Thursday, October 3, 2024

THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG VÀ CON ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG


Thánh Nữ Têrêxa sinh tại Alencon bên Pháp năm 1873. Cha mẹ ngài là ông bà Louis Martin và Zélie Guérin rất đạo đức, đã được tuyên thánh ngày 12/7/2016 (đã sửa bản viết cũ). Ông bà có 9 người con nhưng 4 người chết sớm. Trong 5 người con gái còn lại, Têrêxa là con út: 4 người vào dòng kín Camêlô và Léonine đi tu dòng Thăm Viếng.
Têrêxa mồ côi mẹ năm lên 4 tuổi, và gia đình dọn về thành Lisieux. Têrêxa có ý định đi vào dòng kín tại đây mặc dù tuổi còn nhỏ. Nhưng gia đình cũng như Đức cha Hugonin đều chống lại dự án này nên Têrêxa quyết định xin phép thẳng với ĐGH. Năm 1887, cùng với cha và chị Céline, Têrêxa đi hành hương Roma và trong buổi tiếp kiến ngày 20 tháng 11 năm 1887, Têrêxa xin ĐGH Leo XIII cho phép vào dòng kín mặc dù lúc đó mới được 14 tuổi. Nhưng cô chỉ nhận được một câu trở lời mơ hồ và được dẫn ra ngoài, nước mắt dàn dụa.
Trở về Lisieux, Têrêxa được phép ĐGM cho vào dòng kín vào ngày 9-4-1888, lúc đó chị mới được 15 tuổi và 3 tháng. 24 nữ tu tiếp đón Têrêxa. Cuộc sống trong đan viện có nhiều cam go về mặt vật chất cũng như về kỷ luật. Chị Têrêxa ngày càng tiến triển trên con đường yêu mến Chúa. Ước muốn cứu rỗi các linh hồn thúc đẩy Têrêxa định xin tới dòng kín Camêlô ở Sàigon, nhưng vì bệnh lao phổi, nên chị Têrêxa phải bỏ ý định này, và từ tháng 4 năm 1897, Têrêxa không thể tham dự đời sống cộng đoàn nữa. Chị qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897 lúc mới được 24 tuổi đời. Chỉ 27 năm sau đó, Đức Pio XI đã tôn phong Têrêxa Hài Đồng Giêsu lên bậc hiển thánh và 2 năm sau ngài tôn thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền giáo, giống như thánh Phanxicô Xavie, Tông đồ miền Viễn Đông.
 

 
Các tác phẩm của Thánh Têrêsa
Ngày 30 tháng 9 năm 1898, tức là đúng một năm sau khi Chị Têrêxa qua đời, Mẹ Agnès Chúa Giêsu và Mẹ Marie Gonzague đã cho ấn hành theo thông lệ một thư luân lưu về nữ tu quá cố và gửi tới tất cả các đan viện kín Camêlô. Chỉ khác một điều là bức thư này dày tới 476 trang. Tác phẩm đó mang tựa đề “Truyện một tâm hồn” và trở thành cuốn sách bán chạy nhất. Cuốn sách này được Mẹ Agnès soạn lại dựa trên 3 thủ bản A, B, C. Mãi tới năm 1956, cha Francois de Sante Marie mới trình bày bản phê bình, gồm các nguyên bản với phần dẫn nhập và chú thích.
+ Thủ bản A là tác phẩm được Têrêxa viết ra theo lời yêu cầu của Mẹ Agnès để kể lại những năm đầu tiên trong cuộc đời thánh nữ. “Truyện mùa xuân của một bông hoa trắng nhỏ”, do Têrêxa dùng những giờ phút rảnh rỗi giữa công việc và kinh nguyện để viết lại.
+ Thủ bản B được Thánh Nữ Têrêxa kết thúc vào trung tuần tháng 9 năm 1896: Trong một cuộc tĩnh tâm trong cô tịch, Têrêxa nhận được lá thư của chị Marie Thánh Tâm xin Têrêxa chia sẻ những ánh sáng thiêng liêng đã nhận được trong cuộc tĩnh tâm ấy. Ngay ngày hôm ấy, 13-9-1896, Têrêxa trả lời cho chị Marie, thông báo cho chị kinh nguyện dài mà Têrêxa đã viết ngày 8-9-1896 trước đó để kỷ niệm ngày khấn dòng, đồng thời kèm theo một thư dài. Thư này cùng với kinh nguyện vừa nói họp thành điều mà người ta gọi là “Thủ Bản B”. Trong thủ bản này Têrêxa cũng kể lại một giấc mơ và mô tả các mong ước, các ơn gọi mà Têrêxa ước mong được sống.
+ Thủ bản C do Têrêxa viết ra trong những tháng trước khi qua đời và lần này chị cũng viết vì đức vâng lời. Sứ mạng huynh đệ mà Têrêxa mô tả chính là một chứng tá sâu xa về đặc sủng Camêlô do Thánh Nữ Têrêxa Avila đã đề xướng khi cải tổ dòng Camêlo.
Ngoài ra, còn có các Thư của Têrêxa được công bố toàn bộ vào năm 1948, gồm 266 thư và miếng giấy nhỏ để ghi.
Các thư này được gửi cho những người thân yêu trong gia đình, 7 giáo sĩ, 3 tu huynh và hai bạn gái. Còn thiếu khoảng 60 thư Thánh Nữ Têrêxa viết cho cha giải tội và một số thư viết cho các “người anh thừa sai.” Tất cả các thư cho thấy, mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng Têrêxa đã thi hành nhiệm vụ hướng dẫn các linh hồn qua các thư từ đó.
 

 
Tập vở vàng gọi là Những Lời Sau Cùng, là tập hợp các lời cuối cùng của Têrêxa ghi lại trên cuốn vở của Mẹ Agnès. Tập này được chính Mẹ Agnès soạn lại, qua đó người ta thấy được chân dung của Thánh Nữ Têrêxa như một phụ nữ bị đóng đinh và chịu đau khổ khôn lường.
Năm 1952, cuốn Huấn dụ và Ghi niệm được công bố, rút từ những tuyên bố mà các nữ tập sinh dòng kín Camêlô ở Lisieux đã cung khai trong cuộc điều tra phong chân phước cho Têrêxa.
Thánh nữ Têrêxa cũng viết 54 bài thơ, được thu thập lại và trình bày trong ấn bản phê bình vào năm 1979. Ngày nay, sau 20 năm trời nghiên cứu, toàn bộ các tác phẩm của Thánh nữ Têrêxa đã được xuất bản theo nguyên tắc phê bình khoa học và được dịch ra các thứ tiếng.
------------------------
Lm Trần Đức Anh, OP

CÓ hay KHÔNG:

 

CHUYỆN HỎA NGỤC?
-----------------------------
 

1. Có hỏa ngục không? Sao mà ta biết nó có hay không?
2. Hỏa ngục ra sao? Để làm gì? Có câu chuyện hay hình ảnh nào cho thấy trước không?
3. Ai dựng nên nó? Thiên Chúa, ma quỷ hay ai đã tạo ra?
4. Hỏa ngục xuất hiện từ khi nào? Nó tồn tại đến bao giờ?
5. Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy gì về điều này? (xin tham khảo 1033-1037)
------------------------------
Ngày nay người ta luôn hay làm ... và thường phải lấy “hỏa ngục” (giống án tử hình trên đời) ra để răn đe, nhắc nhớ những người cố tình sống không yêu thương tha nhân, từ chối hiệp thông trong Hội thánh và quyết định dứt bỏ vĩnh viễn tương quan với tình yêu Thiên Chúa.

NHỮNG GÌ MONG MUỐN còn lại...

