đời sống Kitô hữu được phân biệt trong Nghệ thuật Cầu nguyện” (Tông thư Rosarium Virginis Mariae, số 5, ban hành ngày 16-10-2002).

 Có những động lực thúc giục chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi, vì Kinh Mai Côi có sức mạnh vô hạn.  Tại sao?  Mỗi khi lần Chuổi Mai Côi, ít nhất 50 lần chúng ta lặp đi lặp lại mầu nhiệm đặc biệt nhất trong lịch sử: Con Thiên Chúa hóa thành nhục thể, Thiên-Chúa-làm-người.

 Điều chúng ta cần làm là xem lại lịch sử Giáo Hội và xem vai trò của Kinh Mai Côi quan trọng thế nào trong việc thay đổi lịch sử thế giới.  Bắt đầu từ thế kỷ XIII, Thánh Đa-minh được trao Chuỗi Mai Côi để làm phương tiện chống lại tà thuyết An-bi (*).  Thánh Đa-minh cầu nguyện và rao giảng Kinh Mai Côi, Đức Mẹ đã làm cho quân đội An-bi đã thất bại.  Thánh Louis de Montfort giải thích: “Kinh Mai Côi là ngọn giáo bằng lửa, được nối kết với Lời Chúa, tạo nên sức mạnh có thể hoán cải những tâm hồn chai lì…  Đây là bí mật mà Đức Mẹ đã dạy Thánh Đa-minh và Chân phước Alan để có thể hoán cải những người theo tà thuyết và các tội nhân” (Thánh Louis Marie-Grignion De Montfort, “Bí Mật Kinh Mân Côi”, đoạn 51).

 Khi Hồi giáo đã lan tràn hầu như khắp Âu châu và họ nhắm vào Rôma, Đức Giáo Hoàng Piô V kêu gọi Hoàng đế lần Chuỗi Mai Côi xin chiến thắng hải quân của Hồi giáo đang tiến vào Ý quốc.  Tại chiến trận Lepanto nam 1571, quân đội Công giáo đã chiến thắng quân Hồi giáo, nhờ sự can thiệp siêu nhiên là Kinh Mai Côi, Đức Mẹ đã cứu Âu châu thoát hiểm họa là tà thuyết An-bi.  Đức Giáo Hoàng Clement XI ghi nhớ chiến thắng này nên thiết lập lễ “Đức Mẹ Chiến Thắng” vào ngày 7-10-1716, về sau được đổi tên là lễ “Đức Mẹ Mân Côi.

 Không lâu sau đó, tại Fatima năm 1917, Đức Mẹ đã xác nhận là “Đức Mẹ Mân Côi” và công khai kêu gọi chúng ta đọc Kinh Mai Côi để cầu nguyện cho hòa bình.  Thật kỳ lạ, ngày 6-8-1945, tại Hiroshima (Nhật Bản), tám khối nhà cao lớn đã tan thành bình địa vì bom nguyên tử nhưng có 8 tu sĩ Dòng Tên sống sót.  Được hỏi tại sao không bị nhiễm chất phóng xạ mà còn sống, tu sĩ Hubert Schiffer cho biết: “Chúng tôi tin mình còn sống vì chúng tôi sống theo mệnh lệnh Fatima.  Chúng tôi sống và hằng ngày lần Chuỗi Mai Côi.

 Chuỗi Mai Côi có sức mạnh như Đức Mẹ đã nói, có sức nối kết chúng ta với Mầu Nhiệm Cứu Độ và Sức Mạnh của Đức Kitô – Đấng là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14:6).  Vì thế, ma quỷ RẤT GHÉT và RẤT SỢ Kinh Mai Côi. Nó luôn tìm mọi cách ngăn cản chúng ta đọc Kinh Mai Côi, nhất là trong các gia đình.

 Kinh Mai Côi là bản tóm lược của Kinh Thánh.  Tôi xin đề nghị các gia đình mấy điều: (1) Nếu quá bận rộn và khó cùng nhau đọc Kinh Mai Côi chung trong vòng 20 phút, hãy cùng nhau đọc “hai chục” vào buổi sáng và đọc “ba chục” vào buổi tối (sau khi ăn tối hoặc trước khi đi ngủ), (2) Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, không có gì làm cho con cái bình an và chuẩn bị đi ngủ tốt hơn là đọc Kinh Mai Côi, (3) Điều quan trọng là hãy cố gắng suy niệm khi lần chuỗi, đừng đọc như vẹt hoặc đọc cho xong lần, (4) Hãy để một thành viên gia đình đọc một đoạn Kinh Thánh trước mỗi chục kinh, chúng ta cần Kinh Thánh giúp suy niệm.

 Hãy cố gắng duy trì việc đọc Kinh Mai Côi chung trong gia đình.  Hãy nghĩ rằng chúng ta được nhiều ân sủng cho linh hồn mình và cho các thành viên gia đình.  Rất chí lý khi Giáo Hội dạy chúng ta cầu nguyện: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.  Phải chăng vì “thuộc lòng” nên chúng ta chỉ như máy móc, không nhận thấy ý nghĩa và cần thiết?  Đức Mẹ không bao giờ quên những gì chúng ta làm vì yêu mến Mẹ, dù chỉ là điều nhỏ.  Món quà thật tuyệt vời chúng ta dành cho nhau: Kinh Mai Côi!