Sống một cuộc đời ít phiền muộn
---------------------------------------

 
Tôi vừa đọc một cuốn sách cũ, tôi đã học được nhiều bài học sâu sắc. Tôi cảm thấy nó là cách rất tốt để mọi người có thể sống một cuộc đời ít phiền muộn. Chính vì vậy, tôi muốn chia sẻ đôi điều mà tôi đã học được từ cuốn sách ấy với mọi người..!
 
1. Sự thanh tịnh nằm ở trong tâm
Cả đời làm việc, đến cuối cùng chỉ muốn bản thân được an nhàn để hưởng thụ cuộc sống. Bạn luôn muốn tìm kiếm sự thanh tịnh ở bên ngoài trong khi bạn không phát hiện rằng nó là cái mà ai cũng có thể đạt được mà chỉ cần lấy ra từ trong tâm. Nếu tâm của bạn bớt tham sân si, bớt ganh đua, ghen ghét… thì tự khắc bản thân sẽ thấy thật thanh thản và thấy đời bỗng nhẹ nhàng làm sao.
 
2. Tức giận chỉ là một cục than hồng có thể làm đau người khác, nhưng người bị bỏng đầu tiên chính là bản thân bạn
Sẽ có lúc bạn cáu gắt với mọi người nhưng bạn đâu ngờ điều đó lại làm hại chính bản thân mình. Đừng bao giờ nói bất ky` câu gì khi bạn tức giận. Người ta thường nói : “Giận quá mất khôn”. Tôi nghĩ điều đó rất đúng, bởi tôi đã từng đánh mất một người bạn của mình chỉ vì nói ra những lời nặng nề kinh khủng khi bạn đó không làm tôi vừa ý. Lúc đó, tôi làm tổn thương người ấy để bây giờ tôi đánh mất một người bạn thân.
Tha thứ cho người khác, hóa ra là đang “cởi trói” cho chính mình.” Sự tha thứ không phải là những điều mà chúng ta làm cho người khác, mà chúng ta làm cho chính chúng ta đấy thôi".
 
3. Suy nghĩ sẽ định hình con người bạn
Chúng ta nghĩ thế nào thì con người chúng ta như thế ấy. Bạn nghĩ bạn vô dụng, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì vì bạn chẳng thèm hành động. Bạn nghĩ bạn thông minh, dĩ nhiên bạn sẽ thông mình vì tự bản thân sẽ biết cách tạo nên điều đó. Chỉ cần suy nghĩ tích cực thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi! Do đó, cuộc sống cũng sẽ ít buồn phiền, vì lúc nào bạn cũng cố biến mọi thứ bạn gặp phải trong cuộc sống thành niềm vui riêng cho mình.
 
4. Biết người là thông minh, biết mình là sự giác ngộ
Chiến thắng bản thân còn hơn là chiến thắng cả ngàn trận đánh. Đó là một bài học sâu sắc mà ai cũng cần biết. Tự chinh phục tâm chính mình chính là ải lớn nhất mà con người phải trải qua. Do đó, chúng ta phải tập thiền định để hiểu về chính bản thân mình. Biết được bản thân thích gì, làm gì để thỏa mãn nó chính là cách để bạn sống vui hơn mỗi ngày.
Đừng tưởng đây là điều dễ thực hiện vì có người đã mất cả đời chỉ để làm điều này thôi đấy! Chính tôi cũng là người sẽ phải rèn luyện nhiều trong thời gian tới.
 
5. Thay thế đố ky. bằng ngưỡng mộ
Còn đố ky. thì tâm bạn sẽ còn buồn phiền. Thay vào đó, chúng ta nên đón nhận sự thành công của người khác bằng sự ngưỡng mộ. Tâm bình thản, không so đo sự thành công của người với sự chưa thành công của mình, rồi lấy cái tốt của người khác để làm gương sẽ khiến bạn dễ dàng phấn đấu mà không có sự căm phẫn. Đố ky. chỉ làm lòng người thêm nặng nề, nhơ bẩn, thậm chí vì đố ky. con người có thể biến chất, tâm không thể tự kềm chế khiến mình làm những hành động xấu xa mà đôi khi chính bản thân mình cũng không ngờ tới.
 
6. Nhân từ với tất thảy mọi người
Luôn luôn nhẹ nhàng với trẻ con, yêu thương người già, đồng cảm với người cùng khổ, nhân từ với kẻ yếu thế và người lầm lỗi. Một lúc nào đó trong đời, bạn sẽ rơi vào những hoàn cảnh đó. Động lòng trắc ẩn với mọi người, kẻ giàu cũng như người nghèo; AI CŨNG CÓ NỖI KHỔ. Có người chịu khổ nhiều, có người chịu khổ ít.
Nhân từ để yêu thương và đồng cảm với họ. Vì mỗi người có một nỗi khổ riêng chỉ có họ mới thấu. Bởi vì bạn luôn nhìn người bằng con mắt nhân từ nên đời bạn sẽ luôn đẹp. Mọi thứ đều hoàn hảo. Tâm can được thanh lọc bởi những hành động mà bạn dành cho người khác.
 
7. Tùy duyên
“Bàn tay ta vun đắp, thành bại thuộc vào duyên, Vinh nhục ai không gặp, có chi phải ưu phiền”
Bài học sâu sắc cuối cùng mà tôi đã học được chính là hãy cố hết sức mình, đến kết quả thì hãy để mọi thứ tùy duyên. Như nhà sư đã nói, cái gì của mình thì nó sẽ thuộc về mình, còn cái gì không phải thì nó mãi mãi sẽ không thuộc về mình. Vì vậy, nếu muốn nắm bắt gì đó, đặc biệt là tình yêu thì hãy để tùy duyên.
Bạn có thể cố gắng theo đuổi nhưng đôi lúc bạn cũng phải biết buông bỏ nếu mọi chuyện đã quá giới hạn và không còn khả năng cố gắng. Cứ nắm giữ chỉ làm bạn đau khổ rồi vấn vương muộn phiền sẽ là điều không thể né tránh. Tâm sẽ nhẹ nhàng nếu bạn để mọi thứ tùy duyên.
Đó là cách để bạn có thể chấp nhận cuộc sống dễ dàng hơn.
-----------------
Sưu tầm

Wednesday, October 2, 2024

Tác dụng của chườm nóng, chườm lạnh

Chườm nóng, chườm lạnh là các kỹ thuật đơn giản thường được hỗ trợ điều trị các bệnh lý. Để quá trình chườm lạnh, chườm nóng đem lại hiệu quả tốt người thực hiện cần theo dõi, quan sát để tránh những tai biến xảy ra như lạnh quá hay nóng quá, những tai biến này có thể gây bỏng cho bệnh nhân.

1. Tác dụng của chườm nóng, chườm lạnh

1.1. Tác dụng của chườm nóng

Chườm nóng có 3 tác dụng chính sau:

  • Tác dụng làm cho thân nhiệt tăng.
  • Làm giãn cơ, dây chằng và giảm kích thích thần kinh dẫn đến giảm đau.
  • Gây sung huyết cục bộ, làm tăng tuần hoàn tại chỗ, từ đó giúp quá trình liền vết thương nhanh hơn.

1. 2. Tác dụng chườm lạnh

Chườm lạnh có các tác dụng chính sau:

  • Giảm thân nhiệt.
  • Giảm đau do chấn thương cơ, dây chằng.
  • Tác dụng làm giảm sung huyết cục bộ.

Không chỉ giúp giảm đau, mà còn làm hạ thân nhiệt
Không chỉ giúp giảm đau, mà còn làm hạ thân nhiệt

2. Các phương pháp chườm nóng

Có 2 phương pháp chườm nóng là:

2.1. Chườm nóng ướt

Độ thân nhiệt sâu hơn làm cho bắp thịt đang co cứng giãn ra, tăng tuần hoàn, tăng hấp thu các chất dinh dưỡng, muối khoáng, thuốc.