 Để tạm kết, tôi xin nhắc lại lời của nữ tu Lucia dos Santos – người lớn nhất trong ba trẻ được thấy Đức Mẹ tại Fatima, nhắc chúng ta nhớ rằng Kinh Mai Côi là vũ khí đơn giản mà hiệu quả trong việc chiến đấu với ma quỷ và mọi thử thách, ngay cả mối đe dọa của cái gọi là IS (Nhà nước Hồi giáo), như một loại thế chiến mới, mối đe dọa này nhằm làm suy sụp nền kinh tế toàn cầu, nhắm vào các thai nhi và gia đình.

 Nữ tu Lucia nói: “Trong thời cuối cùng này, thời chúng ta đang sống, Đức Mẹ đã chỉ cho cách hiệu quả là đọc Kinh Mai Côi khi gặp bất cứ khó khăn gì, dù đời thường hoặc tâm linh, dù riêng hay chung,… Tất cả đều có thể giải quyết bằng Kinh Mai Côi.  Không có khó khăn nào mà chúng ta không thể giải quyết bằng Kinh Mai Côi” (Lm Augustín Fuentes phỏng vấn nữ tu Lucia dos Santos, 26-12-1957).

 Ts Peter Howard (Giáo sư Thần Học tại Học Viện Đào Tạo Tâm Linh Avila)

Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ SpiritualDirection.com)


(*) Albigensianism: Phong trào Kitô giáo được coi là hậu duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism) ở miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng hiện hữu hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác).

Tuesday, May 28, 2024

Sáu Lý Do Tại Sao Chúng Ta Làm Dấu Thánh Giá

 LÀM DẤU THÁNH GIÁ - Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể

Bert Ghezzi

WHĐ (24.9.2022) – Là tín hữu Công giáo, rất nhiều khi chúng ta làm Dấu Thánh giá như một thói quen, và xem việc làm Dấu Thánh giá như là một cử chỉ đạo đức. Tuy nhiên, Kinh thánh, các Giáo phụ, các vị Thánh trong Giáo hội, và giáo huấn Công giáo đưa ra 6 quan điểm sâu xa về Dấu Thánh giá cho thấy lý do tại sao việc làm Dấu Thánh giá là một lời tuyên xưng đức tin, một lời cầu nguyện đầy sức mạnh, và một phương thế mở ra cho chúng ta những ân sủng.

1. Dấu Thánh giá, một Kinh tin kính ngắn gọn.

Là một lời tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa như chính Ngài đã mạc khải, Dấu Thánh giá đóng vai trò như một dạng viết tắt của Kinh Tin Kính các Tông đồ.

Khi đưa tay chạm vào trán, vào ngực, vào vai, và trong một số nền văn hóa, chạm vào môi, chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Một cách cụ thể, chúng ta công bố niềm tin vào những gì Thiên Chúa đã thực hiện: sáng tạo muôn vật, cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết, thiết lập Giáo hội, đem lại sự sống mới cho tất cả mọi người. Do đó, khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta được nhắc nhớ về sự hiện diện của Thiên Chúa, và mở lòng đón nhận các hoạt động của Ngài trong cuộc sống của chúng ta.

2. Dấu Thánh giá, một sự làm mới lại phép Rửa.

Các Kitô hữu vào thế kỷ thứ nhất làm Dấu Thánh giá như một sự nhắc nhở và làm mới lại những gì đã diễn ra khi họ chịu phép Rửa. Cho tới nay, điều này vẫn đang hoạt động theo cùng một cách thế đối với chúng ta.

Khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta tuyên xưng rằng trong phép Rửa, chúng ta đã chết với Chúa Kitô trên thập giá, và được sống một đời sống mới với Người (x. Rm 6, 3-4 và Gl 2, 20). Đồng thời, chúng ta cũng cầu xin Chúa làm mới lại nơi chúng ta những ân sủng của phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Một cách cụ thể, chúng ta nhìn nhận rằng phép Rửa đã kết hợp chúng ta với Đức Kitô và chuẩn bị cho chúng ta vai trò cộng tác với Người trong chương trình cứu độ.

3. Dấu Thánh giá, một dấu ấn của tư cách môn đệ.

Khi lãnh nhận phép rửa, chúng ta được thuộc về chính Đức Kitô qua Dấu Thánh giá được ghi trên mình chúng ta. Do đó, mỗi khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta từ chối chúng ta thuộc về chính mình, để tuyên bố rằng chúng ta thuộc về Đức Kitô và khẳng định lòng trung thành đối với Người (x. Lc 9, 23).