Chườm nóng ướt bằng nhiều cách như: ngâm vùng cần chườm vào nước ấm, đắp parafin nóng hoặc các loại rượu quế, hồi. Khăn gạc tẩm nước nóng trong những trường hợp: vết thương hở, nhiễm khuẩn nhẹ, u nhọt.

2.2. Chườm nóng khô

Độ thân nhiệt không sâu, chủ yếu để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu có tác dụng giảm đau và tăng tuần hoàn máu ngoại vi.

Chườm nóng khô có nhiều cách như dùng lò sưởi, chai nước nóng, gạch nướng, nước nóng đổ vào túi chườm.

Chỉ định

  • Cơn đau dạ dày, gan, thận hoặc khớp.
  • Viêm thanh quản, viêm khí quản.
  • Trẻ sơ sinh thiếu tháng, người già khi trời rét.

Chống chỉ định

  • Viêm ruột thừa.
  • Đau bụng không rõ nguyên nhân.
  • Các bệnh nhiễm khuẩn nặng gây mù.
  • Viêm phúc mạc.
  • Các trường hợp xuất huyết.
  • Chấn thương 24 giờ đầu vì dễ gây chảy máu lại do giãn mạch.

2.3. Lưu ý khi chường nóng

2.3.1 Nhiệt độ chườm nóng

  • Chườm nóng khô: Nhiệt độ trung bình 41 - 43 độ C, nhiệt độ cao 50 - 60 độ C.
  • Chườm nóng ướt: Nhiệt độ trung bình 40 độ C, nhiệt độ cao 50 độ C.

2.3.2 Thời gian chườm nóng

Thời gian chườm trung bình 20 - 30 phút mỗi lần. Sau 3h mới được chườm lại lần tiếp theo bởi chườm nóng liên tục có thể làm cho da mềm, lỗ chân lông giãn ra, vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm khuẩn da, cơ...


Khi chườm nóng, chúng ta nên chú ý về thời gian để đạt hiệu quả cao
Khi chườm nóng, chúng ta nên chú ý về thời gian để đạt hiệu quả cao

3. Các phương pháp chườm lạnh

Có nhiều phương pháp như: Tắm, lau người bằng nước lạnh, chườm lạnh ướt và bằng nước đá.

3.1. Chỉ định

  • Thân nhiệt tăng cao.
  • Nhiễm khuẩn, áp xe.
  • Xuất huyết đường tiêu hóa.
  • Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp cho bệnh cường tuyến giáp.
  • Chấn thương sọ não,...

3.2. Chống chỉ định

  • Tuần hoàn cục bộ giảm hoặc bệnh nhân táo bón.
  • Thân nhiệt thấp, người già yếu.
  • Xuất huyết đường hô hấp.

4. Các biến chứng có thể gặp do chườm nóng, chườm lạnh

  • Chườm lạnh: Có thể làm giảm thân nhiệt xuống dưới mức bình thường đối với các bệnh nhân hôn mê, rối loạn ý thức.
  • Chườm nóng: Có thể gây bỏng da vùng chườm do nước quá nóng, thời gian chườm quá dài và không làm đúng quy trình.

Chườm nóng, chườm lạnh là những phương pháp trị liệu; tuy nhiên nếu không hiểu đúng mà chườm sai thì không những không hỗ trợ điều trị bệnh mà còn khiến bệnh nặng thêm.

Mọi thắc mắc cần được tư vấn quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.

Sunday, September 29, 2024

TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL, GABRIEL VÀ RAPHAEL

 

A.    Lịch Sử

Thuật ngữ Thánh Kinh dùng để gọi các thiên thần đều có nghĩa là “sứ giả.”  Theo thư Do Thái 1,14, các thiên thần là những thần linh phục vụ cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa sai họ đến với những người cần được cứu giúp.

Cựu Ước cũng gọi họ là “Các Thánh” hay là “những người con của Thiên Chúa.”  Nổi bật nhất giữa các thiên thần là các đấng Michael, Kêrubim và Sêraphim.

Michael, có nghĩa: “Ai ví bằng Thiên Chúa”

Gabriel, có nghĩa: “Sức Mạnh của Thiên Chúa” hay là “Anh hùng của Thiên Chúa

Rafael, có nghĩa: “Thiên Chúa cứu giúp

 Thánh lễ hôm nay bắt nguồn từ lễ thánh hiến Đền thờ Michael trên đường Via Salaria ở Rôma.  Ngày hôm nay cùng với Tổng lãnh thiên thần Michael, Hội Thánh cũng mừng chung hai tổng lãnh thiên thần Gabriel và Rafael.  Theo lịch xưa, các ngài được mừng vào những ngày 24.3 và 24.10. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

 B.    Ý Nghĩa...

Thánh Kinh cách chung và Tân Ước cách riêng tương đối nói ít về các thiên thần.  Trong đoạn Tin Mừng hôm nay chỉ có một câu “Các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người.”  Đây là sự tích lấy lại hình ảnh chiếc thang Giacóp, như một nhịp cầu nối trời và đất, Thiên Chúa và loài người.  Chúa Giêsu áp dụng hình ảnh này vào bản thân Ngài: Ngài cũng là trung gian giữa Thiên Chúa với loài người.  Các thiên thần góp phần tích cực vào sứ mạng trung gian ấy.

1. Micae là tổng lãnh tất cả các thiên thần.  Ngài đã lãnh đạo các thiên thần khác chiến đấu với Luxiphe.  Nhắc tới Ngài là người ta nhớ lại câu Ngài nói “Ai bằng Thiên Chúa?”

Theo sách Khải huyền của thánh Gioan thì khi ấy trên trời có một trận chiến to tát.  Một bên do Đức Micae lãnh đạo, bên kia là do Luciphe.  Micae là thiên thần dũng mãnh đã anh dũng tống cổ Luciphe và bè lũ theo hắn ra khỏi thiên đàng dưới khẩu: “AI BẰNG THIÊN CHÚA.”  Khẩu hiệu này sau đã trở thành tên của ngài.

Chúng ta hãy bắt chước Ngài: luôn trung thành với Chúa.  Mỗi khi chúng ta bị thế gian xác thịt cám dỗ muốn xa lìa Chúa, chúng ta hãy lập lại lời của Ngài:  Ai bằng Thiên Chúa?  Vâng!  Chẳng ai bằng Thiên Chúa cả.  Tiền bạc, vui sướng xác thịt, chức quyền không có gì sánh được với Thiên Chúa cả.

2. Gabriel là thiên thần truyền tin (Lc 1,19: Truyền tin cho ông Dacaria; Lc 1,26: truyền tin cho Đức Mẹ).   Ngài tuân lệnh Thiên Chúa mang sứ điệp Thiên Chúa đến cho loài người.

Tên Gabriel có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa.”

Chính đức Gabriel đã hiện ra với tiên tri Đaniel để cho Daniel biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra.  Chính đức Gabriel đã hiện ra với Giacaria báo tin cho ông biết ông sẽ sinh được một người con trai và đặt tên là Gioan.

Luca ghi lại quang cảnh cảm động này như sau: “Khi ấy ông đã trúng thăm được vào dâng hương trong đền thờ của Đức Chúa.  Sứ thần của Chúa hiện ra với ông... thấy vậy ông bối rối.  Sự sợ hãi ập xuống trên ông.  Những sứ thần bảo ông: “Này ông Giacaria, đừng sợ vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin. Bà Elizabeth vợ của ông sẽ sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan.”  Ông thưa lại: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?  Vì tôi đã già và bà nhà tôi cũng đã lớn tuổi?  Sứ thần đáp lại: “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa.  Tôi được sai đến với ông và loan báo Tin vui đó cho ông.  Và này đây ông sẽ bị câm không nói được cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không chịu tin lời tôi là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi. (Lc 1,1-20) v.v... Và sau đó mọi việc xảy ra như thế nào thì chúng ta đều đã được biết.

Rồi cũng theo Tin Mừng của Luca, sau sáu tháng, sứ thần Gabriel còn được Thiên Chúa gửi đến trần gian với một sứ mạng còn cao trọng hơn nhiều: Đó là sứ mạng truyền tin cho Đức Maria.  Nếu Giacaria đã ngỡ ngàng thì Đức Mẹ còn ngỡ ngàng hơn.  Việc của Giacaria với bà Elizabeth chỉ là việc giữa con người với con người.  Còn việc của Đức Maria là việc của Thiên Chúa: “Thánh thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng đấng tối cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế người con do bà sinh ra sẽ là thánh và được gọi là con Thiên Chúa.”

 Sau tiếng Xin vâng của Đức Mẹ cả vũ trụ đều phải nhảy mừng.  Thi sĩ Hàn mặc Tử chỉ nghĩ đến biến cố này thôi cững đã phải run rẩy mà thốt lên như thế này:

“Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel.

Khi người xuống truyền tin cho thánh nữ

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú

Người có nghe náo động cả muôn loài?”

Chúng ta hãy cám ơn Chúa vì Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trước mắt chúng ta.


 3. Raphael là vị thiên thần đã đưa đường dẫn lối cho Tôbia con, nhờ đó Tôbia bình an trong cuộc hành trình nhiều nguy hiểm, cưới được vợ hiền và chữa được bệnh cho cha già.  Trước khi từ biệt gia đình Tôbia, Ngài cho biết thêm là Ngài luôn ở trước mặt Chúa để dâng những công nghiệp của loài người lên cho Thiên Chúa.

 Cựu Ước nói về Raphael như thế này:

“Ông Tobia người Do thái thuộc chi họ Neptali bị bắt làm tôi mọi bên nước Assyria vì dân Do thái bị bại trận.  Thời gian ở đất khách quê người Tobia luôn giữ lòng trung thành làm tôi Chúa.  Ông bị tai nạn làm cho đôi mắt bị mù hoàn toàn.  Gia đình ông túng đói quá không có cách nào xoay trở.  Lúc đó ông nhớ đến món tiền trước kia ông đã cho nhà Gabelo mượn.  Ông sai người con của ông cũng có tên là Tobia - Để khỏi lầm lẫn sau này người ta gọi là Tobia-con đến nhà Gabelo để xin lại món tiền đã cho vay.  Tobia-con sẵn sàng vâng lời nhưng Tobia-con không biết đường đi.  Tổng lãnh Gabriel đã hiện ra dưới hình dạng một người thanh niên để dẫn đường.  Dọc đàng Raphael cứu Tobia-con khỏi bị cá nuốt.  Tới nơi Gabriel còn giúp cho Tobia-con cưới được vợ là Sara và đồng thời còn đòi nợ giùm cho Tobia.

 Công việc xong,Tobia-con cùng với vợ trở về nhà.  Raphael bảo cho Tobia-con lấy mật cá mà xức vào mắt cho Tobia cha.  Tobia cha được khỏi mù, mắt được sáng trở lại, cha con Tobia hết sức vui mừng.  Đứng trước những ơn mà cả nhà vừa mới được: đòi được nợ, cưới được vợ, lại khỏi bị mù cha con ông Tobia muốn lấy phân nửa số tiền đòi được để gọi là đền ơn đáp nghĩa đối với người thanh niên đã tận tình giúp đỡ gia đình mình.  Khi ấy “người thanh niên” tốt lành đó mới tỏ ra cho cha con Tobia biết mình là thiên thần của Thiên Chúa đã được sai đến để giúp đỡ gia đình ông.  Nói xong điều đó thiên thần liền biến đi.

 Câu chuyện của cha con Tobia cho chúng ta thấy Thiên Chúa hằng yêu thương chăm sóc những kẻ kính sợ Người.  Raphael có nghĩa là “THẦY THUỐC CỦA THIÊN CHÚA”

 Xin được kết thúc bằng câu chuyện thật đẹp này:

 Một tu sĩ sống cuộc đời hạnh phúc và an vui trong bốn bức tường của Tu viện.  Đời sống tu trì đã biến đổi cuộc đời và tâm hồn của ông trở nên tốt lành, đến nỗi mọi người đều gọi ngài là ông thánh nhỏ.

 Ngày nọ, đang lúc ngài đang bắt tay vào rửa chén dĩa, thì một Thiên thần hiện ra và nói:

 -       Thiên Chúa sai ta đến là để báo cho ngươi là giờ ngươi lìa đời đã đến.

Tu sĩ vẫn điềm nhiên và vui vẻ trả lời:

 -       Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?

Nói xong, Thiên thần biến đi.  Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say như quên hẳn việc gặp gỡ Thiên thần.

 Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần hiện ra.  Như đoán trước ý nghĩ của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói:

 -       Đây ngài xem, cỏ dại mọc đẩy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?

Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.

 Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra.  Lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường.  Thiên thần biến đi không nói một lời nào.  Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé đơn sơ của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện:

 -       Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài.

 Lời cầu nguyện vừa dứt, Thiên thần Chúa hiện đến; vị tu sĩ mừng rỡ:

 -       Lần này, nếu Thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc.

 Thiên thần nhìn tu sĩ với tất cả âu yếm và nói:

 -       Này ông thánh nhỏ ơi, sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu ?

 Lm. Giuse Đinh Tất Quý

Sunday, September 22, 2024

TẠI SAO THÁNH MATTHÊU CÓ HAI TÊN TRONG KINH THÁNH?

Người thu thuế nổi tiếng, Matthêu, trở thành tông đồ có thể đã được đổi tên sau khi gặp Chúa Giêsu Kitô.

Thay đổi cái tên rất có ý nghĩa trong Kinh thánh vì chúng thường báo hiệu một sứ mạng mới từ Thiên Chúa.  Ví dụ Ápram trở thành Ápraham và Simon được đổi tên thành Phêrô.

 

Một nhân vật khác trong Kinh thánh mà nhiều học giả tin rằng đã được đổi tên thành tông đồ Matthêu.  Trong Phúc âm Matthêu, người thu thuế được Chúa Giêsu Kitô kêu gọi trở thành môn đệ được đặt tên là “Matthêu” (Mt 9, 9).

Tuy nhiên, trong Tin Mừng Marcô, người thu thuế đó lại có tên là “Lêvi” (Mc 2,14).

Một số học giả tin rằng người thu thuế đó có hai tên, một tên bằng tiếng Hy Lạp (Matthêu) và tên kia bằng tiếng Do Thái (Lêvi).  Điều này rất có thể xảy ra, vì các học giả chỉ rõ Simon (Phêrô) và Saul (Phaolô) như một ví dụ điển hình, nên nó không biểu thị sự thay đổi cái tên mà là hai cái tên tồn tại trong hai ngôn ngữ khác nhau.

Tuy nhiên một số học giả khác tin rằng điều này có thể ám chỉ đến sự thay đổi tên.  Từ điển Công giáo có giải thích: “Có thể Matthêu, 'món quà của Giavê', là tên được Chúa Giêsu Kitô đặt cho người thu thuế khi Ngài kêu gọi ông làm Tông đồ, và từ đó ông được nhận biết giữa các anh em Kitô hữu của mình, Lêvi là tên ban đầu của Matthêu.