Các Giáo phụ đã dùng một từ tương tự đối với Dấu Thánh giá mà thế giới cổ đại sử dụng để chỉ quyền sở hữu. Cùng một từ đánh dấu tên của người chăn trên đàn cừu; hình xăm của một vị tướng trên binh lính; dấu hiệu của người chủ trên đầy tớ; và dấu ấn của Đức Kitô trên các môn đệ của Người.

Khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta tự ký nhận rằng mình là chiên của Đức Kitô và hoàn toàn trông cậy vào sự chăm sóc của Ngài; là binh lính được giao nhiệm vụ làm việc dưới quyền của Đức Kitô để xây dựng vương quốc của Thiên Chúa ngay trên trần gian; và là đầy tớ để tận tâm chu toàn bất cứ điều gì mà Đức Kitô muốn chúng ta thi hành.

4. Dấu Thánh giá, một sự sẵn sàng chấp nhận đau khổ.

Đức Giêsu đã loan báo rằng đau khổ sẽ là một phần trong đời sống của người môn đệ (x. Lc 9, 23-24). Vì vậy, khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta sẵn sàng vác thập giá của mình để đi theo Đức Kitô (Lc 9, 23), và mở lòng để đón nhận bất cứ đau khổ nào xảy đến với chúng ta.

Tuy nhiên, chính điều này cũng mang lại niềm an ủi khi chúng ta nhận ra rằng Đức Kitô, Đấng đã chịu Đóng đinh trên thập giá, cũng đang đồng hành và nâng đỡ chúng ta trong mọi nỗi gian truân.

Hơn nữa, việc làm Dấu Thánh giá loan báo một chân lý khác đó là, giống như Thánh Phaolô, chúng ta mang lấy những đau khổ như là chi thể của Chúa Kitô, hầu góp phần vào công cuộc cứu độ, và mang lại lợi ích cho nhiệm thể của Người là Hội Thánh (x. Cl 1, 24).

5. Dấu Thánh giá, một vũ khí kép chống lại ma quỷ.

Đức Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng vĩ đại trước sự dữ và ma quỷ (x. 1 Cr 2, 8). Do đó, khi làm Dấu Thánh giá, chúng ta tuyên bố sự bất khả xâm phạm của chúng ta trước ảnh hưởng của ma quỷ. Nhưng, quan trọng hơn, Dấu Thánh giá cũng là một vũ khí tấn công giúp chúng ta hợp tác với Đức Giêsu trong việc bảo vệ vương quốc Thiên Chúa chống lại thế lực của bóng tối và sự dữ.

6. Dấu Thánh giá, một sức mạnh chiến thắng trên xác thịt.

Trong Tân Ước, từ “xác thịt” tổng hợp tất cả những khuynh hướng xấu xa của con người cũ vẫn còn tồn tại trong chúng ta ngay cả sau khi chúng ta chết với Đức Kitô trong phép Rửa (x. Gl 5, 16-22).

Giống như việc cởi bỏ một chiếc áo dơ bẩn, khi làm Dấu Thánh Giá chúng ta bày tỏ quyết tâm lột bỏ khuynh hướng xấu xa của mình để mặc lấy con người mới là những hành vi của Chúa Kitô (x. Cl 3, 5-15) và sống dưới sự hướng dẫn của Thần Khí.

Các Giáo Phụ dạy rằng Dấu Thánh Giá phân tán sức mạnh của những cám dỗ mạnh mẽ như giận dữ và ham muốn. Do đó, chúng ta hãy làm Dấu Thánh Giá để thúc đẩy sự tự do của chúng ta trong Đức Kitô và có sức để chiến đấu và chiến thắng những tội lỗi đang bủa vây chúng ta.

***

Như thế, khi hiểu được 6 lý do sâu xa của việc làm Dấu Thánh Giá, chúng ta hãy ghi nhớ và nhắc mình mỗi khi thực hiện cử chỉ rất đơn giản và quen thuộc này,

– để tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa;

– để ghi nhớ rằng chúng ta đã chết với Đức Kitô trong phép Rửa;

– để tuyên bố rằng chúng ta thuộc về Đức Kitô và luôn biết sống tư cách môn đệ;

– để đón nhận bất cứ đau khổ nào xảy đến trong sự hiệp thông với Đức Kitô và Giáo hội;

– để phòng thủ chống lại ma quỷ, mạnh mẽ chiến đấu cho vương quốc của Thiên Chúa;

– để đóng đinh xác thịt của chúng ta vào thập giá, và mặc lấy chính Đức Kitô và bắt chước lối sống của Người.