Trong thực tế, cả hai thuyết này đều có thể xảy ra.  Điều chắc chắn là sau khi ông rời bỏ công việc thu thuế của mình, ông mãi mãi được cộng đồng Kitô giáo đầu tiên gọi là “Matthêu.

Dù thế nào đi nữa, cả hai cái tên đều có khả năng truyền cảm hứng cho những suy ngẫm mang tính biểu tượng, như có thể thấy trong đoạn văn sau đây từ sách Kim Sử, một văn bản phổ biến thời Trung cổ, nó cho chúng ta biết về ý nghĩa cái tên của các vị thánh.

Matthêu có hai cái tên, Matthêu và Lêvi.  Matthêu (Matthêô) được hiểu là món quà vội vàng, hoặc là người khuyên dạy.  Hoặc tên xuất phát từ magnus - vĩ đại, và theos - Chúa, gọi là vĩ đại đối với Chúa; hoặc từ mamis - bàn tay, và theos, gọi là bàn tay của Chúa.  Thánh Matthêu là một món quà vội vã nhờ sự hoán cải nhanh chóng của ngài, là người đưa ra lời khuyên qua lời rao giảng cứu rỗi của ngài, vĩ đại đối với Thiên Chúa nhờ sự hoàn hảo của cuộc đời ngài và là bàn tay của Thiên Chúa qua việc viết phúc âm của ngài.  Tên Lêvi được hiểu như là được đưa lên, gắn vào, thêm vào, đặt vào.  Vị thánh được kéo ra khỏi công việc thu thuế, được gia nhập cộng đoàn các tông đồ, được thêm vào nhóm các nhà truyền giáo, và được xếp vào danh mục các vị tử đạo.

Trước đây ngài có thể được biết đến với cái tên “Lêvi,” nhưng kể từ khi gặp Chúa Giêsu Kitô, thế giới đã biết đến ngài với cái tên “Matthêu.

Philip Kosloski

G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ - Nguồn: https://aleteia.org/

Monday, September 16, 2024

CÁI CHẾT, ĐỨC TIN VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN SINH

 Filiz Peach

Filiz Peach giải thích tư tưởng của Martin Heidegger và Karl Jaspers về cái chết: đây là hai tác giả trong số những triết gia hiện sinh vĩ đạt nhất[1].

 

Rất ít triết gia bàn luận toàn diện về cái chết. Với những người từng đề cập thì họ chủ yếu trình bày nhận thức về sự chết. Thật vậy, tri thức duy nhất chúng ta có về sự chết là: đây là một sự kiện phổ quát mà mọi người không thể tránh. Chúng ta đều biết mình sẽ chết, và sớm hay muộn hầu hết chúng ta sẽ đối diện thực tại cái chết của bản thân. Chúng ta hãy cùng xem xét sự thay đổi thái độ về sự chết qua thời gian, sau đó hướng tới ý nghĩa của sự chết từ hai quan điểm hiện sinh của Martin Heidegger và Karl Jaspers.

Tuy nhiên, tôi muốn nói vài lời ngắn gọn và đơn giản về quan điểm tôn giáo phổ biến đối với ý nghĩa sự chết. Điều này sẽ đem đến một sự tương phản hiệu quả so với quan điểm của Heidegger và Jaspers. Theo quan điểm tôn giáo, cái chết của một người không được xem là chấm hết bởi vì linh hồn được coi là bất tử. Ví dụ, vào thời trung cổ, linh hồn được xem là “mô thức” của thân xác và cả hai được nhìn trong tính thống nhất tự nhiên. Sự thống nhất này bị phá vỡ vào lúc chết khi thân xác phân rã, trong khi linh hồn tiếp tục tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác. Dù không phổ quát, một số giáo lý quan trọng nhất về quan điểm tôn giáo phổ biến này là:

+ Hiện hữu của con người là vô hạn ở chỗ họ tiếp tục cuộc hiện sinh bên kia cái chết cả về thể xác lẫn tinh thần, tuy nhiên không phải như một linh hồn đã lìa khỏi xác.

+ Điều xảy ra sau cái chết được đánh giá cao hơn “hiện hữu tại thế” ở đây và bây giờ.

+ Niềm tin vào sự phục sinh và việc Thiên Chúa phán xét gắn liền với tầm quan trọng của những hành động cá nhân trong suốt cuộc đời. Sau cái chết, cuộc sống của cá nhân bị phán xét, người lành được ân thưởng và kẻ dữ bị trừng phạt.

+ Cuộc hiện sinh mang hai hình thức cụ thể sau cái chết, an bình trên thiên đàng hay đau khổ trong hỏa ngục.

Ở Tây phương, với sự phát triển của tri thức khoa học, đặc biệt từ thế kỷ XVII trở đi, mối quan tâm tri thức của con người đã chuyển hướng sang khoa học và công nghệ. Đấng sáng tạo, việc tạo dựng vũ trụ và vị trí trung tâm của con người mà thần học khẳng định đã bị chất vấn, và đức tin tôn giáo bắt đầu suy giảm. Sự suy yếu của niềm tin tôn giáo đã thay đổi quan điểm của con người về sự chết và ý nghĩa của nó. Càng ngày trọng tâm càng chuyển hướng sang cuộc sống “ở đây và bây giờ” khi con người trở nên bận tâm hơn với khía cạnh vật chất của thế giới dù phải trả giá về mặt tinh thần.

Với cách tiếp cận cái chết mang tính hiện sinh-hiện tượng luận, hiện-hữu-tại-thế của con người, sự vong thân và việc chấp nhận tính hữu hạn khi đối diện với cái chết trở thành những quan tâm hàng đầu của triết học.

Heidegger phân tích cái chết

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét quan điểm của Heidegger về cái chết[2]. Thật thú vị khi biết rằng Martin Heidegger (1889–1976) được nuôi dưỡng và giáo dục trong khuôn khổ tôn giáo truyền thống, tuy nhiên khuôn khổ này dường như bị loại ra trong tác phẩm Hữu thể và Thời gian [Being and Time]. Trên thực tế, tác phẩm này không đề cập rõ ràng đến Thiên Chúa. Mặc dù phân tích của Heidegger cho thấy một sự đoạn tuyệt triệt để với quan điểm truyền thống, nhưng một số khái niệm của ông chỉ đến một số ý tưởng tôn giáo, chẳng hạn như “sự sa ngã”, “sự ném ra khỏi/sự ném vào[3]”, “tội lỗi”, v.v. Heidegger đã cho ý nghĩa về cái chết một tầm quan trọng mới trong tác phẩm truy vấn hữu thể học Hữu thể và thời gian. Ông chất vấn ý nghĩa của một thực thể hiện hữu, và đưa ra một phân tích hiện sinh về Dasein (thuật ngữ ông dùng cho sự hiện hữu con người). Theo Heidegger, Hữu thể con người có thể được thiết lập trên cơ sở thuần túy hiện tượng mà không cần liên hệ đến một vị thần hay khái niệm bất tử[4].

Phân tích của Heidegger về cái chết không quan tâm đến việc con người cảm thấy thế nào khi họ sắp chết cũng như không quan tâm đến cái chết xét như một sự kiện sinh học. Trọng tâm của phân tích này là ý nghĩa hiện sinh mà cái chết “chưa đến” này có đối với cuộc sống con người, tức là hiện hữu tại thế của Dasein. Đối với Heidegger, việc hiểu hiện tượng chết đòi phải nắm bắt Hữu thể Dasein như một toàn thể. Nếu hiểu Dasein một cách hiện sinh như một tình trạng có thể [possibility], thì rõ ràng rằng Hữu thể đích thực của Dasein trong toàn thể tính của nó là “Hữu thể hướng về cái chết” [Being-towards-death/Sein-zum-Tode]. Qua việc đối mặt với cái chết, Dasein hiểu ý nghĩa của việc hiện hữu. Tiến trình phản tỉnh này là mấu chốt trong phân tích của Heidegger về cái chết. Để làm rõ quan điểm của mình về khái niệm hiện sinh về cái chết, Heidegger phân biệt hai hình thức cơ bản của Hữu thể: Hữu thể đích thực [authentic] và không đích thực [inauthentic][5].