Hy vọng rằng, khi ý thức để làm Dấu Thánh giá với lòng tin và sự kính cẩn, chúng ta nhận được những phúc lành, được biến đổi, và trải nghiệm những hoa trái trong đời sống Kitô hữu: cầu nguyện với tâm tình tha thiết hơn, chống lại những khuynh hướng xấu của mình một cách hiệu quả hơn, và tương quan với người khác cách ôn hoà, tử tế hơn.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com


Sunday, May 26, 2024

Nến Bàn Thờ Và Các Loại Nến Khác Trong Phụng Vụ




 Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

     WHĐ (07.6.2022) – Gần đây, đã có những thực hành nhầm lẫn như: (1) đốt 2 cây nến để bên cây thánh giá nhưng không thắp nến bàn thờ; (2) đốt nến phục sinh và chỉ một cây nến phục sinh trên cung thánh suốt năm phụng vụ mà không sử dụng nến nào khác; (3) vào Mùa Vọng, khi sử dụng vòng hoa với 4 cây nến thì cũng không thấy thắp nến bàn thờ nữa. Như vậy, nến bàn thờ đã bị thay thế bằng nến phục sinh/nến thánh giá hoặc bằng nến vòng hoa Mùa Vọng. Lý do của thực hành nhầm lẫn này là không phân biệt chức năng của nến bàn thờ với chức năng của những loại nến khác. Chúng ta cần tìm hiểu hướng dẫn của Hội Thánh để sửa lại những nhầm lẫn đó.

     I. HƯỚNG DẪN CỦA HỘI THÁNH

     Đây là những điểm hướng dẫn liên quan đến nến bàn thờ trong văn kiện của Giáo Hội:[1]

     – Nến bàn thờ là cần thiết mỗi khi cử hành phụng vụ để tỏ lòng cung kính và mừng lễ;

     – Vị trí của nến bàn thờ là được đặt trên bàn thờ hay chung quanh/gần bàn thờ, tùy theo cấu trúc của bàn thờ và cung thánh, miễn sao cho có sự hoà hợp chung và không cản trở giáo dân nhìn thấy cách dễ dàng những hành động phụng vụ đang diễn ra.[2]

     – Số lượng của nến bàn thờ trong Thánh lễ có thể là 2, 4 hoặc 6 cây. Việc thay đổi số lượng nến bàn thờ là nhằm phân biệt ngày lễ và mức độ long trọng của cử hành. Tập tục tốt lành đã phát triển ở một vài nơi và được quy định trong Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma là sử dụng 2 nến bàn thờ cho lễ thường và lễ nhớ, 4 cho lễ kính và 6 nến cho lễ Chúa nhật cùng lễ trọng hay khi đặt Mình Thánh để chầu. Vào những dịp long trọng và trong thánh lễ do Đức Giám Mục giáo phận cử hành, thì phải đặt bảy chân đèn, có thắp nến.


     II. SỬA LẠI NHỮNG THỰC HÀNH NHẦM LẪN

     1. Thứ nhất, đặt 2 cây nến bên cây thánh giá trong khi không có nến đặt ở trên hay chung quanh bàn thờ.

     Thật ra, có thể tùy nghi đặt hay không đặt nến ở hai bên thánh giá. Sau cuộc rước nhập lễ, nếu thánh giá trong đoàn rước được đặt tại cung thánh [ở trên hay gần bàn thờ] như một cây thánh giá duy nhất trong nhà thờ, thì rất nên để kèm theo hai cây nến vừa đi rước ở hai bên thánh giá. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng hai cây nến này không thể thay thế cho nến bàn thờ vốn có thể lên tới 6 hay 7 cây trong những dịp cử hành long trọng hay khi Đức Giám mục giáo phận chủ tế. Hơn nữa, không phải lúc nào thánh giá cũng được xếp đặt ở trên mặt đất hay ở trên bàn thờ để có thể dễ dàng đốt nến hai bên.[3] Trong trường hợp vị trí của thánh giá được treo giữa không trung phía trên bàn thờ hay được gắn trên cao sát vào bức tường phía sau cung thánh thì việc đốt nến hai bên thánh giá hàng ngày là công việc rất khó khăn và bất tiện nếu không muốn nói là bất khả thi. Chính vì thế, Giáo Hội chỉ trù liệu đốt nến bàn thờ và cho bàn thờ chứ không cho đối tượng thánh giá vì những dấu chỉ xinh đẹp của ánh sáng thánh thiêng phải được tỏ cho mọi người thấy mối liên quan của chúng với bàn thờ nhằm lôi kéo mọi cặp mắt hướng về bàn thờ: điểm tập trung của cộng đoàn phụng tự.

     2. Thứ hai, dùng nến phục sinh quanh năm thay cho nến bàn thờ.

     Nến phục sinh không thể thay thế cho nến bàn thờ vì từ thế kỷ X cũng như theo các tài liệu phụng vụ gần đây, nến phục sinh thường được đặt để tại một nơi vinh dự gần sách Phúc Âm hay gần giảng đài trong Mùa Phục Sinh, từ lễ Vọng Phục sinh cho đến lễ Thăng thiên (nay là cho đến lễ Hiện xuống) như thực hành đã có từ thế kỷ X. Trong suốt Mùa Phục Sinh, cây nến phục sinh tiếp tục được thắp sáng ở vị trí này hay một vị trí thích hợp trong cung thánh, chẳng hạn như gần bàn thờ, ngọn lửa cháy bừng biểu tượng cho tâm hồn Đức Kitô, kết hợp với thân thể của Người trong vinh quang Chúa Cha. Theo “Decreta Authentica” của Bộ Nghi lễ, nến phục sinh không nên chỉ đốt cho việc đặt Mình Thánh chầu (Decree 3479,3). Tuy nhiên, có thể đốt nên nếu trong buổi chầu Thánh Thể đó có cử hành Giờ kinh Phụng vụ hay có ban phép lành lập tức sau Giờ kinh Phụng vụ (Decree 4686,1-2).

     Còn ngoài Mùa Phục Sinh, nến phục sinh không được thắp thường xuyên nữa, mà chỉ được đốt lên mỗi khi cử hành nghi thức an táng hay thánh tẩy. Ý nghĩa của thực hành này là ánh sáng phục sinh sẽ không bao giờ lịm tắt trong lòng những anh chị em đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Ngọn nến thắp sáng vừa là dấu chỉ của niềm vui, của sự hiện diện linh thánh, lại vừa là biểu tượng của lời cầu nguyện dâng lên – hay phải dâng lên – Thiên Chúa. Ngoài Mùa Phục Sinh, chỗ thích hợp nhất để nến phục sinh là bên ngoài cung thánh, gần giếng rửa tội hay gần quan tài.

     Những gì vừa trình bày phù hợp với hướng dẫn trong Thư Luân Lưu của Bộ Phụng tự và Bí tích “Paschalis Solemnitatis” như sau:

     Nến phục sinh đặt một nơi thích hợp, hoặc gần giảng đài hoặc gần bàn thờ, và phải thắp sáng trong tất cả các giờ cử hành phụng vụ trọng thể hơn của mùa này, tức là thánh lễ, giờ Kinh Sáng và giờ Kinh Chiều, cho đến hết Chúa Nhật Hiện Xuống. Sau Mùa Phục Sinh, nến phục sinh đặt ở vị trí trang trọng trong khu vực cử hành bí tích Thánh Tẩy, để mỗi khi cử hành bí tích Thánh Tẩy, thì đốt lên và châm nến cho người lãnh bí tích. Trong nghi thức an táng thì nến phục sinh được đặt ở gần quan tài để nói lên rằng cái chết của người tín hữu là một cuộc Vượt Qua đích thực. Ngoài Mùa Phục Sinh, không được đặt và đốt nến phục sinh trên cung thánh (số 99).

     3. Thứ ba, dùng nến hồng và tím Mùa Vọng thay cho nến bàn thờ.

     Đành rằng có thể chưng vòng hoa Mùa Vọng ở trong hay gần cung thánh với 4 cây nến ở giữa vòng hoa này tương ứng với 4 tuần của Mùa Vọng (3 nến tím và 1 nến hồng). Tuy nhiên, nên nhớ rằng việc sử dụng chúng là do tập tục, chỉ là tùy phụ và nhiệm ý, chúng không phải là nến bàn thờ cũng như không thể thay thế cho nến bàn thờ.


     III. KẾT LUẬN THỰC HÀNH

     1) Mọi cử hành phụng vụ đều cần thắp nến bàn thờ và không một loại nến nào có thể thay thế cho nến bàn thờ.

     2) Loại bỏ thực hành đốt một cây nến phục sinh suốt năm phụng vụ thay cho nến bàn thờ.

     3) Có thể sử dụng thêm nến cho vòng hoa Mùa Vọng hay cho cây thánh giá, nhưng vẫn phải đốt nến bàn thờ.

[1] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, các số 117, 307.

[2] United States Conference of Catholic Bishops’ Committee on the Liturgy, Introduction to the Order of Mass: A Pastoral Resource of the Bishops’ Committee on the Liturgy (Washington, DC: USCCB, 2003), no. 52.

[3] Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma, số 308.

NGUỒN: https://dcvxuanloc.net/nen-ban-tho-va-cac-loai-nen-khac-trong-phung-vu/ 

Những “tiêu chí” để phân định những cuộc hiện ra của Đức Mẹ là thật hay giả

 

Hồng Thuỷ – Vatican News

Vatican News (20.06.2023) – Ngày nay, trên thế giới vẫn có rất nhiều sự việc được loan truyền là Đức Mẹ hiện ra và trong đó có những nơi có thể gieo rắc những sứ điệp tiêu cực, trái ngược với sứ điệp của Phúc Âm. Mẹ Maria là người đem lại hòa bình, Mẹ đến để hướng dẫn chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, Mẹ hiến dâng con Mẹ để cứu độ người tội lỗi. Theo cha Stefano Cecchin, chủ tịch của Học viện Giáo hoàng về Thánh Mẫu học, có những tiêu chí để thiết lập tính trung thực của những lần Đức Mẹ hiện ra và tính xác thực của chúng.