Trong phương thức hiện hữu hàng ngày, Dasein giải thích hiện tượng chết như một sự kiện liên tục xảy ra trong thế giới. Cái chết là một “trường hợp” xảy ra cho người khác. Câu nhận xét chung là: “Cuối cùng, một trong những ngày này người ta cũng sẽ chết; nhưng hiện tại chuyện đó không liên quan gì đến chúng tôi”. Cái chết vẫn ẩn danh và nó không có mối liên hệ nào với “tôi”.

Đối diện với cái chết của chính mình hoàn toàn khác việc quan tâm đến cái chết của người khác. Cái chết của tôi nghĩa là sự chấm hết những khả thể của tôi, một sự tan rã hoàn toàn và là sự kết thúc thế giới của tôi. Nỗi sợ về cái chết của tôi đến từ nỗi sợ không còn hiện hữu như một con người. Điều này khiến tôi rất lo lắng. Tôi có thể đối mặt với cái chết của người khác nhưng có thể thấy hầu như không thể chấp nhận được cái chết của chính mình. Heidegger nói rằng Dasein không thể kinh nghiệm về cái chết của chính nó. Chừng nào Dasein còn tồn tại, nó chưa hoàn tất, nghĩa là vẫn còn một số khả thể nổi lên. Tuy nhiên, nếu Dasein chết, thì nó “không còn ở đó nữa”[6]

Vậy làm thế nào Dasein vượt qua phương thức của sự sa ngã và nâng mình lên đến tính đích thực [authenticity]? Heidegger trả lời: thông qua “Hữu thể hướng về cái chết”. Heidegger nói, có thể đạt tới tính đích thực thông qua một trạng thái tâm lý cụ thể: sự lo âu (Angst). Sự lo âu là tâm trạng khiến Dasein trước hết quay lưng lại với chính mình và sau đó bị ném trở lại để đối diện với chính mình. Để đạt được điều này, người ta phải vượt qua phương thức không đích thực hàng ngày của Hữu thể. Heidegger nói rằng sự lo âu cần thiết để Dasein hiểu sự tự do hiện sinh và những khả thể của nó. Cái chết mang một ý nghĩa hiện sinh khi người ta nhận thức cuộc hiện sinh của mình dưới ánh sáng của Hữu thể, nếu không thì cái chết chỉ hoàn toàn được xem như một sự kiện thường nghiệm sẽ xảy ra một ngày nào đó. Theo Heidegger, phân tích này cho phép chúng ta hiểu được sự hữu hạn của mình, và nhận thức này làm cho sự hiện hữu đích thực trở nên khả thi. Heidegger không đưa ra lời giải thích về chính cái chết nhưng cung cấp một [phân tích] hiện tượng luận về mối liên hệ của ta với cái chết. Triết học của ông sâu sắc nhưng u ám. Cách ông mô tả cái chết cho thấy một phương thức không-hy-vọng của Hữu thể và ông thường bị phê bình về điều này.

Ý niệm sự chết của Jaspers

Chuyển sang cách Jaspers tiếp cận sự chết, chúng ta sẽ thấy nó hoàn toàn khác với quan điểm của Heidegger. Trước hết, không giống như Heidegger, Karl Jaspers (1883–1969) không áp đặt một cấu trúc hữu thể học lên con người. Thứ đến, ông cũng không quá triệt để từ bỏ quan điểm truyền thống về sự chết. Jaspers đưa ra một khả thể cho Existenz (cuộc hiện sinh/hiện hữu) để hợp nhất vào Transcendence (Siêu việt thể), thực tại sau cùng. Điều này không nhất thiết ám chỉ tính bất tử của cá nhân cũng như không hàm ý một sự hủy diệt hoàn toàn. Mặc dù quan điểm của Jaspers về sự chết không được xem là mang tính tôn giáo, một số khái niệm hiện sinh nhất định như Existenz, Transcendence và Hữu thể làm chúng ta nhớ đến những khái niệm tôn giáo nhưng dưới một hệ thuật ngữ khác.

Ở đây có thể hữu ích để mô tả ngắn về các thuật ngữ triết học chính yếu của Jaspers, cụ thể là Dasein Existenz. Theo Jaspers, Dasein là một phương thức của Hữu thể biểu lộ mình như một cái tôi thường nghiệm mang chiều kích thời gian. Nó là một phần của thế giới nhưng không thể hiểu nó như một vật thể biệt lập. Tuy nhiên, Existenz là một cái tôi đích thực, không khách quan và tự do, vượt trên thời gian. Vì nó không phải là một thực thể khách quan nên không thể tiếp cận nó bằng truy vấn thường nghiệm. Vì rất khó đạt được sự hiện hữu đích thực, và con người thường rơi trở lại vào sự tồn tại thường nghiệm, nên Existenz hầu như vẫn là một khả thể. Dasein của Jaspers hoàn toàn khác với Dasein của Heidegger ở chỗ Dasein của Heidegger không thể vượt qua tính hữu hạn của nó.

Để hiểu quan điểm của Jaspers về sự chết, trước tiên chúng ta phải nhớ rằng theo Jaspers chúng ta luôn ở trong những tình huống. Đây là điều kiện không thể tránh khỏi của cuộc hiện sinh. Thứ đến, có bốn “tình huống giới hạn” chính [boundary situations[7]] (những tình huống này đe dọa cả cảm giác an toàn và nền tảng cuộc hiện sinh của chúng ta), trong đó quan trọng nhất là sự chết bởi vì nó biểu thị sự kết thúc “hiện hữu tại thế” của con người. Jaspers phân biệt hai ý nghĩa khác nhau của sự chết. Sự chết được nhận thức hoặc là sự chấm dứt cuộc hiện sinh như một sự kiện khách quan hoặc như một tình huống giới hạn cụ thể. Nói một cách đơn giản, thực tế cái chết rất khác với sự chết như một tình huống giới hạn. Đối diện với sự chết của chính mình là một tình huống giới hạn cụ thể và mang tính cá nhân bởi vì Existenz tự thuyết phục rằng Dasein – nền tảng cuộc hiện sinh thường nghiệm của Existenz, tức là hiện hữu qua thân xác – mang tính thời gian, nhất thời và phải kết thúc. Bất chấp sự kết thúc tồn tại thường nghiệm [empirical being] của một người, bản thân Existenz không tùy thuộc vào cái chết. Là Existenz, chúng ta quan tâm đến ý nghĩa của sự chết và cách liên hệ đến nó. Chúng ta biết rằng chúng ta phải đối diện với hư vô vì không có sự quay đầu dành cho Dasein và chúng ta phải chấp nhận điều này.

Existenz, người ta nắm bắt được sự hữu hạn của Dasein thông qua sự hiện diện liên tục của sự chết tiềm ẩn và thực tại cụ thể và tính tất yếu của nó. Người ta biết rằng mình phải đối diện sự chết với phẩm giá, chấp thuận và đón nhận nó. Jaspers nói rằng tình huống giới hạn sự chết cho thấy rằng bất cứ điều gì chúng ta làm trong tư cách là Existenz khả hữu [possible Existenz[8]] trong cuộc hiện sinh đều phải “nhìn đến sự chết”. Theo một nghĩa nào đó, cuộc sống trở nên một tiến trình liên tục học cách chết.