Ngày 15/4/2023, Học viện Giáo hoàng về Thánh Mẫu học ở Roma đã chính thức thành lập một uỷ ban để nghiên cứu và theo dõi các trường hợp được cho là Đức Mẹ hiện ra và các hiện tượng thần bí khác nhưng chưa được Giáo hội công nhận tính xác thực.” (Vatican News 21/04/2023)

Giáo hội xác nhận tính xác thực của các lần Đức Mẹ hiện ra

Thật ra, các sự việc được cho là Đức Mẹ hiện ra đã có từ những thế kỷ đầu trong lịch sử Giáo hội. Tin tức đầu tiên được lịch sử xác nhận về một cuộc hiện ra của Đức Mẹ bắt nguồn từ Thánh Gregorio thành Nissa (335 392); ngài đã kể về thị kiến ​​của một giám mục Hy Lạp, Đức cha Gregorio thành Taumaturgô, nhìn thấy Đức Mẹ vào năm 231. Một trong những chuyên gia về các sự kiện Đức Mẹ hiện ra là viện phụ René Laurentin, trong tác phẩm “Tự điển về các lần hiện ra của Đức Trinh nữ Maria”, được xuất bản tại Ý vào năm 2010, đã thu thập hơn 2.000 sự kiện lạ thường về Đức Mẹ từ thời đầu Kitô giáo cho đến ngày nay. Trong số này, chỉ có khoảng 15 sự kiện được Giáo hội chính thức nhìn nhận là những lần Đức Mẹ hiện ra, nghĩa là Giáo hội đã ban các sắc lệnh nhìn nhận các sự kiện này. Điều này không có nghĩa là tất cả những trường hợp khác đều bị Giáo hội phủ nhận tính xác thực.

Quy tắc do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành năm 1978

Nhà nghiên cứu về thánh mẫu học Antonino Grasso, giáo sư tại Viện Khoa học Tôn giáo Cao cấp ở Catania, tác giả của cuốn sách “Tại sao Đức Mẹ hiện ra? Để hiểu các cuộc hiện ra của Đức Mẹ,” được xuất bản năm 2012, giải thích: “Theo các quy tắc do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành năm 1978, Giáo hội ủy quyền cho Giám mục kiểm tra các sự kiện, với một phân tích chính xác được giao cho một ủy ban gồm các chuyên gia, sau đó, Đấng bản quyền giáo phận là người tuyên bố. Tùy thuộc vào tính chất đặc biệt của cuộc hiện ra và ‘ảnh hưởng’ của nó, một Hội đồng Giám mục hoặc Tòa Thánh cũng có thể trực tiếp giải quyết sự việc”. Sau khi kiểm tra phân tích, có thể có ba phán đoán được đưa ra: không được công nhận, ‘chờ xem’ và chấp nhận.

Những lần Đức Mẹ hiện ra được công nhận dù không có sắc lệnh

Chuyên gia Thánh Mẫu học này cũng nhắc lại khả năng xảy ra một tình huống “trung gian”, trong đó một Giám mục không chính thức tuyên bố về các cuộc hiện ra nhưng công nhận “sự tốt lành” của lòng sùng kính xuất phát từ những sự việc này và cho phép thờ phượng. Cuối cùng, cũng có hai lần hiện ra đã được công nhận trên thực tế. Thứ nhất là cuộc hiện ra ở Guadalupe ở Mexico. Không có sắc lệnh chính thức, nhưng vị giám mục lúc bấy giờ đã xây dựng một nhà nguyện nơi ngài đã cầu xin Đức Trinh Nữ và thị nhân ​​Juan Diego đã được phong thánh. Sau đó là trường hợp của Thánh Catarina Labouré ở Paris: chỉ có một lá thư mục vụ từ giám mục cho phép sử dụng ảnh phép lạ, chứ không phải sắc lệnh của ngài. (Avvenire 31/07/2015)

“Uỷ ban quan sát” về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ 

Ngày nay, trên thế giới vẫn có rất nhiều sự việc được loan truyền là Đức Mẹ hiện ra và trong đó có những nơi có thể gieo rắc những sứ điệp tiêu cực, trái ngược với sứ điệp của Phúc Âm. Hồi tháng 4 năm nay, trong một thông cáo báo chí về việc thành lập “Uỷ ban quan sát” các sự việc Đức Mẹ hiện ra, cha Stefano Cecchin là chủ tịch của Học viện Giáo hoàng về Thánh Mẫu học, nơi đã thành lập “Uỷ ban quan sát” về các cuộc hiện ra của Đức Mẹ và các hiện tượng thần bí trên thế giới (OISA), nói rằng “Điều quan trọng là phải cung cấp sự rõ ràng, vì các thông điệp thường tạo ra sự nhầm lẫn, lan truyền các viễn cảnh về ngày tận thế gây lo lắng hoặc thậm chí là các cáo buộc chống lại Đức Giáo hoàng và Giáo hội.”

Cha đặt câu hỏi: “Làm sao Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, mẹ của lòng thương xót và là Nữ Vương hòa bình, lại có thể làm suy yếu sự toàn vẹn của (Giáo hội) hoặc gieo rắc sợ hãi và xung đột?” Do đó, theo cha, mục đích của “Uỷ ban quan sát” là “cung cấp sự hỗ trợ cụ thể cho việc nghiên cứu, xác thực và tiết lộ chính xác những sự kiện như vậy, luôn phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, các cơ quan hữu trách và các quy tắc hiện hành của Tòa Thánh.” Uỷ ban sẽ chuyên về các trường hợp như các lần được cho là Đức Mẹ hiện ra, các tượng Đức Mẹ “khóc”, các mặc khải tư và các dấu thánh.