Jaspers nói rằng khi cái chết xảy đến với một người ta yêu thương, cuộc sống đối với người ở lại có thể trở nên một cuộc hiện sinh trần thế đầy cô đơn. Nỗi đau buồn mà chúng ta cảm nhận dẫn chúng ta vào tuyệt vọng và có thể đưa chúng ta đến tình huống giới hạn sự chết. Mặc dù cái chết hủy diệt người thân yêu trên phương diện hiện tượng, nhưng sự thông giao hiện sinh vẫn được duy trì, nó là vĩnh cửu.

Jaspers tiếp tục nói rằng con người hiểu được tính tất yếu của sự chết trong tương lai của họ và khái niệm về sự không hiện hữu. Con người nghĩ rằng chừng nào họ còn sống thì không thể kinh nghiệm cái chết của chính mình, và một khi họ không còn sống thì cũng không thể kinh nghiệm cái chết – một lập luận điển hình của phái Khoái lạc [Epicureanism]! Vì vậy, kinh nghiệm cái chết của chính mình dường như là điều không thể. Kết quả là, họ không xem cái chết là lý do đáng quan tâm. Họ lờ đi Existenz (cuộc hiện sinh) khả hữu của mình và bám vào các hoạt động trần thế của bản thân. Thay vào đó, Dasein có thể lờ đi hoàn toàn cuộc hiện sinh hàng ngày và ẩn náu trong lãnh địa hư vô hay huyền bí của nó. Đây sẽ là một cách khác để tránh những tình huống giới hạn. Vì vậy, nếu con người không thể đối diện sự chết một cách hiện sinh, thì họ hoặc là bận tâm đến những thứ trần thế hoặc là trốn thoát vào một lãnh địa huyền bí.

Những vấn đề của tính bất tử

Có một niềm tin được chấp nhận rộng rãi rằng cuộc hiện sinh vẫn tiếp tục dưới một hình thức khác sau khi chết. Niềm tin này nhìn chung gắn liền với niềm tin tôn giáo hay những kinh nghiệm “tâm linh” cá nhân. Một người có thể thoát khỏi nỗi kinh hoàng khi đối diện với sự chết nhờ niềm tin của mình. Jaspers cho rằng tính liên tục về thời gian của Dasein dưới bất kỳ hình thức nào đều là vô lý. Ông nói rằng trong tình huống này [Dasein], “nỗi sợ không hiện hữu” biến mất và “cái chết thực” chấm dứt. Tình huống này tiếp tục lại ngăn con người tìm kiếm cái tôi thật sự của mình. Tôi nghĩ rằng có một số vấn đề cần đề cập ở đây. Đầu tiên, Jaspers cho rằng mọi niềm tin vào tính bất tử của con người đều vô căn cứ và sai lầm. Thực sự không có bằng chứng thuyết phục nào – khoa học hay cách nào khác – chỉ ra rằng có bất cứ loại hiện hữu nào bên kia cái chết. Niềm tin này dựa trên đức tin. Tương tự như vậy, một số ý niệm của Jaspers như Existenz, Siêu việt thể và Hữu thể cũng dựa trên đức tin, đức tin triết học nhưng dù sao cũng là đức tin[9]. Một số khái niệm của Jaspers không thể mô tả, chứng minh được, hay theo một số người, không thể hiểu được. Tuy nhiên, chính Jaspers đã đặt toàn bộ triết học của mình trên những khái niệm này và hết lòng tin tưởng nơi chúng. Về lý thuyết, cơ sở cho niềm tin của ông không khác nhiều so với cơ sở cho niềm tin của những cá nhân tin vào tính bất tử. Sự khác biệt duy nhất, theo lập luận của Jaspers là trường hợp của ông tốt hơn và có hệ thống hơn.

Thứ đến, theo Jaspers, “niềm tin vô căn cứ” của cá nhân vào tính bất tử ngăn cản con người tìm kiếm cái tôi thật sự của mình. Tôi cho rằng con người hiểu được nỗi kinh hoàng của kinh nghiệm về cái chết bất kể niềm tin của họ là gì. Tuy nhiên, dù họ có tin vào tính bất tử đến mức độ nào đi nữa, thì sớm hay muộn khi đối diện với cái chết, họ vẫn có thể cảm thấy tuyệt vọng. Khi đối diện với cái chết, không niềm tin nào có thể đảm bảo cho cá nhân một cảm giác nhẹ nhõm hay “miễn trừ”, có thể nói như vậy.

Hơn nữa, con người không thể tìm kiếm cái tôi đích thực của mình và thực sự vượt qua con người vật lý của mình trong khuôn khổ của hệ thống niềm tin của bản thân, dù đó là thần học hay triết học. Ví dụ, những người Hồi giáo Sufi thần bí [Sufism] không cần đến những tình huống giới hạn để vượt qua con người tại thế và trở nên một với toàn thể, tức là Thiên Chúa. Họ có thể tìm thấy cái tôi đích thực bên trong họ bằng cách đạt được những cấp độ nhận thức cao hơn và hòa tan bản thân vào trong Hữu thể đó. Ý nghĩa sự chết đối với người Sufi là ý thức trở về với tính toàn thể phổ quát và trở nên Một với Thần linh. Thân xác vật lý phân hủy và tan rã khi chết nhưng ý thức cá nhân được hấp thụ vào trong thực tại sau cùng này và trở về với nguồn cội vô hạn và vĩnh cửu. Khái niệm này không khác nhiều với quan niệm của Jaspers, Existenz hòa nhập vào Siêu việt thể, thực tại sau cùng.

Chúng ta đã thấy rằng quan điểm hiện sinh của thế kỷ XX về cái chết khác biệt đáng kể so với truyền thống. Tuy nhiên, trong các phân tích của cả Heidegger và Jaspers đều có gợi ý về những ý niệm tôn giáo. Một số khái niệm hiện sinh nhất định như sự sa ngã, tiếng gọi lương tâm, tội lỗi, Siêu việt thể, Hữu thể và Existenz đều chỉ đến những khái niệm thần học dưới hình thức thế tục. Với quan điểm truyền thống, sự chết biểu thị sự kết thúc hiện hữu của chúng ta, khi đó chúng ta trải qua cuộc phán xét và tùy theo đó mà được đưa tới khả thể về một hình thức hiện hữu cao hơn. Chính quan điểm này đã được cả Heidegger và Jaspers nói đến. Heidegger im lặng trước bất cứ khả năng siêu vượt lên tính hữu hạn của Dasein; con người vốn thuộc về thế giới và cuộc hiện sinh đích thực bên trong thế giới được nhấn mạnh. Tuy nhiên, Jaspers phát triển một khái niệm vượt qua cái chết, không phải với tư cách là một con người hay Dasein nhưng là với tư cách Existenz. Tôi nghĩ điều này tương ứng với quan điểm truyền thống về sự chết, theo nghĩa từ thế giới này sang thế giới khác.