“Uỷ ban quan sát” sẽ bao gồm các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau, bao gồm một luật sư chuyên bảo vệ những người dễ bị tội phạm thao túng, gian lận hoặc lừa dối.

Cha Cecchin cho biết cơ quan này sẽ thành lập các ủy ban ở cấp quốc gia và quốc tế để “đánh giá và nghiên cứu các cuộc hiện ra và các hiện tượng thần bí được báo cáo ở nhiều nơi trên thế giới” và để thúc đẩy các cơ hội giúp mọi người cập nhật và giáo dục về các sự kiện cũng như “ý nghĩa thiêng liêng và văn hóa” của chúng. Các ủy ban địa phương cũng sẽ giúp Giáo hội địa phương và các giám mục trong vai trò cố vấn và cung cấp thông tin chính xác.

Cha Cecchin đề cập đến sự việc xảy ra ở Trevignano Romano ở Ý, nơi Đức Mẹ được cho là hiện ra vào các ngày thứ ba của mỗi tháng cho một người được cho là thị nhân, nghĩa là người được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra. Để nghiên cứu kỹ hiện tượng này, Đức cha Marco Salvi, Giám mục của Civita Castellana, đã thành lập một ủy ban, đồng thời khuyên không nên tham gia các cuộc tụ họp hàng tháng. Và Cha Cecchin giải thích: “Nhưng chúng tôi không liên quan gì đến hiện tượng này. Chúng tôi là một tổ chức liên ngành, nghiên cứu, thu thập tài liệu và cung cấp tài liệu đó cho việc đào tạo những người thuộc các ủy ban địa phương này. Nó giống như những gì xảy ra trong các trường đại học y khoa: phân khoa thì giảng dạy nhưng chính bệnh viện cung cấp các phương pháp điều trị. Chúng tôi là phân khoa, giáo phận là bệnh viện.”

Chỉ riêng ở Ý, hiện có khoảng một trăm trường hợp Đức Mẹ tỏ mình và hiện ra đang diễn ra. Cha Cecchin giải thích: “Chúng tôi làm việc để giúp mọi người có nhận thức phê bình về những hiện tượng này, để biết cách tự bảo vệ mình khỏi những kẻ muốn thao túng đức tin của họ.”

Mối nguy lợi dụng thao túng các tín hữu

Theo cha Cecchin, trên thực tế, nguy cơ có những người lợi dụng việc Đức Mẹ hiện ra để thao túng các tín hữu là điều rất cụ thể. “Đặc biệt trong giai đoạn vừa qua, chúng ta phải đối mặt với những hiện tượng thần bí trên thế giới, đề cập đến những chủ đề không liên quan chặt chẽ đến sứ điệp Tin Mừng, là lời loan báo niềm vui, là nhận ra Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi hy sinh con của Người.”

Thật vậy, người ta chờ đợi những cuộc hiện ra của Đức Mẹ sẽ giải quyết những chủ đề “thánh thiêng”. Cha Cecchin nói: “Theo nghĩa này, chúng tôi cố gắng phân tích mọi thứ một cách hợp lý, bắt đầu từ những gì Tin Mừng dạy. Và do đó, chúng tôi nghiên cứu những gì được nói trong những lần hiện ra này, đâu là những trò chơi chính trị hoặc kinh tế có thể ẩn sau những dạng hiện tượng này.”

“Câu hỏi đặt ra là: những hiện tượng này vì lợi ích chung hay vì lợi ích của nhóm hay cá nhân? Và một lần nữa: tại sao ngày nay người ta muốn đặt Đức Giáo hoàng, Giáo hội, các tổ chức dân sự vào cuộc khủng hoảng? Mẹ Maria là người đem lại hòa bình, Mẹ đến để hướng dẫn chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa vì Chúa yêu thương chúng ta, Mẹ hiến dâng con Mẹ cho những người tội lỗi, chứ không phải để trừng phạt thế gian.”

Hai tiêu chí để xác định tính trung thực

Về vấn đề này, cha Cecchin cho biết có những tiêu chí để thiết lập tính trung thực của những lần Đức Mẹ hiện ra và tính xác thực của chúng.

Lời Chúa

“Điều đầu tiên, điều nền tảng, là Lời Chúa. Không sứ điệp nào trong những sự việc được gọi là những cuộc hiện ra riêng tư được trái ngược với sự mặc khải chứa đựng trong Kinh Thánh, trong Sách Thánh. Như chúng ta có thể hiểu, quay trở lại công việc của ‘Đài quan sát’, vai trò của học giả Kinh Thánh là cơ bản.”