Sau khi xem xét ý nghĩa của sự chết từ những quan điểm khác nhau, thật hợp lý khi cho rằng sự chết sẽ tiếp tục có những hình thức khác nhau tùy theo thế giới quan của con người. Hiện tại, có một sự nghi ngờ chung về khả thể của một sự sống sau khi chết. Những khái niệm truyền thống về Thiên Chúa ân thưởng và trừng phạt dường như không còn phù hợp đối với nhiều người hôm nay. Chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều phải chết nhưng không chắc liệu những nhà khoa học đương thời có đúng khi cho rằng ý thức phải chấm dứt khi cơ thể chết. Chúng ta biết rằng những khái niệm vật lý đã thay đổi. Một mặt, chúng ta có thể bị thuyết phục nhưng không thể chứng minh rằng các nhà khoa học có đủ tri thức về bản chất của sự vật để khẳng định không thể có sự sống sau cái chết dưới một hình thức nào. Mặc khác, chúng ta có thể tin, nhưng một cách tương tự, không thể chứng minh rằng những hiện tượng nhất định cho thấy sự sống sau cái chết là có thể. Niềm tin vào sự sống sau cái chết sau đó mang đến một niềm an ủi và yên tâm cho mọi người nhưng bởi vì tri thức về những điều sau cùng không thể chỉ đạt được bằng lý luận, nên niềm tin đó, như Jaspers là người đầu tiên đồng ý, phải dựa trên hành vi đức tin.

Gioan Quốc Trầm chuyển ngữ từ Philosophy Now, Issue 27

(08/12/2023)

 

[1] Chủ nghĩa hiện sinh [Existentialism] nhìn chung là thứ triết học nói về cuộc hiện sinh [existence] của con người. Trong tiếng Việt, có hai từ phổ biến được dùng để chuyển dịch từ “existence”: tồn tại và hiện hữu, mang những nét nghĩa khác nhau. Từ “tồn tại” hàm ý một cuộc hiện sinh bi quan, bị động, chỉ phụ thuộc vào những nhu cầu thể lý để sinh tồn. Từ “hiện hữu” hàm ý một cuộc hiện sinh có ý nghĩa, có mục đích, một cuộc sống đích thực. Hai ý niệm khác nhau này được thể hiện trong tư tưởng của hai triết gia đang bàn ở đây: Heidegger và Karl Jaspers. Heidegger với thuật ngữ Dasein và Karl Jaspers với thuật ngữ Existenz. Đây là hai từ tiếng Đức thường dùng trong ngôn ngữ hàng ngày, nhưng được hai triết gia đưa vào những nội hàm mới và làm thành thuật ngữ riêng của mình. Ngôn ngữ tiếng Anh đều có thể chuyển dịch hai khái niệm tiếng Đức này thành “existence”, tuy nhiên đa số dịch giả vẫn giữ từ gốc ban đầu để nói lên đặc trưng của hai triết gia. Ngoài ra, cũng lưu ý những khác biệt trong triết học hữu thể của chủ nghĩa hiện sinh và siêu hình học truyền thống khi bàn đến khái niệm Hữu thể [Be và Being], nên người dịch sẽ thống nhất như sau trong bài này: existence: cuộc hiện sinh/hiện hữu/tồn tại, các từ DaseinExistenz được giữ nguyên, being: hiện hữu, Being: Hữu thể. Chú thích của người dịch [ND].

[2] Trong triết học, đặc biệt là triết ngôn ngữ, có một phạm trù gọi là “vật hóa” [reification], đó là khi người ta muốn biến những khái niệm trừu tượng thành những thực tại cụ thể. Điều này được thể hiện qua cách gọi ý niệm “sự chết” [quan điểm tôn giáo truyền thống] thành “cái chết” [như một thực thể có thể quan sát theo lối phân tích hiện tượng luận]. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, có lẽ hai từ “sự chết” và “cái chết” đã phản ánh điều mà triết Tây phương gọi là “vật hóa”. [ND].

[3] Trong triết học của Heidegger, “sự ném ra khỏi/sự ném vào” (English: thrownness, German: Geworfenheit) nói đến ý tưởng con người nhận thấy mình bên trong một thế giới mà nó không chọn lựa hay những hoàn cảnh hiện sinh mà nó không thể kiểm soát được như việc sinh ra, được nuôi dưỡng, và những điều kiện ban đầu của cuộc sống. Đây là khía cạnh nền tảng của cuộc hiện sinh, nêu bật sự thật rằng mỗi người “bị ném” vào một thế giới mà họ không kiến tạo nên, một thế giới với lịch sử, văn hóa và những quy tắc xã hội của riêng nó, và con người phải đương đầu với những thách thức và khả thể trong đó. Khái niệm này là trung tâm trong khám phá của Heidegger về bản chất của Hữu thể người [Dasein]. Chú thích của người dịch [ND].

[4] Triết học về “Hữu thể” [Being, viết hoa, như một động từ] của Heidegger cho thấy một sự thoát ly khỏi cách tiếp cận hữu thể học truyền thống vốn xem Hữu thể [Being, viết hoa, như một danh từ; so sánh với Be, một động từ – chỉ đến việc hiện hữu hay có hiện hữu [being, viết thường], hữu thể học truyền thống tập trung xác định yếu tính hay bản tính của các thực thể có hiện hữu] như một phạm trù tĩnh, phổ quát, trừu tượng. Những triết gia như Platon và Aristote thảo luận về bản chất của Hữu thể theo ý nghĩa siêu hình và bao quát này. Ngược lại, Heidegger sử dụng thuật ngữ “Hữu thể” [Being] với ý nghĩa năng động, một tiến trình mà các Hữu thể bước vào trình diện và tỏ lộ mình. Ông đã chuyển hướng sự tập chú từ yếu tính [truyền thống] của các thực thể đến cách thức mà chúng tỏ lộ mình trong hoàn cảnh hiện sinh của chúng. [ND].

[5] Theo Heidegger, đích thực tức là sống đúng với cái tôi, các giá trị và khả thể của bản thân. Nó bao hàm trách nhiệm về sự hiện hữu của bản thân và đưa ra những chọn lựa phản ánh một sự dấn thân thực sự với việc hiện hữu của chính mình. Không đích thực tức là sống một cách ức chế trước những quy chuẩn và kỳ vọng của xã hội, hay bị ảnh hưởng bởi người khác. Tính không đích thực nảy sinh khi các cá nhân đối diện với những áp lực bên ngoài, đảm nhận những vai trò không đúng với cái tôi, và đè nén tính cách cá vị của bản thân. [ND].

[6] Thuật ngữ Dasein theo nghĩa đen được dịch sang tiếng Anh là “being there” [Da: there, sein: being], nghĩa là “có đó”. [ND].

[7] Tình huống giới hạn mà Jaspers nói tới là những tình huống đặc biệt hầu như con người không thể lựa chọn như: sự cô đơn, sợ hãi, sự đau khổ, tội lỗi, và đặc biệt là sự chết. [ND].

[8] Với Jaspers, Existenz bắt đầu xuất hiện khi con người ý thức sâu xa rằng mình là một chủ thể, tức là chủ động tạo lấy nhân cách và bản lĩnh của mình. Ở đây, khoa học thường nghiệm hoàn toàn bất lực, vì Existenz là một thực tại tinh thần, nên không một máy móc, một công thức nào có thể diễn tả được. Jaspers gọi đây là “possible Existenz” để nói lên vai trò chủ động trong việc xây dựng nhân cách và định mệnh. [ND].

[9] Jaspers phân biệt “đức tin triết học” [philosophical faith] và “đức tin tôn giáo” [religious faith]. Đức tin triết học như một hình thức đức tin phi tôn giáo vượt ra khỏi những bằng chứng thường nghiệm. Nó bao hàm một cam kết tìm kiếm ý nghĩa và việc hiểu ngay cả khi đối diện với sự bất định và mơ hồ. Theo Jaspers, nó là một khía cạnh thiết yếu của Existenz. Đức tin triết học là một hình thức đức tin hoạt động trong lãnh vực truy vấn triết học. [ND].

NGUỒN: https://stellamaris.edu.vn/tin-tuc/cai-chet-duc-tin-va-chu-nghia-hien-sinh-293

 

WORLD WORLD