Sự khiêm tốn của thị nhân

Một yếu tố khác của việc đánh giá liên quan đến người nhận được các sứ điệp. Cha Cecchin giải thích: “Con người của thị nhân phải là một người vô cùng khiêm tốn. Kinh Magnificat đọc: ‘Chúa đã đoái đến phận nữ tỳ khiêm nhường của Người’. Tôi nhận ra rằng có những thị nhân ​​hiện đại cần luật sư như thế nào. Nếu tôi có đức tin, nếu Mẹ Maria thực sự hiện ra với tôi, thì tôi không cần phải có chính quyền dân sự để bảo vệ tôi.”

Và phải nói rằng trong quá khứ chắc chắn không thiếu sự tương phản về số liệu của các thị nhân. “Nhưng trong lịch sử của những cuộc hiện ra và các hiện tượng thần bí, những người đã nhận được những món quà này chưa bao giờ chống lại Giáo hội. Đức Mẹ không đến để tán gẫu hay nói chống lại Đức Giáo Hoàng và Giám mục nhưng để hướng dẫn tôi đi theo Chúa Giêsu: hãy làm những gì Người nói, như Mẹ yêu cầu tại Tiệc Cưới Cana.”

Chúa Kitô là trung tâm

Nói tóm lại, thật vô nghĩa nếu chỉ chiêm ngắm Đức Mẹ. “Như chúng ta đã nói, Mẹ Maria luôn dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu; nếu tất cả hoàn tất nơi Mẹ, chúng ta đang thờ ngẫu tượng.” “Trong ảnh icona Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội của dòng Phanxicô, Mẹ Maria bồng Chúa Hài Nhi trên tay và chân đặt lên con rắn nhưng chính Hài Nhi đã nghiền nát nó bằng ngọn giáo hình chữ thập. Chúa Kitô là trung tâm.”

Các trình bày sứ điệp

Cha Cecchin giải thích thêm: Nếu như trọng tâm của Sứ điệp không thay đổi, thì phong cách mà nó được trình bày sẽ được thích nghi với thời đại. “Trong những lần hiện ra, qua Mẹ Maria, Thiên Chúa nhìn vào nhu cầu của thời đại, não trạng, văn hóa hiện tại. Ví dụ, trong quá khứ, nổi bật là sự sợ hãi Chúa và sự trừng phạt của Người.”

Tuy nhiên, trọng tâm của Tin Mừng không phải là nỗi kinh hoàng của hỏa ngục. “Sứ điệp Tin Mừng trước hết là một lời loan báo niềm vui. Thiên thần nói với Mẹ Maria, ‘hãy vui mừng.’”

Sứ điệp Tin Mừng trước hết là một lời loan báo niềm vui

Vẫn cần phải hiểu tại sao chúng ta cần vui mừng. “Vì Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và hiến dâng con mình cho mọi người dù họ là kẻ tội lỗi.” Nói tóm lại, không phải là một hình ảnh sợ hãi. “Vấn đề là ma quỷ muốn chia rẽ Giáo hội. Và để đạt được điều này, nó cũng sử dụng các mặc khải giả tạo.”

Sự hỗ trợ của “Uỷ ban quan sát” 

Từ đó, cha Cecchin xác định rằng “Uỷ ban quan sát” được thành lập chính là để nhận ra các cuộc hiện ra thật hay giả. “Chính vì lý do này mà phương pháp tiếp cận này mang tính đa ngành, nó sử dụng các kỹ năng khác nhau và được chấp nhận, và có trình độ với tính khoa học cao.”

“Chúng tôi muốn trở thành một công cụ thông tin và đào tạo, không hề mong muốn thay thế các ủy ban giáo phận, mà ngược lại bằng cách hỗ trợ họ. Lý tưởng là trong mỗi Giáo hội địa phương đều có một nơi, một môi trường mà một nhóm người liên ngành, từ bác sĩ đến bác sĩ tâm thần, luật gia, v.v. có thể là điểm quy chiếu để phân định hồng ân thiêng liêng mà Thiên Chúa ban cho con người. Sau đó, tôi xin nhắc lại, việc thu thập tài liệu về các trường hợp cụ thể sẽ tùy thuộc vào Giám mục và Ủy ban giáo phận cho đến khi công bố tài liệu cuối cùng.”

“Nhiều chuyên ngành cùng nhau ủng hộ một cách tiếp cận hoàn chỉnh và do đó an toàn hơn. ‘Chúng tôi hoạt động để giúp những người đặc biệt mong manh có lương tâm phê bình, biết cách tự bảo vệ mình trước những gian dối, lừa đảo của những kẻ muốn lợi dụng những khó khăn về kinh tế, tinh thần, vật chất để thao túng họ. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn một ngôi nhà chung được tạo ra nơi mọi người tự chủ, độc lập, không bị điều kiện hóa.’ Trong việc tìm kiếm sự thật, con đường duy nhất, ngay cả trong lĩnh vực hiện ra, có khả năng giải thoát chúng ta.” (Avvenire 17/06/2023)

Nguồn: vaticannews.va/vi

WORLD WORLD